Văn hóa nghệ thuật

CHỊ ĐẸP, ANH TRAI TRÊN TRUYỀN HÌNH: Hết nạc vạc xương?

Phan Linh
Âm nhạc
14:09 | 03/07/2024
Xu hướng chương trình thực tế trên sóng truyền hình Việt Nam trong vài năm gần đây có hai cuộc đảo chiều đáng quan tâm.
aa

Xu hướng chương trình thực tế trên sóng truyền hình Việt Nam trong vài năm gần đây có hai cuộc đảo chiều đáng quan tâm. Một, thay vì “nhập khẩu” các định dạng (format) chủ yếu từ Mỹ thì mua bản quyền từ các nước châu Á khác hoặc tự sản xuất. Và hai, thay vì tạo ra những ngôi sao mới như trước đó thì “tái sử dụng” những ngôi sao đã và đang nổi tiếng theo kiểu “bình cũ rượu mới”.

1. Tháng 6/2024, sóng truyền hình tràn ngập các “anh trai”. Một chương trình xây dựng hình tượng các “anh trai” vượt ngàn chông gai, vốn có kịch bản gốc là Call Me By Fire xuất xứ từ Trung Quốc. Và chương trình còn lại thì có vẻ nửa ta, nửa Tây hơn là Anh trai “Say Hi”. Điểm chung của hai chương trình này nằm ở việc quy tụ khoảng 30 nam ca sĩ đã, đang nổi tiếng trong hoạt động nghệ thuật giải trí, thi thố tranh tài để tìm ra quán quân. Sự góp mặt của những Bằng Kiều, Tuấn Hưng, Tự Long bên cạnh các ngôi sao trẻ như Soobin Hoàng Sơn, Trọng Hiếu, Huy R ở chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai đã thu hút sự quan tâm của công chúng ngay từ khi công bố. Trong khi đó, Anh trai “Say Hi” cũng quy tụ hơn 30 ngôi sao nam đang hoạt động âm nhạc tích cực như Anh Tú, Erik, Phạm Anh Duy, Hieuthuhai… tạo nên sức hút không kém.

Hai chương trình về “anh trai” (dù có định dạng khác nhau) đều gây chú ý, một phần bởi thành công của gameshow gây sốt trước đó là Chị đẹp đạp gió rẽ sóng, vốn được Việt hoá từ phiên bản gốc của Trung Quốc. Không vội nói đến những chiêu trò và bê bối, chương trình này quả thực đã thu hút sự quan tâm, bàn luận của đông đảo khán giả. Sau thành công của “Chị đẹp” mùa đầu tiên, hai chương trình có cái tên na ná với phiên bản nam ra đời. Sự nối dài của việc tận dụng các định dạng truyền hình, tạo ra các biến thể mới là không hề lạ. Nếu đã có Giọng hát Việt (The Voice) dành cho đối tượng trưởng thành thì cũng có Giọng hát Việt nhí (The Voice Kids) cho đối tượng trẻ em. Điều này cũng tương tự như Vua đầu bếp (Masterchef) thì có thêm Vua đầu bếp nhí (Masterchef Junior).

Từ hiện tượng “chị đẹp”, “anh trai”, gợi ra một cuộc đảo chiều trong xu hướng truyền hình thực tế ở Việt Nam. Sau hơn 1 thập kỷ “chạy theo” các chương trình truyền hình thực tế phương Tây, nay “nhà đài” Việt Nam lại ưa chuộng các chương trình từ các nước láng giềng. Điều này cho thấy, ngành truyền hình và truyền hình thực tế châu Á đang thực sự phát triển và thu hút công chúng. Bên cạnh đó, việc các đơn vị Việt Nam mua bản quyền sản xuất các chương trình của các nước này cũng cho thấy, không chỉ người thực hiện mà khán giả cũng đang ưa chuộng các chương trình gần gũi với văn hoá Á Đông hơn.

Nếu nhìn lại những chương trình truyền hình thực tế của Việt Nam từ cách đây 10 năm, chúng ta đều thấy rằng đa số format đều được “nhập khẩu” từ Âu - Mỹ. Đa số các cuộc thi truyền hình thực tế tại Mỹ đều đã được Việt hoá. Từ Vietnam Idol (Thần tượng âm nhạc Việt Nam) đến The Voice (Giọng hát Việt), The X Factor (Nhân tố bí ẩn) - những chương trình nổi tiếng nhất về âm nhạc có mức rating cao đều được “nhập tịch” Việt Nam. Không chỉ thế, nhiều chương trình về ẩm thực (Masterchef), người mẫu (Vietnam’s Next Top Model), nhảy múa (Bước nhảy hoàn vũ), thể thao (Cuộc đua kỳ thú)... cũng từng tạo nên bao “cơn sốt” trên truyền thông.

Nhưng nay đã khác. Những chương trình truyền hình thực tế nổi nhất trên sóng truyền hình Việt Nam hiện tại chủ yếu đến từ các nước châu Á. Một chương trình cùng chủ đề nhạc rap/hiphop thu hút trên truyền hình là King of Rap, được sản xuất và phát hành dựa trên gameshow Show Me The Money của Hàn Quốc. Từ việc du nhập các chương trình của Hàn Quốc như 2 ngày 1 đêm, Running Man, Ca sĩ mặt nạ cho đến các format của Trung Quốc như Sing My Song, Chị đẹp…, Anh trai… đều tạo nên những cơn sốt nhất định. Bên cạnh các chương trình có định dạng do Việt Nam sản xuất, đáng chú ý phải kể tên như Rap Việt, Rock Việt... vẫn có những nét thu hút riêng.

CHỊ ĐẸP, ANH TRAI TRÊN TRUYỀN HÌNH: Hết nạc vạc xương?
Dàn thí sinh chương trình "Anh trai vượt ngàn chông gai"

2. Cùng với cuộc đảo chiều trong xu hướng sản xuất nội dung và tiếp thị truyền thông từ các giá trị kiểu Mỹ sang châu Á, một vấn đề then chốt khác trong thông điệp của các chương trình này cũng đang diễn ra. Trước đây, các chương trình từ Âu - Mỹ thường có chung một thông điệp “Từ số 0 đến anh hùng” (From Zero to Hero). Bất kể lĩnh vực nào, từ âm nhạc đến tạp kỹ, từ ẩm thực đến người mẫu..., các chương trình đều nhằm biến các thí sinh được cho là có nhân tố và tiềm năng trở thành quán quân ngôi sao.

Tất nhiên, để tăng phần kịch tính thì các chương trình không thể thiếu các chiêu trò. Một nhận định đã trở nên cũ kỹ rằng truyền hình thực tế chỉ toàn dàn dựng cắt ghép (edit), bê bối (scandal) hay “kịch dài tập” (drama). Bản chất đời sống của chúng ta là gì nếu không phải là kịch dài tập, với những tranh giành để khẳng định vị trí của mình?

Đáng quan tâm hơn, các chương trình truyền hình thực tế ăn khách gần đây thường có xu hướng “tái sử dụng” người đã nổi tiếng thay vì tạo ra người nổi tiếng, ngôi sao mới. Đơn cử như chương trình Ca sĩ mặt nạ thực ra là màn so giọng của những giọng ca xuất sắc vốn đã nổi tiếng. Bởi yếu tố bí ẩn (đeo mặt nạ) nên khán giả càng hào hứng đón xem ca sĩ nổi tiếng nào sẽ bị lột mặt nạ trên truyền hình.

Những chương trình truyền hình thực tế thiên về trải nghiệm và hành động như 2 ngày 1 đêm hay Running Man cũng tập hợp chủ yếu các ngôi sao đã và đang nổi tiếng. Không có anh hùng hay ngôi sao mới nào được tạo ra nhưng khán giả vẫn quan tâm, theo dõi. Gần đây nhất, hai chương trình Chị đẹp đạp gió rẽ sóngAnh trai vượt ngàn chông gai cũng sử dụng “chiến thuật” này. Việc thu hút những cái tên hàng đầu của âm nhạc đại chúng Việt Nam như Hồng Nhung, Mỹ Linh, Thu Phương, Lệ Quyên... hay ở Anh trai vượt ngàn chông gai như Bằng Kiều, rocker Hoàng Hiệp, nghệ sĩ Tự Long... không phải là tìm tài năng mới, nhưng là mang đến trải nghiệm khác cho khán giả.

Với những người tích cực, họ sẽ cho rằng các chương trình như Chị đẹp, Anh trai là cơ hội để các nghệ sĩ được tái khẳng định tài năng. Đối với những người quan sát với tư duy phê phán, những chương trình này chỉ là một dạng bình cũ rượu mới, một kiểu “hết nạc thì vạc đến xương” của ngành truyền hình thực tế, khi mọi format đã cạn kiệt, tài năng mới thì như sao thưa trong đêm mưa.

3. Nếu lấy Phụ nữ thế kỷ 21 (2006) do Việt Nam tự sản xuất hoặc Vietnam Idol - Thần tượng âm nhạc Việt Nam (2007) là hai chương trình thực tế đầu tiên, truyền hình Việt Nam đã có gần 2 thập kỷ trong lĩnh vực truyền hình thực tế. Từ việc tạo ra các ngôi sao mới trên truyền hình, thì sau 20 năm, lại đảo chiều việc phát lộ những tài năng khác của những ngôi sao đã, đang nổi tiếng. Ý tưởng và chiến lược của các đơn vị sản xuất rất ấn tượng nhưng thực tế lại không diễn ra như vậy. Các chương trình vẫn không cung cấp thêm các giá trị mới nhưng là sự thu hút và tăng trưởng, nhấn chìm công chúng trong thói quen tiêu thụ thông tin giải trí trên truyền hình.

Nhưng dù thích hay không, truyền hình thực tế đang định hình lại thế giới của chúng ta. Mỗi chương trình không phải là bản mô phỏng mà là thực tế. Ở đó, ta nhìn thấy các mối quan hệ một cách đa chiều, đầy phức tạp, cũng như tính năng động của nó.

Dù mang màu sắc thi đấu hay hài hước, các chương trình truyền hình thực tế đang tiếp tục công việc tạo ra không gian cho những ủy thác của công chúng với truyền thông đại chúng. Điều này có liên quan mật thiết với việc mờ nhạt các giao tiếp liên cá nhân (người - người trong không gian thực) mà thay vào đó là giao tiếp qua truyền thông đại chúng (chương trình nào đang thu hút, ngôi sao nào đang được bàn tán…)

Điều này cũng đồng nghĩa với việc, truyền hình thực tế tạo ra những thông tin nóng hổi để mọi người có thể theo dõi và tham gia thảo luận, duy trì việc xác định các cá nhân trong đời thống tiêu thị truyền thông ngày nay. Nhất là khi, thói quen tiêu thụ nội dung ngắn (short content) cũng như cạnh tranh với nội dung trên các nền tảng trực tuyến khác như YouTube, TikTok…

Phan Linh

Phim truyền hình về gia đình: Không phải xu hướng nhất thời Những vấn đề đặt ra từ dạy học trên truyền hình và dạy học trực tuyến Mặt trái của việc dạy Ngữ Văn trên truyền hình Cầu truyền hình “Hồ Chí Minh - Sáng ngời ý chí Việt Nam” Ngôn ngữ truyền hình suy nghĩ và kiến nghị
Dấu mốc trên hành trình tiểu thuyết

Dấu mốc trên hành trình tiểu thuyết

Baovanghe.vn - Tấn kịch ở Hạ Lỗi là tiểu thuyết thứ 6 trên hành trình tiểu thuyết của Nguyễn Nhuận Hồng Phương. Thiên truyện bắt đầu bằng cuộc hồi hương nhọc nhằn và bất đắc dĩ của thông phán Trịnh Huệ và cậu con trai Trịnh Hạ mới 7 tuổi đầu của ông.
Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ đêm 19/9 - 20/9, mưa lớn xảy ra tại khu vực từ Thanh Hóa - Quảng Trị
Báo Văn nghệ nhận Tặng thưởng của Ban Bí thư về hoạt động tuyên truyền lý luận, phê bình VHNT năm 2023

Báo Văn nghệ nhận Tặng thưởng của Ban Bí thư về hoạt động tuyên truyền lý luận, phê bình VHNT năm 2023

Baovannghe.vn - Tối ngày 19.9.2024 Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức lễ trao Tặng thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình VHNT năm 2023, tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội)
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.