Quyết định số 3117/QĐ-BVHTTDL của Bộ VHTT&DL cho biết, cơ sở 2 của Nhà hát Kịch Việt Nam sẽ được xây dựng tại số 20 đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội.
Quyết định trên do Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Tạ Quang Đông ký và ban hành.
Cơ sở 1 Nhà hát Kịch Việt Nam tại số 1 Tràng Tiền- Hà Nội |
Theo đó, Quyết định nêu rõ ngoài địa điểm được thay đổi, các nội dung khác giữ nguyên theo Quyết định số 1696/QĐ-BVHTTDL ngày 26/5/2021 và Quyết định số 199/QĐ-BVHTTDL ngày 08/02/2023. Đồng thời khẳng định, việc xây dựng mới Nhà hát Kịch Việt Nam cũng đã được đề cập trong Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Phó Thủ tướng Lê Thành Long ký và ban hành.
Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu: - Phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa quốc gia đồng bộ, hiện đại, bản sắc, hướng đến xây dựng hình ảnh quốc gia gắn với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại. - Trong đó quy hoạch đặt ra mục tiêu xây dựng mới 4 công trình trọng điểm đạt quy mô, sức chứa tối thiểu 1.200 chỗ ngồi gồm Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Kịch Việt Nam và Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. |
Chiếu theo quy hoạch, hiện Nhà hát Kịch Việt Nam đangsở hữu 1 địa điểm duy nhất tại số 1 Tràng Tiền- phía sau Nhà Hát Lớn. Tại địa điểm rạp nói trên, cơ sở vật chất được cho là nghèo nàn,với vẻn vẹn 182 chỗ (tầng 1 có 135 ghế, tầng 2 có 47 ghế). Số ghế này và quy mô nhà hát được cho là quá nghèo nàn so với vị thế của nhà hát vốn được xem là "Anh cả đỏ" của nền nghệ thuật Việt Nam. Nếu như trước đây, với quy mô dân số ít, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người dân còn khiêm tốn, thì cơ sở vật chất như trên cũng tạm để các nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật. Song, trong điều kiện kinh tế, xã hội có những bước tiến vượt bậc như hiện nay, thì nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân cũng ngày càng tăng cao. Với quy mô quá khiêm tốn như vậy, không chỉ Nhà hát không thể phục vụ được số đông khán giả mà không gian sáng tạo của người nghệ sĩ cũng bị ảnh hưởng. Trong thời hoàng kim của sân khấu, Nhà hát Lớn chính là địa điểm biểu diễn thay thế của Nhà hát Kịch Việt Nam.
Nhà hát Kịch Việt Nam (tiền thân là Đoàn Văn công Trung ương) được thành lập năm 1952 tại chiến khu Việt Bắc. Trong quá trình xây dựng và trưởng thành, đến nay Nhà hát Kịch Việt Nam đã khẳng định được vị thế “anh cả đỏ” của nền nghệ thuật sân khấu kịch nói Việt Nam. |
Như vậy, việc Nhà hát Kịch có thêm cơ sở 2, quy mô lớn sẽ mở ra một không gian sáng tạo mới cho người nghệ sĩ. Ở đó, với trang thiết bị hiện đại, cơ sở vật chất khang trang, chắc chắn sẽ hiện thực hóa được mục tiêu phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa quốc gia đồng bộ, hiện đại, bản sắc, hướng đến xây dựng hình ảnh quốc gia gắn với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại.
-----------
Bài viết cùng chuyên mục: