Tôi gọi ông là nhà (hoặc cây) tiểu thuyết mà không chút phân vân, bởi ông là tác giả của không ít bộ tiểu thuyết xứng với yêu cầu khắt khe của nó, xuất hiện vào một thời điểm đáng nhớ - đó là nửa sau thế kỷ XX, với vị trí hàng đầu là hai tập bộ Bão biển (1969), và hai tập bộ Đất mặn (1975) gối liền nhau.
Đây là những tiểu thuyết còn ít ỏi về đề tài cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên địa bàn nông thôn Bắc Bộ, trong bối cảnh cuộc chiến chống Mỹ diễn ra khốc liệt trên cả hai miền Nam - Bắc, bên cạnh một số lượng áp đảo tiểu thuyết về đề tài chiến tranh kéo dài hơn 40 năm kể từ sau 1945 đến hết thập niên 1980, từng làm vẻ vang cho văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa mà một thời dài văn học Việt Nam theo đuổi…
Cũng như mọi sáng tác thành công, Bão biển ra đời gây tranh luận sôi nổi. Mỗi giới bạn đọc, mỗi lớp người phê bình đều có những yêu cầu và yêu thích riêng. Có những cuốn sách lúc ra đời chỉ nhận được ào ạt những lời khen, rồi nhanh chóng rơi vào im lặng. Có những cuốn sách bị phê phán, hoặc lên án, nay thấy cần phải rộng lượng hơn. Bão biển không thuộc số đó, có nghĩa là dư luận không bị nhầm. Từ ngày ra mắt đến nay, trong thử thách của thời gian, trong đôi co giữa các giá trị lịch sử và hiện tại, cuốn tiểu thuyết vẫn đứng nguyên một toạ độ. Đó là cuốn tiểu thuyết thuộc trong số không nhiều cuốn, đạt một chiều sâu đáng kể trong thâm canh vào hiện thực một vùng đất, nơi tất cả những gì cấu thành màu sắc riêng, đặc thù riêng của nó, cũng đồng thời là hiện thực nông thôn Việt Nam, trong một chuyển động lớn lao và dữ dội của lịch sử.
*
Bão biển, như tên gọi của nó, gợi một ấn tượng mạnh mẽ và hùng vĩ. Và người đọc, từ tên sách vào truyện, ngay từ trang đầu, chương đầu đã không bị hẫng, hoặc nhầm. Cuộc sống một vùng nông thôn công giáo, có đất và biển, có địch và ta, có tiến bộ và lạc hậu, có mới và cũ… rõ là bề bộn, không dễ phân biệt; và trận địa ở đây không phân ranh giới. Có hai kẻ địch: một là bọn phản cách mạng đội lốt cha cố hoặc con chiên mê muội, và một là những người lạc hậu. Nhưng giữa hai loại người đó, nói như tác giả, đâu phải lúc nào cũng dễ phân biệt: “Những kẻ phản động, người xấu thường hay trà trộn với những người lạc hậu. Những người lạc hậu khi tưởng rằng mình đúng lẽ, thường có những hành động liều lĩnh, bậy bạ, đúng như ý muốn của bọn phản động”. Nhưng người viết thì không thể mơ hồ, nhầm lẫn, hoặc làm cho người đọc nhầm lẫn. Mặt khác, phê phán những con người do ngu dốt, mù quáng mà đi vào mê tín, mà có “ảo tưởng đối với hoàn cảnh”, nhưng chủ yếu là phê phán “một hoàn cảnh cần phải có ảo tưởng”**. Từ đó mà đem lại cho người đọc cái kết luận tất yếu rút ra từ cuộc sống về sự cần thiết phải tiến hành công cuộc cải tạo triệt để toàn bộ nền tảng xã hội, tức là con đường nhằm đi tới giải phóng triệt để cho con người, cả “phần xác” lẫn “phần hồn”. Kết luận ấy đã được đặt ra như một sự thôi thúc lớn, như một ám ảnh dai dẳng trên không ít số phận con người trong tập I, nhưng đáng tiếc là dần dần có xu hướng dãn ra, ở tập II, khi tác giả cho nhân vật thay đổi vị trí công tác, hoặc chuyển đổi môi trường hoạt động…
Với Bão biển, có thể nói cuộc sống đã được kết tinh trong dạng cụ thể và cô đặc; nói cách khác, đã hiện ra trong dạng của thế giới nghệ thuật đích thực. Đáng quý biết bao một tư duy khái quát, một bản lĩnh tiểu thuyết, một bút pháp dựng ở Chu Văn, nó làm cho mỗi cảnh sống ở đây sao mà sinh động, tươi rói như vừa được gạn từ đời thực ra. Lâu lắm rồi, chỉ đọc thoáng một lần, ta vẫn không sao quên được cảnh lễ đầu dòng xứ Bài Chung, với bao nhiêu chuyện chen lấn, xô đẩy, với bao nhiêu cảnh trớ trêu, chua chát hoặc tức cười. Và gắn với các cảnh đời, là các chân dung, các gương mặt người. Không kể thế giới nhân vật chính - những Tiệp, Thất, những Nhân – Ái – xơ Khuyên; những cha Hoan, cha Độ… được mô tả với không ít đường nét như khảm hoạ, ngay một số nhân vật phụ cũng trở nên thân thuộc và gắn vào ta như một ám ảnh. Một bõ Sức sống dơ dáy, khùng điên mà có lúc tỉnh táo, và chỉ nhờ vào phút đó mà hiểu ra… sự đời!... Một cụ Ba Bơ nghễnh ngãng chỉ thấp thoáng đâu đó mà làm ta nhớ cái hài hước, tếu nhộn của Suca trong Đất vỡ hoang của M.Sôlôkhốp. Một thầy dòng San gian manh, quỷ quyệt, vẻ đạo mạo mà đầy dục vọng sau cặp kính, mà chân dung đã được khắc nổi ở một cảnh săn gái và trong câu nói rất có “thần” này: “Tu hành à! Có ở trên giời không biết thế nào, chứ dưới trái đất này, anh nào cũng “mắm sốt”… tu cái con khẹc!”. Nhưng càng đáng quý là con mắt của người viết, biết từ trong cái bề bộn, sinh động của đời thực mà lẩy ra được những vấn đề có ý nghĩa, khiến cho tác phẩm không chỉ dừng là ở một bức tranh, mà là một bức tranh có hồn, có sức lôi cuốn con người nhập cuộc. Đâu phải cuốn sách chỉ cho ta biết, mà còn cho ta sống với nó, để từ sự sống mà chiêm nghiệm biết bao lẽ đời và tình người. Cũng là dạng cán bộ cơ sở, nhưng nếu ở Tiệp là tấm gương tận tuỵ, kiên định, không nhân nhượng một bước trước kẻ thù, nhưng lại có lúc mềm lòng, thiếu nhạy cảm và dũng cảm trong đón bắt hạnh phúc, để cuối cùng riêng chịu sự khổ hạnh và bất hạnh, thì ở Thất lại là một bài học về sự thiếu cảnh giác và nhu nhược, đi đến bất lực và mất hẳn khả năng điều hành cái hậu phương khá bê bối là gia đình, với bà vợ ham danh vọng, thích tâng nịnh, và nhất là với đứa con gái một, hỗn láo, đua đòi ăn diện, bị bọn xấu lợi dụng, đang sẵn sàng làm nhem nhọ mặt bố. Cũng là những con chiên ngoan đạo, nhưng đường đời và số phận của bà Hai Khoản hoặc cụ Trùm Nhâm, của Nhân và xơ Khuyên, của Nhân và Ái đâu có giống nhau.
Nói đóng góp của Chu Văn trong Bão biển tôi không nhấn mạnh về độ dài của số trang. Độ dài đó văn xuôi sớm đã có trong các tiểu thuyết của Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi… vào đầu thập niên 1960. Tôi muốn nói chiều sâu, sức đúc kết của hiện thực được phản ánh, cái nhìn sắc và bút pháp dựng, để cho cuộc sống thật sự được tái tạo y như thật, cao hơn thật.
Trở lại ý tưởng: nói tiểu thuyết trước hết là nói nhân vật. Và là nhân vật trong sự đầy đặn và sắc nét của nó. Nếu sự quan tâm của người viết không dành cho nhân vật mà dành cho một khu vực nào khác thì tác phẩm vẫn có thể lớn, có thể hay, nhưng không phải là tiểu thuyết. Trong thế giới đa thanh của Bão biển, hai nhân vật Tiệp - Thất nổi lên như một cặp đôi, vừa khác nhau vừa bổ sung cho nhau. Với Tiệp - Thất, Chu Văn đã góp vào phòng tranh văn học hiện đại một cặp chân dung, bên con số chưa nhiều chân dung gồm những Hoàng - “Tiên sư anh Tào Tháo”, A Phủ, Tuy Kiền, Út Tịch… Và riêng với Tiệp, anh bộ đội phục viên trở về quê hương, vị cán bộ chủ chốt của xã có thể xem là một nhân vật tích cực, một điển hình chính diện không sơ lược mà đầy chất sống, càng là thuộc con số hiếm của nền văn học mới, nếu đứng ở độ lùi hôm nay mà nghiêm khắc kiểm tra lại. Tiệp, như tác giả nói, được xây dựng với “gần đủ những đức tính lý tưởng”(1). Tôi nghe ý này hơi ngờ ngợ, vì không thấy khớp với văn bản Bão biển. (Và hình như tác giả cũng không nói thật lòng mình?). Ở đây rõ ràng tác giả có sự rào đón, hẳn vì ngại một sự phán xét nào đó, mà có lúc tôi cũng có được nghe loáng thoáng đâu đó, đại loại, đã là nhân vật chính diện thì “không thể có sai lầm về đường lối, không thể mất lập trường”… Nhân vật chính diện có thể phạm bất cứ điều gì, nhưng đừng có để họ vi phạm các “điều cấm” trên. Cái sự chập chờn, phân vân, nửa chấp nhận, nửa như cưỡng lại ấy thể hiện qua câu hỏi của chính tác giả đặt ra, trong một bài tâm sự về mình: “Tiệp đã xứng đáng là người anh hùng bình thường chưa? Người anh hùng cũng có thể phạm sai lầm. Nhưng phạm sai lầm và kém cảnh giác thì có nên chăng?”(2). Kinh nghiệm thực tiễn đã dư đủ căn cứ cho ta trả lời câu hỏi trên. Chê Ghêvara dấn thân vào một sự hy sinh khó tránh, nhưng đâu phải vì vậy mà Chê không còn là người anh hùng chẳng phải riêng Cuba, mà toàn châu Mỹ La Tinh? “Sai lầm về đường lối” chẳng phải là cái có thể xảy ra cho bất cứ cá nhân bình thường hoặc anh hùng nào mà là một… tập thể những… “người lãnh đạo”. Đúng là những ý nghĩ, những suy diễn xuất phát từ mong muốn, còn sự đời thì cứ ngãng ra! Cả hai nhân vật được tác giả và người đọc cực kỳ yêu mến của Sôlôkhốp trong Đất vỡ hoang là Đavưđốp và Nagunnốp đều nhận vào mình những băng đạn của kẻ thù vì đã quá mất cảnh giác; thế nhưng ai lại dám phủ định đó không phải là những nhân vật chính diện. Tiệp của Chu Văn không dứt được tình yêu với Nhân, vợ cũ của một tên biệt kích, đã trốn vào Nam, đó chẳng phải là chuyện “mất lập trường”. Anh phải bỏ trốn sang xã khác, để quên đi mối tình, rồi chết hụt – đó là cái sức cưỡng lại để cho nhân vật vẫn được là mình, và do thế, mà vẫn được là chính diện “thứ thiệt”. Tiệp đâu có đủ “những đức tính lý tưởng” như tác giả nhận xét, hoặc như ông mong muốn. Nhưng có như vậy mới là đúng, là thật; và ở Tiệp, Bão biển đã ghi nhận một chiến công của sự thật.
Lại còn Nhân, dạng nhân vật như Chu Văn nói, “khó khăn chật vật lắm mới đi đến lẽ phải”(3). Đã “khó khăn, chật vật”, thì sao lại tránh được sai lầm, sao lại có thể hạ lỗi tự phê bình: “Nhiều đoạn Nhân trở thành phản diện, đáng trách, mất cảm tình người đọc”(4). Tôi cho là, cũng như trong nhận xét về Tiệp, ở đây tác giả vẫn tiếp tục tự mâu thuẫn với mình, vì một sự e ngại nào đó. Sau này tôi chắc Chu Văn đã có thể tự mình tháo gỡ, chứ không cần nhờ ai tháo gỡ, đã có thể phê bình, chứ không cần tự phê bình: “Nhân từ bỏ hết và sẽ có điều kiện gần lại với Tiệp sau này” dẫu trước đó không lâu Nhân vẫn còn hy vọng cảm hoá được thằng chồng cũ. Cái kết thúc về “sự gần lại với Tiệp” đó chỉ mới hé ra mong manh, sau cái chết hụt của Tiệp, chứ chưa là sự thật trong Bão biển, nhưng chính nhờ đó mà Bão biển mang một dư vị lạc quan; nhờ đó, mà cuộc sống có thêm bề dày, thêm sức chở.
*
Sự phong phú về giọng điệu – cũng là một dấu hiệu cần cho tiểu thuyết. Vì đời sống vốn giàu âm điệu. Tất cả những Tiệp, Thất, Ái, Vượng; những chánh Hạp, già San, cha Khâm, cha Hoan, cha Độ; những Nhân, Ái, xơ Khuyên; những cụ Trùm Nhâm, bà Hai Khoản; những Ngật, Búp, Mẩy, mụ Hào, lái Táp; và cả những bõ Sức, Ba Bơ… cho ta cảm nhận sự đa thanh của Bão biển. Thiếu một ai trong số đó, ngay cả một nhân vật phụ như bõ Sức, Ba Bơ, như mụ Hào lẳng lơ, bán thịt chó hoặc mụ vợ Mẩy nhẫn nhục, khoẻ chịu đòn chồng… là thiếu đi một sắc màu, một giọng điệu cần thiết cho bức tranh đời chân thật và sinh động. Thiếu họ, cuốn sách sẽ mất đi sự hài hoà, sự đan cài giữa cái bi và cái hài, cái xù xì và trơn láng, cái mực thước và cái so lệch, cái cao cả và cái thấp hèn, cái nghiêm chỉnh và cái trào lộng… vốn là những mặt khác nhau, đối lập nhau, nhưng không thể thiếu được nhau làm nên dấu ấn riêng của một vùng đất, và từ dấu ấn riêng đó mà cho ta cảm nhận cái rộng lớn, cái sống động, cái lung linh của gương mặt cuộc đời.
Cuộc sống một vùng nông thôn công giáo ấy, bạn đọc đã từng có dịp làm quen, qua Xung đột (2 tập - 1959) của Nguyễn Khải. Những “xung đột” giằng xé giữa ánh sáng và bóng tối, giữa phần đạo và phần đời, hiện lên thành mảng khối ở đây đã sớm vào văn xuôi Nguyễn Khải như là chứng tích cho một sự vươn lên đầy vất vả. Như một cuộc tiếp sức, từ thôn Hỗ trong Xung đột của Nguyễn Khải, cuộc hành trình tiếp tục đưa ta xuôi về Sa Ngoại trong Bão biển của Chu Văn. Sa Ngoại có đôi bạn giống nhau và khác nhau - Tiệp và Thất; có đôi chị em thương nhau và làm khổ nhau – Nhân và Ái; có đôi bạn trải bao trắc trở mới thành vợ chồng - Vượng và Ái; có niềm khát khao hạnh phúc bị dồn nén đang mong sự giải toả, và có tâm địa của bọn quỷ dữ muốn ngang dọc tung hoành, nhưng rồi bị bóp thắt lại; có cái ồn ào của một lễ đầu dòng và tiếng súng nổ đơn độc giữa đêm khuya… Cả một bức tranh, với bao nhiêu chuyện đời sôi sục chuyển động đã vào văn – cùng dấu ấn riêng của một vùng đất. Một chuyển động vất vả nhằm hướng về ánh sáng. Một sự vất vả đến vật vã, vì ở đây có một vành đai của biển. Và có biển là có vị mặn của muối, có thêm một nghề để thử thách sự quả cảm và gân bắp con người. Có biển là có thêm một cánh cửa ngỏ, đón gió từ nhiều phương trời, cũng là thêm một sự trống trải, cho sự tung hoành của những cơn bão… Vùng đất ấy, từ trên năm thế kỷ đã phải chịu dần dần sự thâm nhập của những dị vật, một hệ tôn giáo mới đến từ phương Tây, cùng với thuốc súng và chiến thuyền. Và có dị vật là có phản ứng của cơ thể, có những cơn sốt. Cách mạng và hai cuộc kháng chiến đã rọi một ánh sáng cực mạnh, xua tan bóng đêm nhiều thế kỷ. Nhưng chưa dễ chấm hết những cơn sốt, khi dị vật còn chưa tan.
Sau Bão biển, Chu Văn viết tiếp Đất mặn (1975) như một sự theo dõi tiếp cuộc sống nông thôn vùng Thiên Chúa giáo ở giai đoạn chống Mỹ. Cuốn tiểu thuyết hai tập này có thiếu đi cái gay go, giằng néo chằng chịt của các mối xung đột, cùng là sự sống động của những gương mặt người. Nhưng để bù lại, là những cố gắng có mặt hiệu quả của Chu Văn nhằm vào xây dựng chân dung một lớp tuổi trẻ trong sự tiếp nối của các thế hệ, trước những vấn đề mới đặt ra khi đất nước lại bước vào chiến tranh. Một cuộc chiến tranh không chỉ đòi hỏi chủ nghĩa anh hùng và những hy sinh không tính toán, mà còn đòi hỏi ở mỗi người sự nâng cao phẩm chất và năng lực, tình cảm và trí tuệ - vì cách mạng đã chuyển sang một giai đoạn mới, với hai nhiệm vụ chiến lược cùng song song và xen cài: chống Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Tiếp theo Đất mặn, là Sao đổi ngôi cũng tiểu thuyết hai tập, viết xong 1980, và ra mắt 1984. Qua Sao đổi ngôi người đọc thấy hướng quan sát của Chu Văn đã chuyển sang những vấn đề mới của sự nghiệp xây dựng, của chiến tranh và hoà bình trong tình thế xen cài hoặc trong sự chuyển đổi vị trí cho nhau. Tình thế cách mạng thay đổi đòi hỏi con người sự điều chỉnh các mối quan hệ, sự chủ động đón bắt các yêu cầu mới, sự vươn lên của phẩm chất và tài năng, sự thanh toán những sức ỳ vật cản luôn luôn thay hình đổi dạng. Nếu những Vượng, Ái trước đây trong Bão biển đang còn chịu sự giành giật giữa địch và ta, và bản thân họ còn phải vất vả vượt ra khỏi bóng tối, thì thế hệ mới, với những Sơn, Xoan, Hoài, Mùi, Liễu, Mận trong Sao đổi ngôi không còn chịu sức ép nặng nề của thần quyền. Nhưng không phải nhờ vậy mà con đường đi lên của họ là thẳng băng và khoẻ nhẹ. Đặt con người trước những thử thách lớn lao của chiến tranh, đồng thời biết soi sâu vào những mặt còn mờ khuất hoặc u ám của cuộc sống, để chỉ ra những chướng ngại, Chu Văn nói với ta, cuộc sống ngay trong từng bước đi lên của nó, đang còn rất lắm vấn đề phải giải quyết, hoặc nếu chưa thể, chưa kịp giải quyết thì cũng cần gióng một hồi chuông báo động… Không né tránh những thói tệ ở chính ngay trong hàng ngũ cách mạng, không ngần ngại gợi ra những bất công và oan ức, những chuyện đáng buồn hoặc xấu hổ còn có đất sống trong chính cuộc đời hôm nay – đó là ý định dũng cảm và đáng quý ở Chu Văn, được thể hiện ít nhiều trên bộ tiểu thuyết mới này. Cố nhiên thời điểm 1975 ngăn cách hai giai đoạn cách mạng, khiến cho hai tiểu thuyết có những điểm khác biệt trong nội dung, trong âm điệu, trong phương thức diễn đạt. Từ đỉnh cao Bão biển, Chu Văn không dễ vượt mình trong Đất mặn. Để tránh cái khó ấy, ông đã tìm một cách tiếp cận hiện thực khác, hẳn còn xa mới có được sức áp sát, đào sâu và ôm trùm của Bão biển, nhưng cốt sao không bị trùm trong bóng rợp của những thành công đã có. Vượt lên Đất mặn, Sao đổi ngôi cho ta cảm nhận lại ít nhiều mùi vị và giọng điệu Bão biển: trong dồn dập đến chồng chất các chuyện đời, trong éo le của các số phận, trong cam chịu hoặc vượt lên sức đè của ngoại cảnh, trong mấp mé không dễ đánh giá giữa cái thiện và cái ác, cái đúng và cái sai… Vẫn một Chu Văn giàu chất sống và giàu bản lĩnh, không né tránh những mặt tối, những chuyện không vui. Và cũng vẫn một Chu Văn có cách nhìn sáng, không bị vướng hoặc rối trong các tình huống bi đát hoặc phức tạp.
Sau Đất mặn và Sao đổi ngôi tác giả Bão biển lại tiếp tục cho ra đời tiểu thuyết Giáp mặt (1986), như là sự theo đuổi, sự kiên trì bám sát hành trình của một vùng đất… nghịch, một vùng đất luôn gây sự, luôn có sự lạ cho người viết phải quan tâm.
Sau Giáp mặt, hai năm trước khi qua đời, Chu Văn còn kịp cho in Mây thành (1992) tập đầu của một bộ ba tiểu thuyết trong dự định của tác giả về quê hương Thái Bình của ông qua các giai đoạn lịch sử…
*
Dẫu tuổi đời chỉ mới ngoài 70, nhưng Chu Văn là một tên tuổi có kinh lịch hoạt động xã hội khá sôi nổi ngay từ trước 1945 và trong kháng chiến chống Pháp. Từng tham gia nhiều vị trí lãnh đạo văn hóa, văn nghệ Liên khu Ba, rồi Nam Định và Hà Nam Ninh, lại có vai trò chủ trì nhiều công trình nghiên cứu về danh nhân văn hóa và lịch sử, Chu Văn là một tên tuổi đáng vị nể thuộc thế hệ thứ 2 – sau thế hệ tiền chiến, của văn chương Việt hiện đại, cùng với Quang Dũng, Hoàng Cầm, Nguyễn Đình Thi, Hoàng Trung Thông… những người đến hôm nay đang lần lượt bước vào “cõi trăm năm” của nền văn chương – học thuật Việt Nam hiện đại.
________
** Ý của Các Mác trong Lời nói đầu phê phán pháp quyền Hêghen.
(1), (2), (3), (4) Mấy ý kiến về truyện dài Bão biển, Văn nghệ, số 437 (15-2-1972).
Phong Lê
Nguồn Văn nghệ số 16/2023