![]() |
Với tầm nhìn trở thành “đô thị di sản thiên niên kỷ”, trung tâm du lịch hàng đầu khu vực Đông Nam Á và là tỉnh phát triển khá trong vùng đồng bằng sông Hồng vào năm 2035, Ninh Bình đang kiến tạo một hệ sinh thái số đồng bộ, đặt con người làm trung tâm trong kỷ nguyên số hóa.
Từ sớm, tỉnh Ninh Bình đã ban hành các chủ trương quan trọng như Nghị quyết số 01-NQ/TU (ngày 20/4/2021) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 23/NQ-HĐND (ngày 03/4/2024) thông qua Đề án chuyển đổi số giai đoạn 2024-2025. Đây là hai văn bản có tính nền tảng, định hình rõ hướng đi, cách làm, nguồn lực và tầm nhìn của Ninh Bình trong công cuộc chuyển đổi số.
Các cấp, các ngành đã xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt, gắn với công tác chỉ đạo, điều hành và cải cách hành chính, từng bước đưa vào nội dung triển khai hằng quý, hằng năm. Chuyển đổi số được gắn kết chặt chẽ với cải cách thể chế, phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng phục vụ người dân.
Đến tháng 10/2024, Ninh Bình đã cơ bản hoàn thiện và đưa vào khai thác 15 nền tảng số và hệ thống thông tin dùng chung, kết nối từ cấp tỉnh đến xã, phục vụ vận hành chính quyền số. Đặc biệt, Cổng dữ liệu mở tại địa chỉ https://data.ninhbinh.gov.vn công khai hơn 1.500 bộ dữ liệu trên 11 lĩnh vực, với gần nhiều lượt truy cập - khẳng định cam kết về minh bạch hóa thông tin và nền hành chính phục vụ.
Tỉnh cũng đã triển khai hệ thống kho dữ liệu điện tử cho tổ chức, cá nhân; cấp gần 100.000 tài khoản để truy cập và sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Các cơ sở dữ liệu quan trọng như dân cư, đất đai, công chức viên chức... được xác thực liên thông với tỷ lệ trên 90%, góp phần tạo nền tảng liên kết thông tin đồng bộ, phục vụ điều hành và cải cách hành chính.
Công tác bảo mật, an toàn thông tin được triển khai theo mô hình 4 lớp, kết nối với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia. Các nhiệm vụ thuộc Đề án 06 của Chính phủ được triển khai hiệu quả, đảm bảo tiến độ và mục tiêu.
Xã Yên Hòa (huyện Yên Mô) - từ một xã thuần nông - nay đã trở thành mô hình “Làng kỹ thuật số” tiêu biểu, được Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) giới thiệu trong sáng kiến Digital Village. Người dân địa phương đã thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh, kết nối tiêu dùng nhờ nền tảng số.
Các sản phẩm như cá chạch sụn kho niêu, chuối sấy, chạch chiên... được mã hóa QR, truy xuất nguồn gốc, đưa lên sàn thương mại điện tử PostMart, Voso, giúp tăng sản lượng tiêu thụ gấp 3-4 lần so với trước. Cùng với đó, người dân được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa như Telehealth, Medici, tạo bước tiến quan trọng trong y tế số.
Không chỉ có Yên Hòa, các xã như Lạc Vân (huyện Nho Quan) cũng đang ứng dụng nhóm điều hành công việc qua nền tảng Zalo thay thế các cuộc họp truyền thống, rút ngắn thời gian, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả xử lý công vụ.
Chuyển đổi số trong lĩnh vực di sản - du lịch là một điểm nhấn rõ nét của Ninh Bình. Tại Di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, khách du lịch hiện có thể quét mã QR để nghe thuyết minh tự động bằng nhiều ngôn ngữ; các công nghệ trình chiếu 3D, Mapping, thuyết minh sinh động giúp truyền tải di sản theo cách hấp dẫn, dễ tiếp cận.
Các hoạt động văn hóa như lễ hội Nón lá Việt Nam, trình diễn làng nghề truyền thống Tam Cốc - Bích Động, show diễn cổ phục “Gấm vóc Hoa Lư”... đều ứng dụng nền tảng số trong quảng bá, truyền thông.
Hiện toàn tỉnh có 744 công chức, viên chức chuyên trách/kiêm nhiệm làm công nghệ thông tin, cùng 1.679 tổ công nghệ số cộng đồng với 8.529 thành viên - lực lượng nòng cốt đưa chuyển đổi số tới từng thôn, bản. Các chương trình tập huấn, đào tạo kỹ năng số được tổ chức rộng rãi cho cán bộ công chức, doanh nghiệp và người dân, đặc biệt chú trọng vào kỹ năng thực hành, sử dụng dịch vụ công, thương mại điện tử và ứng dụng số trong đời sống.
Tỷ lệ người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử đạt 96,2%; học sinh có học bạ số đạt 45,2%; tỷ lệ thanh toán viện phí không dùng tiền mặt đạt khoảng 28% - cho thấy xã hội số không còn là khẩu hiệu mà đã len sâu vào các dịch vụ thiết yếu.
Báo cáo PCI năm 2024 ghi nhận Ninh Bình xếp thứ 17/63 tỉnh, thành, tăng 2 bậc so với năm 2023. Đây là kết quả của chuỗi cải cách gắn chặt với dữ liệu, công nghệ và mô hình vận hành số. Các chỉ số về cải cách hành chính, môi trường đầu tư, bảo vệ môi trường và thúc đẩy thực hành xanh đều ghi nhận tiến bộ.
Tỉnh tiếp tục đặt mục tiêu hoàn thiện hạ tầng số, phát triển chính quyền số cấp xã, kinh tế số gắn với chuỗi giá trị địa phương, và hình thành văn hóa số trong cộng đồng, tiến tới mục tiêu lớn: Ninh Bình là thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2035 - nơi di sản, con người và công nghệ cùng kiến tạo nên diện mạo hiện đại, văn minh và bền vững.