Sự kiện do Cục Bản quyền tác giả, Bộ VHTT&DL tổ chức tại TP Hồ Chí Minh nhằm nắm bắt tình hình, thực trạng tổ chức các sự kiện âm nhạc tại Việt Nam và nước ngoài, các phương hướng phát triển; những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính trong quá trình các tổ chức, cá nhân thực hiện các sự kiện âm nhạc.
Đồng thời, định hướng phát triển các sự kiện âm nhạc quy mô lớn ở trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới. Ngoài ra, ghi nhận các đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đề xuất hỗ trợ từ Chính phủ, Bộ VHTT&DL, cơ quan quản lý các cấp ở trong nước và cơ quan Việt Nam ở nước ngoài trong quá trình tổ chức các sự kiện âm nhạc quy mô lớn ở Việt Nam và nước ngoài.
![]() |
Quang cảnh tọa đàm |
Tại sự kiện đối thoại, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước lắng nghe, trao đổi, chia sẻ thẳng thắn với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tiêu biểu hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc về những nội dung có liên quan kết quả đạt được và sự đóng góp của công nghiệp âm nhạc đối với phát triển văn hóa - kinh tế - xã hội nói chung, đối với phát triển các ngành công nghiệp văn hóa nói riêng. Câu chuyện bản quyền tác giả - tác phẩm, thương mại hóa sản phẩm liên quan âm nhạc; xây dựng thương hiệu; ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thúc đẩy phát triển công nghiệp âm nhạc; hợp tác công tư, thu hút đầu tư nước ngoài từ các sản phẩm âm nhạc; sự liên kết, hợp tác giữa các đơn vị trong lĩnh vực âm nhạc; quốc tế hóa văn hóa Việt Nam thông qua các sản phẩm âm nhạc… cũng được các đại diện từ Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Việt Nam, nhà sản xuất Vietnam Idol, BH Media, TikTok Việt Nam, Công ty Nam Việt Media… đề cập.
Theo Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Trần Hoàng, trong thời gian qua, các chương trình, hoạt động âm nhạc phát triển rất mạnh mẽ với nhiều thương hiệu sản xuất. Tuy nhiên, lĩnh vực âm nhạc phát triển chưa thực sự tương xứng với tiềm năng. Các vấn đề liên quan chính sách thuế, chính sách thu hút nhà đầu tư nước ngoài, cách thức liên kết, cơ chế hỗ trợ tạo điều kiện tổ chức các sự kiện lớn, truyền thông về văn hóa trả tiền khi thưởng thức tác phẩm, phát triển thị trường, phát triển sản phẩm thương mại cho các tác phẩm, chương trình… được chú trọng quan tâm. Nhà nước, các cơ quan chức năng sẽ xem xét, có những chính sách dài hạn, ngắn hạn phù hợp. Sắp tới sẽ sớm sửa đổi Nghị định 144, các văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách về tài chính để phù hợp với phương hướng phát triển công nghiệp văn hóa
Ngoài trao đổi, các đơn vị còn đề xuất tiếp tục tổ chức những tọa đàm chuyên sâu, các lớp đào tạo dài hạn và ngắn hạn cho những người hoạt động trong lĩnh vực tổ chức sự kiện âm nhạc, biểu diễn nghệ thuật…
Thực tiễn trong nhiều năm qua cho thấy âm nhạc không chỉ là phương tiện giải trí mà còn là phương tiện kết nối cộng đồng, thúc đẩy sự giao lưu văn hóa và làm phong phú thêm đời sống tinh thần công chúng. Đã đến lúc, văn hóa trả tiền thụ hưởng âm nhạc là điều cần phải được chú trọng không chỉ trong thời điểm hiện tại mà còn là định hướng của tương lai. Các đơn vị, cá nhân cần xây dựng kế hoạch hoạt động chủ động về mọi mặt, không thể trông chờ mãi vào nhà tài trợ để biến âm nhạc trở thành mũi nhọn của công nghiệp Văn hóa.