Tại Diễn đàn Lễ hội Xúc tiến du lịch và hợp tác văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc, ông Lê Minh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam đã trình bày khái quát về chính sách phát triển công nghiệp văn hóa của Việt Nam cũng như đánh giá về cơ hội hợp tác giữa hai nước.
Trong khuôn khổ sự kiện diễn ra vào chiều 1/7 tại Seoul, Hàn Quốc, ông Lê Minh Tuấn đã có bài phát biểu tổng quan về chính sách phát triển công nghiệp văn hóa của Việt Nam và cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Ông nhận định: "Công nghiệp văn hóa được nhiều quốc gia trên thế giới xác định là một trong những lĩnh vực kinh tế chủ chốt, tạo ra ưu thế cạnh tranh toàn diện, thúc đẩy sự đổi mới, cũng như tạo sự cân bằng, đa dạng cho sự phát triển toàn diện và bền vững ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam".
Ông Lê Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL Việt Nam) phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: TT&VH |
Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa là một nhiệm vụ quan trọng cần khẩn trương triển khai, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm trên cơ sở xác định và phát huy giá trị đặc sắc, tiêu biểu của nền văn hóa Việt Nam. Để thực hiện mục tiêu này, năm 2016, Việt Nam đã ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, trong đó đã xác định 12 ngành, lĩnh vực cần tập trung phát triển gồm: Quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh và du lịch văn hóa. Đến nay, từ những kết quả bước đầu đạt được trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, có thể khẳng định chủ trương, chính sách về phát triển các ngành công nghiệp văn hoá là chỉ đạo đúng đắn của Việt Nam nhằm khai thác, phát huy sức mạnh mềm của văn hóa trong đóng góp vào phát triển kinh tế, xã hội.
Quá trình tăng tốc của toàn cầu hóa văn hóa trong bối cảnh bùng nổ phát triển khoa học, công nghệ, một mặt góp phần thúc đẩy sự chuyển dịch của các trung tâm công nghiệp văn hóa trên toàn thế giới, mặt khác còn làm gia tăng cạnh tranh về tính đa dạng của các biểu đạt văn hóa. Quá trình triển khai Chiến lược đã cho thấy: các chính sách của nhà nước đã thể hiện được khả năng bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, từng bước quảng bá hình ảnh, bản sắc và gia tăng sức hấp dẫn, thuyết phục của sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam. Bên cạnh đó, những sản phẩm, dịch vụ của các ngành công nghiệp văn hóa ngày một phát triển, tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế".
Thành tựu sau 3 năm triển khai Chiến lược
Sau 03 năm Việt Nam triển khai Chiến lược, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp doanh thu khoảng 8.081 tỷ USD, đóng góp vào nền kinh tế năm 2018 ước đạt 5,82%; đến năm 2019 ước đạt 6,02%; năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng của đại dịch nên sự sụt giảm còn khoảng 4,32% và 3,92%; năm 2022 các ngành đã bắt đầu phục hồi và giá trị đóng góp có sự tăng trưởng ước đạt 4,04%. Giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam giai đoạn 2018-2022 đóng góp ước đạt 1,059 triệu tỷ đồng (44 tỷ USD).
Giai đoạn 2018-2022, bình quân 5 năm tốc độ tăng trưởng về số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa đạt 7,21%/năm; năm 2022 thống kê có khoảng 70.321 cơ sở đang hoạt động có liên quan đến ngành công nghiệp văn hoá và bình quân lực lượng lao động thu hút khoảng 1,7 triệu đến 2,3 triệu người, tăng 7,44%/năm.
Các sản phẩm, dịch vụ của ngành công nghiệp văn hóa đã có tỷ lệ giá trị gia tăng cao hơn so với chi phí sản xuất, góp phần tiết kiệm tài nguyên, phát huy và kết hợp được các yếu tố tự nhiên, văn hóa, bản sắc dân tộc và đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững đất nước. Những số liệu thống kê sau 07 năm đã khẳng định, Việt Nam còn rất nhiều dư địa cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Với đặc trưng sáng tạo và công nghệ, công nghiệp văn hóa là hướng đi mới, thậm chí tạo nên hướng đột phá trong phát triển kinh tế tri thức, kinh tế văn hóa để phát triển kinh tế theo chiều rộng và chiều sâu. Công nghiệp văn hóa đang mang đến sự thay đổi cơ cấu của các ngành có liên quan, tiếp đó là sự thay đổi cơ cấu ngành kinh tế phù hợp với quá trình chuyển đổi mô hình các đơn vị sự nghiệp văn hóa, các doanh nghiệp văn hóa, bao gồm cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ngày càng xuất hiện nhiều hơn tại Việt Nam, trong đó có nhiều doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc.
Trong các năm qua, để tạo điều kiện thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, gồm: Hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; Đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức; Chú trọng công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; Tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ; Khuyến khích các hoạt động liên kết, sáng tạo mạng lưới giữa các trung tâm công nghiệp văn hóa, các không gian văn hoá trên cả nước và kết nối với các mạng lưới sáng tạo quốc tế; Tăng cường hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế.
Song tấu đàn Đá - T’rưng "Liên khúc Tây Nguyên" do các nghệ sĩ Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam biểu diễn. Ảnh: TT&VH |
Theo ông Lê Minh Tuấn, diễn đàn lần này là dịp thuận lợi để hai bên trao đổi, hợp tác, thúc đẩy phát triển trong lĩnh vực du lịch nói riêng và công nghiệp văn hóa nói chung, một lĩnh vực rộng lớn mà cả hai quốc gia đều có nhiều tiềm năng hợp tác phát triển.
Hàn Quốc đã có những bước đi rất hiệu quả trong xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp văn hoá trên nhiều lĩnh vực, sản phẩm sáng tạo như điện ảnh, du lịch, thiết kế, nghệ thuật biểu diễn… và gặt hái được thành công vang dội, lan tỏa các giá trị văn hóa ra thế giới, Việt Nam từ lâu đã là một thị trường quan trọng, tích cực đón nhận các sản phẩm sáng tạo của nền công nghiệp văn hóa Hàn Quốc. Ví dụ trong năm 2023, ban nhạc Black Pink biểu diễn tại Hà Nội đã thu hút hàng trăm ngàn khán giả Việt Nam và quốc tế tham dự, hay các tác phẩm điện ảnh của Hàn Quốc được phát trên các kênh sóng truyền hình Việt Nam luôn được công chúng đón nhận tích cực…
Ông cũng vui mừng thông báo, trung tuần tháng 6 vừa qua Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du Lịch Việt Nam đã phối hợp với Hàn Quốc và WIPO tổ chức thành công "Hội nghị quốc tế về thực thi bản quyền trên môi trường số". Đây là hội nghị quan trọng nhằm tăng cường phối hợp và bàn các giải pháp bảo vệ bản quyền đối với các sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực công nghiệp văn hoá trên môi trường số.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam Nguyễn Văn Hùng cũng đã gặp và làm việc với nhiều cơ quan thuộc Chính phủ Hàn Quốc, đặc biệt là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc cũng như ngài Choi Young-Sam, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam để trao đổi, thông tin những kết quả tích cực đã đạt được của ngành văn hóa, thể thao và du lịch giữa hai quốc gia đồng thời mong muốn tiếp tục thúc đẩy, phát triển các ngành, lĩnh vực trong đó nhấn mạnh việc hợp tác, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là thế mạnh của Hàn Quốc và Việt Nam.
Duy An - Báo Thể Thao & Văn Hóa