Sinh năm 1980, dân tộc Ê Đê, Niê Thanh Mai hiện là Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Đăk Lăk, Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Các tác phẩm chính: Suối của rừng (Nxb. Văn hoá dân tộc, 2005), Về bên kia núi (Nxb. Văn hoá dân tộc, 2007), Ngày mai sáng rỡ (Nxb. Văn hoá dân tộc, 2010), Phía nào sương thôi rơi (Nxb. Văn học, 2021). Một số giải thưởng Văn học nghệ thuật: Giải Tạp chí Văn nghệ quân đội năm 2006 (truyện ngắn Giữa cơn mưa trắng xóa và Áo mưa trong suốt), Giải tác giả trẻ của Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2009 (tập truyện Suối của rừng)…
Dưới bóng Knia
Với những đặc thù riêng trong quá trình vận động và phát triển, đến nay, tác phẩm của các thế hệ nhà văn dân tộc thiểu số đã tạo được một diện mạo đáng kể, hình thành phong cách chung thống nhất trong đa dạng. Tuy thế, trong tương quan giữa các khu vực, văn học thiểu số Tây Nguyên vẫn còn là một mảnh đất cần đến nhiều sự khai phá mạnh mẽ.
Trong thế hệ những tác giả bước vào thời kỳ sung sức, Niê Thanh Mai là sự tiếp tục rất đáng kể, hứa hẹn một hình dung đầy đặn hơn cho đội ngũ những người viết Tây Nguyên.
Điểm thú vị của vùng đất này, cũng luôn là một vẫy gọi, khi Tây Nguyên khơi gợi cảm hứng cho nhiều thế hệ nhà văn tài danh, gắn bó và viết về nó bằng cả gan ruột. Đến hiện tại, những người con của Tây Nguyên vẫn viết về mảnh đất nhiều biến động ấy, nhưng độ an toàn vẫn rất cao, và vì thế, chưa thực sự có nhiều dấu ấn. Những đề tài quen thuộc như cuộc kháng chiến kiên cường, sự hi sinh của con người Tây Nguyên, tình yêu, phong tục… đang đòi hỏi một sự làm mới. Những hệ lụy trong công cuộc di cư và hội nhập của Tây Nguyên, những người trí thức dân tộc, sự khắc khoải đi tìm lẽ sống của những người trẻ… dường như cần nhiều tái hiện hơn nữa.
Suốt một thời gian dài, và ngay ở thời điểm hiện tại, viết mới – thoát khỏi cái bóng của những cây Knia đại thụ là cả một thách thức không dễ - điều kỳ vọng luôn mặc định đặt trên vai những tác giả trẻ. Điều đáng mừng là trong số những tác giả thuộc vào thế hệ kế cận này, Niê Thanh Mai có lối viết vững vàng, thể hiện sự bứt phá trong tư duy và tiếp cận đời sống. Truyện ngắn của chị không chỉ khai thác những đề tài như thế hệ trước, với phong tục và lối sống người Tây Nguyên, mà hướng đến sự khám phá những mảng khuất thầm kín của con người, những lối sống, những ngã rẽ và chọn lựa trước những bộn bề.
Có thể thấy, truyện ngắn là thể loại ghi được những dấu ấn đậm nét nhất của văn học khu vực này. Giai đoạn trước, văn xuôi Tây Nguyên mang cảm hứng sử thi khá rõ. Bước chuyển từ tập trung phản ánh cuộc chiến tranh của dân tộc, xây dựng con người gan góc quật cường sang khai thác cuộc sống bình dị, có mất mát đau thương, có trăn trở đi tìm cái tôi bản thể… là một nỗ lực tuy chưa đạt nhiều đột phá, nhưng đã cho thấy ý thức viết khác ở một số tác giả văn xuôi. Trong đó, thể loại truyện ngắn thể hiện được tính linh hoạt, “xung kích” hàng đầu trong việc phản ánh những cái mới, những đổi thay của cuộc sống người Tây Nguyên.
Ở những tác giả trẻ như Niê Thanh Mai, đặc điểm này được thể hiện rõ nét. Nếu như Cây thằn lằn lá xanh là một câu chuyện về sự nhàm chán, đơn điệu của cuộc sống đủ đầy nhưng vô vị, cuối cùng nhân vật cũng bứt mình khỏi sự tẻ nhạt “không cả bằng loài kiến” (tuy những trường đoạn chưa được khai thác sâu để sự lôgic của tâm trạng, hành động nhân vật được thuyết phục hơn) thì Góc núi mờ sương cũng cùng âm điệu buồn nhưng thể hiện được kỹ thuật viết chắc chắn. Đó là một câu chuyện buồn, không chỉ gói ghém một mối tình đơn phương mà còn chứa đựng trong đó cả một lối sống, sự lựa chọn, những đánh đổi và trả giá khi con người ứng xử trước hoàn cảnh. Nhân vật Miên - một cô gái đẹp, nụ cười tươi, khiến bao chàng trai trong vùng mê đắm. Một ngày, Miên mặc chiếc áo mới, không may bằng thổ cẩm Ê đê, không có hoa văn Lào, nó mỏng manh nhức mắt… và sự biến mất khỏi ngôi nhà nơi cửa sổ Miên nằm có cội mai già cằn cỗi. Nhân vật tôi “từng yêu Miên” và sự xa cách đủ dài để “bắt đầu quên Miên”. Khi một gia đình nhỏ đã đủ đầy thành viên để trở thành một tổ ấm thì Miên về, mang trong mình một hình hài nhỏ bé. Kết thúc câu chuyện là tiếng khóc lanh lảnh của đứa trẻ, lọt thỏm giữa tiếng mưa nhưng “tiếng khóc bung như hoa mai bung nở trên cội mai già”.
Lựa chọn những đề tài vừa mang nét truyền thống vừa thể hiện được sự bứt phá trong khám phá hiện thực, Niê Thanh Mai chứng tỏ được sự tìm tòi trong biểu đạt đời sống. Điều này có căn nguyên chính từ môi trường sáng tác. Ở Tây Nguyên, “quá trình phân bố lại dân cư trên địa bàn lãnh thổ nửa thế kỷ qua, nhất là từ sau 1975 tới nay, đã phá vỡ “lãnh thổ tộc người” truyền thống, tạo nên hình thái cư trú xen cài giữa các tộc người”(1). Quá trình biến đổi văn hóa như một tất yếu kéo theo nhiều hệ lụy, mới - cũ, hiện đại - cổ truyền đan xen và thâm nhập trong mọi mặt của đời sống. Sự đứt gãy của cái truyền thống tạo ra sự hẫng hụt, tiếc nuối cho con người.
Có thể thấy, sự mở rộng biên độ phản ánh của văn xuôi Tây Nguyên nói chung, truyện ngắn của Niê Thanh Mai nói riêng đã phần nào bắt được nhịp với quá trình phát triển của cuộc sống và biến đổi của đồng bào nơi đây. Truyền thống, như bóng cây Knia, luôn là điểm tựa quan trọng và có lẽ cũng là thế mạnh nổi trội khi muốn làm sống lại âm hưởng sử thi trong những sáng tác đương đại.
Tìm kiếm những mùa hoa…
Niê Thanh Mai tạo được phong cách khá đa dạng với sự thử sức nhiều mảng đề tài với lối biểu đạt có cá tính riêng, khá thống nhất. Văn phong ngắn gọn, nhịp nhanh chắc khỏe với những chuyển đổi tình tiết đột ngột, ít có sự rào đón; đan xen vào đó là những câu văn như mệnh đề, đôi lúc so sánh thú vị. Hơi thở của núi mang đến một tình yêu đẹp, dung dị dù kết cục buồn, nhưng qua đó gợi lên một thông điệp - tình yêu như hơi thở. Có lẽ ấn tượng nhất của truyện chính bởi giọng kể dễ mến, bay bổng của Niê Thanh Mai. Vẻ đẹp của Plang và con gái buôn Duntang như trăng rằm “môi nàng đỏ, tươi như bông hoa gạo đầu buôn, thân hình con gái tròn mây mẩy, bờ vai đầy”. Tình yêu đến với K’Tyn cũng giản dị, nhẹ nhàng như mặt hồ Lăk phẳng lặng “những con thuyền độc mộc bơi nhẹ nhàng như ru”… Dù tình yêu không đi được đến hạnh phúc vẹn tròn, nhưng nó đã kịp đến được bến, như con thuyền độc mộc trôi mải miết đến nơi mà nở đỏ rực thứ hoa Plang như nước mắt khóc cho tình yêu.
Cần mẫn như con ong làm mật, tìm kiếm những mùa hoa, văn của Niê Thanh Mai dường như khá chung thủy với một motif. Nỗi bất an, những khắc khoải về thân phận người luôn giúp cho độc giả tìm thấy ý nghĩa đích thực của văn chương. Niê Thanh Mai nói tiếng nói của một lớp người trẻ tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống, khát khao chống lại những tẻ nhạt quẩn quanh.
Không thấy vách ngăn như một cảnh tỉnh về sự vô vị và nguy hiểm của một cuộc sống không đam mê, không rõ ràng. Hai thái cực của hai nhân vật, đặc biệt là sự dám sống dám trải nghiệm của nhân vật Cầm, dù không cổ súy nhưng khiến tác phẩm dễ gần và dễ tìm được chia sẻ ở một bộ phận người trẻ đương thời. “Cầm mê nghề… Tôi chẳng đam mê thứ gì”. Khi nhận tin Cầm nằm bệnh viện, nhân vật tôi tới thăm, chứng kiến cái cười trong trẻo và tự tin: “Tôi bật khóc khi nhìn thấy dầu nó băng trắng toát. Tự dưng thấy sợ hãi. Tự dưng thấy thèm kiểu cười trong trẻo và tự tin của Cầm. Lâu lắm tôi không cười tự tin như thế. Ở cơ quan cũng không. Ở nhà cũng không. Tôi nghĩ mình hèn”…
Không nặng nề bởi những thông điệp lớn lao, kết thúc truyện của Niê Thanh Mai thường bỏ ngỏ, đôi khi mở ra những suy ngẫm về lẽ đời, về thân phận những con người bình dị. Sớm mai thoang thoảng là âm điệu buồn về tình mẹ con đầy ám ảnh. Sự đổ vỡ một gia đình bởi suy nghĩ lạc hậu (khi người vợ không sinh được con trai), dù truyện mở ra một cuộc đời mới cho người phụ nữ khi dứt bỏ được quá khứ buồn để tìm hạnh phúc nhưng tổn thương lại dồn cho con trẻ. Đó là cách viết khá hiện đại của Niê Thanh Mai khi đặt vấn đề, bởi sự rành mạch, sự phân rõ đúng sai tốt xấu nhiều khi chỉ như một ranh giới mong manh và đầy bất trắc.
Ấn tượng đậm nét của những trang viết ấy không đến từ thông điệp, mà đến từ giọng điệu và sự lựa chọn ngôn ngữ nhiều hình ảnh: “Mẹ không có bạn. Tôi cũng không có bạn. Hai mẹ con cặm cụi chơi với nhau”… “Tôi không thương cha vì chứng kiến cảnh mẹ khóc phía bên hông nhà. Mẹ khóc giữa ruộng rau muống. Mẹ khóc giữa luống cải xanh đã trổ ngồng, hoa vàng phơ phất giữa trời trưa nắng” (Sớm mai thoang thoảng). Ngủ quen nơi không có gió vẫn lựa chọn cách viết dù không gai góc, chỉ là những miêu tả ngắn đủ để người đọc suy ngẫm, nhưng phác ra được bi kịch một gia đình bất lương, suy đồi đạo đức; những số phận, cái chết, mối quan hệ ruột thịt tình thân đều được nhà văn đẩy lên đến những trạng thái cảm xúc mạnh mẽ. Truyện ngắn gọn, súc tích, ít đối thoại mà hầu như chỉ ấn tượng bởi giọng kể tưng tửng tưởng như vô can mà đầy mai mỉa. Bà chủ nhà “vợ lưng chừng của một ông chủ có cửa hàng thu mua nông sản lớn nhất nhì của Đăk Lăk” và “cà phê càng xuống thì tay bà lại càng nặng. Vàng đeo trĩu xuống thấy mà thương”…
Việc nghiên cứu một cách hệ thống, toàn diện về văn học dân tộc Tây Nguyên nói chung cũng như văn học trẻ khu vực này nói riêng sẽ góp phần tìm hiểu, soi sáng một bộ phận quan trọng trong bức tranh văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam. Trong quá trình nghiên cứu về khu vực văn học này, chúng tôi chú ý đến bản sắc độc đáo khác biệt với các dân tộc thiểu số khu vực khác và khác biệt với văn học dân tộc Kinh, bởi “mỗi dân tộc có đặc tính của mình, chỉ riêng mình mới có, còn các dân tộc khác thì không có”(2).
Bản sắc, có lẽ là một trong những yếu tố quyết định cho việc tạo ra sự độc đáo sống còn không chỉ riêng khu vực văn học Tây Nguyên mà của chung văn học dân tộc thiểu số. Qua những sáng tác, Tây Nguyên hùng vĩ, quyến rũ được tái hiện một cách tự nhiên nhất, sinh động nhất, bởi “các dân tộc đã ký thác vào sáng tác nghệ thuật những chiêm ngưỡng nội tâm và những biểu tượng của mình. Nghệ thuật thường là một cái chìa khóa, và ở một vài dân tộc, đó là cái chìa khóa duy nhất để tìm hiểu sự khôn ngoan, sáng suốt và tôn giáo của họ”(3).
Theo thời gian, quá trình di cư vào Tây Nguyên đã phá vỡ cấu trúc vốn có, hình thành những lai ghép về văn hóa. Thêm vào đó, một vấn đề bức thiết của văn học khu vực này là Tây Nguyên luôn bị trình hiện bằng con mắt của “kẻ khác”. Dường như thế hệ những người viết như Niê Thanh Mai đây đó là làm khác được so với thế hệ trước khi tái hiện một Tây Nguyên không nhìn bằng con mắt “kẻ khác”. Tiếng nói của những thế hệ sáng tác trẻ Tây Nguyên luôn được độc giả đợi chờ nhiều hơn thế, như những vườn hoa cà phê tháng ba hứa hẹn mùa mới cho bầy ong…
________
(1) Ngô Đức Thịnh: Văn hóa, văn hóa tộc người và văn hóa Việt Nam, Nxb KHXH, H., 2006, tr. 430.
(2) “Văn hóa là gì”, trích trong Đại bách khoa toàn thư của Liên Xô, Nxb. Sự thật, 1956; tr.7-8.
(3) Hegel: Mỹ học, tập 1. Nxb. Văn học, 1999, tr.8.
Nguồn Văn nghệ số 45/2021