Những “ngày đàng” của tôi, tuy không được bội thu, nhưng chút lượm lặt được luôn tròn trịa với người từng gắn bó.
Tôi vào ngành Văn hóa-Thông tin khi ông Xuân Đàm - Giám đốc Sở đã nghỉ hưu. NSND, đạo diễn Xuân Đàm là một trong những tên tuổi lớn của nền sân khấu đương đại Việt Nam. Ngỡ rằng mảnh đất nhỏ như điểm tì vai của chiếc đòn gánh sẽ thiếu vắng một nhà văn hóa tài năng, nhưng ngành lại được kế tục bởi nhà văn, nhà viết kịch Xuân Đức. Ông là đứa con lớn lên từ đất, lăn lóc, quăng quật ở đôi bờ Bến Hải, am tường từng hòn cuội, lạch nước ở suối nguồn. Văn hóa đất này đã thấm đến căn cốt con người ông, được chắt lọc ra bằng con chữ óng ánh trong các tác phẩm văn học. Ông cũng là tác giả của các kịch bản sân khấu quen thuộc với các nhà hát, đoàn kịch và người yêu sân khấu cả nước…
Tháng 7 năm 1996, trong một lần đi dọc con đường trung tâm qua Quảng Bình rồi tới Hà Tĩnh, neo lại trong trí nhớ của tôi là hình ảnh các đô thị còn nghèo.
![]() |
Nhà văn, nhà viết kịch Xuân Đức. Ảnh: Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật |
Nói các tỉnh còn nghèo, nhưng thực ra văn hóa lại “giàu”, mỗi tỉnh có một tư lệnh ngành tài hoa, hội đủ các “ngón nghề”. Mỗi lần ghé qua, văn hóa lại gặp văn hóa. Tới Quảng Bình gặp nhà thơ Văn Lợi; ra Hà Tĩnh có nhà thơ, nhà viết kịch Xuân Hoài; ra Nghệ An có nhạc sĩ Hồ Hữu Thới; tới Ninh Bình thì có nhà viết kịch Đăng Thanh… Và Quảng Trị có nhà văn Xuân Đức - một nhà văn quân đội, lớp đầu tiên của trường viết văn Nguyễn Du, đã được trao Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
Không phải dân gian châm biếm, hay ác cảm gì khi nói “có tài là có tật” mà đúng hơn là một sự trân quý, chấp nhận, tạo cho người tài không gian cống hiến.
Đã lái xe cho ông hơn mười năm thì không còn khó khăn nào trong nghề mà không vượt qua khỏi. Đến cả vừa lái xe vừa nghe ông đọc bản thảo, vừa lái xe vừa nghe ông khai thác tâm lý; biết thức khuya dậy sớm, biết pha trà, biết chọn món ăn… tóm lại là đảm! Nhà văn, họ đã viết thì nhu cầu nói chuyện rất lớn, nếu đúng mạch văn của họ, có lúc sa lầy giữa một rừng chữ nghĩa, mục đích cũng chỉ là khai thác người khác, dẫn dắt tâm lý người khác vào câu chuyện của mình. Đã vậy, bất kể thời gian, địa điểm nào cũng cần nhu cầu sáng tác. Vì thế, đã nghe thì cố hiểu, mà đã hiểu thì phải đóng vai người biết - đây là thử thách khó nhất của anh lái xe cho người tài. Bởi vậy mà vào một sáng tháng 5, tôi đưa NSND Thu Hiền trở lại sân bay sau khi cô hoàn thành ca khúc Quảng Trị yêu thương trong chương trình nghệ thuật kỷ niệm ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị (1/5). Cô hỏi tôi: Em có biết Không thơm cũng thể hương đàn/ Không trong cũng thể nước nguồn Hàn chảy ra thì hương đàn là gì? Tôi không chịu để người khác nghĩ, văn hóa quê mình mà mình không biết thì xấu hổ lắm, rồi bịa: “Dạ đó là mùi trầm hương, như thiên tử dùng ở đàn Nam Giao”. Thực ra, câu ca này bắt nguồn từ dòng Thạch Hãn mặn mà giọt mồ hôi, chảy về Cửa Việt hòa cùng đại dương. Trong tập Non Mai sông Hãn do Sở Văn hóa Thông tin xuất bản năm 1999 cũng xác định “Ấy là nhựa sống, ấy là long mạch, là nguyên khí của mảnh đất này. Ấy là tâm hồn, là cốt cách và tài hoa của con người Quảng Trị”. Vì thế mới ví như hương của loài huỳnh đàn ngào ngạt. Tôi về hỏi giám đốc là giải thích như thế đúng chưa, ông nhìn người tài xế của mình cười đầy cảm thông, nói: Hương đàn là hương cây bạch đàn!
“Cái tật” đi với “cái tài” của ông chính là “tật” tư duy nghề nghiệp.
Chiếc xe tôi lái ngoài là phương tiện phục vụ ông, nó còn như một nhân chứng: trong xe luôn có một cây thuốc Jet; bộ ấm chén và gói trà… Từ nhà ra Thủ đô, trong hộc đựng tàn, có thời điểm lên tới gần hai mươi tàn thuốc và không được hé kính xuống! Còn bộ ấm chén, đó là một trong nhiều chi tiết phục vụ. Vốn là đứa sạch sẽ, mỗi lần uống trà xong là tôi kì cọ cho màu sứ bóng lên mới thôi, ông thấy liền nói, để rứa, để rứa, uống trà mà sạch quá thì đúng nhà quê! Từ đó bộ ấm chén úa dần, nó phong trần như mấy ông nhà văn. Thằng non choẹt như tôi, nghệt mặt nghe ông luận về trà nạm, trà bốc, trà nhón, trà ba ngón, trà hai ngón, rồi trà một ngón. Khi nói về các nạm và ngón thì tôi đã hiểu ngụ ý của các cụ xưa thưởng trà - cứ trà nhạt thì phải vốc một lượng lớn mới đậm, còn ngược lại thì cũng trình tự giảm dần của ngón tay. Nhưng chỉ còn loại một ngón thì tôi rất tò mò: Ông đưa một ngón tay lè lưỡi, quệt một chút nước bọt rồi xỏ vào lọ đựng trà. Ông rút ngón tay ra, mấy sợi trà cong queo dính đầu ngón, giọng ông tỉnh bơ “Rứa thôi!” làm tôi hiểu ngụ ý của tên gọi.
Nhưng đó mới chỉ là những sở thích nho nhỏ, cái sở thích này mới đáng kể: Ai đời, ra giữa Thủ đô mà gợi ý tài xế tìm một khách sạn yên tĩnh, khi ngủ dậy có tiếng gà gáy! Biết tìm mô ra sự yên tĩnh, tiếng gà gáy trưa, gáy sáng giữa Thủ đô tấp nập này!
Tác phẩm văn học của ông thường nhắc tới rừng, vì ông là nhà văn quân đội, phần nhiều chất liệu viết đều từ âm thanh của tiếng vọng xa xôi nơi cánh rừng nào đó, hay từ bóng tối của một đêm rừng u tịch, hay từ con suối róc rách cùng động đậy của đại ngàn… hoặc ở ngôi làng nơi bìa rừng có ngoằn ngoèo làn khói trắng bay lên… Rất cần một tiếng gà, kể cả bây giờ đang ở giữa Thủ đô sầm uất. Mà trong các tiểu thuyết như Cửa gió, Người không mang họ, Những mảnh làng, Tượng đồng đen một chân, Bến đò xưa lặng lẽ… đều đậm đà, gần gũi những điều giản dị.
Tôi đun nước pha trà để sẵn, khi ông ngả lưng trên ghế, chân gác qua thành giường, tay cầm quyển sách thì tôi lẻn ra ngoài. Chị phục vụ chỉ cho, dưới chân cầu Long Biên có chợ gà quê lên bán. Đến đó tôi mua một chú gà trống bị nhốt trong lồng mà vẫn gáy, nhìn nó gáy mà thương, như đang gọi ai đó, hay là gọi bạn gái! Tôi cảm thông rồi chọn nó, có ý thực hiện xong nhiệm vụ sẽ thả chú trống ra cho chạy về đoàn tụ với chú bạn gà rầu rĩ thôi cục tác! Để nghe tiếng gáy rõ, tôi bí mật nhốt ngay ngoài cửa sổ cạnh giường ông. Tôi đâu dám khoe thành tích đi mua gà, mà tự sướng vì mình vừa hoàn thành một nhiệm vụ hết sức khó khăn. Oái oăm! Mới gần nửa đêm mà nó đã gáy toe toe, trước thì ông ngạc nhiên, ông còn nói, cầu được ước thấy! Ông tủm tỉm đắc ý, Hà Nội mà cũng có gà gáy! Tỏ vẻ hưng phấn lắm! Thế nhưng nó gáy cả đêm, ông không ngủ được. Họa tới rồi! Nó nhớ bồ nó chứ có làm chức năng gáy trưa, gáy sáng nữa đâu. Tôi lẹc lẹc đi dời nó ra xa cửa sổ. Thế mà khi trời sáng thấy trong lồng một nhúm lông và dấu vết xô xát, làm tôi bùi ngùi về cảnh đoàn tụ của hai chú trống mái!
Cái tật nó bật ra cái ý - đó là các tác phẩm văn học để đời.
Có lần tôi về làng “Vũ Đại” xưa ở huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, nơi có bối cảnh hình thành truyện ngắn Chí Phèo nổi tiếng của nhà văn Nam Cao. Không ngờ từ những hình ảnh sinh động trong tác phẩm văn học lại bước ra ngoài đời trực quan đến thế! Mới biết ở đây, văn học gánh cả vai trò lịch sử và lưu giữ được phong vị văn hóa đậm đà của một miền quê mộc mạc, không thể lẫn với nơi nào. Vườn chuối, ngôi nhà của Bá Kiến, cái khung cửi, hay một bát cháo hành quen thuộc…, cả cái lò gạch ngoài đồng hoang, hôm nay trở thành sản phẩm du lịch thu hút khách thập phương.
Tôi nghĩ về những tác phẩm văn học của ông, như tiểu thuyết Người không mang họ, được dựng thành bộ phim dài tập, ở đó có bao nhiêu tên đất tên làng, bao nhiêu bến nước dòng sông và nhiều phận người gắn liền với mảnh đất một thời đau thương… liệu có đủ hấp dẫn để tái hiện một bối cảnh lịch sử. Trong “Bến đò xưa lặng lẽ, ông cũng sử dụng những địa danh khá rõ ràng, như thể không phải sáng tác văn, không phải hư cấu, như: sông Bến Hải, bến đò Hói Cụ, nhà dòng Phước Sơn, làng Quách Xá, xứ Cồn Tiên… và cả những tình tiết có thật chấn động một thời… làm cho mảnh đất tưởng bị bom đạn chiến tranh xóa sạch bừng lên nguyên vẹn.
Tôi lấy xuống khỏi giá những quyển sách của ông, lời đề tặng còn nguyên màu mực. Ở đó gặp cuộc đời của tác giả là một nốt trầm lặng lẽ, bắt nguồn từ thuở ấu thơ rồi theo ông vào cuộc kháng chiến cứu quốc cho tới ngày hòa bình và phát triển. Ông ám ảnh âm thanh của chiến tranh; của thế giới hiện đại ồn ào, náo nhiệt. Ông dằn vặt sự thiếu hụt và phức tạp quanh đời. Chữ nghĩa, ngôn từ tuy nhỏ bé nhưng có khi làm bật ngược tốc độ ngược đời của ai đó, bộ phận nào đó, khựng lại, nắn vào quy củ: “Dòng nước không thể chảy ngược, con sông cứ phải xuôi về biển, đá cuội vẫn lặn xuống đáy dòng, và những bến đò hoang sơ như bến xưa Hói Cụ ấy vẫn muôn đời tĩnh lặng hệt như bản năng con người thuở ban mai, trong trắng và sạch sẽ vô ngần” (Bến đò xưa lặng lẽ).
Ông muốn tác phẩm của mình - thông điệp từ trong những cuốn sách xuất hiện ở khắp nơi với nhiều thứ tiếng, nhưng còn đó, dở dang! Cuối cùng người nhận “Chứng chỉ thời gian” rồi quay về với “Bến đò xưa lặng lẽ”!
Chẳng hiểu sao mà tôi liên tưởng tới lời văn hay trong một bản dịch của tiểu thuyết Tiếng chim hót trong bụi mận gai để kết thúc bài viết: “Khi vừa rời tổ, nó bay đi tìm một bụi mận gai duy nhất, và khi tìm thấy, nó lao mình vào nhánh gai sắc nhất. Khi gai đâm xuyên tim, nó cất lên bài ca hay nhất cuộc đời, một khúc ca làm rung động cả đất trời. Nhưng chỉ sau khoảnh khắc ấy, nó lịm đi, bỏ lại phía sau vẻ đẹp vô song của tiếng hót”. Có lẽ do tôi trân quý tài năng và sự cống hiến của ông! Khi sự tồn tại hữu hạn của một con người nằm bên cạnh những giá trị văn hóa mà mình để lại, thì thứ còn lại đó cũng như âm thanh trong trẻo, vang vọng nhất.