- Tâm tư thật khó giãi bày
Gửi em trang giấy viết đầy trắng tinh
- Gồng mình lên để nói không
Chi bằng nói có cho lòng nhẹ vơi
Cũng như nhiều người viết khác, khởi đầu bằng thể thơ dân tộc, nhưng ngay lần đầu xuất hiện ấy, thơ anh đã tạo được sự chú ý của độc giả, khiến nhà thơ Trần Mạnh Hảo phải cầm bút để… “thức cùng bóng tối”.
11 năm đã đi qua, 16 tập thơ đã ra đời, Nguyễn Việt Anh đã đi được chặng đường dài trong thơ mình. Ở tuổi 43, đó là con số biết nói. Nhưng điều quan trọng, số lượng song hành với chất lượng. Một nhà thơ trẻ nhiều nội lực và luôn luôn khát vọng trong sáng tạo. Thật trân quý với một người thơ có số phận không may mắn.
Năm 15 tuổi, sau một tai nạn, Nguyễn Việt Anh thành người khiếm thị. Với anh, 15 năm đầu đời ấy trở thành ký ức của ánh sáng. Phải chăng đó là điểm tựa cho tưởng tượng trong thơ sau này. “Thức cùng bóng tối”, chàng trai phố cổ tìm đến với thơ và “thức cùng tưởng tượng”. Đam mê đọc, đam mê viết. Trên con đường đầy thử thách ấy, anh có nhiều người bạn. Trong những năm đầu, bà nội vừa là “người bạn lớn”, vừa là “người thư ký”. Sau đó là những bạn học cũ và các bạn sinh viên. Trong sáng, nhiệt tình và đồng điệu, họ đến với anh, đọc cho anh nghe rất nhiều tác phẩm văn học trong nước và thế giới mà anh đã mua, hoặc mượn từ nhiều nguồn. Sau này khi có thư viện sách nói, hầu như ngày nào anh cũng dành thời gian để nghe đọc. Phải chăng vì thế, trong sáng tác, bên cạnh xu hướng hiện đại/ đương đại, một số bài thơ của anh chịu ảnh hưởng của “mùa cổ điển”.
Không chỉ dừng lại và trầm mình trong sách vở, Nguyễn Việt Anh tâm sự, mỗi lần bước ra từ ngôi nhà nhỏ của gia đình, thanh âm cuộc sống như tràn vào anh, như náo níu vẫy gọi. Anh lắng nghe và đón nhận tất cả. Tiếng còi tàu, tiếng gọi nhau, hình như có cả tiếng nói tâm tình đâu đó…
|
Thơ Nguyễn Việt Anh thường hướng thượng, hướng tới điều tốt đẹp thanh cao. Dẫu có Vác trên vai cây thập giá tình yêu/ Vẫn ngước lên cao ánh mắt tín điều. Thay vì cứ ngồi mãi trong bóng tối/ Anh dốc cạn trái tim tươi rói/ Sống hết mình cho khát vọng tình yêu. Thậm chí dẫu “chỉ tồn tại trong tưởng tượng”, nhưng tình yêu đã “viết nên nhau thành cổ tích cuộc đời”. Hoài Phương, người bạn thơ, đã nhận xét: “Đức tin, tình yêu và thơ, tất cả hòa quyện vào nhau làm nên trụ cột tinh thần cho thơ Nguyễn Việt Anh”.
Có thể nói, tuy dùng nhiều thể loại để sáng tác, nhưng lục bát phù hợp với tạng người, tạng thơ Nguyễn Việt Anh hơn cả. Trong đội ngũ trùng điệp lục bát, có mấy ai đủ bản lĩnh, bản sắc để không bị mất hút trong hàng bóng ấy. Một tập thơ lục bát toàn tính, nếu độc giả đọc đến bài cuối cùng, tôi nghĩ rằng đó đã là thành công ở một phương diện nào đó.
Thơ không chỉ là niềm vui sống, còn là khát vọng vươn tới. Với Nguyễn Việt Anh, khái niệm ngày và đêm chỉ mang tính tương đối. Cô đơn là sự ám ảnh lớn nhất: “Mình ta một kiếp tâm giao đọa đày”. Khao khát giao cảm, đồng cảm, chờ mong một giọng nói, một tiếng người: Cả ngày mong đợi yêu thương/ Vậy mà điện thoại cứ chuông láng giềng. Mỗi lần gọi điện cho Nguyễn Việt Anh, tôi cứ hình dung qua giọng nói là gương mặt hân hoan của một nhà thơ mà tôi quý mến. Tuy không “giàu hai con mắt”, nhưng anh có khả năng linh cảm đặc biệt. Cảm nhận hiện thực bằng tâm nhãn, thơ giúp anh khám phá chính mình. Thơ Nguyễn Việt Anh là hiện thực của nội tâm, hiện thực bên trong, nơi niềm khát khao đắm đuối bừng sáng: Trong ta cái đích vô hình/ Ngày đêm thách thức hành trình lượn bay/ Khởi đầu bằng sự đắm say/ Ta còn tham vọng đến giây cuối cùng.
Trong ngõ nhỏ Hàng Bồ, trò chuyện với người thơ này, tôi có cảm giác anh như muốn bay lên. Ngoài kia là Hàng Buồm, là sông Hồng lộng gió. Năng lượng thơ tràn bờ. Thơ Nguyễn Việt Anh có lúc như ngọn nến trong mơ, có lúc như âm bản của hiện thực, cứ sáng dần lên trong suy tư tưởng tượng. Càng đi càng mông lung trong nhị nguyên của thân phận. Cuộc người luôn dùng dằng mải miết giữa “đi tìm” và “trở về”, giữa dấn thân và bình yên, giữa sương khói và chập chờn hy vọng: Cháy đi em, cháy hết mình/ Ta là cây nến mang hình yêu thương/…/ Cháy đi em, dẫu âm thầm/ Cháy cho cạn kiệt chất trầm trong ta, Vầng em vằng vặc giữa đời/ Bao đêm lạc giọng khản hơi gọi Rằm, Tôi ghì chặt lấy khói sương/ Sợ heo may cuốn dễ thương về trời. Trăn trở và dâng hiến, dào dạt nồng nàn và lặng lẽ cô đơn, thơ Nguyễn Việt Anh để dành đọc trong đêm, nói như nhà thơ Ý Nhi, “một mình lặng bước tới trùng khơi”…
Dù đã bước vào cái tuổi “tứ thập nhi bất hoặc”, bốn mươi tuổi chẳng nghi hoặc, nhưng thơ Nguyễn Việt Anh vẫn đặt ra nhiều câu hỏi trước con người, trước đời sống: Thành người ư, đến bao giờ/ Hay muôn kiếp chỉ vật vờ sói hoang, Báo Thiên hồn phách ở đâu/ Có nghe trang giấy đau câu Sơn Hà, Điện hoang khói lạnh hư không/ Tôi như dấu hỏi cúi cong mái đền. Ưa triết luận, liêu trai và mộng mị, ngay cái tên bài đã ám gợi người đọc: Đám tang ma, Em hồ ly, Báo mộng, Mộ hoa… Trong thơ anh có cái gì bất an nhưng vẫn duy mỹ. Trên con đường thơ, càng đi xa càng thấm thía tinh thần hiện sinh: “Thơ hoang mang giữa lòng ai hiện tồn”, “Thơ phiêu lưu cõi sinh phần phù du”, “Vết thơ vẫn trẻ trung màu vết thương”...
Nếu chưa được gặp chủ nhân của 16 tập thơ, nhiều khi người đọc không biết tác giả già hay trẻ. Vừa có xu hướng làm mới lục bát, vừa quyến luyến những giá trị thẩm mỹ của một thời, có bài cảm tác nhưng phong vị lại hiện đại. Trước cảnh “Chùa Hương trẩy hội”, thay cho cách biểu đạt thường thấy trong loại hình thơ này, tác giả viết: Hoa mơ hoa mận nở tràn/ Trắng từ cõi tạm trắng sang cõi thiền. Dường như người đọc không nhận ra diễn ngôn vịnh cảnh, câu thơ như hoa nở trong mặc khải, chữ nghĩa khởi sinh trong cảm thức tâm linh phương Đông. Bên cạnh những câu 6/8 màu cổ điển, là những câu lục bát phong trần. Trong những câu thơ tưởng rằng toàn cát bụi, lại lấp lánh một vẻ đẹp khác của chiều sâu kiêu hãnh. Trữ tình và thế sự xen lẫn trong nhau. Ngôn ngữ của đời thường lại chuyên chở bao tình ý phiêu linh: Vỗ vai khẽ hỏi thăng trầm/ Giúp ta cắt nghĩa Vạn Xuân là gì, Phủ Tây Hồ đứng mơ màng/ Lửa thiêng em bén hóa vàng cả tôi, Vô biên chẳng nói nên lời/ Ta và vũ trụ cứ ngồi nhìn nhau. Tôi tin rằng, ai đã đến nhà Nguyễn Việt Anh sẽ luôn thấy một tư thế giống nhau của nhà thơ: ngồi trong im lặng. “Ta và vũ trụ cứ ngồi nhìn nhau”, một khoảng lặng âm vang, một tư thế hay một tình thế giữa vô biên.
Đọc thơ Nguyễn Việt Anh có cảm giác vừa quen vừa lạ. Thấp thoáng đâu đây bóng dáng của thơ thiền. Nhưng đôi lúc lại bừng sáng những tưởng tượng mới, những liên tưởng bất ngờ. Hai vợ chồng đưa con ra công viên chơi, tiếng cười trẻ thơ đã mang đến cho thơ anh cặp lục bát hồn nhiên mà sâu sắc: Đời khéo bày đặt vòng quay/ Trên lưng dã thú nở đầy trẻ thơ. Thơ là nơi thử thách cho tưởng tượng. Thơ là địa chỉ của sự nhạy cảm. Trong phôi pha, hỗn độn của đời sống, tôi tin rằng cặp 6/8 trên đây sẽ đồng hành cùng bạn đọc đi tới ban mai. “Trên lưng dã thú nở đầy trẻ thơ”, cái vòng tròn tràn đầy tiếng cười trong trẻo ấy vẫn đang quay trong sương khói nhân gian. Trong thơ Nguyễn Việt Anh, người đọc gặp không ít những câu sáng lên trong hạnh ngộ.
Yên Tử vào thu là một bài lục bát ấn tượng. Ấn tượng ở cách nhìn và cách nói. Ấn tượng về tổng thể toàn bài. Viết về cõi Phật nhưng không chìm đắm trong kinh kệ. Đạo và đời, bản ngã và tha nhân, nội tâm và ngoại giới. Trong “mịt mù” con đường của đức tin, chữ “hổn hển” được dùng thật đắc địa. Và câu kết cũng thật bất ngờ: Chiều nay Yên Tử vào thu/ Người đi hành lễ mịt mù trong mây/ Ánh dương quang tắt ngang mày/ Con đường chính quả mỗi ngày một xa/ Khánh, chuông, mõ, tiếng nhạt nhòa/ Câu kinh hổn hển bước qua chân trời/ Ta không theo kịp dòng người/ Đôi chân tụt lại với vời vợi đêm/ Vịn vào cõi Phật không nên/ Thôi về bỉm sữa cùng em i tờ. Trong cuộc sống chộn rộn hôm nay, con đường đến với chính đạo không đơn giản: Tưởng rằng đến được bình yên/ Ngờ đâu chuông mõ lụy phiền chưa khuây.
Giữa bất an và niềm tin, với nhà thơ trẻ Nguyễn Việt Anh, dường như cô đơn và khát vọng luôn là khởi nguồn cho cảm thức trong thơ. Giữa bấn loạn của vàng mã trang kim, có một người thơ quá đủ cô đơn để viết.
Có một người thơ đã lặng lẽ tới mình…
Khương Trung, 5/ 5/ 2025