Tác phẩm đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022
Dịch giả Nguyễn Hữu Dũng vốn là một nhà khoa học kỹ thuật, chuyên gia hàng đầu của ngành thủy sản Việt Nam. Anh tốt nghiệp Đại học Bách Khoa trong nước 1971, từng giảng dạy khoa học kỹ thuật những năm 1971 đến 1974, sớm được cử đi tu nghiệp ở Ba Lan, năm 1980 đã có được học vị tiến sĩ khoa học kỹ thuật và năm 1992 đã được nhà nước phong học hàm phó giáo sư. Anh từng công tác tại Vụ quản lý khoa học kỹ thuật Bộ Thủy sản. Trên nhiều phương tiện truyền thông, cho đến gần đây phó giáo sư – tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, thỉnh thoảng vẫn xuất hiện với tư cách chuyên gia hàng đầu ngành thủy sản Việt Nam.
Bên cạnh đó, bắt đầu từ giữa những năm 1980, Nguyễn Hữu Dũng lại cùng xuất hiện với thế hệ dịch giả văn học Ba Lan đầu tiên trực tiếp từ tiếng Ba Lan trong nguyên bản: những Nguyễn Chí Thuật, Thanh Lê, Tạ Minh Châu, Lê Bá Thự v.v…
Dịch giả Nguyễn Hữu Dũng |
Tôi may mắn được gặp gỡ, tiếp xúc, rồi cùng trao đổi làm việc về dịch thuật với anh ngay từ buổi nhà khoa học bắt đầu “lấn sân” của “những con ngựa thồ văn hóa”. Khoảng nửa đầu những năm 80 thế kỷ trước, Nhà xuất bản Văn học nhận được đề nghị được dịch tác phẩm Quo Vadis của nhà văn Ba Lan, Hienzyk Sienkievycwz. Hồi đó với các tác phẩm của văn học Ba Lan, lớp trí thức, dịch giả, nhà văn trước cách mạng, đi kháng chiến về thường phải thực hiện bản dịch qua một trong những ngôn ngữ trung gian lúc bấy giờ là tiếng Pháp. Khi NXB Văn học nhận được đề nghị dịch tác phẩm này chính từ nguyên bản tiếng Ba Lan, kèm theo là một phần bản dịch thử của người dịch còn trẻ, mới xuất hiện lần đầu, có tên là Nguyễn Hữu Dũng, Ban biên tập NXB Văn học khi đó không ai biết tiếng Ba Lan. Tuy nhiên chỉ qua việc đọc và trao đổi trên bản dịch thử, mọi người đều thống nhất ưu tiên cho bản dịch của dịch giả trẻ mới xuất hiện, và ít lâu sau bản thảo dầy dặn, nét chữ cứng cỏi sạch sẽ đã được gửi đến. Công việc chuẩn bị in, từ đánh máy, đến biên tập, xem lại rất khẩn trương, nhanh chóng được thông qua đưa nhà in và năm sau, năm 1985, được nộp lưu chiểu và đến các cửa hàng sách phát hành. Sách nhanh chóng được đến tay bạn đọc và nhiều người chậm biết tin sách ra, đã đến Nhà xuất bản “cậy cục” xin “ưu tiên” được mua số sách ít ỏi mà phát hành dành cho Nhà xuất bản. Ngay năm sau dịch giả Nguyễn Hữu Dũng “nộp” thêm bản thảo tiểu thuyết thứ hai cũng của Hienryk Sienkievycwz: Qua sa mạc và rừng thẳm. Cuốn sách thứ hai của Nguyễn Hữu Dũng cùng một thời gian ra đời với việc tái bản tập I của Quo Vadis và ra trọn vẹn tập II của tác phẩm này và ngay cuối năm 1987 hai bộ sách do Nguyễn Hữu Dũng dịch của văn hào Ba Lan Hienryk Sienkievycwz đã được nhận giải thưởng hàng năm của Hội nhà văn Việt Nam.
Từ đây sách mới với bản dịch của dịch giả Nguyễn Hữu Dũng hàng năm đều đặn, không chỉ xuất hiện ở riêng Nhà xuất bản Văn học, mà còn ở nhiều các Nhà Xuất bản khác trong cả nước: Kim Đồng, Phụ nữ, Tác phẩm mới, Hội Nhà văn, Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh. Cùng với bản dịch mới, nhiều sách của anh còn được tái bản. Riêng bộ sách Quo Vadis tới nay đã tái bản tới lần thứ 9… Rồi ngay đầu những năm 1990, có lần dịch giả Nguyễn Hữu Dũng đã hé cho biết là anh bắt tay và dịch bộ sách đồ sộ được giải thưởng Nobel năm 1905 của văn hào Hienzyk Sienkievycwz: Hiệp sĩ thánh chiến.
Bẵng đi một thời gian dài, mãi đến tháng mười năm 2022, qua tạp chí Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, nhận được số đặt dài hạn, tôi thật sự vui mừng được đọc bài thông báo Hội nhà văn thành phố Hồ Chí Minh ra mắt bộ tiểu thuyết Hiệp sĩ thánh chiến của văn hào Hienzyk Sienkievycwz. Mấy ngày sau đó chính dịch giả Nguyễn Hữu Dũng đã đến tận nhà tôi tặng bộ sách – công trình dịch thuật mới của mình. Hai tập sách Hiệp sĩ thánh chiến bìa mềm đóng trong hộp các tông cứng nặng trịch. Một công trình của “Con ngựa thồ” cần mẫn cặm cụi lặng lẽ Nguyễn Hữu Dũng thực hiện trong suốt 30 năm. Bắt đầu bản dịch từ 8/3/1990, hoàn thành 8/8/2020. Thì chính tác giả Hienzyk Sienkievycwz cũng đã trăn trở ngần ấy thời gian: 30 năm, từ ý tưởng thể hiện đầu tiên trong phác thảo “bản sớm nhất mang tên Hiệp sĩ Spgrko xứ Melstyn được viết vào năm 1865, kéo dài đến sau khi hoàn thành bộ tiểu thuyết đầu tiên Quo vadis vào năm 1892, dự kiến cho ra mắt Hiệp sĩ thánh chiến và năm 1897 để kỷ niệm 29 năm hoạt động văn học của mình, nhưng phải đến năm 1900 mới kết thúc và ngày 10/3/1900 tác giả mới viết một chữ “HẾT” thật to dưới trang bản thảo cuối cùng”. Hơn nửa năm sau, tiểu thuyết Hiệp sĩ thánh chiến mới được in thành sách lần đầu, gồm bốn tập.
Trong lời giời thiệu đầu sách, dịch giả đã trình bày rõ ràng bối cảnh lịch sử của Hiệp sĩ thánh chiến là một thời kỳ phức tạp mà huy hoàng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Ba Lan giai đoạn hậu kỳ Trung thế kỷ, kéo dài từ cuối thế kỷ XIV đến đầu thế kỷ XV.
“Vào đầu thế kỷ XV, liên minh Ba Lan – Litva hùng mạnh đã trở thành chướng ngại vật chính ngăn cản sự bành trướng của dòng tu Ki tô giáo mang tên Giáo đoàn Thánh chiến. Việc hiệp sĩ trẻ Zhyszho tấn công sứ giả của giáo đoànvà phải lên đoạn đầu đại lại càng làm mâu thuẫn này thêm trầm trọng, kéo theo màn “mỹ nhân anh hùng” cùng những cuộc trả đũa về sau – tất cả góp phần thổi bùng ngọn lửa chiến tranh đã âm ỉ từ lâu.
Dõi theo quá trình trưởng thành của chàng hiệp sĩ Zhyszho về cả phương diện tình cảm lẫn trải đời, câu chuyện khúc trường thiên ca tụng sức mạnh quả cảm của con người đầy nghĩa hiệp và rất đỗi thủy chung. Cuộc đụng đầu lịch sử giữa liên minh các dân tộc Slav và thế lực xâm lược của Giáo đoàn thánh chiến mang ý nghĩa của cuộc đối kháng chính – tà, khiến tác phẩm trở thành một lời cổ vũ hào hùng cho các dân tộc đang chiến đấu không tiếc xương máu để giành độc lập, tự chủ. Tính chất chặt chẽ của cấu trúc tác phẩm, nghệ thuật đan xen mật thiết các tuyến tình tiết, sự hài hòa giữa hai mặt mô tả số phận của toàn dân tộc và số phận riêng tư của các nhân vật chính đã khiến tác phẩm Hiệp sĩ thánh chiến được đánh giá là tác phẩm số một, hoàn thiện nhất trong toàn bộ sáng tác của văn hào Ba Lan Hienzyk Sienkievycwz và tác phẩm đã được vinh danh giải thưởng Nobel văn học.
Cầm bộ sách đồ sộ, hai tập dầy cộp, hơn một nghìn ba trăm trang, đóng trong hộp các tông, điều đầu tiên là vui mừng xen lẫn niềm cảm phục sâu sắc trước một công trình văn hóa mà người bạn kém mình cả một giáp đã hoàn thành tốt đẹp. Tuy nhiên vào cái tuổi xế chiều “U 90”, nghĩ bụng không biết mình liệu có đọc hết bộ sách này nữa không?... Nhưng một đêm thao thức bật đèn giở sách ra xem, tập I có tới hơn 30 chương, tập II kết thúc ở chương 84. Thử đọc ít trang xem sao và rồi cứ thế say đọc lúc nào không biết cho tới trời sáng bạch… Say đọc như thuở nào say đọc Tam quốc chí, rồi Chưởng Quỳnh Giao rồi Sông Đông êm đềm, Anna Karennhina v.v…
Cho tới trước giao thừa sang năm mới Quý Mão mới xong hết trang cuối cùng: Chương tám mươi bốn gói gọn chia mười dòng… Lẩn thẩn còn xem lại phần chú thích tên riêng để hình dung lại kết cấu câu chuyện, đối chiếu lần theo mục lục các chương không bỏ sót cả cái trang thông báo về việc ra các bộ sách phụ trình bày in ấn đặc biệt có các đối tượng bạn đọc khác nhau của cơ quan ấn hành Đông Á.
Công phu lao động âm thầm, cặm cụi suốt ba chục năm trời đây! Thật đáng nể phục. Tất nhiên, một công trình đồ sộ như thế này không khỏi không có sai sót. Nhưng Hiệp sĩ thánh chiến của Nguyễn Hữu Dũng hẳn chắc chắn sẽ sớm được bạn đọc đòi hỏi in lại và không chỉ một lần, như nguyên bản của tác giả, văn hào Ba Lan Hienzyk Sienkievycwz từng được in được in lại hàng trên dưới trăm lần ở quê hương cũng như các bản dịch ra các thứ tiếng khác trên thế giới. Mỗi lần in lại sẽ được hoàn thiện thêm Hiệp sĩ thánh chiến ra bằng tiếng Việt lần này xứng đáng nằm trong kho báu các bản dịch kinh điển dịch thuật nước nhà và sẽ được người đọc Việt Nam cùng tác giả hoàn thiện liên tiếp.
Thúy Toàn
Nguồn Văn nghệ số 7/2023