Bộ mặt của người thơ bạn tôi khi báo cái tin ấy, trông ngao ngán chán nản làm sao! Người thơ của tôi làm biên tập viên văn hóa-văn nghệ của một tờ nhật báo. Anh là nhà thơ có tên tuổi, một nhà báo có nghề, nhưng viết phê bình văn học thì chỉ vào loại tầm tầm.
Được cái, vì yêu quý bạn bè và cũng vì công việc “làm trang” của một biên tập viên, nên mỗi khi được bạn bè tặng sách, anh đều có bài giới thiệu trên tờ báo của mình. Thơ, trường ca, truyện ngắn, tiểu thuyết, tuỳ bút, tạp văn… anh đều viết tất tần tật. Không thật xuất sắc nhưng đôi khi có những ý kiến nhận xét, đánh giá của anh cũng được dư luận đồng tình. Có điều, với những cuốn vô bổ, đôi khi anh vẫn hào phóng ban tặng những lời khen. Thế cho nên, có những tác giả tận những miền quê xa lắc xa lơ anh chưa hề biết mặt, thậm chí chưa hề nghe tên, nhưng có sách in là cũng gửi qua bưu điện hoặc nhờ người quen chuyển đến anh một bản, kèm theo lời đề tặng rất trân trọng. Đáp lại tình cảm của bạn bè và thân-sơ gần xa, được ai tặng sách anh cũng cố gắng có một bài giới thiệu. Cũng không ít cuốn nhàng nhàng, thậm chí là kém cả nội dung lẫn nghệ thuật và cả hình thức, nhưng sau vài ba lần được tác giả khéo léo nhắc nhở, anh lại phải… nể tình mà viết bài giới thiệu!
Ảnh mang tính minh hoạ |
Nhưng cái “lão T” mà người thơ vừa nhắc, thì quả là hơi quá lạm dụng! T là phóng viên văn hóa lâu năm của một tờ tuần báo. Anh này đã có dăm tập truyện ngắn, bút ký, tạp văn… Tất nhiên là tự bỏ tiền ra in và tặng tràn lan thiên hạ. Giới văn chương và bạn đọc cả nước không ai biết đến T với tư cách người làm văn chương. Nói thế để biết giá trị nội dung và nghệ thuật những cuốn sách của T ở mức nào. Nhưng, điều tệ hại nhất là chính T cũng không biết mình là ai. Cuốn thứ nhất, cuốn thứ hai được “nhà phê bình” là anh bạn tôi giới thiệu, T sung sướng ngất ngây. Đến cuốn thứ ba, thứ tư… bạn tôi đã hơi ngán, nhưng sau năm lần bảy lượt T “nài nỉ”, anh lại phải miễn cưỡng nể tình. Và đến lần này thì…
Trách “lão T” quá, mà ông bạn nhà thơ kiêm “nhà phê bình” của tôi cũng thật là đáng trách! Chính anh đã và đang góp phần vào tình trạng nhiễu loạn thông tin trong đời sống văn học hiện nay, bởi những bình luận, đánh giá của những người làm phê bình “tay ngang” như anh. Thời đại bùng nổ thông tin, sách báo phát triển ào ạt. Hằng ngày có bao nhiêu cái cần đọc mà không thể đọc xuể, có bao nhiêu thứ cần phải chọn lọc, phân loại nhưng... chẳng biết đâu mà lần; trong lúc báo giấy, báo mạng, báo nhà, báo bạn... ngốn bài vở rào rào như tằm ăn rỗi, như ngáo ộp ăn tạp... khiến không ít nhà báo, nhà văn, nhà giáo... bỗng chốc biến thành những nhà phê bình bất đắc dĩ. Khi thì vì tòa soạn giục bài, khi thì vì bạn bè nhờ vả, khi thì... Thế là phải tặc lưỡi nhắm mắt mà viết. Đọc vội vàng qua quýt rồi viết, thậm chí đôi khi chỉ dựa vào dư luận trên các phương tiện thông tin đại chúng mà “xào xáo” hoặc chỉ dựa vào thông cáo báo chí của nhà xuất bản, của ban tổ chức sự kiện mà... phán! Thế rồi lâu dần thành quen, nhiều người ngộ nhận tưởng rằng mình đã là “nhà phê bình” thực thụ, nên càng chủ quan, cứ... thừa thắng xông lên “bình luận” ào ào. Đôi khi còn đắc ý tự tin vỗ vai đồng nghiệp hoặc các tác giả trẻ: “Mới ra sách hả? Đưa đây tớ giới thiệu cho!”. Kiến thức lỗ mỗ, chuyên môn nghiệp dư, phương pháp hời hợt dễ dãi như vậy, thì chất lượng các bài phê bình, giới thiệu tác phẩm ở tầm mức nào, chắc không cần phải nói? Ấy là chưa kể không chỉ thiếu cái Tầm, nhiều nhà phê bình nghiệp dư kiểu “tay ngang” hiện nay còn thiếu cả cái Tâm nữa. Khen nhau, bốc thơm nhau vì cùng cánh hẩu; Viết vì phong bì, vì nhuận bút; Chê văn vì không ưa người, vì những chuyện ngoài văn chương... là hiện tượng không hiếm trong đời sống văn học hiện nay.
Công bằng mà nói, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông đại chúng, có thể nói rằng thực tế hiện nay, hoạt động phê bình VHNT chủ yếu dựa vào truyền thông đại chúng. Nói cách khác, thực tế hiện nay, việc đánh giá một hiện tượng VHNT, một vấn đề về nội dung hay nghệ thuật của một tác phẩm cụ thể, hoặc là một xu hướng mới của đời sống VHNT, chủ yếu là dựa vào các nhà báo và các nhà phê bình nghiệp dư. Tuy “nghiệp dư” nhưng thời gian qua, nhiều hiện tượng VHNT được báo chí phát hiện và cổ vũ đã khẳng định được sức sống và chỗ đứng của mình. Nhiều tài năng trẻ nhờ báo chí phát hiện, khích lệ mà tiếp tục phát triển bền vững. Nhiều thể nghiệm nghệ thuật đã được ghi nhận và có tác dụng tích cực trong đời sống VHNT. Đồng thời, hoạt động của phê bình báo chí còn góp phần định hướng dư luận; rung những hồi chuông cảnh báo trước những vấn đề, hiện tượng, sự việc đáng quan tâm để nhà quản lý và các ngành chức năng xem xét, điều chỉnh, xử lý…
Cách nay hơn 1 thập niên, trong tác phẩm “Phê bình văn học-con vật lưỡng thê ấy”, nhà nghiên cứu-phê bình văn học Đỗ Lai Thúy viết: “Một nền văn học không có tiếng nói của báo chí là một nền văn học chết. Nhưng một nền văn học mà chỉ có tiếng nói của báo chí, thì cũng là một nền văn học chết, tuy rằng chết theo kiểu khác”. Nhận định đó đến nay vẫn nguyên giá trị học thuật và ý nghĩa thời sự. Trong tương quan “so sánh lực lượng” hiện nay giữa phê bình hàn lâm - chuyên nghiệp với phê bình báo chí - không chuyên, dù các bên “nặng-nhẹ” hay “ưu điểm-hạn chế” khác nhau, thì đều đang tác động lên tâm lí, thị hiếu và sự lựa chọn của công chúng văn học nghệ thuật; kể cả các hoạt động sáng tác, hoạt động xuất bản và quảng bá các tác phẩm VHNT. Các văn nghệ sĩ và công chúng VHNT vẫn được tiếp cận các bài phê bình trên các tạp chí chuyên ngành, các diễn đàn học thuật uy tín, các cơ quan báo chí truyền thông và mạng xã hội. Từ đó mà các cơ quan quản lý văn hóa và công chúng VHNT có được những quan điểm cụ thể - cục bộ, hay tổng quát - vĩ mô về thực trạng nên VHNT Việt Nam đương đại. Trong lúc phê bình VHNT chưa thể đáp ứng được tốt hơn những đòi hỏi của cuộc sống nói chung và đời sống VHNT nói riêng, chúng ta vẫn phải ghi nhận và đánh giá một cách tích cực về sự hiện diện của các “dòng” phê bình VHNT hiện tại. Những ưu điểm, nhược điểm của phê bình hàn lâm – chuyên nghiệp hay phê bình báo chí – không chuyên thực tế đang là những hiện diện tất yếu; cần được nhìn nhận và ứng xử thỏa đáng. Đồng thời cũng cần thấy rằng, những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) đã có tác động toàn diện lên đời sống xã hội nói chung và đời sống VHNT nói riêng. Theo đó, hoạt động phê bình VHNT cũng đang vận động, đổi mới trong môi trường mới, đa chiều và đa dạng hơn với sự hỗ trợ của các tiện ích chuyển đổi số. Cùng đó, phê bình VHNT trên báo chí truyền thông sẽ được mở rộng tới nhiều chủ thể, có nhiều cơ chế phê bình và kiểu phê bình văn học nghệ thuật tồn tại.
Vì vậy, có lẽ cũng không nên quá lo lắng, bức xúc trước hiện tượng “nhiễu loạn” phê bình văn học như trên, bởi đó chỉ là chuyện bình thường của đời sống báo chí trong thời đại bùng nổ thông tin. Nhưng để có được sự “bình thường” ấy, công chúng phải được chuẩn bị về tâm thế và kiến thức để đón nhận sự phức tạp và đa dạng của đời sống văn học nghệ thuật. Tất nhiên, những người viết báo về văn học cũng rất cần được trang bị những kiến thức chuyên môn về các lĩnh vực phụ trách. Nhưng trong lúc thị trường báo chí của chúng ta hiện tại còn thiếu những sự chuẩn bị như vậy, thì rất cần tiếng nói của các nhà phê bình “thứ thiệt”, những người làm nghề và hiểu nghề một cách thấu đáo và luôn có vị trí quan trọng trong cái tổng thể gọi là dư luận. Tiếc rằng hiện nay vì nhiều lý do, những tiếng nói như vậy đang rất hiếm, vô cùng hiếm và thường bị chìm khuất trong sự ồn ào của những thứ âm thanh pha tạp.
Báo Văn nghệ số 29/2024