Đa văn bản (multitext) là một trong những kỹ thuật viết đặc thù của chủ nghĩa hậu hiện đại. Đa văn bản khác với siêu văn bản (hypertext) ở chỗ, siêu văn bản thiên về kỹ thuật sắp đặt, dựa trên thành tựu công nghệ computer, trong khi đó, đa văn bản là sản phẩm của nghệ thuật bố trí các chi tiết sự kiện để tạo nên nhiều lớp văn bản ẩn trong một văn bản. Khi sáng tạo theo cách siêu văn bản, nhà văn đánh số các đoạn văn bản lần lượt theo thứ tự số đếm, rồi đề nghị độc giả đọc theo chỉ định các số nếu muốn có một văn bản nào đó theo một chủ đề nhất định. Người đọc chỉ cần sử dụng vài thao tác trên máy tính là có được văn bản mong muốn. Đối với đa văn bản, do được viết theo lối kể chuyện thông thường, người đọc phải tự mình "lần" trong chuỗi ngôn từ của văn bản ra các văn bản khác và tự mình tìm ra ý nghĩa của chúng chứ không được dẫn dắt từ trước như siêu văn bản.
Trước đây trong sáng tạo văn xuôi hư cấu đã có hiện tượng đa cốt truyện (hoặc đa văn bản độc lập) trong tác phẩm. Chẳng hạn Anna Karenina của Tolstoi có hai tuyến cốt truyện độc lập, song hành của Anna và của Levin. Trong Âm thanh và cuồng nộ của Faulkner có các tuyến cốt truyện độc lập của Benjy, Quentin, Jason và cốt truyện của người kể ở ngôi thứ ba... Sang văn chương hậu hiện đại, hiện tượng đa cốt truyện (dựa trên nhiều nhân vật) chuyển thành đa văn bản (dựa trên một nhân vật). Về hình thức ta có thể tách một văn bản ra thành nhiều văn bản nhỏ hơn dựa vào nhân vật và chủ đề nó chuyển tải. Mỗi nhân vật này có một câu chuyện riêng, nhưng khác với tự sự cổ điển hay hiện đại, các câu chuyện này được hình thành trong thế đan xen tương hỗ, được đặt dưới một hệ điểm nhìn đa dạng và trùng phức. Tự thân một nhân vật có thể mang nhiều cốt truyện và nhiều văn bản khác nhau. Thông qua các văn bản chồng chéo đó, các nhà hậu hiện đại lại đề xuất các lớp văn bản trừu tượng hơn, ẩn sâu sau nó. Cách làm đó đã tạo nên đa văn bản trong tự sự. Bất kỳ một tác phẩm nổi tiếng hậu hiện đại nào cũng đều mang trong nó đặc thù đa văn bản.
*
Khi về già, con người ta rất hay chiêm nghiệm về cuộc đời. Tương tự, khi đã trưởng thành, nghệ sĩ luôn suy ngẫm về nghề. Thế nào là cách viết tối ưu, thế nào là nghệ thuật chân chính, thế nào là tư tưởng thẩm mỹ đích thực... là những vấn đề thường xuyên được các nhà sáng tạo nghệ thuật đặt ra và không ít người trong số họ đã tìm được lời đáp bằng những sáng tạo nghệ thuật đỉnh cao và những bài phát biểu làm say đắm lòng người.
Nhà văn Nguyễn Minh Châu - Ảnh: Tư liệu |
Nghệ sĩ là người luôn tự làm mới mình. Không sáng tạo đồng nghĩa với việc nghệ thuật của họ đã chết và bản thân họ cũng đâu tồn tại với tư cách là một nhà văn. Bằng khát vọng sáng tạo chân chính và tài năng thiên bẩm, Nguyễn Minh Châu đã vượt chính mình trong giai đoạn văn học trước 1975 và trở thành một trong những cây bút cách tân, mở đường xuất sắc cho công cuộc đổi mới văn học của nước ta theo hướng hậu hiện đại, diễn ra trong những thập niên cuối thế kỷ 20 cho đến nay.
Chuyển biến phong cách nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu được ghi nhận từ đầu thập kỷ 1980 cho đến khi ông qua đời. Giới nghiên cứu ghi nhận sự thay đổi từ phong cách sáng tác mang đậm tính sử thi hùng tráng có thiên hướng trữ tình lãng mạn cách mạng mang độc cảm hứng ngợi ca sang cảm hứng thế sự, đời tư với những vấn đề đạo đức và triết lý nhân sinh trùng phức mang vô vàn cảm xúc. Tâm điểm những khám phá nghệ thuật của ông là con người vật lộn trong tự nhiên, xã hội để mưu sinh, trong hành trình nhọc nhằn tìm kiếm hạnh phúc và hoàn thiện nhân cách, trong sự đối thoại vĩnh cửu của nghệ thuật giữa những vấn đề nhất thời và những vấn đề muôn thuở thuộc bản chất người.
Chính cách nhìn sâu sắc về cuộc đời và nỗ lực sáng tạo phi thường của ông đã cho ra đời một áng văn độc đáo, mang trong nó nhiều văn bản, cũng như nhiều cách đọc, cách cảm khác nhau về nghệ thuật, về thân phận, về hạnh phúc của con người.
1. Văn bản về nghệ thuật
Nhan đề Chiếc thuyền ngoài xa gợi cho người đọc những suy nghĩ đa chiều về nghệ thuật, về cuộc đời trong mối quan hệ với nghệ thuật và về nghệ thuật trong mối quan hệ với hạnh phúc đích thực của con người...
Chiếc thuyền đó là nơi một đôi vợ chồng nghèo vật vã, lam lũ quanh năm vẫn không kiếm đủ gạo nuôi đàn con đông đúc. Hệ quả tất yếu là người chồng trở nên dữ tợn, biến vợ thành nô lệ cho những hành động xâm hại lỗ mãng ngu ngốc của mình. Con thuyền vừa ẩn dụ cho con thuyền nghệ thuật trên đại dương cuộc sống, vừa ẩn dụ cho kiếp người nheo nhóc, lênh đênh trên đại dương cuộc đời. Phải chăng nghệ thuật là nghệ thuật mà cuộc sống là cuộc sống? Cái đẹp của nghệ thuật chẳng có chút liên quan gì đến cái bất hạnh của cuộc đời? Hay ngay cả lúc khốn cùng nhất, cuộc sống trong sự lao động chân chính vẫn có khả năng mang lại cái đẹp cho nghệ thuật?
Dường như mỗi câu hỏi được đặt ra đều có khả năng đúng một nửa và sai một nửa. Vấn đề đáng bàn ở đây là tiếng nói chính nghĩa sẽ được phát ngôn như thế nào, và ai là người đảm nhiệm nói tiếng nói cuối cùng về thân phận người đàn bà và thân phận của cả bức tranh nghệ thuật kia?
Truyện ngắn "Chiếc thuyền ngoài xa" được trích trong sách giáo khoa |
Tâm hồn nhạy cảm của nhân vật nghệ sĩ đã chứng kiến được cảnh hành hạ dã man đau lòng của những người trên chính con thuyền mang vẻ đẹp "thánh thần". Vậy ra, cái đẹp của nghệ thuật không hề trùng khít với cái đẹp của cuộc đời. Cho dù nghệ sĩ nhìn xa hay nhìn gần thì cũng thế. Ở đây đã hàm chứa sự giễu cợt trước niềm tin nghệ thuật phản ánh được hiện thực. Rõ ràng, hiện thực cuộc sống và hiện thực nghệ thuật bao giờ cũng có khoảng cách quá xa. Ta không thể nào đòi nghệ thuật thôi không còn độ vênh với cuộc đời. Sự "rời rạc" này cho thấy những nhận thức theo lối mòn xưa cũ đã không còn phù hợp. Cái đẹp của nghệ thuật dễ tìm hơn cái đẹp đích thực của cuộc sống, bởi nghệ thuật luôn là sự sáng tạo, hư cấu, tưởng tượng, sự chẳng hề giống hệt cuộc đời.
Cái đẹp của cuộc sống gắn với hạnh phúc của con người. Nhưng đây lại là vấn đề vô cùng phức tạp, không dễ xác định, bởi ngay khi bị hành hạ khủng khiếp như người phụ nữ kia thì bà ta vẫn cứ cảm thấy có những phút giây hạnh phúc bên người chồng vũ phu. Đáng nói là bà ta không hề muốn thay đổi cái nghiệp chướng trần ai đó. Câu hỏi được đặt ra, thế nào là chân lý cuộc sống? Khi một kẻ hành hung người lại được người bị hành hung chấp nhận và yêu thương? Hình ảnh người đàn bà ở đây có cùng chung motif với hình ảnh con bò của lão Khúng trong Phiên chợ Giát. Với con bò, hạnh phúc của nó là được mang ách và nặng nhọc kéo cày. Người đàn bà này cũng vậy, một khi đã sống gần như trọn đời với những trận đòn chồng thì đấy chính là hạnh phúc của bà ta. Tước đoạt roi đòn hay người chồng ra khỏi bà ta thì đấy mới là điều tồi tệ nhất mà bà ta phải gánh chịu.
Chuyện nghịch lý trên lại dẫn đến một điều hợp lý. Cái nhìn hậu hiện đại soi tỏ được điều này. Hạnh phúc hay bất hạnh đều mang tính cá thể rất cao. Hạnh phúc của người này đâu có thể là hạnh phúc của người kia và ngược lại. Thêm nữa, nếu đã quen một tập tính nào đó, con người đâu dễ từ bỏ và thông thường người ta xem tập quán chính là hạnh phúc của cuộc đời, người ta sợ bước ra hoặc thay đổi tập quán. Với đôi vợ chồng thuyền chài, để đấu tranh mang lại hạnh phúc cho con người, đâu phải đơn giản là cho họ có đủ cơm ăn áo mặc, cho họ biết mọi tri thức nhân đạo trên đời. Các đại tự sự bộc lộ ngay nhược điểm khi tiếp cận với đời sống thuyền chài này, một kiểu sống hiện thân cho sự mông muội, thiếu hiểu biết của con người.
Nghệ thuật và cuộc đời suy cho cùng cũng chỉ là những nhận thức bằng một kiểu diễn ngôn nào đó. Trước đây, dựa vào lý trí con người tin nghệ thuật có thể cứu rỗi cuộc đời. Nhưng nay, dưới cái nhìn hậu hiện đại, nghệ thuật chỉ là một công cụ của trò chơi và hiện thực cuộc sống cũng chỉ là một dạng trò chơi nào đó. Vậy nên sẽ có nhiều kết luận không đồng nhất được đưa ra cho mỗi lĩnh vực. Nghệ thuật có thể mang lại ích lợi cho cuộc sống và đồng thời cũng có thể không mang lại ích lợi gì ngoài sự giải trí. Sự tồn tại và giá trị của nghệ thuật là độc lập. Tùy thuộc mỗi cá thể mà nghệ thuật được tham chiếu theo nhiều cách khác nhau. Tương tự, tùy thuộc từng hoàn cảnh cụ thể mà hành vi con người được phán xét theo nhiều cách khác nhau.
Hành vi vũ phu của người chồng được đặt dưới ba điểm nhìn: một là điểm nhìn pháp luật của Đẩu; hai là điểm nhìn nhân đạo của Phùng và các con của người đàn bà, và điểm nhìn của chính người đàn bà. Người kể không bình xét, nhưng việc "trần thuật đa điểm nhìn" và việc để cho người kể tham gia vào câu chuyện theo hướng trải nghiệm trực tiếp là nét phong cách tự sự đặc thù hậu hiện đại. Hai điểm nhìn "hợp lý" của Đẩu và Phùng lại thường xuyên đối thoại với ngay chính điểm nhìn "nghịch lý" của người đàn bà. Mọi chuyện vì thế cứ rối rắm liên hồi, tạo nên một mê lộ của nhận thức hay đúng hơn là mê lộ của sự bất khả nhận thức.
Một kiểu nhại rất hậu hiện đại về chuyện bất tín nhận thức mà nghệ sĩ hậu hiện đại tôn thờ. Rốt cuộc, chẳng thể nào đưa ra được bất kỳ kết luận nào cho hành vi xâm hại côn đồ đó. Hành động côn đồ được biện minh bởi chính người bị xâm hại. Thật mỉa mai, ai cũng biết đó là hành vi không thể nào chấp nhận được trong xã hội văn minh, nhưng chẳng ai có thể đưa ra được giải pháp.
2. Văn bản về nghệ sĩ Phùng
Có một câu chuyện về nghệ sĩ Phùng trong Chiếc thuyền ngoài xa. Sự ẩn dụ của văn bản "nghệ sĩ Phùng" không dừng lại ở chỗ tìm lời đáp cho câu hỏi về nghệ thuật chân chính mà còn là vấn đề nghệ sĩ chân chính là thế nào.
Nghệ sĩ hậu hiện đại được nhấn ở khía cạnh hoài nghi và cách nắm bắt hiện thực chứ không phải là chuyện xử lý hiện thực. Nghệ sĩ Phùng trong truyện là con người nhận thức và đề xuất thực trạng. Được trưởng phòng - một người rất sành về nghệ thuật tin cẩn giao nhiệm vụ săn tìm một tấm ảnh nghệ thuật cho cuốn lịch năm sau, nghệ sĩ Phùng trở lại chiến trường xưa ở ven biển miền Trung và vác máy nằm "phục kích". Hãy chú ý chi tiết "chiến trường xưa" và cùng với nó là hình ảnh "chiếc xe tăng hỏng". Các chi tiết này không nhằm để nói chuyện nhân vật người chồng vũ phu vốn là sản phẩm của chế độ cũ mà cốt để khẳng định, chiến tranh qua đã lâu, hòa bình đã về với mọi nhà nhưng cuộc sống đâu phải ngay lập tức có được hạnh phúc, bình yên.
Nhờ kiên trì, Phùng đã chụp được cái khoảnh khắc trời cho. Đó là cảnh đẹp như "một bức tranh mực tàu của một danh hoạ thời cổ". Nhưng ngay sau đó, Phùng cay đắng nhận ra rằng đằng sau cảnh đẹp như mơ kia là nghịch lý của một cảnh đời cay cực, ngang trái. Thì ra, hạnh phúc, bất hạnh của con người đâu dễ suy đoán từ bên ngoài, từ cái nhìn "ngoài xa". Chỉ có người trong cuộc, người trải nghiệm trực tiếp mới hòng ngộ được chân lý. Vậy nên, chân lý hoàn toàn mang tính cá nhân trong sự tri nhận này.
Trần thuật hậu hiện đại, vốn đề cao những khám phá cá nhân về những vấn đề cơ bản và bé nhỏ nhất của đời người đã đề xuất cách nhìn khác về thời cuộc. Nghệ sĩ không hướng đến những sự kiện hoành tráng mà thay vào đó là những vấn đề ngỡ như vô cùng bé nhỏ mang tính cá biệt của mỗi cảnh đời. |
Phải chăng đây là cách nhà văn khái quát cách nhìn của hai phong cách hiện đại và hậu hiện đại trong văn học Việt Nam? Trước đây dưới cái nhìn mang tính sử thi hoành tráng và mang tính lý tưởng, nghệ sĩ luôn giữ khoảng cách đứng "từ xa" với đối tượng miêu tả. Nếu "đến gần" là vi phạm nguyên tắc sử thi, không còn sự tôn sùng, thần tượng nữa. Do "khoảng cách sử thi" đó, nghệ sĩ chẳng thể nào tiếp cận được đời thường của các đối tượng miêu tả. Gần như người kể chẳng thể nào biết được những vấn đề sâu thẳm của lòng người, do vậy nỗi đau, sự khốn đốn của cuộc đời đâu được chạm đến. Trần thuật hậu hiện đại, vốn đề cao những khám phá cá nhân về những vấn đề cơ bản và bé nhỏ nhất của đời người đã đề xuất cách nhìn khác về thời cuộc. Nghệ sĩ không hướng đến những sự kiện hoành tráng mà thay vào đó là những vấn đề ngỡ như vô cùng bé nhỏ mang tính cá biệt của mỗi cảnh đời.
Một vấn đề được đặt ra ở đây là liệu nghệ thuật có bao quát được hết mọi khía cạnh cuộc sống? Nguyễn Minh Châu không nói nhưng tự người đọc biết rằng ông sẽ trả lời là không. Cuộc sống tuy cung cấp mọi thứ cho nghệ sĩ, kể cả việc khai sinh ra nghệ sĩ trên phương diện là người sáng tạo, nhưng cuộc sống vốn do các cá thể cá biệt cấu thành nên vĩnh viễn nghệ thuật sẽ chẳng bao giờ bao quát hết được đời sống. Đây chính là phát hiện mang tính cơ bản nhất của hậu hiện đại. Nghệ sĩ hậu hiện đại không có tham vọng nói hết mọi điều về cuộc đời. Do đi sâu khám phá những dị biệt và chấp nhận sự "mù lòa" của nhận thức đối với vô vàn sự việc, vô vàn những biến thiên trong cuộc đời nên nhà văn chẳng dại đưa ra phán xét. Phán xét cuối cùng thuộc về độc giả. Bởi cái sự bất tín nhận thức kia đã trở thành nguyên tắc tối thượng trong tự sự hậu hiện đại. Đấy chính là một nghịch lý - hợp lý.
Nhưng nghịch lý cuộc đời phải chăng tạo nên sự hấp dẫn cho nghệ thuật? Thử hình dung nếu không có con thuyền lao khổ ấy trên biển thì liệu nghệ sĩ Phùng có được chất liệu cho bức ảnh tuyệt tác của mình? Nhưng nếu ống kính của nghệ sĩ Phùng tập trung vào cảnh đánh vợ của người đàn ông thì liệu bức ảnh đó có còn được coi là kiệt tác không? Vậy thì liệu sự quan sát "vừa đủ" hình dáng chiếc thuyền ngoài xa sẽ tạo nên tuyệt tác? Tài năng của tác giả ở đây là chỉ đưa ra các gợi ý, các kết luận có thể, còn phán xét hay bài học cuối cùng được rút ra từ cảnh ngộ đó thì được dành cho độc giả. Một văn bản tạo được khả năng vô hạn trong việc dẫn dắt người đọc vào muôn nẻo mê lộ của ngôn từ là văn bản đạt đến trình độ cao trong nghệ thuật, văn bản đó nhất định ưu tiên cho việc phản ánh hiện thực bằng các hình ảnh ẩn dụ, tượng trưng, bằng sự "không nói hết", bằng mô thức "khoảng trống' khéo léo diệu kỳ.
Bức ảnh đẹp không hàm chứa trong nó cuộc đời đẹp và ngay cả nỗi khốn cùng của người đàn bà ấy cũng chưa hẳn là nỗi khốn cùng. Liên tục đặt ra những tình huống đối thoại, người kể đưa chúng ta đi sâu vào bản chất của vấn đề và ngay chính các vấn đề đó cũng sẵn sàng trong chúng những yếu tố mang tính đối thoại. Lối trần thuật mở này quả là rất hấp dẫn người đọc. Dĩ nhiên là lớp người đọc có kiến thức, có trình độ nhất định.
Những chân lý và lý thuyết nhân đạo thông thường về cuộc sống đều phải được nhìn nhận trở lại trước một sự thật kinh hoàng nhưng không phải không có lý của nó. Chọn những hình ảnh mang tính ẩn dụ cao như bức ảnh về chiếc thuyền ngoài xa, người vợ bị chồng hành hung, sự can thiệp của Phùng và Đẩu vào hành động của họ với tư cách là những người văn minh, những người thực thi luật pháp văn minh của cộng đồng... người kể đặt được nhiều vấn đề sâu sắc về nhân sinh, về lẽ sống của con người. Nhưng hoàn toàn không đưa ra câu trả lời, người đọc trên hành trình cảm xúc, tư duy của mình sẽ tự tìm ra lời giải đáp.
Tất cả những nghịch lý trên hầu như xuất phát từ cái nhìn nữ. Trước đây chúng ta đều quen nhìn cuộc sống theo cái nhìn nam. Cái nhìn đó quy định những chuẩn mực về đạo đức về lý tưởng... Nhưng nay hệ quy chiếu đã thay đổi. Trung tâm cái nhìn còn được chuyển sang cả phái yếu. Phụ nữ góp phần đưa ra tiếng nói quyết định. Phụ nữ cũng có thể nói tiếng nói cuối cùng nên cánh đàn ông, bao gồm Phùng và Đẩu (thậm chí là cả người đọc ngoài truyện) lại vô cùng rối trí trước sự việc ngỡ như quá dễ khi giải quyết. Bằng cách đặt ra một tình huống nhận thức do hai người đàn ông đảm nhận trên nền câu chuyện thương tâm của một phụ nữ, nhà văn đã chỉ cho cánh mày râu biết phải quan tâm đến hạnh phúc đích thực của phụ nữ là như thế nào và tiêu chí nào là đúng khi phán xét hành vi của người nữ. Rõ ràng cái nhìn độc sáng nam đã bị chao đảo.
3. Văn bản về nữ quyền
Nhà văn đã đứng về phía nữ quyền để giúp nghệ sĩ Phùng và chánh án Đẩu đối mặt với những vấn đề mang tính nhân văn mới, được đặt dưới hệ quy chiếu mới. Câu chuyện Chiếc thuyền ngoài xa là chuyện về người đàn bà lao động nghèo bị xâm hại bằng vũ lực đàn ông, một người chồng. Người đàn bà này có quyền lên tiếng đòi hạnh phúc cho bản thân theo chính nhu cầu của mình. Một kiểu nhu cầu trái khoáy.
Người đàn bà đó là hiện thân của tình mẫu tử cao cả, một người sống thủy chung với chồng, chấp nhận đau đớn để san sẻ nỗi đau mà chồng gánh chịu. Vì chỉ có người đàn bà đó mới thấu hiểu hết nỗi nhọc nhằn mà người chồng phải mang, chỉ có người vợ mới thấy được rằng chồng mình không phải là kẻ ác. Một sự tri nhận sáng suốt, một sự hy sinh vô bờ. Đấy là tâm hồn Việt của người mẹ Việt, một kiểu nữ quyền đậm chất Việt Nam. |
Nhà văn đứng về phía nữ quyền để lên tiếng nói. Sự bênh vực, nếu có, chính là việc chỉ ra được nguồn gốc của nỗi khổ người đàn bà phải mang. Người đàn bà đó bẩm sinh vốn đã mang một nhan sắc bậc trung bình yếu. Mãi đến khi người đàn ông là chồng cô sau này để mắt tới, người đàn bà mới có nơi chốn nương thân, mới được sống đời đàn bà đúng nghĩa. Chỉ việc phát hiện ra điều này, Nguyễn Minh Châu đã cho thấy cái nhìn sâu sắc về vấn đề nữ quyền. Không phải cứ cho phụ nữ mọi quyền lợi thì ngay lập tức họ có thể có được tiếng nói, có được cuộc sống bình đẳng với đàn ông. Nỗi thống khổ của người phụ nữ ở đây không trực tiếp đến từ môi trường xã hội mà đến từ căn nguyên tự nhiên của chính họ. Chỉ tại xấu xí khó lấy chồng, không có sự lựa chọn, trong khi "đám đàn bà hàng chài chúng tôi cần phải có người đàn ông để chèo chống khi phong ba", người đàn bà đó đã xem chồng mình là ân nhân của cuộc đời và khi sinh con, người chồng là nguồn sống của các con mình. Nếu ly dị chồng thì cuộc đời của người đàn bà ấy sẽ về đâu? Ai sẽ giúp bà ta nuôi nấng những đứa con? Đây chính là vòng luẩn quẩn của tạo hóa, của luật pháp con tim, nó khác với luật pháp xã hội mà Phùng và Đẩu đang vận dụng để giải thoát người đàn bà theo họ là bất hạnh dưới ách thống trị bạo tàn của người chồng.
Người đàn bà đó là hiện thân của tình mẫu tử cao cả, một người sống thủy chung với chồng, chấp nhận đau đớn để san sẻ nỗi đau mà chồng gánh chịu. Vì chỉ có người đàn bà đó mới thấu hiểu hết nỗi nhọc nhằn mà người chồng phải mang, chỉ có người vợ mới thấy được rằng chồng mình không phải là kẻ ác. Một sự tri nhận sáng suốt, một sự hy sinh vô bờ. Đấy là tâm hồn Việt của người mẹ Việt, một kiểu nữ quyền đậm chất Việt Nam. Một người phụ nữ quên mình, sẵn sàng vứt bỏ "nữ quyền" của mình để trở thành đầu mối neo giữ cuộc sống của gia đình. Tính nữ quyền trong trường hợp này chính là sự khước từ nữ quyền của một con người chân chính.
Với cái nhìn nữ quyền này, tác giả cho thấy một sự khôi hài thảm hại. Cách đấu tranh cho nữ quyền là giúp họ nhận thức rằng sẽ chẳng có quyền nào được trao cho người phụ nữ bởi thiên chức của họ là thế. Họ vốn vào đời đã mang trong mình những tố chất "thua thiệt" đàn ông. Vậy những thua thiệt đó có được cởi bỏ? Điều đó phụ thuộc vào chính họ chứ không phải vào bất kỳ ai hay một thế lực nào từ bên ngoài. Đây chính là cái nhìn nhân đạo hậu hiện đại của Nguyễn Minh Châu.
Nhiệm vụ xóa bỏ đau thương cho những kiếp đời bi đát ấy cần phải được thực hiện một cách thấu đáo, từ nhiều góc độ, chứ không phải chủ quan một cách tùy tiện. Sự giải phóng con người không bao giờ là con đường bằng phẳng, những phức tạp sẽ nảy sinh ngay chính trong những suy nghĩ hành động ngỡ như vô cùng đơn giản. Câu chuyện về chiếc thuyền ngoài xa chuyển tải nhiều thông điệp về nghệ thuật, về cuộc đời, về hạnh phúc, và trên hết là về cách nhìn và cách ứng phó của con người trước những ngang trái của cuộc đời mà đâu dễ gì cởi bỏ.