Trên bàn làm việc của tôi lúc này có hai tập thơ: một tập là Khúc đệm trữ tình của Heinrich Heine, nhà thơ lớn người Do Thái, viết bằng ngôn ngữ Đức, bản dịch của Chu Thu Phương; một tập là Lạc giữa Thu và Hạ của Đan Phong Diệp. Điều thú vị là hai cái tên ấy chỉ là một con người. Chu Thu Phương làm việc trong ngành ngoại giao, có thời gian sống ở Đức đủ để sử dụng thông thạo ngôn ngữ quốc gia này. Phương đến với công việc dịch thơ như một đòi hỏi tự thân của một con người có tình yêu văn học. Dưới các bài thơ chuyển ngữ, Phương ký tên thật. Sáng tác thơ muộn hơn một chút, Phương ký bút danh Đan Phong Diệp, nghĩa là Lá Phong Đỏ. Cái màu lá phong đỏ tạo nên một ấn tượng thật riêng và lãng mạn của mùa thu châu Âu. Người có nội lực thi ca như Phương không thể không yêu cái gam màu ấy. Nó trở thành bút danh để Phương sáng tác thơ.
Chu Thu Phương ngưỡng mộ cả hai thi hào Đức: Johann Wolfgang von Goethe và Heinrich Heine. Với Johann Wolfgang von Goethe, những kiệt tác của ông đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt từ thế kỷ trước; Phương nhận thấy những người dịch khá thành công, Phương chỉ chọn những bài thơ lẻ của ông để dịch sang tiếng Việt. Nhiều câu Phương dịch in khắc vào nỗi nhớ bạn đọc: “Lá cây này, từ Phương Đông lại/ Đến vườn tôi tin cậy, gửi mình/ Cho tôi biết một điều bí mật/ Như bởi nhà hiền triết tạo nên...”. Với Heinrich Heine, từ giữa thế kỷ trước cũng đã có những người dịch, như Hoàng Trung Thông, Tế Hanh, Xuân Diệu, Nguyễn Xuân Sanh... Nhưng phần lớn các bản dịch của họ là từ tiếng Pháp, tiếng Nga. Cho dù thế, cô sinh viên mơ mộng, lãng mạn vẫn bị “choáng ngợp” trước những bài thơ tình được chọn in trong tập Heinrich Heine - thơ trữ tình (NXB Văn Học). Một lối viết giản dị, chân thật, chẳng “hoa hòe hoa sói” gì mà sao cuốn hút đến vậy: “Trong mơ anh đã khóc/ Thấy em trong áo quan/ Đến khi anh tỉnh giấc/ Nước mắt cứ tuôn tràn…”. Phương yêu Heinrich Heine từ đó. Phương còn được biết Heinrich Heine là nhà thơ duy nhất của mọi thời đại và mọi nước có thơ được phổ nhạc nhiều nhất trên hành tinh này: với gần một vạn nhạc phẩm phổ thơ ông, gồm ca khúc, aria (hát có hoặc không nhạc đệm trong opera), hợp xướng... Vì yêu thơ ông mà Phương yêu cả nền văn học Đức. Phương cũng đọc các dịch giả dịch thẳng từ tiếng Đức sang tiếng Việt như Quang Chiến, Trần Đương, nhưng họ chủ yếu dịch văn xuôi, thơ họ chỉ dịch in lẻ trên các báo. Năm 2015, Chu Thu Phương quyết định dịch tập Khúc đệm trữ tình của ông ra tiếng Việt. Ngôn ngữ của tập thơ này rất là giản dị, dễ hiểu, thậm chí có câu như là nôm na: “Thôi xin đừng thề thốt, cứ hôn thôi, tin sao nổi, đàn bà!”. Có người cho rằng, những câu như thế nó còn chưa cho ta cảm giác đó là thơ. Họ từng lên tiếng phê phán ông. Nhưng một nhà phê bình văn học có uy tín của Đức thì lại nói: “Tuy rằng đúng là như thế, nhưng đó lại chính là điểm làm cho Heine trở nên nổi tiếng”. Đúng là như vậy, Heine trở thành một nhà nhà thơ lớn chính là nhờ những khác biệt ấy. Khi bắt đầu dịch Chu Thu Phương cũng thử bút theo cách “bắt chước” các bậc lão thành Hoàng Trung Thông, Tế Hanh dịch theo cách “Việt Nam hóa Heine”. Dịch bài thơ Cô gái đánh cá thuộc thể tự do của Heine, Phương chuyển thành thơ lục bát, gửi cho một “sư phụ” xem thì anh ấy đã đáp lại bằng hai câu lục bát mang khẩu khí chế giễu của cụ Nguyễn Khuyến:
Rằng hay thì thật là hay
Dịch sang lục bát anh này
không ưa
Lời nhận xét ấy đã mở ra cho Chu Thu Phương một cánh cửa mới. Phương đọc kỹ tập thơ và nhận ra vẻ đẹp của thơ không phải chỉ ở nội dung mà nó còn ẩn tàng trong cấu trúc, trong nhịp điệu, thi pháp, cách gieo vần trùng điệp trong một câu thơ, cả những cái kết bất ngờ gây sửng sốt cho người đọc. Nhưng cũng có người lại nói theo một nghĩa bóng bảy, chế giễu: “Heinrich Heine đã nới lỏng xu chiêng của ngôn ngữ Đức đến mức ngày nay mọi kẻ thư lại đều có thể thoải mái sờ soạng bầu vú của nó”.
Chu Thu Phương cũng có những cảm nhận về cái sự “không bình thường” trong thơ Heine; Phương nói: Thơ Heine với một phong cách: các câu đầu rất vui tươi, hai câu cuối thì xuống địa ngục luôn. Cách viết này sau được gọi là trường phái lãng mạn đen. Và phát triển ra cả châu âu. Lermontov cũng ảnh hưởng trường phái này. Phương cho rằng cách đánh giá công bằng nhất là của Marcel Reich-Ranicki, một nhà phê bình văn học rất nổi tiếng ở Đức: “Ông (Heinrich Heine) đã được ban phước, cái thứ phước lành mà châu Âu tưởng chừng như không bào giờ còn giao phó cho người Đức nữa: Một mảnh văn học thế giới bằng ngôn ngữ Đức”. Những lời nói ấy là động lực để Chu Thu Phương bắt tay vào dich Khúc đệm trữ tình. Phương dịch liên tục gần một năm thì xong tập thơ với 67 bài. Mới chỉ xong “dịch thô” mà Phương đã như người hụt hơi. Để hiểu thêm về Heinrich Heine, Phương đi về thành phố Marburg tìm gặp giáo sư dạy văn học Đức Guenter Giesenfeld và bà Marian Ngo, là các dịch giả dịch văn học Việt Nam ra tiếng Đức. Phương còn tới thành phố Duesseldorf, quê hương của Heine, để tìm hiểu về ông. Một cơ may nữa, Phương được làm việc với Tiến sỹ âm nhạc Nguyễn Văn Nam. Anh Nam hướng dẫn Phương tỉ mỉ về nhạc tính đậm nét trong thơ Heine. Tất cả những khuyến khích của bạn bè là động lực để Phương hoàn tất phần “nhuận sắc” của tập thơ.
Cuối cùng thì tập thơ Khúc đệm trữ tình, bản dịch của Chu Thu Phương đã được nhà xuất bản Văn học ấn hành vào năm 2015. Mặc dù thơ ở Việt Nam hiện nay không được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt như trước nhưng những người yêu thơ thực sự sẽ không thể quay lưng với thơ của Heine: “Khi nhìn vào đôi mắt em/ Đớn đau khổ sở vụt tan/ Mà khi hôn làn môi em/ Nguyên khí sức lực căng tràn...”…
*
Tắm trong bầu không khí văn hóa và thi ca Đức, nhưng khi sáng tác tập thơ Lạc giữa Thu và Hạ, Chu Thu Phương đã tự ý thức không để cái hơi hướng thơ ấy ảnh hưởng quá sâu trong khi sáng tác thơ của mình. Phương thực hiện khá tốt điều này. Tình yêu và nối nhớ quê hương cố quốc là cảm xúc chủ đạo trong thơ Phương: “Chim bay mau/ Về hướng quê ta đó/ Nơi nặng trĩu cánh đồng nắng đỏ/ Kết thành bông thành lúa ngạt ngào/ Nơi đó rất xanh và trời cũng rất cao…”. (Sao chẳng về phương Đông). Phương sáng tác cả thơ lục bát. Tuy nhiên, bài nào mà Phương cố làm cho có vẻ truyền thống, dù không có “dậu mừng tơi”, “đôi bướm trắng”, “rặng hoa xoan” thì vẫn không giấu đươc cái hơi hướng Nguyễn Bính: “Giọt trời nhịp bước sang đông/ Lẻ trong đơn chiếc, hồn không thể về/ Nhà ai ấm ngọn đèn khuya/ Vấn vương, thừa một lối về đơn côi/ Người đi, mang nửa hồn tôi/ Phiêu diêu trong gió chân trời phương xa…” (Thiếu). Phương thuộc thế hệ 7X, lại là người Hà Nội nên ngay cả thơ lục bát của Phương ta cũng nhận ra nhịp sống đô thị của thời hiện đại: “Biết rằng cũng chẳng nên gì/ Mà sao lòng khó gỡ đi rối bời/ Gốc mía mưng trót tiện rồi/ Thế mà ta – bạn lại rời xa nhau/ Những là xót, những là đau/ Thà chẳng biết, chẳng gặp nhau ngày nào…” (Câu ca cũ). Chiếm số nhiều trong tập Phương viết về cuộc sống đương đại bằng những suy tư mới mẻ, tâm lý đa chiều: “… Khi phải rời xa ngôi nhà/ Phải chia tay với chiếc sofa/ Có những thứ chẳng thuộc về ta/ Sao ta lại khóc?” (Sofa). Xưa nay người ta thường mặc định nỗi buồn mang màu của sự héo úa, nhưng Phương lại viết: “… Có người nói với ta về màu xanh/ Mắt người xa thăm thẳm/ Xanh một màu trống vắng…” (Màu xanh). Lạ và buồn hơn nữa: “… Say say lời ma mị/ Ảo ảo giọng dịu dàng/ Mơ mơ làn sóng mắt/ Rực rực phả mê man…” (Không đề). Tình yêu của thời hiện đại lắm bất ngờ và đớn đau. Phương phải mượn đặc điểm sinh – diệt của cây bồ công anh để nói về tình yêu như thế: “… Một ngày anh đến/ Xòe tung cánh vàng rực rỡ/ Vội vã nở hết mình, đẹp hết mình/ Vươn căng bầu ngực hiến dâng/ Anh bước xa rồi/ Sắc vàng đắm say nhạt nhòa, tàn lụi/ Kết muôn vàn nỗi nhớ…” (Bồ công anh). Và có gì đó thật tiếc nuối bâng khuâng: “… Lòng dẫu sao cũng xin nguôi lại nào/ Như thể chưa từng hẹn buổi chiều ven sông ngày ấy/ Như thể chưa từng gặp ánh mắt ai diết da đến vậy/ Như thể chưa từng chạm tới một bàn tay…” (Lòng dẫu sóng xao). Đang yêu nhau mà lòng người vẫn ly tán, xa lạ: “… Bài thơ em làm chẳng thể gửi cho anh/ Chẳng thể nào gửi được!/ Sao cuộc tình ngắn ngủi mong manh/ Lòng người tan vào sóng nước/ Trôi nhanh/ Bài thơ em làm chẳng thể gửi cho anh/ Chẳng thể nào gửi được!/ Sao chen vào cuộc đời hối hả để rồi buông nhau ra vội vã/ Lòng mình chìm trong đêm đen xa lạ…” (Bài thơ em làm chẳng thể gửi cho anh)…
Là tập thơ đầu tay không tránh khỏi những lỗi về “bếp núc nghề văn” như có câu thơ lục bát lại thừa chữ, có những từ láy đảo ngược cho hợp nhạc tính nhưng gượng về câu văn…. Tất cả những lỗi ấy rồi tác giả sẽ khắc phục được. Điều đáng nói là tập thơ đã dâng hiến cho bạn đọc một cách cảm, một giọng văn nhiệt huyết đáng trân quý. Cả tập thơ dịch cũng như tập thơ sáng tác đều có những tín hiệu cho thấy Chu Thu Phương sẽ rất thành công trong văn chương, nếu Phương sống hết mình vì nó.
Nguồn Văn nghệ số 1+2/2022