Hà Nội đang có kế hoạch rà soát, phá dỡ, cải tạo lại hoặc thay thế các khu tập thể cũ được xây dựng từ những năm 1960 – 1980. Tuy nhiên theo các nhà nghiên cứu nhân học, xã hội học thì chúng ta chưa thể vội vã phá dỡ, xóa bỏ khi chưa đánh giá hết di sản kiến trúc tập thể này.
Các nhà nghiên cứu nhân học, xã hội học thì chúng ta chưa thể vội vã phá dỡ, xóa bỏ khi chưa đánh giá hết di sản kiến trúc tập thể này. |
Đây là vấn đề được các nhà nhân học xã hội học, kiến trúc sư đã đặt ra khi bàn về khu tập thể ở Hà Nội trong hội thảo quốc tế Nhân học và thành phố ở Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa, do Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức trực tiếp và trực tuyến ngày 10-12.
Những khu tập thể cũ được hình thành từ những năm 1960, như một biểu tượng của quá trình xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và nó cũng được coi là đặc trưng cho lối sống thời Bao cấp tại Hà Nội. Trong các kế hoạch chỉnh trang, cải tạo hoặc thay thế, thì các khu nhà tập thể này được đánh giá thuần túy ở góc độ an toàn trong xây dựng – để ra quyết định cần cải tạo, sửa sữa hoặc phá bỏ. Tuy nhiên, với các nhà nghiên cứu thì các công trình này mang nhiều ý nghĩa văn hóa, phản ánh thực tế về một thời kỳ trong lịch sử đất nước. GS. Trịnh Duy Luân, Hội Xã hội học Việt Nam cho biết, các khu tập thể thực sự giàu giá trị lịch sử và đương đại về mô hình nhà ở XHCN – trong thời kỳ kế hoạch hóa tập trung bao cấp (1960-1985). Nó hàm chứa nhiều giá trị: 1) Giá trị xã hội – nhân văn, thể hiện ở chính sách nhà ở như một quyết tâm chính trị của nhà nước, nhằm cung cấp nhà ở cho người lao động trong thời kỳ này; 2) Giá trị kiến trúc – quy hoạch, với dấu ấn của trào lưu kiến trúc hiện đại từ châu Âu qua Liên Xô đến Việt Nam, đánh dấu một giai đoạn trong lịch sử kiến trúc – quy hoạch nhà ở đô thị Việt Nam; 3) Chủ nghĩa quốc tế với nhiều dự án của các nước XHCN hỗ trợ Việt Nam xây dựng các đô thị, trong đó có các Khu nhà ở tập thể; 4) Giá trị xã hội – văn hóa, thể hiện ở lối sống đô thị đặc thù của cư dân các khu tập thể, với tính gắn kết cộng đồng truyền thống như một di sản và những hoài niệm; 5) Giá trị sử dụng và giá trị trao đổi trên thị trường nhà đất hiện nay, trong bối cảnh thị trường nhà ở và bất động sản hiện nay.
Không chỉ vậy, việc xây dựng các khu tập thể này cũng thể hiện những giá trị kiến trúc rất đặc thù của Việt Nam – nơi các kiến trúc sư Việt Nam vừa lĩnh hội lý thuyết, quan điểm của các chuyên gia Xô Viết, vừa có những sáng tạo của riêng mình. Khi xem xét trường hợp của các kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh hay kiến trúc sư Trương Tùng, TS. Nguyễn Vũ Hoàng, Khoa Nhân học, trư2ơngf ĐH KHXH&NV nhận thấy những dấu ấn rõ nét của các kiến trúc sư Việt trong việc tích hợp truyền thống xây dựng của Việt Nam, phân khu các căn hộ cho phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết của Việt Nam. Ví dụ, khi xây dựng khu tập thể Kim Liên với sự giúp đỡ của các kiến trúc sư Triều Tiên, chúng ta xây bằng những tấm bê tông cỡ nhỏ, nhưng ông Trương Tùng đã thấy Việt Nam có nhiều xỉ than, có thể sử dụng bê tông xỉ, tạo ra tấm lớn hơn, xây dựng nhanh hơn ở những khu tập thể sau này. Ông đã áp dụng ở khu tập thể Văn Chương, xây dựng rất nhanh và chống được cả bom Mỹ những năm 1972. Những tri thức của ông Trương Tùng học được ở nước ngoài đã được áp dụng sáng tạo ở bối cảnh Việt Nam, để làm sao thiết kế ra được các khía cạnh kỹ thuật ứng dụng, xây dựng khu tập thể nhanh hơn, phư hợp hơn với nhu cầu nhà ở của Việt Nam”, TS. Nguyễn Vũ Hoàng nói.
Không chỉ là tài sản, di sản kiến trúc, những khu nhà tập thể này còn là ký ức của Việt Nam về giai đoạn xây dựng xã hội chủ nghĩa, “những tòa nhà được xây lên ở thời điểm đó là những ước vọng của xã hội, của người dân”, như PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam từng trao đổi với phóng viên Tia Sáng. Tuy vậy, việc có thể gìn giữ, phát huy giá trị kiến trúc, di sản, cải tạo hay phá bỏ phụ thuộc vào góc nhìn có coi đây là di sản có giá trị hay không? “Nhiều nước giàu có trên thế giới như Mỹ, Pháp, Anh, Hà Lan đã từng phá di sản kiến trúc thời hậu chiến vì không coi đó là di sản tại thời điểm phá bỏ. Và rồi người ta tỉnh ngộ ra, đấy là các kiến trúc rất quý, đấy là di sản nó là những dấu ấn của lịch sử, của lịch sử kiến trúc, lịch sử xã hội. Bây giờ mà xóa hết tất cả những thứ đó đi thì thành phố còn gì nữa?”, PGS.TS Nguyễn Văn Huy nói. (B N)
*Tên bài do Vannnghe đặt
Nguồn Tiasang