Quang Dũng còn là cây văn xuôi đôn hậu, tinh tế; là tác giả của nhiều họa phẩm để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng công chúng yêu nghệ thuật. Cuộc đời và tác phẩm của ông gắn liền với những chuyển động lớn lao của lịch sử, vừa bi tráng, hào hùng vừa bay bổng, lãng mạn.
Quang Dũng (1921 - 1988) là một trong những cây bút tài hoa thuộc thế hệ các nhà thơ trưởng thành sau Cách mạng Tháng Tám. Không chỉ đóng góp cho văn học Việt Nam hiện đại nhiều thi phẩm xuất sắc như Tây Tiến, Mắt người Sơn Tây, Đôi bờ... Quang Dũng còn là cây văn xuôi đôn hậu, tinh tế; là tác giả của nhiều họa phẩm để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng công chúng yêu nghệ thuật. Cuộc đời và tác phẩm của ông gắn liền với những chuyển động lớn lao của lịch sử, vừa bi tráng, hào hùng vừa bay bổng, lãng mạn.
Năm 2021, nhân kỉ niệm tròn 100 năm năm sinh của nhà thơ Quang Dũng (1921-1988), Viện Văn học và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học 100 năm Quang Dũng: Cuộc đời và sự nghiệp văn học.
Toàn cảnh hội thảo "100 năm Quang Dũng: Cuộc đời và sự nghiệp văn học".Tại hội thảo, trong báo cáo đề dẫn, PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp (Viện trưởng Viện Văn học) nhấn mạnh: Quang Dũng với tài năng, bản lĩnh của mình, ông hoàn toàn xứng đáng có vị trí trang trọng trong lịch sử văn học dân tộc. Tài năng và bản lĩnh ấy của Quang Dung được thể hiện cả trong văn học, hội họa, âm nhạc. Cuộc đời và sự nghiệp của Quang Dũng gắn liền với những chuyển động của lịch sử văn học Việt Nam. Hội thảo lần này là dịp để nhìn nhận một cách đầy đủ hơn về Quang Dũng, làm rõ sự hiện diện, vị trí của Quang Dũng trên bản đồ văn học nghệ thuật Việt Nam. Đồng thời, từ Quang Dũng, chúng ta có tâm thế để có thể nhìn về, nhìn lại những sự kiện, hiện tượng văn chương của quá khứ.
Hội thảo 100 năm Quang Dũng: Cuộc đời và sự nghiệp văn học đã nhận được hơn 30 tham luận của các nhà văn, nhà nghiên cứu, phê bình trong cả nước. Tại buổi làm việc, nhiều ý kiến đã được nêu lên với tinh thần nhìn nhận một cách đầy đủ, sâu sắc, khách quan hơn về nhà thơ Quang Dũng. Nhà thơ Vũ Quần Phương trong tham luận Tạng tâm hồn Quang Dũng đã nhấn mạnh đến dòng thơ nội tâm, mạch thơ lạ, tứ thơ phảng phất màu cổ điển với bút pháp “tráng sĩ hóa” đã tạo nên nét riêng của thơ ca Quang Dũng. Giáo sư Phong Lê (Nguyên Viện trưởng Viện Văn học) lại chú ý đến tình yêu quê hương đất nước với tiếng lòng tha thiết gắn bó của Quang Dũng trong tham luận Bình dị và hào hoa Quang Dũng.
Ở một hướng chú ý khác, PGS.TS Văn Giá tập trung vào văn xuôi Quang Dũng để khơi mở một vỉa tầng tài năng của ông. Trong tham luận công phu này, Văn Giá tập trung làm rõ một số nội dung về số lượng tác phẩm văn xuôi khá lớn của Quang Dũng. Câu hỏi ông nêu lên đó là: Tại sao Quang Dũng lại viết nhiều văn xuôi như vậy, trong khi ông là một tâm hồn thi sĩ phóng khoáng, bay bổng? Qua cách lí giải của Văn Giá, đó là bởi Quang Dũng yêu quê hương đất nước, muốn được đi, được sống, được trải nghiệm mọi không gian của sự sống. Thêm nữa, từ việc đi, Quang Dũng muốn tái hiện một cách chân thực cuộc sống, thân phận con người. Thế nên, Quang Dũng chọn văn xuôi bởi khả năng dung chứa chất hiện thực của nó. Tuy vậy, đọc văn xuôi Quang Dũng, người ta vẫn nhận ra chất thơ dạt dào, lãng mạn, làm nên vẻ đẹp văn xuôi của Quang Dũng (Văn xuôi, một vỉa văn tài Quang Dũng).
Nghĩ về một nhà thơ xứ Đoài, một đời mây ngàn, một đỉnh cao như Ba Vì quê hương là chỉ dấu để PGS.TS. Đỗ Lai Thúy dấn bước đi tìm “nhân cách và thi cách” Quang Dũng. Trong tham luận phát biểu tại hội thảo, Đỗ Lai Thúy nhấn mạnh đến những biến động của cuộc đời, sự nghiệp văn học nghệ thuật Quang Dũng; đồng thời qua đó để nhìn lại những chặng thăng trầm của văn chương nước nhà. Vẫn còn nguyên ở đó, có lúc khuất trong mây sương, nhưng Quang Dũng vẫn là một đỉnh cao, một giá trị của tinh thần thơ ca, nghệ thuật; giá trị của một đời hào hoa, tài hoa, nghĩa hiệp.
Hướng nghiên cứu tư liệu và phục dựng lại những trạng thái của quá khứ từ điểm nhìn Quang Dũng lại được nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân chú ý. Ông trình bày những sưu tầm công phu của mình liên quan đến những tháng năm hoạt động văn nghệ của Quang Dũng. Từ đó, Lại Nguyên Ân nhấn mạnh rằng, cần phải nâng cao hơn nữa chất lượng nghiên cứu, phê bình, sưu tầm tư liệu về Quang Dũng để nhận diện rõ hơn, sâu hơn một tác giả quan trọng của văn học sử Việt Nam (Một vài vấn đề văn học sử đối với tác gia Quang Dũng). Trong khi đó, PGS.TS Trần Hoài Anh, với tham luận Thơ Quang Dũng nhìn từ trường tiếp nhận của phê bình văn học miền Nam 1954 – 1975 đã phục dựng lại những hoạt động văn chương liên quan đến Quang Dũng trong môi trường đô thị miền Nam trước giải phóng. Trần Hoài Anh nhấn mạnh, đất nước đã đổi mới, đó là cơ hội cho chúng ta nhìn lại các giá trị của quá khứ, phục sinh những giá trị xứng đáng với vị thế và tầm vóc của nó.
Hội thảo 100 năm Quang Dũng: Cuộc đời và sự nghiệp văn học còn ghi nhận nhiều ý kiến khác của các học giả với tinh thần làm rõ hơn đóng góp của Quang Dũng trong bức tranh văn học Việt Nam. Đáng lưu ý là các tham luận của PGS.TS Đinh Trí Dũng (Những kết hợp sáng tạo, độc đáo trong thơ Quang Dũng); Ths. Đặng Thái Hà – Ths. Nguyễn Thị Kim Nhạn (“Xứ Đoài mây trắng” như một kiến tạo cảnh quan – Từ thơ Quang Dũng đến nhạc Phạm Đình Chương); Ths. Lê Từ Hiển (Địa danh trong thơ Quang Dũng – từ âm đến nghĩa); PGS.TS Cao Thị Hồng (Mỹ cảm về phái đẹp trong thơ Quang Dũng); PGS.TS. Tôn Phương Lan (Quang Dũng và Tây Tiến trong nền thơ kháng chiến); TS. Diêu Lan Phương (Quang Dũng – lãng du trong miền nhớ); PGS.TS. Hà Công Tài (Thơ Quang Dũng với văn hóa học và cơ sở văn hóa Việt Nam); PGS.TS Lê Văn Tấn – Lê Thị Tường Anh (Không gian văn hóa xứ Đoài – nhìn từ hệ thống biểu tượng trong thơ Quang Dũng); TS. Trịnh Thu Tuyết (Cảm hứng lãng mạn trong thơ Quang Dũng qua cách hiểu một câu thơ Tây Tiến)…
Có thể nói, từ những ý kiến được nêu lên trực tiếp tại hội thảo, cùng với số lượng cử tọa, người yêu thích thơ văn Quang Dũng đông đảo (tham dự hội thảo Online) và trong đời sống văn học Việt Nam, đúng như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam) đã nói: Chúng ta ở đây để cảm nhận và suy tư về cái đẹp của cuộc đời và nghệ thuật.
Bà Bùi Phương Thảo, con gái nhà thơ Quang Dũng phát biểu tại hội thảo.Ở phần thứ hai của Hội thảo, gia đình nhà thơ Quang Dũng đã chia sẻ những tư liệu quan trọng có tác dụng làm rõ hơn cuộc đời và sự nghiệp Quang Dũng. Theo đó, trong tư liệu Đính chính một vài thông tin về Quang Dũng, bà Bùi Phương Thảo (Con gái nhà thơ Quang Dũng) đã trình bày những tư liệu minh chứng Quang Dũng không tham gia Việt Nam cách mạng đồng minh hội của Nguyễn Hải Thần (trích Biên bản kiểm thảo năm 1955 của Quang Dũng). Bà Bùi Phương Thảo cũng dẫn lời nhà văn Tô Hoài (nguyên Bí thư Đảng ủy Hội Nhà văn Việt Nam thời Nhân văn – Giai phẩm): “Quang Dũng hồi lãng du ở Quảng Châu, họp ở Liễu Châu với cánh Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam, ông Dũng mê Nguyễn Tường Tam lắm, sau thấy họ chỉ uống rượu khỏe, ông chán, về đến Hà Nội là bỏ hẳn đám này về Sơn Tây học trường võ bị của ta” (Dẫn từ bài Nhà thơ Quang Dũng bóng mây qua đỉnh Việt – Vân Long, 2011).
Có thể nói, Hội thảo 100 năm Quang Dũng: Cuộc đời và sự nghiệp văn học đã tập trung đánh giá một cách toàn diện sự nghiệp và vị trí văn học sử của Quang Dũng. Tại Hội thảo lần này, các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ đã trình bày những kiến giải mới về thái độ nghệ thuật, phong cách, lối viết của Quang Dũng; cung cấp những thông tin, tư liệu mới; phân tích, lí giải những thăng trầm trong việc tiếp nhận sự nghiệp văn học Quang Dũng trước và sau thời điểm Đổi mới (1986). Hội thảo cũng là dịp để các thế hệ sau tri ân những đóng góp quan trọng của thế hệ trước - những người đã dành trọn tài năng và tâm huyết của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Quang Dũng tên khai sinh là Bùi Đình Diệm, sinh năm 1921 mất năm 1988; quê quán ở làng Phượng Trì, huyện Đan Phượng, Hà Tây (nay thuộc là huyện Đan Phượng, Hà Nội). Thời học sinh, Quang Dũng đi học tại ban Trung học ở trường Thăng Long. Sau khi tốt nghiệp, ông làm thầy giáo dạy học tư ở Sơn Tây. Sau năm 1945, ông tham gia nhập ngũ, đồng thời trở thành phóng viên tiền phương của tờ báo Chiến đấu. Năm 1947 ông được cơ quan điều đi học bổ túc tại Trường trung cấp quân sự tại Sơn Tây. Sau khi hoàn thành khóa học ông được bầu làm Đại đội trưởng tại tiểu đoàn 212 Trung đoàn 52 Tây Tiến. Một thời gian sau Quang Dũng tham gia chiến dịch Tây Tiến đợt hai và được cử làm Phó đoàn tuyên truyền Lào - Việt. Lúc này ông vừa phối hợp chiến đấu với quân Lào để đánh Pháp vừa công tác dân vận để lấy sự ủng hộ của dân. Cuối năm 1948, ông nắm giữ chức vụ Trưởng Tiểu ban Tuyên huấn của Trung đoàn 52 Tây Tiến, rồi sau đó được bầu làm Trưởng đoàn Văn nghệ Liên khu III. Trong khoảng thời gian này ông bắt đầu tập trung vào sự nghiệp nghệ thuật của mình, ngoài sáng tác rất nhiều truyện ngắn, kịch, viết nhạc ông còn tham gia vào triển lãm tranh sơn dầu cùng với các hoạ sĩ nổi danh khác. Tháng 8 năm 1951, ông xuất ngũ và tiếp tục công tác trong ngành văn nghệ. Từ sau năm 1954 ông làm biên tập viên của báo Văn nghệ và sau đó chuyển công tác và trở thành biên tập viên của Nhà xuất bản Văn học. Bài thơ nổi bật nhất của Quang Dũng đó chính là Tây Tiến. Bài thơ này được viết năm 1948 khi ông tham dự Đại hội toàn quân ở Liên khu III tại làng Phù Lưu Chanh (Hà Nam). Đây là một sáng tác mang đậm nét hào hùng, bi tráng pha chất lãng mạn được nhiều người yêu thích và được chọn vào giảng dạy trong giáo trình trung học phổ thông. Một số tác phẩm của Quang Dũng: Mây đầu ô; Thơ văn Quang Dũng; Mùa hoa gạo; Bài thơ sông Hồng; Rừng Biển Quê Hương; Đường lên châu Thuận; Nhà đồi; Làng Đồi đánh giặc; Mây đầu ô; Đôi mắt người Sơn Tây; Đôi bờ; Quang Dũng – Tác phẩm chọn lọc… |
NGUYỄN THANH TÂM (lược ghi)
Nguồn VNQĐ