Trên đất nước Việt Nam thân yêu, mỗi mùa mỗi vùng đều có những loài hoa vừa đẹp vừa quý đặc trưng cho nền văn hóa từng miền. Xuân về, hoa đào rực nở xua đi cái giá rét miền Bắc. Khi mới lên bảy, đọc truyện tranh "sự tích hoa đào " nói rằng xưa hoa vốn nhiều cánh và sắc trắng. Một chinh phụ thêu khăn gửi chinh phu đang trấn ngoài Ải Bắc sợ chồng cảm lạnh cắn ngón tay lấy máu thêu những bông hoa lên, từ đó hoa nhuốm màu hồng đỏ và có hình năm cánh như năm ngón tay chụm lại. Chẳng biết bao nhiêu phần trăm sự thật trong câu chuyện này, chỉ biết rằng nó đã đi cùng tôi suốt sáu mươi mùa xuân qua.
Không biết quê hương gốc gác hoa đào ở đâu, nhưng chắc chắn nó đã xuất hiện trên đất nước ta từ lâu lắm rồi. Gần bảy trăm nước, đại thi hào Nguyễn Trãi (1380-1442) viết rất hay về loài hoa này: Một đóa đào hoa khéo tốt tươi/ Cách xuân mơn mởn thấy xuân cười/ Đông phong hẳn có tình hay nữa/ Kín tiễn mùi hương dễ động người (Đào hoa).
Một niềm tâm sự kín đáo u hoài. Trong tuyệt tác Truyện Kiều, có một câu thơ thường được nhắc đến Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông. Có thể Nguyễn Du (1765-1820) dịch từ câu thơ của Thôi Hộ đời Đường đào hoa y cựu tiếu đông phong, nhưng câu thơ của Nguyễn Việt hóa đến mức không còn một dấu vết của đường thi; nó lột tả hết tâm trạng ngổn ngang của chàng Kim khi trở lại Vườn Thúy sau ba năm xa cách trước cảnh: trước sau nào thấy bóng người!
Hình dạng như hoa đào nhưng hoa mai vàng rực như sắc nắng Phương Nam. Đây là loài hoa được nhắc đến nhiều trong thơ ca cổ điển Việt Nam. Gần một nghìn năm trước, Thiền sư Mãn Giác Lý Trường (1052-1090) nhắc đến loài hoa này trong bài kệ Cáo tật thị chúng (Có bệnh bảo mọi người): Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/ Đình tiền tạc dạ nhất chi mai (Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua sân trước một nhành mai). “Cành mai này vượt khỏi không gian và thời gian. Nó vượt khỏi mọi định thể của con người, siêu vượt cả sự sống và lẽ chết. Đó là chân lý luân hồi đạo giới nhà Phật nhưng cũng là hy vọng của cõi nhân sinh và cũng chính là bản ngã đầy tính lạc quan của tác giả. Tính lạc quan này tạo sức sống cho bài thơ qua bao thế kỷ!" (Hà Quảng). Hoa mai tượng trưng cho khí tiết thanh cao của người quân tử. Bởi vậy nhà thơ Cao Bá Quát - một nhà nho ngang tàng khí phách một đời chưa biết cúi đầu trước mọi cường quyền cũng phải thừa nhận : Nhất sinh đê thủ bái hoa mai (Một đời chỉ cúi trước hoa mai). Trong thi ca Việt Nam hiện đại, bài thơ Thướng sơn của Bác Hồ nói đến hoa mai được nhiều người yêu thích: Lục nguyệt nhị thập tứ/ Thướng đáo thử sơn lai/ Cử đầu hồng nguyệt tận/ Đối ngạn nhất chi mai. Nhà thơ Tố Hữu dịch: Hai mươi tư tháng sáu/ Lên ngọn núi này chơi/ Ngẩng đầu mặt trời đỏ/ Bên suối một nhành mai.
Còn hoa ban màu trắng như những đám mây bay bồng bềnh trên những dãy núi cao trùng điệp Tây Bắc. Rồi hoa mơ, hoa mận nở trắng Việt Bắc tạo nên bức tranh thổ cẩm rực rỡ muôn màu suốt một dải Bắc Nam.
Những ai có tuổi thơ gắn với vùng quê, hẳn rất nhớ hoa xoan (còn gọi là hoa sầu đông) với màu tím thủy chung tượng trưng cho tình yêu đôi lứa. Lại còn hoa chanh hoa bưởi nở tím vườn nhà. Có một thời thơ viết hoa xoan hoa chanh hoa bưởi nhiều lắm, nhưng có lẽ người viết nhiều nhất hay nhất là thi sĩ chân quê Nguyễn Bính. Bài thơ nào ông viết về hoa xoan hoa chanh hoa bưởi cũng đầy ắp kỷ niệm với những mối tình trong sáng thủy chung, sao trên đầu tôi chỉ văng vẳng câu thơ bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời của nữ thi sĩ Anh Thơ? Phải nông thôn đã đô thị hóa nên cây xoan phải nhường chỗ cho những hàng rào xi măng tương xứng với những ngôi nhà tầng những biệt thự cao vút, hay lòng người đã khác xưa?
Tháng ba, hoa gạo thắp lửa báo một mùa hè với cái nắng chói chang đang đến. Rồi mùa hè đến thật. Những bông phượng đồng loạt nở đỏ rực sân trường. Ai chẳng có một thời học trò vô tư hồn nhiên với những kỉ niệm tươi đẹp dưới từng gốc phượng vĩ? Ai chẳng nhớ một vài câu trong khúc hát: hoa như mưa rơi rơi/ như gợi nhớ một thời trai trẻ/… /anh không đi qua hết miền đắm say. Ở đất nước có một hải cảng, một thành phố mang tên loại hoa này Thành phố hoa phượng đỏ nỡ nào anh không đi qua hết miền đắm say?
Nói đến mùa hè, hoa sen là số một. Bởi vậy dù một vài nước Nam Á (như Nêpan) đã chọn hoa sen làm quốc hoa, nhưng số người Việt muốn chọn loài hoa này làm quốc hoa vẫn chiếm ưu thế. Vì sao vậy? Phải vì hoa sen tượng trưng cho những phẩm chất tốt đẹp nhất của người dân thường Việt Nam: Trong đầm gì đẹp bằng sen/ Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng/ Nhị vàng bông trắng lá xanh/ Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Hơn nữa, hoa sen gắn với câu thơ của thi sĩ Bảo Định Giang đã trở thành ca dao ca ngợi vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc chúng ta thuộc lòng từ thuở ấu thơ: Tháp Mười đẹp nhất hoa sen/ Việt Nam đẹp nhất có tên Cụ Hồ.
Bên cạnh hoa sen thường có hoa súng khiêm nhường. Tôi ấn tượng nhất lần đầu ra Thủ đô, thăm Chùa Một Cột, nhìn đầm nước nhỏ bên cạnh thấy hoa súng nép mình bên cạnh hoa sen, rồi lần đầu tiên vào Đồng Tháp viếng mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc lại chiêm ngưỡng đúng bức tranh này.
Không ai phủ nhận cúc là loài hoa điển hình cho mùa thu. Dẫu còn đó hướng dương, vạn thọ… Nhưng trong các bức tranh tứ bình cúc luôn được chọn: tùng cúc trúc mai. Nhớ khi lên mười, cha tôi mua bộ tranh tứ bình về treo Tết. Mặc dù không biết một chữ hán nôm nhưng đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in bài thơ vịnh trên các bức tranh đó: Xuân thiên mai nhụy phô thanh bạch/ Hạ nhật hồng hoa đấu hảo kì/ Cúc ngạo thu tình hương vạn hộc/ Tùng lăng đông tuyết ngọc thiên chi.
Cũng xin nói thêm rằng các nhà nho thường ví người quân tử như trúc, điều này dễ hiểu bởi "trúc dẫu cháy đốt ngay vẫn thẳng". Nhưng họ ví khí tiết người quân tử như hoa cúc kẻ ngoại đạo văn chương này chưa hiểu hết. Phải vì trong giá lạnh hoa cúc không bị lụi tàn?
Hoa hồng được suy tôn "Bà chúa mùa đông". Ngày nay, khi làn gió văn hóa Phương Tây tràn vào, hoa hồng còn được sắc phong "Nữ hoàng tình yêu". Dù khó khăn khan hiếm mấy, khi tỏ tình chàng trai nào chẳng tìm một bông hồng đẹp nhất dành tặng người mình yêu. Đó là một nét văn hóa đẹp, nhắc nhở đôi tình nhân "hoa hồng nào chẳng có gai".
Làm sao có thể điểm hết các loài hoa trên đất nước bốn mùa nơi nơi hoa nở này? Ví như hoa tầm xuân gợi nhớ bài ca dao đẹp và buồn: nụ tầm xuân nở ra xanh biếc/ em có chồng rồi anh tiếc lắm thay. Ví như hoa huệ gợi nhớ kiệt tác Thiếu nữ bên hoa huệ của danh họa Tô Ngọc Vân. Rồi hoa đại nở trắng sân chùa, mẫu đơn nở đỏ vườn nhà gắn với bao cổ tích huyền thoại. Đó là chưa nói tới những loài hoa thuộc hàng quý tộc: trà mi, hải đường: tiếc thay một đóa trà mi…, hải đường lả ngọn đông xuân.. Chưa nói đến lan li, cẩm chướng từ Phương Tây nhập vào, anh đào từ xứ sở mặt trời mọc gửi tặng sớm "Việt Nam hóa". Chúng làm phong phú thêm bức tranh gấm vóc mang tên Hoa Việt.
Cổ nhân có câu: người là hoa của đất. Có gương mặt nào đẹp hơn gương mặt thiếu nữ Việt Nam, có gương mặt nào đẹp hơn gương mặt mỗi người Việt Nam? Bởi vậy khi Xuân về trăm hoa đua nở, lại bồi hồi nhớ câu thơ: Đất nước mình đâu cũng đẹp hơn tranh/ gương mặt người ai cũng sáng long lanh (Tố Hữu).
Nguồn Văn nghệ số 4+5+6/2019