- Ta có thể nhận thấy từ “Từ điển văn học, bộ mới” vài nét phác về diện mạo của trường ca. Một: “Thuật ngữ chỉ tác phẩm thơ có dung lượng lớn, thường có cốt truyện tự sự hoặc sườn truyện trữ tình.
Trường ca cũng được dùng để gọi các tác phẩm sử thi cổ đại và trung đại, khuyết danh hoặc có tên tác giả, mà theo các nhà nghiên cứu khác nhau, chúng được soạn bằng cách xâu chuỗi các bài hát sử thi và truyện kể, hoặc bằng cách “nới rộng” một hoặc một vài truyền thuyết dân gian, hoặc bằng cách cải biên các cốt truyện xưa trong tiến trình tồn tại của sáng tác dân gian.
Trường ca được phát triển từ những thiên sử thi miêu tả những sự kiện mang ý nghĩa lịch sử toàn dân”. Và hai: “Sang thế kỷ XX, trường ca phát triển theo hướng trữ tình, tâm lý, triết lý; yếu tố cốt truyện giảm xuống; các cảm xúc riêng tư thường được đặt trong liên hệ với những chấn động lịch sử lớn”.
Căn cứ trên thực tế của lịch sử văn học Việt Nam từ cổ đến hiện đại, từ văn học dân gian đến văn học viết, dễ nhận thấy: ứng với nét phác Một chính là những tác phẩm sử thi – còn gọi là “truyện thơ” – của các tộc người thiểu số cư trú ở miền núi cao Đông Bắc, Tây Bắc, Trường Sơn/Tây Nguyên. Có thể ví dụ bằng một vài tác phẩm tiêu biểu: “Đam San”, “Xinh Nhã”, “Đẻ đất đẻ nước”, “Hạn Khuống”, “Xống chụ xon chao” v.v…
Đặc điểm của những trường ca/sử thi/truyện thơ dân gian này là dài, thậm chí rất dài, có khi lên tới cả vạn câu thơ. Thêm nữa, chúng bao giờ cũng gắn với những huyền thoại về sáng thế, về sự hình thành tộc người, về lịch sử của cộng đồng qua các biến cố lớn. Nhân vật chính trong các tác phẩm đều là những người anh hùng – anh hùng chiến trận và anh hùng văn hóa – những con người mang chiều kích đại diện cho sức mạnh của tộc người trong công cuộc chinh phục tự nhiên để xác định diện mạo văn hóa, trong chiến đấu với kẻ thù để mở rộng hoặc bảo vệ lãnh thổ.
Người Việt (Kinh) có thể cũng từng có ít nhất 1 trường ca/sử thi như vậy nhưng theo nhiều nhà nghiên cứu, nó đã bị “vỡ” ra thành những mảnh huyền thoại và truyền thuyết nhỏ lẻ, để rồi rốt cuộc, cho đến bây giờ ta đành chấp nhận thực tế là người Việt (Kinh) không có bất cứ một tác phẩm nào tương tự.
Lại căn cứ trên thực tế văn học sử Việt Nam – thế kỷ XX, tất nhiên rồi – ta sẽ thấy những tác phẩm được gọi là trường ca theo nét phác Hai xuất hiện khá muộn. Trước thời kháng chiến chống Mỹ mới thấy có “Ải Bắc” của Thao Thao, “Những người trên cửa biển” của Văn Cao, “Lửa sáng rừng” của Thái Giang v.v… Vào chống Mỹ cũng chỉ lẻ tẻ vài tác phẩm: “Bài ca chim Ch’rao” của Thu Bồn, “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm v.v…
Sáng tác trường ca chỉ trở thành một ngọn triều ào ạt kể từ khi chiến tranh kết thúc, duy trì liên tục tới khoảng mười, hơn mười năm sau đó. Nói “người người trường ca, nhà nhà trường ca” thì hơi quá nhưng dễ nhận thấy rằng trong quãng thời gian này, những tên tuổi nổi bật nhất thuộc thế hệ chống Mỹ của thơ ca Việt Nam hầu như ai cũng đều cho “xuất xưởng” trường ca: Hữu Thỉnh, Phạm Tiến Duật, Thanh Thảo, Anh Ngọc, Nguyễn Đức Mậu, Thi Hoàng, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Trọng Tạo v.v và v.v… Người một “cái”, người vài “cái”, số lượng tác phẩm trường ca tăng đến mức đột biến.
Mỗi tác giả là một giọng điệu, một cách sai sử ngôn ngữ; mỗi tác phẩm là một cơ thể sống, một chỉnh thể nghệ thuật độc lập, song tựu trung, vẫn tồn tại một “sợi chỉ đỏ xuyên suốt” các trường ca này. “Sợi chỉ đỏ xuyên suốt” ấy, có thể nói ngắn gọn, là nỗ lực nhận thức về diện mạo và tầm vóc vĩ đại của Tổ quốc, tinh thần quật cường cùng những hy sinh to lớn của nhân dân, mối liên hệ bền chặt, thiêng liêng giữa hiện tại và quá khứ của đất nước Việt Nam.. Tất cả, từ điểm nhìn của nhân vật trữ tình trong các tác phẩm trường ca, đều được đặt vào tọa độ của “những chấn động lịch sử lớn”, mà ở đây, chủ yếu là 2 cuộc kháng chiến kéo dài ba mươi năm.
Cái cảm hứng đề tài ấy, với khung khổ của nó, với dung lượng không gian – thời gian – các sự kiện của nó, hẳn nhiên, rất khó có thể nói gọn trong một bài thơ… ngăn ngắn, be bé, vì thế mà cần phải viết dài. (Dĩ nhiên, ngắn/dài trong thơ và trường ca là một câu chuyện khá phức tạp: có thể viết ngắn mà vẫn có hơi hướng trường ca, cũng có thể viết dài mà rốt cuộc vẫn chỉ là… những bài thơ dài mà thôi, không hơn).
Hãy thử ví dụ bằng một trường ca nổi tiếng, được “chúng khẩu đồng từ” đánh giá rất cao: trường ca “Đường tới thành phố” của nhà thơ Hữu Thỉnh (“Hữu Thỉnh trường ca” – NXB Hội Nhà văn, 2014). Hữu Thỉnh khởi thảo tác phẩm này tháng 8.1977, hoàn thành tháng 4.1978 nhưng có thể nói, dường như ý tưởng về “Đường tới thành phố” đã được ông ấp ủ suốt những năm tháng cầm súng tham gia chiến trận. Để cho giản tiện, tôi sẽ trích dẫn một nhận định của Vũ Quần Phương: “Hữu Thỉnh tổ chức trường ca thành 5 chương, mỗi chương có nhiều khúc.
Mối liên hệ giữa các chương, khúc nói chung rất cơ động, co dãn, chúng có thể tồn tại độc lập, có thể đổi chỗ. Mỗi khúc, chương như một đoạn trên đường tròn, điều quan trọng là chúng đều hướng vào tâm, hướng vào chủ đề tác phẩm: những hy sinh gian khổ dân tộc ta đã gánh chịu để đi đến thắng lợi cuối cùng trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước dằng dặc sau hai mươi mốt năm chia cắt” (“Hữu Thỉnh, Đường tới thành phố” – tr255). Đến đây, nên bổ sung thêm một ý: cái cấu trúc kiểu “bản giao hưởng” – khá phổ biến ở các trường ca – là một đặc điểm nhận diện thể loại, song không hẳn đã là đặc điểm quan trọng nhất để trường ca trở nên đích thực là trường ca.
Cần phải có một cảm hứng về cái rộng lớn và sâu thẳm; một nguồn cảm hứng mạnh mẽ, tuôn trào cuồn cuộn, đến mức vỡ òa, vượt ngưỡng ở những điểm cao trào, hóa thể trong những hình tượng thơ mang tính khái quát rất cao. “Đường tới thành phố” của Hữu Thỉnh có khá nhiều “điểm” như vậy – nhiều đến mức tôi sẽ không trích dẫn để tránh rơi vào sự sa đà – chúng, có thể nói, giữ độ căng cho tác phẩm dài hơi, tập trung sự chú ý và gây hứng thú trên người đọc. (Các trường ca khác, như “Dấu chân qua trảng cỏ” của Thanh Thảo, “Đất nước hình tia chớp” của Trần Mạnh Hảo, “Sông Mê Kong bốn mặt” của Anh Ngọc, “Gọi nhau qua vách núi” của Thi Hoàng v.v… cũng mang đặc điểm tương tự).
Đây cũng chính là chỗ người viết bộc lộ tài năng và bản lĩnh sáng tạo của mình. Thực tế là không ít tác giả bị… hụt hơi khi “chơi” với trường ca: họ tạo ra một văn bản kể chuyện bằng những câu (có vẻ) thơ xuống dòng; văn bản cứ tãi ra, dông dài, lan man; chủ đề tác phẩm bị phân tán, thiếu những cao độ cảm xúc cần thiết. Trong những trường hợp như vậy, nói rằng “phải viết dài vì không biết viết ngắn” trở nên là một nhận định tuyệt đối chính xác!
Tuy nhiên, trường ca Việt Nam, trong sự vận động của nó, không chỉ là vậy. Mượn cách Milan Kundera diễn giải về lịch sử tiểu thuyết, tôi muốn nói rằng những tác phẩm như “Đường tới thành phố” mới chỉ đánh dấu “hiệp một” của thể loại trường ca trong văn học Việt Nam hiện đại. “Hiệp hai”, có thể tính mốc bắt đầu từ cuối thập kỷ 90 của thế kỷ XX, sẽ là những trường ca gần như neo bám rất ít vào “những chấn động lịch sử lớn”. Nhân vật chính của trường ca không còn là Đất nước – Dân tộc – Nhân dân như trước nữa, mà chủ yếu là Quê hương – Mẹ của mỗi tác giả, trong tất cả sự gần gụi của nó, bằng toàn bộ chiều kích lịch sử/văn hóa/phong tục của nó.
Tiêu biểu cho trường ca loại này, phải kể đến tác phẩm “Trầm tích” của nhà thơ Hoàng Trần Cương (“Hoàng Trần Cương, thơ và trường ca” – NXB Hội Nhà văn, 2014). Hoàng Trần Cương khởi thảo “Trầm tích” năm 1986, công bố năm 1999, sau đó ông còn tiếp tục viết và công bố nhiều trường ca khác nữa: “U Minh”, “Đỉnh Vua”, “Long mạch”… thế nhưng, có lẽ “Trầm tích” vẫn là sự “trầm tích” dồi dào nhất cho năng lượng trường ca của Hoàng Trần Cương. Tác phẩm gồm 19 chương; mỗi chương có thể đứng riêng rẽ, độc lập như một bài thơ; thậm chí “ngắt ra” từ mỗi chương ấy những đoạn thơ với dung lượng ngắn hơn, chúng vẫn cũng có thể tồn tại như những bài thơ trữ tình đặc sắc.
Mang tính chất tự trị là vậy nhưng hợp lại, 19 chương của “Trầm tích” cùng chụm vào một mục đích: bằng con mắt thơ, bóc tách những lớp, những tầng, những vỉa của khối trầm tích địa-văn hóa có tên là “xứ Nghệ”. Đọc “Trầm tích”, qua cái nhìn nghệ thuật “riết róng và sắc lẻm” về miền Trung của Hoàng Trần Cương – chữ của nhà phê bình văn học Nguyễn Đăng Điệp trong bài viết “Khúc biến tấu của tình yêu” (Sđd, tr321) – ta thấy hiện lên đậm nét, những nét riêng có, mảnh đất và con người xứ Nghệ, tâm hồn Nghệ, “chất” Nghệ.
Cái đói cái khổ đến mức “chẳng giống ai” của một miền quê nghèo; cái giản dị, thô nhám, quyết liệt mà vô cùng sâu lắng và chan chứa nghĩa tình của một miền tâm hồn/ tính cách đã “ăn” vào trường ca của Hoàng Trần Cương, biến thành những đoạn, những câu, những hình ảnh thơ độc đáo, góc cạnh, thậm chí còn tạo một cảm giác “gây hấn” trên người đọc đến mức dữ dội: “Cay đắng lắng vào trái ớt lúc còn xanh/ Đất vắt kiệt mình nước mọng múi chanh/ Ngẩng mặt đụng trời xanh nhức mắt/ Dằng dặc dải làng quê thưa thắt/ Những vạt lúa đỏ đuôi luội mình đổ rạp/ Chỏng chơ nồi cơm ngày đói khát/ Tảng cháy cạy đi rồi/ Còn hằn vết móng tay/ Cạy lên/ Sưng cả đáy nồi”.
Và: “Con sinh ra mắt ngợp đại ngàn/ Rừng rú rậm xui buổi chiều đến sớm/ Đất thương người lo trời chóng tối/ Những gò đồi tím lịm sim mua/ Những bãi hoang loang đầy vọt bổi/ Sim chín thay cơm/ Lá bổi thay đèn/ Suối đã nhỏ còn trườn ngang vách đá/ Đất gan gà rỗ hoa/ Vực xoáy nông sâu/ Nỗi lo xoáy trắng đỉnh đầu/ Đôi mắt xoáy trời chín nẫu”. Và: “Miền Trung/ Câu ví dặm nằm nghiêng/ Trên nắng và dưới cát/ Đến câu hát cũng hai lần sàng lại/ Sao lọt tai rồi vẫn day dứt quanh năm” v.v…
Những năm gần đây, qua nhiều đợt vận động sáng tác tiểu thuyết sử thi và trường ca về đề tài chiến tranh cách mạng, ta có thể nhận thấy “Hiệp một” của trường ca vẫn chưa dừng lại; đây đó, vẫn xuất hiện những tác phẩm có chất lượng nhất định. Nhưng, nhìn về xa, sau, tương lai của trường ca trong văn học Việt Nam hiện đại – nếu có một tương lai như thế – ắt sẽ thuộc về “Hiệp hai”. Vấn đề còn lại – nói theo một cách công thức và nhàm chán, vì… luôn đúng – hoàn toàn phụ thuộc vào tài năng, bản lĩnh sáng tạo và sự trường vốn của mỗi tác giả trường ca mà thôi.
HOÀI NAM
Nguồn Vanvn