Văn hóa nghệ thuật

Khi mạng xã hội không thể thay thế một nhà xuất bản thực thụ

Trần Quốc Lập
Sách 21:38 | 24/06/2025
Dù sở hữu cộng đồng BookTok với hơn 370 tỷ lượt xem và khả năng tạo ra hiện tượng bán chạy chỉ sau một đêm, TikTok vẫn không thể cứu nổi 8th Note Press, nhà xuất bản do chính công ty mẹ ByteDance thành lập. Việc nhà xuất bản này đóng cửa sau chưa đầy hai năm hoạt động không chỉ là một thất bại kinh doanh, mà còn đặt ra câu hỏi sâu sắc về ranh giới giữa thuật toán và văn hóa đọc, giữa lan truyền và tư duy, giữa công nghệ và nghề làm sách trong thời đại AI.
aa

Cuối tháng 6/2025, thông tin về việc ByteDance, công ty mẹ của TikTok, tuyên bố đóng cửa nhà xuất bản 8th Note Press đã khiến giới xuất bản và cộng đồng BookTok toàn cầu không khỏi bất ngờ. Được thành lập giữa năm 2023, 8th Note Press từng được kỳ vọng sẽ cách mạng hóa ngành xuất bản bằng việc tận dụng sức mạnh lan tỏa của TikTok, đặc biệt là cộng đồng #BookTok - nơi đã tạo nên hàng loạt hiện tượng sách bán chạy toàn cầu. Nhưng chỉ sau chưa đầy hai năm hoạt động, nhà xuất bản này âm thầm biến mất, để lại nhiều hoài nghi và tiếc nuối.

Khi mạng xã hội không thể thay thế một nhà xuất bản thực thụ
Ảnh: Amir Hamja/NYtimes.

Theo The Bookseller, 8th Note Press hiện đã xóa toàn bộ dấu vết trên mạng xã hội, từ website, tài khoản TikTok đến Instagram. Các quyền xuất bản đang được trả lại cho tác giả. Đại diện ByteDance từ chối bình luận trước yêu cầu của nhiều cơ quan báo chí, trong đó có The New York TimesTechCrunch.

Dù chưa công bố lý do chính thức, giới quan sát chỉ ra nhiều nguyên nhân sâu xa. Thứ nhất, việc vận hành một nền tảng mạng xã hội thúc đẩy tiêu thụ sách là một chuyện, nhưng trở thành một nhà xuất bản thành công lại là chuyện khác. Trong năm đầu tiên, 8th Note chỉ ký được hơn 30 tác phẩm, một con số quá khiêm tốn so với tiềm lực của ByteDance. Đáng chú ý, nhà xuất bản này gần như không tận dụng được chính nền tảng TikTok để quảng bá cho sách của mình: chỉ một video được đăng tải, không có TikTok Shop, không tương tác với cộng đồng #BookTok như kỳ vọng.

Thứ hai, 8th Note Press bộc lộ rõ sự thiếu kinh nghiệm trong các nghiệp vụ xuất bản truyền thống – từ biên tập, phân phối đến quản lý tác giả. Theo nhà văn Alexandra Alter (The New York Times), nhiều tác giả cho biết họ cảm thấy bị bỏ rơi, không nhận được báo cáo doanh thu hay thông tin minh bạch từ nhà xuất bản. Một trong những trường hợp tiêu biểu là cuốn 37 Questions, chỉ được phát hành bản số trong vài tháng rồi lập tức bị gỡ bỏ, khiến cơ hội tái bản tại đơn vị khác trở nên mong manh.

Vấn đề không nằm ở BookTok, mà ở việc hiểu sai vai trò của nền tảng

Phân tích từ Today in Books (Rebecca Joines Schinsky, 20/6/2025) chỉ ra một vấn đề cốt lõi: ByteDance đã vận hành 8th Note Press theo mô hình “xây dựng ngược”, tức là lựa chọn nội dung dựa trên các xu hướng lan truyền online, thay vì bắt đầu từ sự phát triển chiều sâu văn học. Việc hiểu nhầm vai trò của mạng xã hội, từ nền tảng hỗ trợ lan tỏa thành nhà xuất bản nội dung, đã dẫn đến thất bại.

Theo Jane Friedman, 8th Note không chỉ không thể “tái tạo thành công của BookTok từ bên trong”, mà còn khiến các tác giả từng có lộ trình tự xuất bản thành công bị gián đoạn nghiêm trọng, sự nghiệp bị “níu lại” bởi kỳ vọng ảo từ một thương hiệu lớn. Điều đáng nói là, không một ai liên quan đến ByteDance, TikTok hay 8th Note đứng ra xác nhận hay chịu trách nhiệm truyền thông về sự sụp đổ này, một kiểu “bốc hơi kỹ thuật số” rất điển hình của thời đại công nghệ.

Khi mạng xã hội không thể thay thế một nhà xuất bản thực thụ
Một chiếc bàn trưng bày các biển hiệu có gắn hashtag #BookTok, tại hiệu sách Barnes & Noble. Ảnh: Tali Arbel/AP Photo.

Đọc sách trong thời đại AI: cú đánh vào tư duy chứ không phải vào doanh số

Thất bại của 8th Note Press cũng diễn ra trong bối cảnh ngày càng nhiều nhà nghiên cứu đặt câu hỏi về giá trị của việc đọc trong thời đại AI. Theo một nghiên cứu mới của MIT, việc lạm dụng công cụ như ChatGPT có thể làm giảm hoạt động não và làm xói mòn năng lực tư duy phản biện. Joshua Rothman (The New Yorker) thậm chí cho rằng “thời đại mà đọc nhiều là thước đo học thức có thể sẽ kết thúc”.

Từ đó, câu hỏi đặt ra là: nếu đọc hời hợt đã trở thành phổ biến, thì liệu các nhà xuất bản chạy theo xu hướng lan truyền như 8th Note có đang góp phần đẩy nhanh sự sụp đổ của tư duy sâu? BookTok có thể tạo ra hiện tượng bán chạy, nhưng không thể thay thế vai trò của người đọc, người viết, và hệ sinh thái xuất bản chuyên nghiệp

Câu chuyện 8th Note Press không chỉ là một thất bại thương mại, mà là một lời cảnh tỉnh. Đằng sau những con số hàng trăm tỷ lượt xem của BookTok, vẫn cần những người làm nghề xuất bản hiểu sách, hiểu độc giả, hiểu văn chương, và biết nuôi dưỡng cả chiều sâu lẫn tương lai của tri thức. Công nghệ có thể giúp ta đọc nhanh hơn, tiếp cận nhiều hơn, nhưng không thể thay thế những người thực sự biết cách nghĩ sâu. Và một ngành xuất bản không có tư duy, chỉ là một showroom chạy quảng cáo.

Em kể chuyện Trường Sa - Thơ Trần Nhã My

Em kể chuyện Trường Sa - Thơ Trần Nhã My

Baovannghe.vn- Giữa rừng xanh biên giới/ em sẽ kể về trùng dương biển thẳm
Khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học nghệ thuật Việt Nam với việc phát huy bản sắc dân tộc trong xây dựng, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa”

Khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học nghệ thuật Việt Nam với việc phát huy bản sắc dân tộc trong xây dựng, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa”

Baovannghe.vn - Sáng 25/7, tại tỉnh Ninh Bình, Hội đồng Lý luận Trung ương đã tổ chức khai mạc Lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật (VHNT) Việt Nam với việc phát huy bản sắc dân tộc trong việc xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp văn hoá (CNVH).
Người hùng. Truyện ngắn Sue Ragaland (Mỹ)

Người hùng. Truyện ngắn Sue Ragaland (Mỹ)

Baovannghe.vn - Ông bà ngoại tôi là người Hungary, nhưng ông ngoại lại học hành ở Đức. Mặc dù Hungary là ngôn ngữ mẹ đẻ của mình, ông vẫn thích tiếng Đức hơn tất cả các ngôn ngữ khác mà ông nói được.
Vinmec Central Park mở lối đi mới trong điều trị động kinh bằng công nghệ Robot đỉnh cao

Vinmec Central Park mở lối đi mới trong điều trị động kinh bằng công nghệ Robot đỉnh cao

Baovannghe.vn - Lần đầu tại Việt Nam, một ca động kinh kháng trị ở trẻ em được điều trị thành công bằng công nghệ robot định vị AutoGuide. Ca phẫu thuật do Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park (TP.HCM) thực hiện đánh dấu bước đột phá trong điều trị bệnh lý thần kinh phức tạp, mở ra hy vọng cho hàng ngàn bệnh nhân động kinh tại Việt Nam.
Ngày hội văn hóa hữu nghị Việt - Hàn: Lan tỏa những giá trị truyền thống

Ngày hội văn hóa hữu nghị Việt - Hàn: Lan tỏa những giá trị truyền thống

Baovannghe.vn - “Ngày hội văn hóa hữu nghị Việt - Hàn 2025” sẽ diễn ra tại TP Hồ Chí Minh trong 2 ngày 26 & 27/7 với nhiều hoạt động phong phú nhằm lan tỏa những giá trị truyền thống