Diễn đàn lý luận

Việt Linh - nữ đạo diễn xuất sắc của điện ảnh Việt Nam

TS. Ngô Phương Lan
Lý luận phê bình 08:00 | 11/06/2025
Baovannghe.vn - Thành tích quốc tế cao nhất trong các nữ đạo diễn là Việt Linh - người đã khẳng định được khả năng và phong cách đa dạng của mình qua một số bộ phim thời kỳ Đổi mới - xứng đáng là nữ đạo diễn xuất sắc của điện ảnh Việt Nam.
aa

Mặc dù “tính nữ” là đặc điểm nổi bật của điện ảnh Việt Nam, nhưng đạo diễn nữ Việt Nam không nhiều, những nữ đạo diễn thành danh, có phim được giải thưởng trong nước và quốc tế chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thế hệ đầu tiên có NSND Bạch Diệp, tiếp đến là NSƯT Đức Hoàn, rồi đến NSƯT Việt Linh, sau một chút là NSND Phạm Nhuệ Giang. Trẻ nhất là Nguyễn Hoàng Điệp và Hồng Ánh - mỗi người mới thử sức đạo diễn qua một bộ phim.

Thành tích quốc tế cao nhất trong các nữ đạo diễn là Việt Linh - người đã khẳng định được khả năng và phong cách đa dạng của mình qua một số bộ phim thời kỳ Đổi mới - xứng đáng là nữ đạo diễn xuất sắc của điện ảnh Việt Nam.

Gánh xiếc rong (Hãng phim Giải Phóng sản xuất, 1999).

Kịch bản: Phạm Thùy Nhân; Đạo diễn: Việt Linh; Quay phim: Đinh Anh Dũng; Họa sĩ thiết kế: Phạm Nguyên Cẩn; Âm nhạc: Hoàng Hiệp; Diễn viên: Bắc Sơn vai già làng, Thế Anh vai ông chủ, Thái Ngân vai Lan, Lương Hữu/ Viễn Minh vai Đác, bé Khương vai Poupon, Quang Hiếu vai phù thủy, Quang Minh vai gã ốm, Trần Văn Vâng vai gã mập, Lê Văn Lập vai người gù, Trần Thành Cang vai Ba Đác, Cẩm Vân vai vợ phù thủy.

GIẢI THƯỞNG - Giải Bông sen Bạc cho phim, Giải Đạo diễn (Việt Linh), Giải Khán giả, LHPVN lần thứ 9, 1990 - Giải Khán giả bầu chọn, Liên hoan phim Ba Châu lục Nantes (Pháp), 1900 - Giải Giám khảo thiếu nhi, LHPQT Uppsala (Thụy Điển), 1991 - Bằng khen Ban giám khảo UNICEF, LHPQT Berlin, 1991 - Giải thưởng Lớn (Grand Prix), LHPQT Fribourg (Thụy Sĩ), 1992 - Giải Nhất, LHPQT Phụ Nữ Madrid (Tây Ban Nha), 1993

***

THÀNH CÔNG CỦA SỰ CỘNG HƯỞNG GIỮA ĐẠO DIỄN VÀ BIÊN KỊCH TRONG GÁNH XIẾC RONG

Việt Linh - nữ đạo diễn xuất sắc của điện ảnh Việt Nam
Nữ đạo diễn Việt Linh

Bộ phim Gánh xiếc rong (tác giả kịch bản Phạm Thùy Nhân, đạo diễn Việt Linh) ra đời năm 1989 là một trong những bộ phim đánh dấu bước khởi đầu của điện ảnh Việt Nam trong thời kỳ Đổi mới dưới ánh sáng của Đại hội Đảng VI tháng 12 năm 1986.

Cũng giống như một số bộ phim ra đời trong những năm đầu Đổi mới, Gánh xiếc rong dấy lên không ít cuộc tranh luận nhưng cuối cùng bộ phim đã được đánh giá là một trong những tác phẩm thành công của điện ảnh Việt Nam với giải Bông sen Bạc tại LHPVN lần thứ IX - 1990 (không có Bông sen Vàng cho phim truyện trong LHP này) cùng giải Đạo diễn xuất sắc cho Việt Linh và giải Quay phim xuất sắc cho Đinh Anh Dũng. Bộ phim cũng có một hành trình rong ruổi tới rất nhiều Liên hoan phim Quốc tế (LHPQT) và để lại dấu ấn lớn nhất bằng Giải thưởng lớn tại LHPQT Friburg (Thụy Sĩ) - 1992 và một số giải thưởng quốc tế khác. Trong chương trình này, chúng tôi sẽ phân tích phim Gánh xiếc rong nhằm đề cập đến một vấn đề mấu chốt trong sáng tác điện ảnh: mối quan hệ giữa biên kịch và đạo diễn giữ vai trò ra sao để tạo nên thành công của một bộ phim.

Bằng phong cách thể hiện vừa mang màu sắc hiện thực lại vừa phảng phất vẻ trào lộng kín đáo, bộ phim Gánh xiếc rong đã đạt đến một ý nghĩa tượng trưng nhất định. Chuyện kể rằng ở một thời nào đó, một gánh xiếc nọ đến biểu diễn ở một bản làng xa xôi với mục đích kiếm vàng vì nghe nói bản xung quanh đầy vàng. Nằm trên vỉa vàng như vậy nhưng dân bản ở đây đói triền miên và nghèo xác xơ. Cái họ quý và cần hơn tất cả là cơm gạo chứ không phải bất cứ thứ gì khác, nhất là các trò tiêu khiển như xem xiếc. Chủ gánh xiếc mưu mô, đã nghĩ ra trò ảo thuật “biến” gùi không thành gùi đầy gạo và gánh xiếc đã làm những người dân thật thà chất phác trong bản mê mẩn, tin hoàn toàn vào “phép màu”. Họ bỏ nương rẫy để ngày ngày lên núi đào vàng, bỏ họp làng để đêm đêm đem vàng đến đổi lấy niềm sung sướng được nhìn thấy “gùi gạo màu nhiệm”. Chủ gánh xiếc đạt được mục đích kiếm đầy vàng nhưng dân bản thì càng thêm đói nghèo kiệt quệ..

Đề cập đến vai trò mối quan hệ giữa biên kịch và đạo diễn, hay nói cách khác là kinh nghiệm cộng tác giữa họ để tạo nên thành công của phim Gánh xiếc rong, nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân cho rằng mấu chốt của mọi sự cộng tác là thái độ tôn trọng nhau. Người đạo diễn cần hiểu sáng tác của biên kịch chứa đựng tâm huyết là sự trăn trở, vật vã nhiều ngày tháng chứ không phải một đêm mà có, vì vậy, khi có những sự thay đổi lớn nhỏ trong kịch bản thì đạo diễn cần trao đổi, bàn bạc. Ngược lại, nhà biên kịch cũng cần hiểu kịch bản không phải tác phẩm hoàn chỉnh, phim mới là tác phẩm điện ảnh nên không thể đòi hỏi đạo diễn nhất nhất phải theo ý mình.

Chắc rằng không mấy người biết trong kịch bản đầu tiên của bộ phim Gánh xiếc rong (vốn mang tên Trò ảo thuật), tác giả Phạm Thùy Nhân lấy bối cảnh của phim là vùng duyên hải Nam Trung bộ quê hương anh, nơi anh rất quen thuộc. Nhưng đạo diễn Việt Linh lại không thạo vùng này nên đề nghị chuyển bối cảnh lên miền núi, và cuối cùng thì nhà biên kịch đã chiều lòng đạo diễn, viết lại lần nữa để rời bối cảnh phim lên miền núi như chúng ta đã thấy trong phim. Như vậy, nhờ mối quan hệ tốt đẹp, đầy cảm thông và tôn trọng lẫn nhau giữa biên kịch và đạo diễn mà họ đã giải quyết rất êm thấm được một việc không nhỏ là “đổi biển thành núi” mà lại đạt được hiệu quả rất cao trong bộ phim! Để tạo được sức sống cho bộ phim, phải nhắc đến vai trò rất quan trọng của nhà quay phim Đinh Anh Dũng, đặc biệt là trong những cảnh quay đêm đầy ấn tượng, vì quay đêm vốn là thử thách đối với nhiều nhà quay phim Việt Nam mà cảnh đêm chiếm phần lớn thời lượng trong bộ phim này.

Các nhân vật chính được các nhà làm phim “chăm sóc” kỹ lưỡng và đều để lại những dấu ấn. Trước hết là ông chủ gánh xiếc tham lam và đầy mưu mô, để trục lợi cho bản thân, hắn bất chấp tất cả, nghĩ ra trò ảo thuật - thực ra là lừa đảo những người dân bản thật thà ngây thơ. Ra đời vào những năm đầu đổi mới nên môtíp nhân vật này có tính chất cảnh báo. NSND Thế Anh từng được khán giả ghi nhớ và yêu mến chủ yếu ở những nhân vật chính diện hoặc “thức tỉnh” sau khi lầm đường. Vai ông chủ trơ tráo, thực dụng, nhãn tâm trong phim quả là một bước chuyển mới trong diễn xuất của nghệ sĩ và đây cũng là một trong những vai để lại nhiều kỷ niệm nhất cho ông.

Đối lập với nhân vật chủ gánh xiếc là nhân vật già làng do NSƯT Bắc Sơn đóng - một con người nhân hậu, tỉnh táo và thông thái nhất trong bản. Nhưng cái thông thái của ông không ngăn cản được sự u mê của dân bản, sự tỉnh táo của ông không truyền được cho dân bản vì họ đã bị cái đói làm cho mờ mắt, và hàng ngày họ vẫn lên núi đào vàng để đổi lấy những giây phút vui sướng trong ảo vọng khi xem ảo thuật. Chính sự bất lực này đã làm cho già bản đau đớn trong nỗi xót thương những người dân ngây thơ và bất hạnh của mình và điều này đã được nghệ sĩ Bắc Sơn thể hiện thành công...

Đường dây nhân vật khiến người xem cảm động nhất là mối quan hệ giữa Đác - thằng bé dân tộc côi cút chịu nhiều thiệt thòi, bất hạnh và cô gái làm trò ảo thuật cũng xuất phát từ trẻ mồ côi (Thái Ngân đóng). Mẹ mất sớm, cha nghiện rượu bê tha khắp các xó xỉnh, hai anh em bé Đác suốt tháng ngày phải chịu đựng cái đói triền miên, khắc khoải. Đác coi cô gái xinh đẹp có bí quyết hóa phép ra gạo là thần tượng hy vọng, nó dành cho cô tất cả tình cảm trìu mến và tất cả những gì quý giá nhất mà anh em nó có kể cả bộ váy áo - kỷ vật của người mẹ đã khuất. Nó tưởng chừng sẽ học được phép màu làm ra gạo của cô để em nó và dân làng khỏi đói. Cô gái cảm động trước tình cảm của Đác và như thấy trong nó hình ảnh thời thơ ấu của chính mình nên vô cùng day dứt khi chủ gánh xiếc ép cô hàng ngày tiếp tục làm trò ảo thuật lừa dân bản.

Khán giả lặng người trước cảnh huống thương tâm: em gái Đức một mình thui thủi trong túp lều xơ xác, bị cái đói cào cấu thúc giục đã dại dột uống nước xà phòng - thứ đồ chơi mà anh nó đem về từ gánh xiếc để làm nó quên đói bằng trò chơi thổi bong bóng xà phòng. Để rồi em đã phải chết bên ống đựng nước xà phòng lăn lóc trên sàn...

Âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Hiệp cũng góp phần đáng kể tạo nên sức nặng cho bộ phim. Đọng lại sâu lắng trong lòng người xem một điệu nhạc buồn như xoáy vào lòng người, điệu nhạc có sức hòa quyện say mê, háo hức đến tội nghiệp của những người dân bản cả đời lam lũ, lòng ngưỡng mộ trước cô gái trẻ “ngôi sao gánh xiếc” của thằng bé Đác và nỗi cắn rứt, ăn năn trong lòng cô gái làm trò ảo thuật. Với âm điệu kèn trom-pét khi thì da diết lúc lại xóc xối, điệu nhạc ấy cứ láy đi láy lại như xoáy vào lòng người, khiến cho ta cảm thấy phía dưới cái bề mặt hiện thực được mô tả một cách trần trụi là chiều sâu của tâm hồn con người, của niềm trắc ẩn, của nỗi đau.

Để lại ấn tượng mạnh mẽ nhất là trường đoạn cuối cùng của phim, cái đêm thằng bé Đác phát hiện ra trò ảo thuật “làm ra gạo” chỉ là một trò lừa đảo. Nó vùng chạy đến đại bản doanh của gánh xiếc - bây giờ chỉ còn là một bãi hoang ngổn ngang những thứ gánh xiếc bỏ lại và nức nở trong nỗi đau và tức giận chồng chất bởi không những nó bị trò ảo thuật lừa mà còn phải tự bóp chết thần tượng của lòng mình - cô gái như một nàng tiên thánh thiện mà nó hằng tôn thờ ở một góc thiêng liêng và sâu kín nhất trong tâm hồn! Rồi vừa khóc, nó vừa báo động cho dân bản, lập tức, những con người bừng tỉnh khỏi cơn mê, giận dữ chạy đến với Đác, họ cùng chia sẻ nỗi uất ức nghẹn ngào khi biết mình bị lường gạt! Các nhà làm phim đã dựng song song cảnh dân bản sục sôi tức giận với cảnh chạy trốn ê chề của gánh xiếc nên kịch tính kéo đến tận cuối phim. Chính vào lúc này, điệu nhạc buồn của tiếng kèn trom-pét lại vang lên, văng vẳng như từ trong lòng thằng Đác. Tiếng kèn ấy đã trở thành tiếng nói sâu thẳm từ tâm hồn thằng bé...

Đến bây giờ người ta mới thấm thía lời của già làng: không có phép màu nào cả, muốn no ấm thì tự tay mình phải làm ra gạo, và cả bản hòa vào thành một dòng người đi về phía mặt trời đang dần mọc. Đây cũng là thông điệp mà đạo diễn Việt Linh và biên kịch Phạm Thuỳ Nhân gửi đến khán giả.

Việt Linh - nữ đạo diễn xuất sắc của điện ảnh Việt Nam
Cảnh trong phim "Gánh xiếc rong". Ảnh Internet
Việt Linh - nữ đạo diễn xuất sắc của điện ảnh Việt Nam

"Việt Linh - nữ đạo diễn xuất sắc của điện ảnh Việt Nam"- THÀNH CÔNG CỦA SỰ CỘNG HƯỞNG GIỮA ĐẠO DIỄN VÀ BIÊN KỊCH TRONG GÁNH XIẾC RONG được trích từ phần I của tác phẩm "Phác thảo điện ảnh Việt Nam thời đổi mới và hội nhập" của TS Ngô Phương Lan.

Đạo diễn Việt Linh là một trong những gương mặt đạo diễn nổi bật của điện ảnh Việt Nam và được TS Ngô Phương Lan giành nhiều trang viết khẳng định bà xứng đáng là nữ đạo diễn xuất sắc của điện ảnh Việt Nam qua các bài viết: " Mê Thảo thời vang bóng"; "Chung cư"

Phác thảo Điện ảnh Việt Nam thời đổi mới và hội nhập
Cảnh - Thơ Nguyễn Đông Nhật

Cảnh - Thơ Nguyễn Đông Nhật

Baovannghe.vn- Những nhà thơ buồn chết đi/ nhưng có phải nỗi buồn đã chết?
Lời hẹn mùa hè

Lời hẹn mùa hè

Baovannghe.vn - “Bống nhé, có một dịp nào đó ngang qua đất Huế, mời Bống ghé nhà Rốt chơi. Rốt sẽ dẫn Bống đi thăm Huế, nơi mà chắc bạn mới chỉ nghe nói trong thơ, trong nhạc mà thôi.”
Việt Nam lần thứ 3 trúng cử thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước UNESCO 2005

Việt Nam lần thứ 3 trúng cử thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước UNESCO 2005

Baovannghe.vn - Tại kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 10 Công ước 2005 về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, Việt Nam lần thứ 3 tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai liên tiếp là thành viên của Ủy ban liên Chính phủ Công ước.
Thủ tướng Chính phủ: Tháo gỡ "điểm nghẽn" tìm giải pháp tăng tốc nền kinh tế

Thủ tướng Chính phủ: Tháo gỡ "điểm nghẽn" tìm giải pháp tăng tốc nền kinh tế

Baovannghe.vn - Sáng 22/6, Thủ tướng chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy thực hiện 3 chương trình quan trọng trong năm 2025.
Báo chí cách mạng Việt Nam: Vững bước tiến vào kỷ nguyên mới

Báo chí cách mạng Việt Nam: Vững bước tiến vào kỷ nguyên mới

Baovannghe.vn - Sáng ngày 21/6, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, diễn ra Lễ kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025).