Diễn đàn lý luận

Chàng Trương Chi qua các thời đại văn học

Trịnh Bá Đĩnh
Lý luận phê bình 07:00 | 10/06/2025
Baovannghe.vn - Trong bối cảnh hiện nay để định hướng, thúc đẩy văn học, nghệ thuật sáng tạo ra những tác phẩm, những hình tượng nghệ thuật mới vừa mang bản sắc truyền thống vừa hiện đại, nghiên cứu, phê bình cần tích cực tiếp cận văn học nghệ thuật từ văn hóa.
aa

Một trong những cách tiếp cận văn hóa đối với văn học nghệ thuật là nghiên cứu các biểu tượng vì hệ thống biểu tượng là cơ sở của một nền văn hóa. “Biểu tượng là tượng hình của cái tuyệt đối” (F. Hegel), Trong văn hóa một dân tộc, “cái tuyệt đối” là quan điểm riêng của cộng đồng về thiện-ác, đẹp-xấu, thiêng-tục, bi thương-hạnh phúc, cả những quan điểm về số phận và định mệnh con người… Bản thân những quan điểm này cũng có tính lịch sử, biến đổi theo thời gian do sự biến đổi của hoàn cảnh thực tế, từ đó là nhận thức chung của con người thời đại. Chúng thể hiện qua các biểu tượng. Như vậy, mỗi biểu tượng, một mặt, mang theo “yếu tố cổ xưa nào đó” (Iu. Lotman) của kí ức văn hóa dân tộc. Mặt khác, nó được kế thừa trong lịch sử, đi xuyên qua các thời đại, được tái diễn giải, “viết lại” nhiều lần, mỗi lần bồi đắp thêm ý nghĩa mới, nhưng ý nghĩa ban đầu vẫn còn được lưu giữ, vẫn định hướng cho con đường đi của nó trong văn hóa. Người sử dụng, sáng tạo biểu tượng trong tác phẩm của mình phải là một nghệ sĩ mạnh mẽ, có khả năng thâm nhập vào những bí mật của văn hóa dân tộc, khả năng tái tạo biểu tượng thành hình tượng trong tác phẩm của mình, biến ngôn ngữ hình tượng của sáng tạo cá nhân thành ngôn ngữ cộng đồng mang tính phổ quát và vĩnh cửu, tức ngôn ngữ văn hóa. Biểu tượng bên cạnh dấu ấn cổ xưa, cũng mang dấu ấn của thời đại, địa vị xã hội, tư tưởng của từng nhà văn và những nét đặc trưng của từng tác phẩm. Bài viết này cố gắng vạch ra hệ ý nghĩa của hình tượng - biểu tượng Trương Chi trong những tác phẩm của các nhà văn Việt Nam qua các thời đại, như một gợi ý cho những ai muốn tiếp tục dựa trên các cốt truyện, biểu tượng văn hóa truyền thống sáng tác những tác phẩm nghệ thuật mới trong văn học, sân khấu, điện ảnh, âm nhạc. Trương Chi đã từng được tái diễn giải, “viết lại” rất nhiều lần, ở mọi thể loại, nhất là trong các loại kịch hát. Về số lượng, hầu như khó thống kê hết được, có thể nó chỉ thua Truyện Kiều. Tuy nhiên chỉ với văn học, hình tượng-biểu tượng này mới liên tục được bổ sung nhiều ý nghĩa mới, bởi vì trong các loại nghệ thuật, văn học là công cụ mạnh nhất của nhận thức.

Chàng Trương Chi qua các thời đại văn học
Hình ảnh trên bìa tờ nhạc chuyện ca Khối tình Trương Chi của Phạm Duy. Tranh: Duy Liêm

Trương Chi - người tài. Câu chuyện bi kịch Trương Chi - Mị Nương cũng như hình tượng chàng Trương Chi “người thì thậm xấu, hát thì thậm hay” đã quá quen thuộc đối với mỗi người Việt Nam. Truyện Trương Chi trước hết thuộc loại truyện cổ tích về bi kịch tình yêu. Thứ nhất, nói về nghệ thuật truyện cổ tích. Thế giới truyện cổ tích là thế giới của những tượng trưng, công thức quy ước. Trong đó, chẳng hạn, nhân vật dì ghẻ bao giờ cũng độc ác, còn đứa con riêng của chồng bao giờ cũng bị đối xử bất công, người anh cả luôn tham lam, đứa em út luôn chịu thiệt thòi, những nhân vật xấu xí mà tài ba, con yêu tinh thường mang vẻ ngoài một cô nàng xinh đẹp… Đó không phải là một không gian hiện thực mà là một không gian của những tượng trưng, ẩn dụ, ngụ ngôn, biểu tượng. Truyện cổ tích dựa trên tư duy về cấu trúc lưỡng phân xã hội: thành phần xã hội, hệ giá trị đẳng cấp, tiến bộ và bảo thủ, thiện và ác, như vậy hẳn ra đời khá muộn: thời xã hội mà sự phân chia đẳng cấp đã khá phát triển. Thứ hai, về bi kịch tình yêu: hình mẫu một bi kịch tình yêu, căn cứ trên những tác phẩm tiêu biểu của nghệ thuật thế giới, đều có những thành phần và cấu trúc cơ bản sau: 1/ nhân vật chính có phẩm chất cao quý; 2/ tình yêu nam nữ say đắm; 3/ sự trớ trêu kịch tính dẫn đến xung đột không thể giải quyết được; 4/ cái chết thảm khốc của nhân vật chính; 5/ tạo nên cảm xúc “thanh lọc tâm hồn” (catharsis) nơi người tiếp nhận. Nội dung bi kịch cần biểu đạt một/những triết lí sâu sắc về quy luật xã hội nhân sinh hoặc quy luật thế giới, tức định mệnh. Truyện Trương Chi biểu đạt cái nhìn về sự không tương hợp giữa nội dung và hình thức, giữa phẩm chất bên trong và diện mạo bên ngoài của con người. Nàng Mị Nương say mê tiếng hát Trương Chi mà lâm bệnh tương tư, nhưng thất vọng, chối từ tình yêu khi nhìn thấy tiếng hát “thậm hay” ấy là của người có dung mạo “thậm xấu”. Còn chàng Trương Chi khi gặp đã say mê vẻ đẹp của nàng, vì biết không thể có được tình yêu của nàng đã nhảy xuống sông tự tử. Một người vị cái đẹp, một người vị tình yêu (cũng là cái đẹp), bi kịch là ở chỗ họ không chấp nhận được thực tế: cái đẹp có thể ẩn dưới một hình thức xấu, người tài có thể có vẻ ngoài “không hoàn thiện”, thậm chí kì dị. Đây là một quan điểm của tầng lớp bình dân, người sáng tạo truyện kể, nhằm khẳng định phẩm giá của mình. Cách nhìn nhị nguyên nội dung-hình thức mâu thuẫn nhau được biểu đạt trong văn hóa dân gian với nhiều những thành ngữ, tục ngữ, ca dao, truyện kể, chẳng hạn truyện Hồn Trương Ba da hàng thịt. Điều ấy khiến cho trong văn học có rất nhiều “nhân vật xấu xí mà tài ba”. Cái nhìn nhị nguyên đối lập nội dung-hình thức có thể không đưa đến tình huống bi kịch nếu người ta chấp nhận triết lí “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” hoặc có lòng từ bi như ở Truyện Sọ dừa. Bi kịch Trương Chi trong truyện cổ là triết lí về người tài ở hoàn cảnh có tính định mệnh: Trời “ban” cho một hình thức “thậm xấu”. Đối với mỗi hiện tượng văn hóa, có thể có nhiều mô hình diễn giải, thậm chí mâu thuẫn, xung đột nhau. Mỗi hình tượng, biểu tượng ngoài ý nghĩa triết lí như nói trên, còn có thể có ý nghĩa phản ánh thực tế nếu ta nhìn theo lí thuyết phản ánh, tức là hình tượng - biểu tượng nghệ thuật biểu hiện thực tế xã hội nào. Chẳng hạn tiếng sáo ở chàng chăn bò trong Truyện Sọ dừa, tượng trưng cho âm nhạc của những tộc người sống bằng chăn thả gia súc; tiếng đàn kêu oan của Thạch Sanh chàng đốn củi tượng trưng cho âm nhạc của tộc người vùng rừng núi. Cũng như thế, tiếng hát của người đánh cá Trương Chi có lẽ tượng trưng cho tài năng và tình yêu âm nhạc của cư dân vùng sông nước. Vùng sông nước nào? Theo nhiều nhà nghiên cứu đó có thể là vùng Bắc Ninh. Từ lâu trong dân ca quan họ đã có những bài hát về mối tình Trương Chi - Mị Nương, một số tên gọi trong truyện cũng gợi về một số địa danh của vùng này. Dù người ta có đồng ý với giả thuyết về nguồn gốc ấy hay không thì vẫn phải thừa nhận rằng vùng văn hóa quan họ rất xứng đáng với một biểu tượng lớn về tình yêu và tài năng ca nhạc. Về thời điểm ra đời Truyện Trương Chi có thể xuất hiện vào thời kì các yếu tố văn hóa dân gian bắt đầu thâm nhập vào văn hóa chính thống của quý tộc phong kiến. Chẳng hạn ở các thế kỉ XIII-XIV, nhà nước có ý thức và chủ trương tiếp nhận văn hóa dân gian để xây dựng nền văn hóa quốc gia Đại Việt độc lập với Trung Quốc. Dĩ nhiên việc tiếp nhận các yếu tố văn hóa dân gian vào văn hóa chính thống, có tính chất quý tộc phong kiến không đơn giản, một chiều, có thứ được tiếp nhận, có thứ bị từ chối. Sự từ chối sẽ nảy sinh bi kịch. Ý nghĩa triết lí và xã hội lịch sử của câu chuyện về bi kịch Trương Chi trong văn hóa dân gian là như vậy.

Trương Chi - người nghệ sĩ lãng mạn. Suốt thời kì trung đại, do sự nghiêm khắc của các quy chế thứ bậc đẳng cấp xã hội, tình yêu nam nữ theo lễ giáo, cả quan điểm về nghệ sĩ như hạng “xướng ca vô loài” khiến văn học viết không có điều kiện cho việc tái sáng tạo mối tình lãng mạn Trương Chi - Mị Nương, dù sự say đắm nó không thể mất trong dân chúng. Nhưng rồi một thời kì mới đã tới: thời của chủ nghĩa lãng mạn trong văn học nghệ thuật. Chàng Trương Chi tái xuất hiện với một hình ảnh mới: người nghệ sĩ lãng mạn. Chủ nghĩa lãng mạn Việt Nam đầu thế kỉ XX mang tinh thần và nhiều đặc điểm của của chủ nghĩa lãng mạn phương Tây thế kỉ XVIII - XIX. Hình tượng Trương Chi đã thành một biểu tượng về thân phận người nghệ sĩ. Năm 1944, Vũ Hoàng Chương cho ra mắt kịch thơ Trương Chi. Kiểu nhân vật mộng, say, ngôn ngữ đài các, giàu tượng trưng vốn là phong cách riêng của ông vẫn được thể hiện trong văn phẩm này. Vì thế, nhân vật Mị Nương, từ tiểu thư mộng tình si trong truyền thuyết, dưới ngòi bút của Vũ Hoàng Chương hầu như bị đẩy lên thành kẻ điên tình, điên loạn, mất lí trí: “Chợt mê rồi chợt tỉnh”, “lời nói đã vào điên”. Trong vở kịch thơ, Vũ Hoàng Chương xây dựng thêm một nhân vật chính là Thừa tướng, cha của Mị Nương. Nhân vật phát ngôn cho tư tưởng của tác giả về thân phận nghệ sĩ. Khi Thừa tướng sai A Hoàn đi tìm, đưa được Trương Chi về, nàng Mị Nương vô cùng thất vọng và không chấp nhận hiện thực, người cha lấy “luật thừa trừ” cắt nghĩa cho con gái: “Này con ạ từ xưa nòi nghệ sĩ/ Trời trao cho chỉ riêng cái tài thôi/ Càng tài cao và nghệ thuật tót vời/ Càng thua thiệt với đời thua mọi thứ/ Giàu tài nghệ ắt lợi danh nghèo chứ/ Đẹp linh hồn nên dung mạo xấu xa/ Luật thừa trừ vẫn thế”. “Luật thừa trừ” là thuyết định mệnh. Trương Chi như vậy thuộc “nòi nghệ sĩ”, bi kịch Trương Chi là bi kịch chung của nghệ sĩ. Nghệ sĩ ở đây theo quan điểm của chủ nghĩa lãng mạn, như lời nhân vật: “Còn nghệ sĩ họ say cùng lí tưởng/ Chỉ nâng niu tài của họ mà thôi/ Mộng bình sinh là dâng hiến cho đời/ Những hoa quý nở trong vườn nghệ thuật/ Đời ghét hay yêu, họ còn hay mất/ Có bao giờ họ lưu ý gì đâu”.

Nửa sau thế kỉ XX, biểu tượng bi kịch Trương Chi được bổ sung các ý nghĩa mới qua nhiều tác phẩm văn học, nổi bật là các tác phẩm của Vũ Khắc Khoan, Nguyễn Huy Thiệp và Nguyễn Đình Thi. Bối cảnh xã hội giai đoạn này là cuộc đấu tranh xã hội quyết liệt, về tư tưởng hệ cũng như thực tế đời sống. Văn nghệ sĩ, văn học nghệ thuật cũng bị cuốn vào dòng thác đấu tranh này, đứng trước các lựa chọn khắc nghiệt: nghệ sĩ đi theo xu hướng nào, văn nghệ phục vụ ai, làm sao để nghệ thuật độc lập, được là chính mình? Cả ba tác phẩm Trương Chi đều mang dấu ấn của thời điểm chuyển đổi xã hội Việt Nam. Chàng Trương Chi thành đối tượng để suy tư về lẽ sống và con đường nghệ thuật của người nghệ sĩ. Trước hết xin nói qua về vở kịch của Nguyễn Đình Thi. Vở kịch Trương Chi của Nguyễn Đình Thi bám sát cốt truyện truyền thống. Nhân vật trung tâm là Mị Nương, chứ không phải Trương Chi và tác giả trình bày câu chuyện theo cái nhìn của nhân vật nữ này. Bi kịch ở đây trước hết là bi kịch của Mị Nương, ảo tưởng tan vỡ khi đối diện, va chạm với thực tế. Mị Nương trong vở kịch là con người ảo tưởng, của ý nghĩ thông thường. Qua tiếng hát của Trương Chi, nhân vật nghĩ rằng chàng Trương Chi, người có tiếng hát mê hồn ấy phải là con người rất đẹp, rất cao sang: “Anh ấy là người có đôi mắt dịu dàng”, “nụ cười hiền hậu”, “Gương mặt ấy sáng láng thông minh, ít thấy ở đời. Anh ấy đẹp lắm”. Còn Trương Chi của Nguyễn Đình Thi, như một nhà hiện thực chủ nghĩa chính cống kiên quyết buộc con người đầy ảo tưởng ấy phải nhìn thẳng vào sự thật: “Trương Chi: Thôi anh cũng chẳng muốn em yêu anh như một cái bóng mơ… Trương Chi đi vào trong nhà cầm cây đèn đi ra soi rõ vào mặt mình: Đây em nhìn rõ anh đi. Mị Nương: “Trời ơi!” Quay đi che mặt: Tôi chỉ muốn chết thôi”. Ảo tưởng tan vỡ hoàn toàn, “Trương Chi: Anh như vậy em Mị ạ…”. Vở kịch của Nguyễn Đình Thi ra đời năm 1983, thời điểm trong xã hội vang lên tiếng nói yêu cầu văn học nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật.

Trương Chi - nghệ sĩ hiện sinh. Hai truyện ngắn Trương Chi của Vũ Khắc Khoan và Nguyễn Huy Thiệp đều chung một chủ đề có tính hiện sinh chủ nghĩa: Tồn tại hoặc không tồn tại. Hay cụ thể hơn, bằng cách nào, nghệ sĩ chân tài, nghệ thuật đích thực có thể tồn tại trong môi trường phức tạp. Truyện ngắn Trương Chi của Vũ Khắc Khoan là một sáng tạo nghệ thuật đáng chú ý. Bối cảnh trong truyện ngắn được xây dựng mang tính biểu tượng rõ rệt: biểu tượng ranh giới. Về thời gian, đó là một đêm trừ tịch, lúc sắp giao thừa, ranh giới giữa năm cũ và năm mới; về không gian và tư tưởng, địa điểm diễn ra câu chuyện là thành phố cảng Hải Phòng nơi tập kết người di cư vào Nam năm 1954, nơi người ta cần có hành động lựa chọn. Người kể chuyện xưng tôi, nhận là thuộc tầng lớp trí thức tiểu tư sản, chuẩn bị di cư vào Nam, đã kể câu chuyện Trương Chi cho người bạn/ đồng chí của em trai. Các sự kiện về cuộc đời Vũ Khắc Khoan, cả việc người kể chuyện xưng “Khoan tôi” cho thấy đây là hình ảnh tác giả, tác giả muốn nói về mình, một nhà văn. Văn bản có hai câu chuyện lồng vào nhau, một kiểu siêu văn bản theo cách gọi của lí thuyết văn học hiện đại. Câu chuyện thứ nhất: về nhà văn với người nghe chuyện và câu chuyện thứ hai: về chàng Trương Chi, như một tấm gương mà người kể chuyện soi mình vào đó. Kết cấu “hình chiếu gương” khiến văn bản có nhiều giọng điệu, một văn bản phức điệu. Lối tự sự này khá quen thuộc trong văn học thế giới và Việt Nam. Câu chuyện về chàng Trương Chi ở đây như một ẩn dụ biện minh cho sự lựa chọn hiện sinh của người kể, của tác giả. Truyện về chàng Trương Chi được Vũ Khắc Khoan kể khác nhiều với truyền thống dù đường hướng cốt truyện vẫn còn đó như một sợi chỉ mờ nhưng bền vững. Mở đầu truyện, tác giả - người kể chuyện nói: “Thật ra thì anh Trương Chi không xấu. Cũng không đẹp. Anh Trương Chi cũng như mọi người”. “Thật ra” có nghĩa là bản sinh, là lúc ban đầu. Nhưng đến cuối truyện thì hình ảnh Trương Chi thật sự xấu về hình thức: “một khuôn mặt cục cằn, trán thấp, mắt lác, mũi tẹt, răng hô...”, “những khớp xương như to ra, dáng đi mất phần nhanh nhẹn, cử chỉ trở nên thô kệch”. Toàn bộ câu chuyện về Trương Chi là quá trình khiến hình thức của chàng thay đổi, thoái hóa. Cũng không chỉ hình thức mà cả tiếng hát, tài năng. Trương Chi bẩm sinh có được giọng nói trời cho: giọng nói có thể sai khiến được người khác, “tiếng hát quyến rũ lạ thường”. Hơn nữa, Trương Chi còn học nhạc từ “thần âm nhạc”, tu luyện đến mức “tiếng hát thông cảm với gỗ, đá” với tự nhiên, khả năng âm nhạc đến đỉnh siêu phàm. Nhưng cuối cùng năng lực thiên tài ấy rồi cũng mất: “Ý nhạc không còn vươn tới cái mênh mông thăm thẳm của tâm giới mà chỉ còn vất vưởng trong đám lửa chài, lời ca cũng trở nên nghèo nàn, thiếu hẳn màu thanh thoát. Trương Chi cuối cùng đã “hoàn toàn lột xác”, “Chàng đã mất tất cả: từ hình hài đến tâm tưởng, từ nếp sống đến lời ca, tiếng hát, để trở nên một gã thuyền chài, vạm vỡ, thô kệch, tưởng như suốt đời chỉ biết có việc đánh cá bên sông”. Câu chuyện về chàng Trương Chi của Vũ Khắc Khoan kể lại quá trình thoái hóa của một nghệ sĩ tài năng vì lấy văn nghệ phục vụ lợi ích thực dụng. Cái kết của truyện thật rõ ý: “Gã thuyền chài - Trương Chi đứng tần ngần một lúc, lấy chân đá nghịch vào một đống lông gà, rồi đi khuất vào đám đông”. Theo tác giả, người nghệ sĩ cần “hát riêng cho những người đồng cảnh”. Những người đồng cảnh là ai? Đó là nàng Mị Nương người yêu tiếng hát Trương Chi chỉ vì nghệ thuật, là “(những người) thuộc về số đông, không giàu mà lại chẳng nghèo, tuy lắm lúc trắng tay mà vẫn mơ theo mây ngàn, hạc nội”, con người nhân bản.

Truyện Trương Chi của Nguyễn Huy Thiệp, được sáng tác năm 1990, một tác phẩm có dấu ấn của chủ nghĩa hậu hiện đại, một văn bản mở. Nguyễn Huy Thiệp thể hiện Trương Chi như đại biểu cho giá trị văn hóa bình dân với một lối sống hồn nhiên, và nghệ thuật coi trọng sự tự nhiên “bốn nghìn năm trước đã thế này”. Vì Mị Nương, chàng đã tham gia vào đời sống văn hóa quý tộc cung đình. Trong môi trường xã hội đề cao quyền lực và đồng tiền, vì nhu cầu thực tiễn, Trương Chi buộc phải hát ca ngợi đồng tiền, ca ngợi công danh, sự tuân phục, vốn là những đề tài mà chàng coi là thô bỉ. Cuối cùng, nhân vật đã tự ý thức được rằng để không mất hết phải sống và sáng tạo đúng với bản tính mình: “Từ trái tim bị thương tổn Trương Chi hát bài ca về chủ đề tình yêu về “những bông hoa của tự nhiên, sự chân thực lạnh buốt”, “tình yêu muôn đời”. Nhân vật đã bị trục xuất ra khỏi xã hội cung đình dẫn đến cái chết. Bi kịch xảy ra do nghệ sĩ với nghệ thuật đích thực phải tồn tại trong môi trường “tha nhân”, theo nghĩa là đánh mất mình. Tác phẩm mang tinh thần đối thoại mạnh mẽ với người cùng thời, nghệ thuật đương thời.

“Chàng Trương Chi” trong hành trình văn học Việt Nam cho đến nay là như vậy. Đó là sự biểu tượng hóa, hình tượng hóa quan điểm có tính dân tộc về người tài, người nghệ sĩ, trong những hoàn cảnh thử thách khắc nghiệt nhất của định mệnh, xã hội phân hóa giai cấp và tồn tại hiện sinh.

Cảnh - Thơ Nguyễn Đông Nhật

Cảnh - Thơ Nguyễn Đông Nhật

Baovannghe.vn- Những nhà thơ buồn chết đi/ nhưng có phải nỗi buồn đã chết?
Lời hẹn mùa hè

Lời hẹn mùa hè

Baovannghe.vn - “Bống nhé, có một dịp nào đó ngang qua đất Huế, mời Bống ghé nhà Rốt chơi. Rốt sẽ dẫn Bống đi thăm Huế, nơi mà chắc bạn mới chỉ nghe nói trong thơ, trong nhạc mà thôi.”
Việt Nam lần thứ 3 trúng cử thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước UNESCO 2005

Việt Nam lần thứ 3 trúng cử thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước UNESCO 2005

Baovannghe.vn - Tại kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 10 Công ước 2005 về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, Việt Nam lần thứ 3 tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai liên tiếp là thành viên của Ủy ban liên Chính phủ Công ước.
Thủ tướng Chính phủ: Tháo gỡ "điểm nghẽn" tìm giải pháp tăng tốc nền kinh tế

Thủ tướng Chính phủ: Tháo gỡ "điểm nghẽn" tìm giải pháp tăng tốc nền kinh tế

Baovannghe.vn - Sáng 22/6, Thủ tướng chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy thực hiện 3 chương trình quan trọng trong năm 2025.
Báo chí cách mạng Việt Nam: Vững bước tiến vào kỷ nguyên mới

Báo chí cách mạng Việt Nam: Vững bước tiến vào kỷ nguyên mới

Baovannghe.vn - Sáng ngày 21/6, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, diễn ra Lễ kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025).