Tiếp tục chương trình nghị sự tại phiên họp thứ 43 của UBTVQH, chiều 10/3, Ủy Ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội, nêu ý kiến, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác giáo dục đạo đức, văn hoá, lối sống cho học sinh, sinh viên hiện nay; kiểm tra, đánh giá việc giảng dạy của giảng viên ở các trường đại học; kiểm tra, đánh giá việc triển khai thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm để điều chỉnh nếu chưa phù hợp.
![]() |
Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải thảo luận tại phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn |
Cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho rằng, quy định này đã trả lại giá trị đích thực cho việc truyền thụ, giảng dạy kiến thức chính khóa trên lớp, các thầy cô giáo có trách nhiệm giảng dạy sao cho đại bộ phận học sinh qua các kỳ thi được kết quả đạt, khá trở lên.
“Tất nhiên muốn giỏi, hay là các học sinh năng lực còn yếu thì có thể học thêm, bồi dưỡng theo quy định. Đây là trách nhiệm của giáo viên đào tạo học sinh đạt chuẩn và trách nhiệm ra đề không quá khó, đánh đố, phải đi học thêm mới làm được”, bà Nguyễn Thanh Hải nói.
Trước đó, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 29 quy định dạy thêm, học thêm. Trong đó, quy định cấm dạy thêm đối với học sinh tiểu học; giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường. Người đứng đầu Bộ GD&ĐT cho biết sẽ rà soát, các nội dung chi tiết hơn để đưa vào quy định.
Trước những ý kiến quan ngại về biến tướng trong dạy thêm, học thêm, nhiều đại biểu đề nghị, dù tự nguyện cũng không được thu tiền. Như vậy sẽ triệt để với những hình thức trá hình. Không được ép buộc phụ huynh phải viết đơn tự nguyện…Thực tế, môi trường giáo dục rất khác. Học sinh là các cháu nhỏ, có thể không muốn đi học, nhưng không đi học lại có thể bị phân biệt, đối xử, nhất là các bậc tiểu học, trung học cơ sở, đại biểu nêu ý kiến.