Dự án Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi) được Bộ VHTTDL thừa ủy quyền của Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 diễn ra sắp tới. Để dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được hoàn thiện đầy đủ nhất trước khi trình ra Quốc hội, Bộ VHTTDL vẫn đang tiếp thu lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp cho dự Luật này.
Tại phiên họp thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và mục đích, quan điểm xây dựng dự án Luật tại Tờ trình số 119/TTr-CP ngày 29/3/2024 của Chính phủ. Việc sửa đổi Luật nhằm tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, giải quyết các vấn đề phát sinh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đánh giá, hồ sơ dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được chuẩn bị công phu, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét. Các quy định của dự thảo Luật cơ bản thống nhất với 03 nhóm chính sách được Chính phủ trình Quốc hội thông qua.
Tuy nhiên, một số ý kiến cũng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, lắng nghe các ý kiến để hoàn thiện dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), đảm bảo thống nhất với các dự án Luật hiện hành. Các đại biểu đề nghị nên thành lập hẳn một quỹ thu mua di vật, cổ vật của Việt Nam ở nước ngoài từ nguồn xã hội hoá. Theo đó, bà Huỳnh Ngọc Vân - Giám đốc Bảo tàng Áo dài đề xuất có một nguồn quỹ để có thể thu mua kịp thời những cổ vật Việt Nam bán ở nước ngoài, tránh gây thất thoát cổ vật quý cho quốc gia. Đồng thời, mong muốn dự án luật có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực cho bảo tàng, đồng thời có chế độ đãi ngộ, bảo vệ quyền lợi cho người lao động trong lĩnh vực bảo tàng.
Được biết, bố cục của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) gồm 09 chương 102 điều, tăng 02 chương 29 điều so với Luật hiện hành (07 chương 73 điều). Trên cơ sở kế thừa các nội dung còn phù hợp của Luật Di sản văn hóa năm 2001, được sửa đổi, bổ sung năm 2009, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tập trung vào 3 nhóm chính sách đã được Chính phủ và Quốc hội thông qua tại hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật./.
NP