5 tháng đầu tiên của năm 2024, điện ảnh Việt ra mắt 11 phim. Trong khi Lật mặt 7 và Mai chinh phục cột mốc 400 và 500 tỷ đồng, nhiều phim lặng lẽ ra rạp rồi im lìm dừng chiếu với khoản thua lỗ hàng chục tỷ.
Tết cho Trấn Thành, nghỉ lễ của Lý Hải
Đó là câu mà những người quan sát điện ảnh nội địa hay nói vui với nhau, dù không hãng phim hay nhà phát hành nào đặt ra nguyên tắc như vậy. Gần 10 năm, Lý Hải đều đặn phát hành các phần phim Lật mặt vào dịp lễ 30/4 - 1/5, chỉ thiếu vắng duy nhất năm 2021 do đại dịch. Trong khi, Trấn Thành đã ra mắt ba phim thì hai phim ra mắt mùa Tết đến xuân về, riêng Bố già lùi chiếu từ Tết sang tháng 3 năm 2021 cũng vì dịch.
Ngoài việc ấn định lịch khởi chiếu ổn định, tác phẩm của hai đạo diễn trở thành “đế chế” mỗi mùa nghỉ lễ còn nhờ vào doanh thu đáng mơ ước. Loạt phim này luôn chiếm lĩnh thị trường, dẫn đầu về số suất chiếu, lượng vé bán ra; bỏ xa các phim chiếu cùng thời điểm về sức tiêu thụ vé.
Mai dán nhãn 18+, câu chuyện gai góc, chạm vào cảm xúc của khán giả, đặc biệt là nữ giới |
Diễn viên - nhà sản xuất Minh Hằng từng nói cô “sợ và dè chừng” Trấn Thành, bởi anh làm nên những kỳ tích chưa từng có của phim Việt. Trong khi, hồi đầu tháng 4, siêu mẫu Xuân Lan quyết định cho phim Cái giá của hạnh phúc do vợ chồng cô sản xuất chiếu sớm hơn dự kiến, để né đối đầu trực tiếp với Lật mặt 7.
Dán nhãn 18+, phim Mai của Trấn Thành thu hẹp đối tượng khán giả so với hai phim trước của anh, cũng như so với đa số các phim cùng chiếu rạp đợt Tết Giáp Thìn. Nội dung phim cũng không có tính đại chúng như câu chuyện về mâu thuẫn thế hệ, gia đình của Bố già hay Nhà bà Nữ, mà đào sâu vào cuộc đời nhiều vụn vỡ của một phụ nữ khổ mệnh.
Dù vậy, phim duy trì ngôi vương phòng vé nhiều tuần liền, vượt mặt các phim Việt lẫn bom tấn Hollywood, trở thành phim Việt đầu tiên đi qua cột mốc 500 tỷ đồng doanh thu. Kết thúc đợt chiếu, Mai được Trấn Thành xác nhận khép lại hành trình rạp chiếu với thành tích 520 tỷ đồng, trong khi mức đầu tư là 50 tỷ đồng. Tuy nhiên, nguồn thu thực tế của phim còn cao hơn, nếu tính cả doanh số khi phát hành quốc tế và bán cho nền tảng trực tuyến. Đến nay, top 3 phòng vé Việt đều “nằm gọn” trong tay Trấn Thành.
Nếu như Mai là phim giới hạn độ tuổi nhất của Trấn Thành, Lật mặt 7: Một điều ước, ngược lại, là phim có phạm vi khán giả rộng nhất của Lý Hải. Phim dán nhãn K (khán giả dưới 13 tuổi xem phim cùng cha mẹ hoặc người giám hộ), lại kể “câu chuyện quốc dân” về gia đình, về tình thế nan giải trong việc giữ trọn đạo hiếu. Nhờ vậy, tác phẩm có độ phổ quát cao, dễ tiếp cận với đông công chúng.
Trên đường đua phòng vé, Mai và Lật mặt 7 liên tiếp xác lập các kỷ lục phim Việt có lượng vé đặt trước cao nhất, phim có doanh thu mở màn cao nhất, phim chạm mốc 100 tỷ đồng nhanh nhất…
Bom xịt nối dài
Ngoài hai tác phẩm của Lý Hải và Trấn Thành đại thắng, điện ảnh Việt Nam năm 2024 đến nay chỉ còn Gặp lại chị bầu kiếm lời, với 92,7 tỷ đồng. Câu chuyện mang yếu tố du hành thời gian và chủ đề thanh xuân, tình mẫu tử không mới, thiếu sự đột phá và nhiều chi tiết không thuyết phục. Dù vậy, cảm xúc vừa đủ độ giúp phim “hạ cánh” an toàn.
Hiện tượng lạ lùng nhất nửa đầu năm gọi tên Đào, phở và piano. Ban đầu, tác phẩm chỉ chiếu giới hạn tại duy nhất Trung tâm Chiếu phim Quốc gia ở Hà Nội trong những ngày Tết. Nhờ một video giới thiệu phim lan truyền trên mạng, bộ phim được đông khán giả chú ý, dẫn tới hiện tượng xếp hàng dài mua vé tại rạp.
Đào, phở và piano làm nên hiện tượng vô tiền khoáng hậu của phim Nhà nước |
Hết đợt Tết, Đào, phở và piano bắt đầu được chiếu rộng rãi hơn ở một số cụm rạp của Hà Nội và TP.HCM. Bộ phim chiếm lĩnh các cuộc thảo luận trên nhiều hội nhóm phim ảnh, thông tin các diễn viên được chia sẻ liên tục. Có nguồn vốn 20 tỷ đồng, phim thu về hơn 16,7 tỷ đồng, nhưng trở thành phim nhà nước đầu tiên trong lịch sử tạo hiện tượng phòng vé.
Bên cạnh 4 phim kể trên, các phim Việt còn lại đều nhận kết đắng tại rạp. Chưa tới nửa năm, điện ảnh Việt đã có tới 6 phim doanh thu dưới 10 tỷ đồng, chiếm 55% lượng phim đã ra mắt: Sáng đèn (3,4 tỷ đồng); Hồng Hà nữ sĩ (191 triệu đồng); Trà (hơn 1,6 tỷ đồng); Quý cô thừa kế (hơn 6,4 tỷ đồng); Đóa hoa mong manh (430,9 triệu đồng); B4S (3,9 tỷ đồng).
Trong số này, Hồng Hà nữ sĩ là trường hợp đặc biệt, chỉ chiếu ở duy nhất Trung tâm Chiếu phim Quốc gia vào những ngày Tết. Còn lại đều là phim phát hành thương mại thông thường nhưng ế ẩm, có phim bị chê, có phim thậm chí không được công chúng đoái hoài.
Ứng viên còn lại của đường đua rạp Việt đầu năm là Cái giá của hạnh phúc, rời rạp với 26,3 tỷ đồng, trong khi được đầu tư 37 tỷ đồng. Theo cách tính ăn chia lợi nhuận với nhà rạp, phim thiếu khoảng 40 tỷ đồng để đạt mức hòa vốn.
Phim tử tế đáng giá hơn ngôi sao phòng vé
Theo báo cáo từ đơn vị quan sát phòng vé Box Office Vietnam, điện ảnh Việt thu về 1.500 tỷ đồng trong năm 2023. Sang 2024, chúng ta chỉ mất 5 tháng để thu được hơn 1.000 tỷ đồng. Giữa bối cảnh bom tấn Hollywood không còn được chào đón mặn mà, thành tích này cho thấy công chúng vẫn dành tình yêu cho phim nội địa. Đây có thể xem là một tín hiệu đáng mừng.
Tuy nhiên, trong con số lý tưởng kia, gần 1.000 tỷ đồng được lập nên chỉ bằng Mai và Lật mặt 7, trong khi phim thua lỗ vẫn ngập tràn. Thực tế này chỉ ra điện ảnh Việt còn tiềm năng phát triển, nhưng không phải phim nào cũng đủ sức làm khán giả sẵn sàng rút ví.
Cái giá của hạnh phúc sở hữu vua phòng vé một thời Thái Hòa nhưng không thành công. Trong khi, ngôi sao gây chú ý nhất và đôi khi gây tranh cãi nhất của Mai là đạo diễn Trấn Thành. Còn Lật mặt 7 hoàn toàn vắng bóng ngôi sao, dùng nhiều “tân binh” trong làng điện ảnh. Cục diện này cho thấy tên tuổi của dàn diễn viên không phải lúc nào cũng linh nghiệm trên đường đua phòng vé. Thay vào đó, câu chuyện gần gũi đời sống người Việt và được kể giàu cảm xúc, được dàn dựng tử tế vẫn là yếu tố tiên quyết làm nên chiến thắng của phim.
Chủ đề và phong cách khác biệt, song Mai và Lật mặt 7 giao nhau ở sự chân thật, thô ráp của câu chuyện cùng cách chạm vào cảm xúc khán giả, lấy đi nước mắt người xem. Cả hai phim cùng cho thấy sự tiến bộ của đạo diễn so với chính họ lúc trước. Trấn Thành dường như tiếp thu ý kiến khán giả, tiết chế các đoạn thoại chửi bới và giáo lý trong Mai. Lý Hải tay nghề chắc chắn hơn, kể chuyện logic hơn với Lật mặt 7. Hành trình cine tour miệt mài ba miền đất nước của hai đoàn phim cũng thu hút khán giả ra rạp.
Ở phía đối diện, Quý cô thừa kế, Đóa hoa mong manh dù được quảng bá đầu tư lớn về bối cảnh và thời trang, nhưng thất bại từ kịch bản với câu chuyện sống sượng, phi lý. Trà nhiều hình ảnh phản cảm với lối quay dựng cũ kỹ. B4S kể chuyện như MV hay phim ngắn. Những hạn chế này ít nhiều giảm uy tín phim Việt trong lòng khán giả Việt.
Bước sang nửa sau của 2024, điện ảnh nội địa hiện mới công bố các phim Ngày xưa có một chuyện tình, Làm giàu với ma, Mùa hè đẹp nhất, Công tử Bạc Liêu. Ngoài ra còn có Án mạng lầu 4 đang chiếu.
Dương Dương
Nguồn Văn nghệ số 22/2024