Văn hóa nghệ thuật

Điện ảnh Việt Nam “lỡ hẹn” với Điện Biên Phủ

Văn hóa nghệ thuật
09:32 | 03/05/2024
Chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954 mà đỉnh cao là Điện Biên Phủ toàn thắng có ý nghĩa lịch sử hết sức to lớn, góp phần quyết định kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta.
aa

Chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954 mà đỉnh cao là Điện Biên Phủ toàn thắng có ý nghĩa lịch sử hết sức to lớn, góp phần quyết định kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta.

Với chiến thắng Điện Biên Phủ, dân tộc ta đã đánh bại hoàn toàn ý chí xâm lược của thực dân Pháp và sự can thiệp của đế quốc Mỹ, dẫn tới Hiệp định Geneva cam kết chấm dứt chiến tranh, tôn trọng độc lập, chủ quyền ba nước Đông Dương. Tròn 7 thập niên đã trôi qua, chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi là biểu tượng sáng ngời của dân tộc Việt Nam quật cường, bất khuất, sáng tạo; là niềm tin của các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do và hòa bình, hạnh phúc.

70 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2024), đã có biết bao nhiêu tác phẩm của các loại hình nghệ thuật ngợi ca chiến thắng lẫy lừng đó. Riêng lĩnh vực điện ảnh (loại hình phải tốn nhiều tiền nhất trong các loại hình nghệ thuật mới làm ra được một sản phẩm là bộ phim chiếu trên màn ảnh rộng trong các rạp hiện đại) thì sản xuất không được nhiều, chỉ đủ đếm trên đầu ngón tay. Lí do cũng vì ta còn nghèo, kinh phí ăn đong nên “cái khó bó cái khôn”. Không phải ngẫu nhiên mà người ta nói rằng “nghệ thuật điện ảnh là nghệ thuật của con nhà giàu”.

Một cảnh trong phim Ký ức Điện Biên.

Cũng xin lưu ý là trong bài viết này, tôi chỉ nói đến phần phim truyện điện ảnh. Phim tài liệu làm về Điện Biên Phủ thì có nhiều và xin không đề cập ở đây. Theo đó, phim truyện điện ảnh tính đến nay, sau 70 năm nhưng chúng ta mới chỉ có được 5 bộ phim; trong đó có 1 bộ phim của điện ảnh Pháp mang tên Điện Biên Phủ của đạo diễn người Pháp Daniel Roussel. Bộ phim này được quay tại Việt Nam và nhiều người Việt Nam cũng đã được xem. Còn lại là 3 phim truyện điện ảnh và 1 bộ phim truyện truyền hình nhiều tập do Việt Nam sản xuất. Các bộ phim truyện điện ảnh đó là: Hoa ban đỏ do NSND Bạch Diệp đạo diễn, Điện ảnh Quân đội nhân dân sản xuất năm 1994, nhân dịp kỷ niệm 50 chiến thắng Điện Biên Phủ. Phim Ký ức Điện Biên Đỗ Minh Tuấn đạo diễn, Nguyễn Thị Hồng Ngát biên kịch, dựa theo chất liệu truyện ngắn có tên Becna của nhà văn thiếu tướng Chu Phác. Kịch bản sau đó có sự tham gia của đạo diễn Đỗ Minh Tuấn nên hai người kí tên chung. Phim này do Hãng Phim truyện Việt Nam sản xuất năm 2004, nhân dịp kỉ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Bộ phim truyện điện ảnh thứ 3 có tên Sống cùng lịch sử do NSND Nguyễn Thanh Vân đạo diễn, Đoàn Tuấn biên kịch, Hãng Phim truyện Việt Nam sản xuất năm 2014, nhân dịp kỉ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Bộ phim truyền hình nhiều tập duy nhất có tên Đường lên Điện Biên do NSƯT Bùi Tuấn Dũng đạo diễn, kịch bản của nhóm tác giả Lê Ngọc Minh, Khuất Quang Thụy và Bùi Tuấn Dũng. Kịch bản bộ phim này được chuyển thể từ các tiểu thuyết Đường lên Tây Bắc và Đại đội trưởng của tôi của nhà văn Mai Vui, do Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với Hãng Phim truyện Việt Nam sản xuất năm 2014, chào mừng kỉ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ...

Trên đây tôi đã liệt kê hết “của nả” của phim điện ảnh Việt Nam được sản xuất trong các dịp kỉ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ. Mỗi phim mỗi vẻ, thông qua các câu chuyện kể khác nhau nhưng những dấu ấn điển hình của các anh hùng, liệt sĩ trong chiến dịch được sử sách ghi lại thì đều được phản ánh trung thực. Đó là những hình tượng điển hình, như: Anh hùng Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn cứu pháo; Anh hùng Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai... Và cuối cùng là trận quyết chiến ác liệt trên đồi A1, buộc tướng Đờ-cát phải kéo cờ trắng đầu hàng... Rồi hình ảnh các đoàn dân công hỏa tuyến, cùng những gồng gánh và xe thồ lương thực, đạn dược... tiếp viện cho bộ đội. Có thể nói là phim nào cũng thể hiện sự trùng trùng điệp điệp các lực lượng trên đường lên Điện Biên...

Riêng phim Ký ức Điện Biên thì có sự kể chuyện hơi khác các phim của điện ảnh Việt Nam làm về Điện Biên Phủ một chút. Ấy là câu chuyện được “nhìn” và cảm nhận về chiến dịch Điện Biên Phủ qua con mắt của một hàng binh Pháp có tên là Béc-na, trên đường bị dẫn giải về hậu phương do chiến sĩ có tên là Bạo và cô y tá kiêm phiên dịch tên Mây dẫn đi. Xoay quanh câu chuyện của 3 nhân vật, có rất nhiều tình tiết vừa bi vừa hài xảy ra trên đường đi. Béc-na nhìn cái gì cũng lạ. Vẫn những đoàn dân công xe thồ chở quân lương cho chiến trường, vẫn những đoàn xe tải chở vũ khí đạn dược, vẫn những khẩu pháo nặng nề leo hết đồi dốc nọ đến núi đèo kia… Rồi việc kéo pháo vào kéo pháo ra… Rồi đường ngập mưa tuôn… Vất vả biết bao nhiêu nhưng không ai nản chí. Từ ngạc nhiên đến thán phục và hiểu được lí do Việt Nam thắng Pháp là tất yếu.

Tôi kể lể dài dòng một chút cũng là để muốn nói rằng, nước ta cho dù bao năm đã bước ra với nền kinh tế thị trường, nhưng Nhà nước vẫn ưu ái dành kinh phí, tuy không dồi dào nhưng cũng đủ để các nghệ sĩ “tùng tiệm” làm ra được những sản phẩm mà Nhà nước cần cho việc kỷ niệm các kì lễ lớn. Chiến thắng Điện Biên Phủ tuy tầm vóc “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”, nhưng lại là sự kiện duy nhất trong lịch sử, làm miết phim thì cũng chỉ có ngần ấy chuyện. Nếu phim không đưa ngần ấy chuyện vào thì lại không phải là phim làm về Điện Biên Phủ. Cho nên sự lặp lại nhau là không tránh khỏi.

Hơn nữa, việc làm các tác phẩm điện ảnh theo dòng chính thống, nếu Nhà nước muốn đặt hàng thì rất cần dành nhiều thời gian cho các nghệ sĩ sáng tác thực hiện tác phẩm. Không nên “nước đến chân mới nhảy”, sát đến ngày kỉ niệm mới vội vã đặt hàng gây sức ép lớn cho nghệ sĩ. Muốn làm ra một tác phẩm điện ảnh kĩ lưỡng, chu đáo, tử tế... thì cần phải có nhiều thời gian để tập trung cho sáng tác và nhiều công đoạn kéo theo. Đừng để cận ngày quá mới “vắt chân lên cổ” mà chạy. Đã vậy, thủ tục giải ngân cũng còn nhiều nhiêu khê, khiến nghệ sĩ thật sự mệt mỏi với nhiều lần xét duyệt và giải ngân từ nguồn ngân sách. Trước đây kinh phí chỉ chia làm 2 lần rót thẳng cho cơ sở được nhận đặt hàng, nay lại thành những 4 lần, mà mỗi lần đều nhỏ giọt và bắt hoàn tất chứng từ đợt nhận trước mới được nhận tiếp lần sau... Cách làm như vậy là không tạo thuận lợi trong quá trình sáng tạo của nghệ sĩ. Đang “nước sôi lửa bỏng” trên hiện trường, người nghệ sĩ vội dừng công việc để chạy về lo đáp ứng thủ tục tài chính, thì còn gì chất lượng nghệ thuật nữa? Tôi là người làm phim mà nhiều lúc cũng phải kêu lên về sự tốn thời gian và công sức cho nghệ thuật thì ít, mà tốn vì các thủ tục nhiêu khê như vừa kể trên đây thì nhiều. Chẳng rõ họ bày đặt ra các thủ tục ấy là để giữ an toàn cho ngân sách không bị thất thoát, hay là an toàn cho các vị xét duyệt? Hiện nay, cấp trên còn ra cơ chế bắt nhà sản xuất phải có ngân hàng nhận bảo lãnh, có giấy cam kết của ngân hàng hứa sẽ đền bù... thì mới được nhận đầu tư, tức là người nhận đầu tư phải thế chấp tài sản cho ngân hàng. Thế là tiền đầu tư cho phim đã ít ỏi, lại phải trả phí cho ngân hàng khi họ nhận bảo lãnh. Thật đúng là “thập diện mai phục” gây khó dễ cho các nghệ sĩ làm phim. Cơ chế nhẽ ra cần thông thoáng hơn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà làm phim, đằng này lại càng ngày càng nghĩ ra rất nhiều “dây dợ” để buộc thêm vào chân tay nghệ sĩ nếu như họ muốn được làm nghề theo dòng phim chính thống.

Bởi những bất cập trong cơ chế làm phim bằng ngân sách Nhà nước như trên, nên nói riêng về đề tài chiến thắng Điện Biên Phủ, bên cạnh những kết quả đã đạt được, chủ yếu ở thể loại phim tài liệu, nhìn chung phim truyện Việt Nam về đề tài này còn ít về số lượng và chất lượng nghệ thuật chưa cao, chưa thể hiện đúng tầm vóc sự kiện và ý nghĩa lịch sử của chiến thắng. Và đó vẫn là mối quan tâm lớn của đội ngũ văn nghệ sĩ và đông đảo công chúng nhân dân.

Nguyễn Thị Hồng Ngát

Nguồn Văn nghệ số 17+18/2024


Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ đêm 19/9 - 20/9, mưa lớn xảy ra tại khu vực từ Thanh Hóa - Quảng Trị
Báo Văn nghệ nhận Tặng thưởng của Ban Bí thư về hoạt động tuyên truyền lý luận, phê bình VHNT năm 2023

Báo Văn nghệ nhận Tặng thưởng của Ban Bí thư về hoạt động tuyên truyền lý luận, phê bình VHNT năm 2023

Baovannghe.vn - Tối ngày 19.9.2024 Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức lễ trao Tặng thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình VHNT năm 2023, tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội)
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.