Hăm tư tháng Chạp, hằng năm vào đúng dạo này cúc đã nở bồn bộn. Dưới ánh ban mai, thảm hoa bóng bẩy vàng ươm như tấm lụa Lãnh Mỹ A nồng nàn hương sắc. Năm nay, ngày lạnh kéo dài lê thê, thảm lụa vàng vẫn còn loang lổ dày đặc những khoảng xanh rì. Mới hôm rồi, vài ba thương lái rảo bước vườn bông nhà tôi ít vòng rồi chặc lưỡi, lắc đầu. Cái âm thanh ấy làm má tôi hai mắt lưng tròng, giọt buồn rơi rớt xuống mấy nụ cúc vàng con con, nhàn nhạt...
![]() |
Ảnh minh họa: Aleksandra Sapozhnikova/Unsplash. |
Từ lúc bén duyên với cúc, má cười nhiều, nhưng cũng mấy bận phải ngậm ngùi nghèn nghẹn. Nếu tính luôn cái Tết năm nay, ba má theo nghề bông ngót nghét cũng đã tròn vo chục mùa gió bấc. Chừng ấy thời gian là chừng ấy dâu bể thăng trầm.
Từ năm lên mười, tôi được dịp chứng kiến sự thay nghề đổi nghiệp của cha má. Không còn cảnh lênh đênh sông nước rày đây mai đó, xa xứ xa nhà, không còn cái cảnh mỗi năm tôi chỉ được gặp mặt và ôm cha ôm má vài ba lần ít ỏi. Cha má về quê, sáu bàn tay đan nhau ôm chầm góc quê tha thiết, ôm cả những mầm hoa nhỏ nhắn, chan chứa sắc màu hy vọng tương lai. Tình yêu chân thành là thứ rất dễ lây lan, cha má tôi yêu cúc, tôi thấy bản thân mình cũng cần có nghĩa vụ nâng niu loài hoa thanh cao vương giả ấy. Người xưa đã bao phen ngắm nhìn dáng vẻ của chúng mà phải trầm trồ: “Diệp bất ly chi, hoa vô lạc địa”, quả đúng là quân tử chi hoa. Càng hiểu, càng yêu. Dần dà, hình ảnh hoa cúc vàng ươm thấm sâu vào tiềm thức trong tôi như một phần huyết quản không thể tách rời.
Nàng Xuân dìa khoác lên mình Ông Cấm một màu xanh tươi mơn mởn, rồi điểm tô thêm bằng những chấm màu vàng nghệ li ti của hoa mai rừng, màu tim tím thủy chung của những chùm hoa sim say nồng hương sắc,… Từ thôn xóm cho đến phố phường, mọi ngõ ngách đều thay màu áo mới, đẹp đẽ mê say. Và từ bao năm, dường như nàng Xuân đã lãng quên hình hài của cha má - những người nghệ nhân cao quý, vui vẻ nhận lấy cho mình sự phai tàn, giản đơn, luộm thuộm để mang đến cho bao người cái tròn vẹn, sang trọng, đong đầy của hương sắc trời Xuân.
Chẳng giống một mùa nào khác trong tứ bình, mùa Xuân, tươi mát an lành, ngọt ngào say đắm, quyến rũ yêu kiều,... Nhiều người nghĩ thế. Còn với riêng tôi, từng giọt xuân hồng đậm đà vị mặn. Cái vị mặn ấy len lỏi vào tâm thức tôi bằng mọi giác quan. Thiết nghĩ, nếu thiếu đi vị mặn, mùa Xuân hiện đại sẽ chẳng bao giờ có đủ sắc hương làm xuyến xao lòng dạ nhân gian.
Thường niên cứ vào độ tháng Bảy âm lịch, thời điểm mà ông Trời đổ lửa lên da thịt mỏng mảnh người ta mỗi lúc ban trưa, hàng trăm bao phân bò, tro trấu, rơm mục chất đầy ngoài sân, chúng nó cần cái nắng như thiêu đốt để được “hóa kiếp” lẹ làng, trở thành thứ dinh dưỡng tuyệt vời cho sinh trưởng của hoa. Và hơn hết, giá thể cũng thèm thuồng vị mặn. Phải là cái vị mặn chảy tan từ da từ thịt của những con người đượm nồng tinh chất cần lao.
Rồi đến những ngày trung tuần tháng Tám, những mầm cúc nhỏ nhắn xanh tươi nũng nịu trên bàn tay nứt nẻ chai sần của má. Cúc và má ấp iu nhau, hai tâm hồn như đang giao cảm. Dưới vòm trời xuân, những “giọt người” mằn mặn, hòa quyện vào trong dòng nước mát lành đậm đặc phù sa tưới tắm cho mầm xanh, để hồn hoa sớm vươn mình đón nắng.
Những ngày cuối Chạp, phút giây thụ hưởng quả ngọt cận kề, không ít lần những nụ tầm xuân mơn mởn được bao bọc bởi ánh mắt đượm buồn, thấp thỏm, suy tư. Chắc bông hoa cũng không muốn mình lỗi hẹn với nàng xuân và với những tâm hồn dành trọn tình yêu cho chúng. Ba tôi hay khuyên má “ý như vạn sự”, cái câu nghe là lạ mà thật đúng làm sao. Nếu cứ cưỡng cầu “vạn sự như ý” thì có lẽ người ta sẽ phải thất vọng thật nhiều, rồi khóc thật nhiều. Cha luôn tỏ ra vững vàng để làm điểm tựa cho cả nhà những lúc chông chênh, ít ai biết, nhiều đêm ròng, cha cũng trằn trọc, lắng lo chẳng thua gì má. Một lần nghĩ suy là một lần cha tự trách. Đất trời mưa nắng khác nhau, lúc thế này, khi thế nọ, và để chạy theo ứng phó tiết trời, người “hoa dân” năm nào cũng khốn đốn lao đao... Cũng có thể cha đang mường tượng cái cảnh “giết hoa” vào những trưa chiều 30 Tết, những đôi mắt rớm lệ đỏ ngầu như sắp tràn trề dòng máu nóng từ con tim đang rách toạc, rồi thì những câu từ mặc cả đanh đá, chua cay, xé nát lòng người…
Ngày Tết của những “hoa dân” luôn chứa chan vị mặn, chẳng có bút mực nào chép ghi cho vẹn. Họ chẳng mong cái “nhân” tần tảo của mình được đền đáp bằng thứ “quả” ngọt lịm phát lộc, phát tài,... Chỉ đơn giản một điều, đã trót mê say thì xin nguyện kiếp này dâng hiến, mang vị đời làm đẹp Tết thôn quê!