Văn hóa nghệ thuật

Vẽ nên bao la từ… một nắm đất

Tèo Phạm
Mỹ thuật
09:00 | 01/04/2025
Baovannghe.vn - Họa sĩ Lý Trực Sơn là một người duy mỹ, không bao giờ chấp nhận cái gì không đẹp. Ông là con người có giao cảm rất tốt với thiên nhiên, cây cỏ, đất đá, cho nên chọn đất, đá để vẽ rất phù hợp với thể chất, thể tạng.
aa

Sinh ra ở Huế, lớn lên trong kháng chiến và ở Hà Nội, Lý Trực Sơn hấp thụ hoàn toàn cái phông “văn hóa Bắc hà”. Đời ông là những quãng - có quãng đời sinh tử lính chiến; có quãng đời làm thầy thực thụ; rồi một quãng đời dài phiêu bạt ở châu Âu. Trong sự nghiệp nghệ thuật của mình, Lý Trực Sơn không ngừng di chuyển qua các vùng không gian khác nhau, đắm chìm vào dòng chảy văn hóa của từng vùng đất mà ông đặt chân đến. Chính sự tiếp xúc với nhiều nền văn minh, sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại đã khiến ông có một cái nhìn đặc biệt về nghệ thuật, nơi mà bản thể con người và thiên nhiên hòa quyện. Ông không đơn thuần vẽ tranh mà đang đào sâu vào tận cùng của tâm thức, của ký ức, của sự vận động không ngừng trong lịch sử và vũ trụ.

Một trong những biểu tượng xuyên suốt trong các tác phẩm của Lý Trực Sơn chính là “Đất”. Đất không chỉ là vật chất, mà còn là biểu tượng của nguồn cội, của sự sống và của nền văn minh loài người. Từ đất, cây cối mọc lên, rồi trở thành giấy, thành sơn - những chất liệu gắn bó mật thiết với sự nghiệp sáng tác của ông. Đất như một người mẹ hiền từ, bao bọc lấy tất cả, cho ta sự sống và một nền móng vững chắc để tiếp tục cuộc hành trình sáng tạo. Và cũng từ đất, những hình ảnh nguyên sơ của loài người xuất hiện, tựa như những ký ức xa xưa của nhân loại được khơi gợi lại qua những nét vẽ trầm mặc và sâu lắng.

Sơn - Giấy - Đất, không chỉ là một triển lãm, đó còn là một biểu hiện của sự hướng nội mạnh mẽ, nơi mà một họa sĩ đã nếm trải đủ dư vị của cuộc đời, đào sâu vào trong các tầng địa chất; không chỉ đơn thuần ở chất liệu, mà còn là những hình ảnh chìm sâu tận đáy những lớp đất vô thức đang chờ được khám phá. Đây cũng là triển lãm cá nhân đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh của Lý Trực Sơn, ở tuổi 75, người họa sĩ không ngừng lao động một cách miệt mài và lặng lẽ, đúng như tính chất những vật liệu tạo nên tác phẩm của ông. Tiếp nối triển lãm tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA), 26 tác phẩm trong triển lãm lần này tại Vin Gallery tập hợp nhiều thập kỷ lao động nghệ thuật của ông với 3 chất liệu gồm sơn mài, giấy dó và đất.

Vẽ nên bao la từ… một nắm đất
Tác phẩm “Không đề 3” - chất liệu tổng hợp (150x150cm) của hoạ sĩ Lý Trực Sơn.

Hành trình tìm về cội nguồn qua từng chất liệu

Với một họa sĩ, thường sẽ có một chất liệu đại diện cho họ, Lý Trực Sơn cũng vậy. Sơn mài, một chất liệu truyền thống, niềm tự hào của mỹ thuật Việt Nam, cũng là chất liệu khiến nhiều người nhớ tới Lý Trực Sơn nhất. Không phải là sơn son - thếp vàng, các tác phẩm của ông như đang đưa chúng ta vượt qua bầu khí quyển, tới một vùng không gian mà ở đó, mọi thứ trở nên tĩnh mịch. Trong không gian vũ trụ rộng lớn ấy, xuất hiện những đốm sáng, những đường nét biểu tượng của vô thức hiện hữu giữa bao la. Tựa như vô thức trừu tượng chính là vũ trụ bao la, người họa sĩ đã thể hiện một cách tinh tế với một chất liệu có tính chất ngẫu nhiên như sơn mài.

Nếu như sơn mài là không gian của vũ trụ, thì giấy dó trong tranh Lý Trực Sơn lại như một cuộc đối thoại giữa các chiều không gian khác nhau. Và cũng như sơn mài, giấy dó là một chất liệu mà Lý Trực Sơn đã thụ đắc, đặc biệt là trong giai đoạn sáng tạo vào những năm 1990. Giấy dó vốn có độ xơ thấm, bề mặt không đồng đều và dễ chịu tác động của thời gian, nhưng chính điều này lại tạo nên một hiệu ứng đặc biệt trong tranh của ông. Những tác phẩm trên giấy dó của Lý Trực Sơn không hề cũ kỹ, mà trái lại, chúng mang đến một cảm giác rất hiện đại, tựa như một chuyến du hành từ quá khứ đến tương lai.

Như một chuyến “xuyên không” từ mốc thời gian này đến mốc thời gian khác, tranh giấy dó của ông như một sự va chạm giữa các không - thời gian khác nhau. Không gian trong các tác phẩm của Lý Trực Sơn quá đỗi bao la, đôi lúc là sự va chạm của hai tinh cầu, đôi lúc là sự giao nhau giữa bầu trời và mặt đất, có lúc thì lại như quá khứ “va” phải tương lai. Nhờ tính chất thấm hút và ngẫu nhiên của giấy dó, Lý Trực Sơn khéo léo đưa vào tác phẩm nhiều sự tính toán, những nét bút, mảng màu đều cho thấy được sự tinh tế và chọn lọc. Trừu tượng của ông không mang một năng lượng áp đảo, bù lại, nó cho ta cảm nhận được sự tĩnh tâm của người họa sĩ.

Trong những năm gần đây, Lý Trực Sơn đã mở rộng biên độ sáng tạo của mình với chất liệu đất. Đất - nguồn cội của những vật liệu trên, tầng sâu nhất cũng đã được người hoạ sĩ chạm tới. Loạt tác phẩm làm từ đất từ năm 2020 tới nay thể hiện sự tìm tòi và sáng tạo không ngừng nghỉ của ông. Trong hội họa, tác phẩm được làm bằng đất quả thực không phải mới mẻ, nhưng đối với bản thân Lý Trực Sơn, nó mang nhiều ý nghĩa hơn thế. Ông đã miệt mài với những “đứa con” của đất cho tới khi thực hành với chất liệu nguyên thủy nhất. Đó cũng như một hành trình hướng nội, đi sâu vào bên trong để tìm về nơi bắt đầu tất cả. Khi cầm đất trong tay, ông như đang chạm vào tầng sâu nhất của lịch sử loài người, nơi mà mọi nền văn minh đều khởi nguồn. Có thể nói, đây là giai đoạn mà Lý Trực Sơn đào sâu hơn bao giờ hết vào những tầng địa chất của vô thức. Những bức tranh đất của ông có sự gợi nhắc đến nghệ thuật của Mark Rothko - những mảng màu trầm mặc, xù xì, nhưng lại chứa đựng một chiều sâu cảm xúc không thể diễn tả bằng lời. Đất trong tranh ông không phải là sự mô tả đơn thuần, mà là một sự hòa quyện giữa thiên nhiên và con người, giữa cái hữu hình và cái vô hình, giữa thực tại và ký ức xa xưa.

Phải sống lâu thôi, vẽ có thể nhanh

Theo nhà điêu khắc Đào Châu Hải: Họa sĩ Lý Trực Sơn bằng ngôn ngữ nghệ thuật đã biểu hiện được thái độ nhận thức về những giá trị thẩm mỹ truyền thống của người Việt trong dòng chảy mỹ thuật từ khi Việt Nam có trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đến ngày nay, mà rất ít họa sĩ có thể làm được. “Khi xem những tác phẩm của anh Sơn, thông qua bề mặt xù xì, thô ráp tôi đọc được cái duyên dáng, vẻ đẹp lặng lẽ, rất tinh tế mà lại không phô trương - đấy chính là một trong những yếu tố rất quan trọng của thẩm mỹ người Việt” - nhà điêu khắc cho biết.

Nhà điêu khắc Đào Châu Hải cũng cho rằng, họa sĩ Lý Trực Sơn là một người duy mỹ, không bao giờ chấp nhận cái gì không đẹp. Ông là con người có giao cảm rất tốt với thiên nhiên, cây cỏ, đất đá, cho nên chọn đất, đá để vẽ rất phù hợp với thể chất, thể tạng. Còn với họa sĩ Lý Trực Sơn, hàng ngày đi xe máy mấy chục cây số đến xưởng vẽ của đồng nghiệp làm việc ở một không gian thoáng rộng cho ông cảm giác thảnh thơi đúng là “sào huyệt của mình”; vẽ được số lượng tranh kích thước lớn chỉ trong vòng 3 năm vẫn thấy thực sự “là không tưởng”.

“Phải làm lâu lắm mới ra được tác phẩm?” - Người họa sĩ trả lời: “Phải sống lâu thôi, vẽ có thể nhanh.” Vì với họa sĩ: “Tất cả đều là từ trong mình đi ra... Mình sống với cái mình đã làm ra, nó lại tái tạo môi trường, có cái dưỡng tiếp cái mình đang làm. Thành ra khi mình vẽ trừu tượng nó chuyển tiếp mạch […] Đôi khi người ta làm một việc xong người ta không biết. Tôi chưa bao giờ đủ thời gian để tổng kết cuộc đời mình. Lúc nào tôi cũng bảo: Cứ làm đi cái đã... Vẫn cứ đang tiếp tục.”

Dù đã ở tuổi 75, Lý Trực Sơn vẫn không ngừng sáng tạo, không ngừng tìm tòi những hướng đi mới trong nghệ thuật. Ông không chỉ là một họa sĩ, mà còn là một người kể chuyện bằng màu sắc và chất liệu. Những gì ông để lại không chỉ là những tác phẩm nghệ thuật mà còn là một di sản tinh thần, một hành trình đầy đam mê và chiêm nghiệm. Sơn - Giấy - Đất không chỉ là một triển lãm, mà còn là một lời tự sự, một bản giao hưởng trầm lắng về hành trình tìm kiếm cái đẹp trong cõi nhân gian. Triển lãm Sơn - Giấy - Đất, tại Vin Gallery (35/8 Nguyễn Văn Đậu, Thành phố Hồ Chí Minh) kéo dài đến hết ngày 1 tháng 4 năm 2025.

Tỉnh Phú Thọ: Tạm dừng, hoãn một số hoạt động tại lễ Giỗ tổ Hùng Vương

Tỉnh Phú Thọ: Tạm dừng, hoãn một số hoạt động tại lễ Giỗ tổ Hùng Vương

Baovannghe.vn - UBND tỉnh Phú Thọ vừa quyết định tạm dừng, hoãn và lùi một số hoạt động tại lễ Giỗ tổ Hùng Vương 2025.
Giọt sương. Truyện ngắn của Trần Đức Tiến

Giọt sương. Truyện ngắn của Trần Đức Tiến

Baovannghe.vn - Có một giọt sương nhỏ đậu trên lá mồng tơi. Giọt sương ngủ ở đó suốt đêm qua. Đến sáng, những tia nắng mặt trời đầu tiên thức dậy nhảy nhót vui vẻ xung quanh, còn nó thì vẫn nằm im, lấp lánh như một viên ngọc.
Bộ GD&ĐT: Cả nước có 1,1 triệu thí sinh sẽ tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025

Bộ GD&ĐT: Cả nước có 1,1 triệu thí sinh sẽ tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025

Baovannghe.vn - Tại Hội nghị - tập huấn quy chế và nghiệp vụ tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, diễn ra ngày 3/4, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT Huỳnh Văn Chương, số thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT trên cả nước là trên 1,1 triệu em.
Đầu tư kịch bản điện ảnh kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng

Đầu tư kịch bản điện ảnh kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng

Baovannghe.vn - Hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2030), Cục Điện vừa ảnh triển khai chương trình đầu tư chiều sâu nhằm tạo nguồn kịch bản phim truyện điện ảnh.
Chương trình nghệ thuật đặc biệt, cầu truyền hình "Bản trường ca hòa bình"

Chương trình nghệ thuật đặc biệt, cầu truyền hình "Bản trường ca hòa bình"

Baovannghe.vn - Cầu truyền hình "Bản trường ca hòa bình" sẽ diễn ra từ 20 giờ đến 22 giờ ngày 5/4 do Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk