Ở nước ta hiện nay, các tác phẩm điêu khắc trang trí không gian công cộng đa phần là tượng đài, phù điêu, khối biểu tượng, nhưng ít tác phẩm tạo được ấn tượng sâu sắc. Do đó, cần đổi mới sáng tạo, nâng cao tính thẩm mỹ mà vẫn bảo đảm nội dung, tầm tư tưởng thì các tác phẩm điêu khắc mới thực sự phát huy giá trị.
Nhiều nút thắt cần gỡ
Tác phẩm điêu khắc công cộng ngày càng gia tăng về số lượng, mở rộng về nội dung, ý tưởng cũng như chất liệu. Đã có nhiều tác phẩm đẹp, có ý nghĩa chính trị, văn hóa sâu sắc, như: Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ (Điện Biên), tượng đài Phan Bội Châu (Thừa Thiên-Huế), tượng Mẹ Âu Cơ (Đà Nẵng), tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng (Quảng Nam), tượng đài cá ba sa (An Giang), tượng đài Thủ khoa Huân (Tiền Giang)… Điểm đáng mừng là các công trình điêu khắc công cộng kể trên nhanh chóng trở thành địa chỉ du lịch nổi tiếng mà du khách gần xa không thể bỏ qua.
Nhưng điểm sáng vẫn là thiểu số. Đa phần các công trình điêu khắc còn lại tính thẩm mỹ không cao, ít đổi mới sáng tạo, chuộng kích thước hoành tráng mà thiếu chiều sâu… khiến hiệu quả trang trí giảm đi, chưa xứng tầm với danh nhân, sự kiện được vinh danh.
Điểm yếu đầu tiên dễ dàng nhận ra là sự thiếu đồng bộ giữa quy hoạch không gian và xây dựng tác phẩm điêu khắc. Tính chất trang trí của tác phẩm điêu khắc được đặt ngoài trời đòi hỏi phải được tính toán hài hòa trong tổng thể không gian công cộng để vừa là điểm nhấn trang trí, vừa có tính kỷ niệm, vinh danh. Song, tượng đài Vua Đinh Tiên Hoàng (TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình), tượng đài Vua Mai Hắc Đế (huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) hoàn thành trước, đặt ở khu đất được quy hoạch làm quảng trường. Rất nhiều năm sau, quảng trường vẫn chưa hoàn thành khiến các tượng đài phơi nắng phơi mưa, không phát huy giá trị trang trí cho không gian công cộng. Trường hợp tượng đài Lý Thái Tổ ven hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) thì ngược lại, đã có vườn hoa Chí Linh, chỉ việc đặt tượng vào. Những người am hiểu chuyên môn đã từng than phiền khi tượng đài to lại đặt trong không gian nhỏ, gây mất cân đối, không tạo hiệu ứng thị giác tốt cho công chúng.
Nhiều du khách tìm đến khu nghỉ dưỡng Flamingo Đại Lải để chiêm ngưỡng các tác phẩm điêu khắc ngoài trời độc đáo. ẢNH: NGUYỄN HỒNG. |
Đại đa số các công trình điêu khắc công cộng có nội dung tốt, có khả năng biểu đạt, lan tỏa thông điệp chính trị, văn hóa, xã hội… nhưng tính thẩm mỹ của các công trình lại gây ra nhiều tranh luận bởi vấn đề này không thể đo lường được, và thị hiếu, trình độ thẩm mỹ của công chúng thì lại rất đa dạng, năm người mười ý. Để bảo đảm chất lượng nghệ thuật, năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 113/NĐ-CP về hoạt động mỹ thuật; 5 năm sau, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư số 01/2018/TT-BVHTTDL quy định chi tiết thi hành một số điều tại Nghị định 113. Trong đó, quy định khá chi tiết về việc thành lập hội đồng nghệ thuật, kèm theo đó là chức năng, nhiệm vụ...
Dù quy định chặt chẽ song cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư dự án thường xuyên “tác động” và nhiều thành viên hội đồng vì nhiều lý do khác nhau cũng đã thỏa hiệp khiến việc lựa chọn mẫu phác thảo khó đạt chất lượng về thẩm mỹ. Thậm chí có trường hợp, ý kiến của hội đồng nghệ thuật không được coi trọng. Trong một cuộc thi sáng tác biểu tượng di tích lịch sử cấp tỉnh, hội đồng nghệ thuật đã lựa chọn 3 mẫu phác thảo để trao giải. Cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư dự án dù không có chuyên môn về mỹ thuật đã yêu cầu các tác giả của hai phương án được đánh giá cao hơn cả chỉnh sửa lại. Kết quả là mẫu phác thảo mới ra đời và sau đó được thi công bị các chuyên gia chê về bố cục, hình khối, có nhiều biểu tượng trong một khối gây rối rắm, trùng lặp.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng: “Các công trình điêu khắc công cộng, nhất là tượng đài, tranh hoành tráng, thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng thuộc về UBND cấp tỉnh. Công trình xấu đẹp ra sao chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm trước quyết định của mình. Hội Mỹ thuật Việt Nam ít khi nhận được yêu cầu của các địa phương để tư vấn, thẩm định công trình điêu khắc công cộng. Chúng tôi thường bị đặt vào tình huống lên tiếng nói về chuyên môn khi mà công trình đã thi công xong”.
Kết hợp, tối ưu hóa công năng
Bất cứ ai từng đến Công viên Biển Đông (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) đều ấn tượng với bức tượng đá trắng nằm chính giữa công viên, không có dòng chú thích nào. Người dân địa phương quen gọi là bức tượng Mẹ Âu Cơ. Du khách năm châu rất thích thú, thường xuyên tham quan, chụp ảnh lưu niệm. Tên khai sinh của bức tượng là “Người mẹ và bọc trứng” của điêu khắc gia nổi tiếng gốc Đà Nẵng Lê Công Thành (1932-2019) thực hiện dành tặng quê hương. Năm 2007, lãnh đạo TP Đà Nẵng đã chấp nhận mẫu phác thảo, vị trí đặt tượng. Bức tượng được xem là có vị trí đặc biệt trong lịch sử điêu khắc công cộng ở nước ta bởi đây là bức tượng ngoài trời hiếm hoi không theo phong cách hiện thực mà theo phong cách tượng trưng, có ý nghĩa biểu tượng lớn; hình khối bức tượng không hướng lên cao mà nằm ngang.
Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng thu hút nhiều đoàn khách đến tham quan, tưởng niệm. Ảnh: VŨ TUẤN. |
Từ ví dụ trên, Tiến sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật Trần Hậu Yên Thế (giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam), cho rằng: “Công trình điêu khắc công cộng ở nước ta ít có sáng tạo, chủ yếu theo phong cách quá hiện thực. Cần nói rõ nhiều công trình theo phong cách hiện thực vẫn rất giá trị song có quá nhiều công trình hiện thực đến mức thật thà như đếm, thiếu tầm tư tưởng và tính biểu tượng sâu sắc. Ngoài ra, do lỗi dịch thuật từ xa xưa, nhiều người hiểu từ “monumental sculpture” (điêu khắc hoành tráng) nghĩa là kích thước phải hoành tráng, trong khi nghĩa từ này trọng tâm nhấn mạnh đến tư tưởng của tác phẩm để truyền đạt những phẩm chất vĩ đại, cao quý của danh nhân và sự kiện được biểu đạt. Rất đáng tiếc, rất nhiều nơi xây dựng tượng đài đua nhau về kích thước hoành tráng mà quên đi các giá trị cốt lõi”.
Qua các công trình điêu khắc công cộng có giá trị, cần phải khẳng định tài năng của các nhà điêu khắc ở Việt Nam không hề thua kém đồng nghiệp trên thế giới. Nhưng hiện nay chưa có cơ chế hay một phong trào nào khuyến khích sự sáng tạo cá nhân của người nghệ sĩ. Nếu cứ áp đặt duy ý chí vào sáng tạo từ quan điểm không có chuyên môn nghệ thuật thì tác phẩm không thể thăng hoa “cất cánh”. Tất nhiên, tự do sáng tạo không có nghĩa là tùy tiện, vô chính phủ bởi rất dễ cho ra đời những sản phẩm điêu khắc phản cảm, dung tục như các con giáp ở Hòn Dáu (Đồ Sơn, Hải Phòng).
Trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đã xác định mỹ thuật có vị trí quan trọng, đặt yêu cầu phải “xây dựng các công trình mỹ thuật công cộng, phục vụ dân sinh, cảnh quan kiến trúc có giá trị thẩm mỹ và bản sắc dân tộc”. Không gian công cộng ngày nay được mở rộng trong các khu đô thị, các khu nghỉ dưỡng, du lịch… chứ không còn bó hẹp ở quảng trường, công viên, vườn hoa. Các tác phẩm kiến trúc công cộng cần sớm được tối ưu hóa các công năng. Ngoài công năng vinh danh, kỷ niệm cần phải kết hợp với thị hiếu, nhu cầu người dân, có tính nghệ thuật cao để trở thành sản phẩm công nghiệp văn hóa, góp phần thúc đẩy du lịch văn hóa phát triển. Những khu vườn tượng ở Huế, Đà Lạt hay không gian nghệ thuật trong rừng ở khu nghỉ dưỡng Flamingo Đại Lải (Vĩnh Phúc) là những cách làm hay cần nhân rộng. Để từ đó, nguồn lực Nhà nước hay xã hội hóa được phát huy hiệu quả, một cách đầu tư có chiều sâu cho hôm nay và mai sau.
HÀM ĐAN
Nguồn QĐND