Thuở ấy, giữa lúc chín rộ của phong trào Thơ mới, thi đàn tràn ngập thơ lãng mạn tình ái thị thành, Đoàn Văn Cừ chủ trương một lối thơ hiện thực và chuyên về đề tài nông thôn. Quanh đề tài này còn quần tụ Nguyễn Bính, Bàng Bá Lân, và sau một chút là Anh Thơ. Nông thôn trong thơ Nguyễn Bính là nông thôn của cõi mộng với những mối tình trai gái e lệ đẹp như mơ. Nông thôn của Đoàn Văn Cừ là nông thôn của đời thực với chuyện gặt hái lam làm, ma chay, cưới xin, chợ búa, rồi cháy nhà, bắt cướp, với những ông lái, ông đội, bác bán thuốc ê, cả những đàn trâu, đàn vịt... Bút pháp tả thực của Đoàn Văn Cừ kết hợp được cả quan sát lẫn tưởng tượng. Quan sát tinh tế, sắc sảo, lại hóm hỉnh. Ông rất mạnh về cảm quan thị giác, rất thích màu sắc, ở bài Chợ tết đếm được hai mươi ba màu. Hoài Thanh, trong Thi nhân Việt Nam, ví thơ ông là nụ cười ngũ sắc có lẽ vì ông hóm và cái thị hiếu “cu-lơ” đó.