Chuyên đề

Đọc "Nghe mưa" đi tìm dấu ấn Hà Phạm Phú

Câu chuyện văn hoá
08:22 | 04/11/2022
Từ nhiều năm nay, tên tuổi Hà Phạm Phú đã được bạn đọc biết đến qua các tập truyện ngắn, tiểu thuyết, tác phẩm văn học dịch và kịch bản điện ảnh. Ở thể loại nào, anh cũng để lại ấn tượng khó quên. Tuy vậy, thể loại mà anh dành nhiều tâm huyết nhất là thơ. Thơ đối với Hà Phạm Phú là sự say mê đầu đời, là những thổn thức đeo đẳng khôn nguôi. Dù ở các thể loại khác anh có thành đạt đến đâu cũng không quên được thơ. Anh dồn mọi khát vọng cho thơ
aa

Từ nhiều năm nay, tên tuổi Hà Phạm Phú đã được bạn đọc biết đến qua các tập truyện ngắn, tiểu thuyết, tác phẩm văn học dịch và kịch bản điện ảnh. Ở thể loại nào, anh cũng để lại ấn tượng khó quên. Tuy vậy, thể loại mà anh dành nhiều tâm huyết nhất là thơ. Thơ đối với Hà Phạm Phú là sự say mê đầu đời, là những thổn thức đeo đẳng khôn nguôi. Dù ở các thể loại khác anh có thành đạt đến đâu cũng không quên được thơ. Anh dồn mọi khát vọng cho thơ. Nghe mưa là tập thơ thứ năm của anh, cũng là tập thơ tập trung được những ưu điểm nổi bật của anh, một cây bút đã có nghề. Đó là tập thơ có nhiều bứt phá, cố gắng làm mới mình. Độ mở của nó rất rộng, cho phép anh thể hiện những chiêm nghiệm về đời và thơ. Điều mừng nhất là anh để lại những dấu ấn mới vừa có tâm trạng, có nỗi niềm vừa có những sáng tạo nghệ thuật mới mẻ. Thế nên, nghe mưa mà hoá nghe đời. Và anh đã thấy:

Ta nghe tóc bạc phân vân

Lẫn trong sương khói đất gần trời xa

Ta nghe máu đổ quê cha

Cánh đồng mất tích mái nhà tha hương

Ta nghe trẻ mỏ đứng đường

Đồng tiền quỷ ám cương thường đảo điên

(Sương mù II)

Nhà văn Hà Phạm Phú

Từ chiến tranh sang hoà bình, những chuyển đoạn đầy đau đớn khiến cho “tóc bạc phân vân” không thể đứng ngoài cuộc. Vì là người trong cuộc nên cách nhìn không né tránh. Anh muốn thức tỉnh lương tâm, khiến cho không một ai có thể quay lưng với thực cảnh. Trách nhiệm công dân hiện lên rất rõ. Điều đó được nói lên bởi một người đã từng trải, đã nếm đủ những thử thách ở đời.

Tôi đã đi từ làng ra phố

Những tháng ngày lấm láp than tro

(Mưa gió ngã tư)

Chính sự “lấm láp” này đã làm nên sức nặng của tập thơ.

Một người biết quý trọng quá khứ của mình là một người biết bảo toàn nhân cách. Trước những thách đố mới, nhân vật trữ tình trong thơ Hà Phạm Phú trở nên rắn rỏi, quyết liệt đầy cốt cách. Nhà thơ không chịu bán mình trong bất cứ hoàn cảnh nào. Bản năng tự vệ trước hết là biết chống lại sự hoen rỉ cuả tâm hồn mình. Không thoả hiệp, không nhượng bộ.

Ta bẩy lăm những đốt tre khô cứng

Không khom lưng uốn mình

Xun xoe miếng ăn thân chó lợn

Trên nẻo đời cát bụi những sinh linh

(Cây tre bảy lăm đốt)

Qua những câu thơ có tính tự sự ở trên, chúng ta thấy hiện lên dấu ấn của tác giả. Đó là một bản lĩnh sống cứng cáp đủ sức làm nên sự tin yêu và trân trọng nơi người đọc. Có bản lĩnh là có tất cả. Giống như đá trong bài thơ Ghi chép Mèo Vạc:

Đá chắc hẳn không đẻ ra nước

Nhưng đá có thể rèn rũa con người

Để con người

Biết cách tìm nước ở đâu

Phải thừa nhận, độ mở trong Nghe mưa mang tính xã hội rộng rãi. Đó là những cung bậc cồn cào và nóng bỏng gây nhiều ám ảnh. Đó là những câu thơ anh viết về mẹ. Hà Phạm Phú viết về mẹ không giống ai. Đó là một bà mẹ lam lũ và tần tảo như bao bà mẹ khác. Gắn với làng xóm, gắn với đồng ruộng. Tác giả chọn được những hình ảnh rất đắt để khắc hoạ chân dung mẹ

Những năm cuối cùng

Mẹ chỉ còn ngồi hiên nhà nhìn ra cánh đồng

Có thửa ruộng mẹ cả đời cấy gặt

Có buổi chiều mưa dầm ảo não

Mẹ đòi về thăm ngoại bên sông

Có đền Âu Cơ nguồn cội tiên rồng

Những mối tình chiến tranh dang dở

Hôm nay con về đứng trước mái hiên

Bên chiếc ghế mẹ ngồi để trống

Máu mẹ trong tim con ấm nóng (Mẹ)

Tác giả viết về Mẹ chỉ gợi thôi mà không kể. Không ngoa ngôn mà cũng chẳng rậm lời. Nhưng sao hình ảnh mẹ ngồi dưới hiên nhà nhìn ra cánh đồng cứ bám riết lấy ta, đánh thức ở trong ta biết bao thương cảm. Câu thơ như một khoảng lặng, tĩnh mà lại rất động. Hình ảnh Mẹ như cứa vào lòng ta. Bà mẹ ấy phải là một bà mẹ trung du mới có đồi cao để nhìn ra cánh đồng. Vẫn tình cảm ấy, trong ngày về quê giỗ mẹ, tác giả viết:

Hai năm rồi vắng mẹ

Con thuyền không kéo buồm

Chếnh choáng trên sông

Thèm nghe tiếng mẹ đuổi gà bới thóc

Thèm nghe tiếng mẹ nựng trâu trên đồng

Tôi luôn trân trọng những bài thơ viết về Mẹ. Hà Phạm Phú viết về bà mẹ nhà quê rất chân thật và rất cảm động. Đó là bà mẹ của anh và cũng là của tất cả chúng ta. Viết về Mẹ cũng là viết về quê hương. Trong bài Sông Thao tác giả vẽ người và cảnh quấn bện với nhau, đan dệt thành một bức tranh quê rất gợi cảm:

Sông Thao chở bóng ngoại tôi

Chở mây tóc trắng chở trời ấu thơ

Chở mùa dâu biếc tằm tơ

Chở buồng chuối ngớp trĩu bờ tre gai

Phải là nguời đã có nhiều trải nghiệm ở làng quê mới có thể viết về cuộc sống ở nhà quê sinh động đến thế. Thế mới biết hơn nửa thế kỉ thành nguời tha hương rồi nhưng hồn quê trong Hà Phạm Phú vẫn nồng đượm như xưa. Chính hồn quê đã cho anh một cách sống, một cách nghĩ tích cực như anh đã từng tâm sự trong ngày giỗ mẹ:

Con mồ côi mẹ, con thay mẹ

Chia sẻ khoan dung những phận người

(Tháng ba)

Vì có sẵn một người nhà quê trong hồn, nên mỗi khi viết về quê hương, ngòi bút của anh trở nên đầy hoạt khí:

Ngõ quê thăm thẳm miền thương nhớ

Ký ức xanh trời với tre gai

Lích tích tiếng chim sàng nắng đỏ

Gieo hạt tưng bừng cỏ đất đai

“Lích tích tiếng chim sàng nắng đỏ” là một sáng tạo. Và nó rất mới, mới mà không lạc lõng, mà vẫn thân gần, vì tác giả đổi mới từ hồn dân tộc. Trong “Nghe mưa” có rất nhiều sự tìm tòi mới mẻ. Mới về tứ, về câu, về chữ, về lời. Mới mà hoàn toàn có thể chấp nhận được. Ấy là vì anh đứng vững trên mảnh đất của truyền thống, của dân tộc. Chẳng hạn khi tác giả viết về một ông già Nam bộ:

Lão xù xì gốc dừa gộc đứng thẳng

Má hóp, trán dô, tóc búi củ hành

Cười rạng rỡ, giọng vang lên sang sảng

Gió ngoài đồng quẫy biếc một trời xanh

Ai dám bảo “Gió ngoài đồng quẫy biếc một trời xanh” là không mới? Và đây nữa, trong bài Cà phê đen tác giả viết:

Câu thơ có cánh

Thả ra sẽ bay

Hoặc trong bài Thế kỷ trước tác giả viết:

Nay tôi về. Con đường vẫn cũ

Bờ sông vẫn cũ dốc chênh vênh

Ta bới sông thấy một hòn than

Câu thứ ba thật bất ngờ, và thật mới.

Hay trong bài Tự do, tác giả dựng lên một cái tứ:

Tôi thấy một cái chim vành khuyên

Ai thả ra từ hôm trước

Không sao bỏ đi được

Loanh quanh trong lồng còn sót thức ăn

Như là có dây buộc

Những sự tìm tòi, thể nghiệm như thế, có rất nhiều trong Nghe mưa. Khiến cho ta có cảm giác bắt gặp một Hà Phạm Phú mới, vừa quen vừa lạ. Điều đó cho phép tác giả tiếp cận với mảng thế sự với nhiều thành công. Tầng đá Mẹ là một bài thơ về cuộc chiến tranh biên giới, được viết với nhiều hoài niệm:

Ngày ấy chiến hào khoét vào ruột đá

Mưa cuốn hầm trôi, đồng đội không về

Tiếng xoang nồi thung lũng nắng liêu xiêu

Bếp anh nuôi đặt trên tầng đá mẹ

Xuân chớm đầu nguồn Lô

Sắc rừng xanh như thể

Trong ngực mình tuổi trẻ vẫn chưa qua

Được đào luyện trong quá khứ, hiểu hết giá trị của sự hy sinh, nên càng gắn bó và trân trọng với những gì đã có hôm nay. Chỉ có những con người từng trải qua chiến tranh mới biết giá trị của hoà bình, và có đủ niềm tin vào chặng đường đi tiếp. Đó là biện chứng của đời sống. Trong bài Thơ vụt đến, nhà thơ tâm sự:

Ta đã từng nếm trải khổ đau

Giọt nước mắt nhiệm mầu như lửa

Hạt cát hoá sáng vàng rực rỡ

Hạnh phúc ngời vĩnh cửu trên tay

Hạnh phúc đó không hề dễ dãi. Và sự lạc quan cũng không hề dễ dãi. Tác giả cũng không có ý định đem đến một niềm tin dễ dãi. Đây chắc hẳn sẽ trở thành quan niệm sống tích cực làm định hướng cho anh một lối hành xử dấn thân:

Thôi

Đừng làm ngọc trai

Rồi lo sợ bị lấp vùi trong cát

Xin cho làm bùn đất

Để mọi người dẫm lên

Thành con đường không tên (Thà)

Câu thơ vang lên như một tuyên ngôn về cách sống. Ở đây có cái đẹp và cái cao cả bình thường. Làm một con người bình thường, dâng hiến hết mình. Đó có thể là một mẫu người cần thiết cho một xã hội mới. Cái tư thế dấn thân ấy xem ra không phải dễ. Nó tiếp tục những hy sinh thầm lặng trong chiến tranh. Xả thân, nhưng biết rõ ý nghĩa của sự xả thân. Một xã hội lành mạnh bao giờ cũng cần đến những con người như vậy. Đó là nền tảng của đạo đức.

Trong Nghe mưa, Hà Phạm Phú dành cho bạn đọc những bài thơ tình thật đẹp ở những bài thơ đó nó có cái chung là rất say, nhưng ở mỗi bài lại có cách nói rất độc đáo, chẳng hạn bài Tình yêu:

Trộn hình bóng em với muối

Rãi ra khắp núi đồi

Hong phơi

Trăm năm sau

Nhắm rượu

Đa tình hết cỡ. Đây chắn hẳn Hà Phạm Phú học được cách phô diễn của người miền núi. Đằng sau cách nói phóng dụ, là cái tình rất thật. Bài thơ ít chữ mà nhiều tình. Trong bài Giao mùa, tác giả viết

Giọt sương năm cũ gió bay

Chạm môi năm mới nở đầy lộc xuân

Em là ngọn gío thanh tân

Thổi tung cây lá đời văn một người

Trong bài Anh đi đón em, tác giả có cách nói hết sức bất ngờ “Những tháng năm của anh/ Gửi tiết kiệm lên trời”. Nói rằng anh để dành tuổi trẻ của anh, anh để dành cả đời anh để chờ đợi em thì ai cũng có thể nói được. Nhưng nói như Hà Phạm Phú thì chỉ mình anh mới với được, tự nhiên mà rất mới:

Anh đi đón em

Những tháng năm của anh

Gửi tiết kiệm lên trời

Có đủ bốn mùa lá thắm hoa tươi

(Anh đi đón em)

Vẫn một cách tìm tòi như trên, trong bài Trình bầy tác giả viết:

Anh yêu em như trái núi trước nhà

Mở cửa ra là thấy

Không bao giờ mỏi mệt

Một trong số những bài thơ tình hay nhất của anh là bài Phố Bà Triệu. Bài này được viết bằng thể thơ lục bát, hơi thở tạo ra sự quyến luyến rất lạ lùng:

Trước ngày ta chưa biết nhau

Con đường Bà Triệu khác đâu bây giờ

Mái nhà cũ mới nhấp nhô

Mướt xanh cây phố giăng tơ nắng vàng

Mùa xuân buông lụa dịu dàng

Dốc dài xe cuốn vội vàng người đi

Với anh nào nghĩa lý gì

Có bao phố xá khác chi phố này

Thế rồi Bà Triệu chiều nay

Diệu kì bỗng hoá thành cây đàn bầu

Thành tranh thắm rực sắc mầu

Thành thơ lửa thắp thấm sâu cõi hồn

Thành mong manh nhớ bồn chồn

Thành cay đắng với giận hờn khổ đau

Từ ngày ta biết mặt nhau

Phố phường bất cứ nơi nào em qua

Với anh thì đấy cũng là

Phố Bà Triệu của hai ta bây giờ

Cách phô diễn tình cảm trong bài thơ này rất kín. Hầu như toàn bài thơ chỉ nói chuyện phố và cây. Trước kia thì thế, bây giờ thì thế. Tình yêu làm thay đổi kì diệu quang cảnh thiên nhiên. Và tình người thì “thành mong thành nhớ bồn chồn/ thành cay đắng với giận hờn khổ đau”. Đến cái kết thì thật bất ngờ và thật khéo.

Nghe mưa, tập thơ có 119 bài với hơn 200 trang in, gồm những bài viết qua hơn 10 năm. Tập thơ tập trung được những cố gắng làm mới thơ trên một hướng đi đã được khẳng định. Đó là tập thơ đa thanh, nhiều tìm tòi, sáng tạo, mang được tâm trạng và cốt cách của một nhà thơ đã thành danh. Đọc thơ ta thấy Hà Phạm Phú còn có nội lực tiềm tàng, tâm hồn anh còn rất trẻ, bắt nhịp nhanh nhậy với những chuyển động của đời sống. Anh có thể đi từ những câu chuyện riêng tư đến những vấn đề có tầm xã hội rộng lớn với một cách nhìn riêng, dấu ấn riêng. Thành công của tập thơ là một đóng góp mới đáng quý của anh vào diện mạo thơ đang đổi mới của chúng ta. Tin rằng, với thành công mới này, Hà Phạm Phú còn có thể tiếp tục đi xa hơn nữa.

Nguồn Văn nghệ số 45/2022


Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Baovannghe.vn- Như những mũi lao cắm vào vùng ngập mặn/ Mầm sống gieo trên sóng nước hoang sơ
Nên bị gai đâm - Tản văn của Chu Văn Sơn

Nên bị gai đâm - Tản văn của Chu Văn Sơn

Baovannghe.vn - Và ta cứ yên trí đi qua thế giới này với bước chân quen xéo lên cỏ hoa. Thỉnh thoảng bàn chân nên bị gai đâm, để ta được giật mình: Tổn thương là rỉ máu.
Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Baovannghe.vn - Kịch Trịnh Hoài Đức ngoài chất hài ý nhị, sâu cay, cười ra nước mắt còn bao hàm cả triết lý sâu sắc về thế giới quan, nhân sinh quan... Thơ của ông như gieo vào lòng người cái tình sâu lắng, ngôn ngữ giản dị mà nhân văn đa nghĩa đầy tính bác học...
Microsoft ra mắt nhà xuất bản sách in truyền thống

Microsoft ra mắt nhà xuất bản sách in truyền thống

Baovannghe.vn - Tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới - Microsoft đã chính thức bước chân vào ngành xuất bản sách với việc ra mắt 8080 Books, một nhà xuất bản được thiết kế để thúc đẩy sự đổi mới trong xuất bản và kể chuyện. Được đặt tên theo bộ vi xử lý Intel 8080 – nền tảng cho sự khởi đầu của Microsoft trong thập niên 1970 – 8080 Books không chỉ là một cột mốc mới trong chiến lược đa dạng hóa của công ty mà còn đại diện cho tham vọng đưa công nghệ vào thay đổi ngành xuất bản vốn còn nhiều hạn chế.
Trong y, một tảng băng trôi. Truyện ngắn của Hiền Trang

Trong y, một tảng băng trôi. Truyện ngắn của Hiền Trang

Baovannghe.vn- Đối diện nhau, con cá mập và Tử thần, kẻ bị giết và kẻ giết, con mồi và gã thợ săn, đối tượng của cái chết và tay sai của cái chết, con cá mập nằm sóng soại trên sàn thuyền, Tử thần thì đứng thẳng hiên ngang, một trục hoành - một trục tung, tạo thành một hệ tọa độ bất đắc dĩ giữa biển xanh sâu thẳm, mỗi kẻ đeo đuổi những huyễn tưởng khác nhau, nhưng sau rốt đều xuất phát cùng từ một gốc: ám ảnh về những trò ảo thuật.