Chuyên đề

Một thực hành di sản tại Nhật Bản

Sỹ Hiếu
Câu chuyện văn hoá
10:35 | 26/11/2024
Baovannghe.vn - Khi tới Bảo tàng Tokugawa từ ngày 22/10/2024 đến ngày 04/11/2024, khán giả có dịp chiêm ngưỡng bộ sưu tập của gia tộc Tokugawa về “Truyện Genji” cùng thế giới Miyabi (Nhã) đại diện cho văn hóa quý tộc Nhật Bản xưa.
aa

Cái nhìn sâu về cội nguồn văn chương nước Nhật

Với những ai yêu mến văn chương và văn hoá Nhật Bản nói chung, chắc đã từng nghe tới Truyện Genji của Murasaki Shikibu, một trong những kiệt tác của văn học cổ điển Nhật Bản, đã làm say mê độc giả trong hơn một thiên niên kỷ. Tuy vậy, việc tiếp cận tri thức về tác phẩm này ở Việt Nam còn hạn chế. Bởi lẽ, bản dịch chuẩn chỉ của tác phẩm là chưa có, kiến thức về văn hoá cung đình Heian cũng chưa phổ biến. Triển lãm Thế giới Miyabi sẽ là một kênh hữu ích, giúp người xem hiểu thêm về văn hoá quý tộc Nhật Bản, về nền tảng và sức lan toả mãnh liệt của tác phẩm mà gần như người Nhật nào cũng biết đến này.

Đặc biệt coi trọng tác phẩm này, Bảo tàng Tokugawa đã tổ chức triển lãm đặc biệt mùa thu, với mong muốn giới thiệu tới công chúng thế giới đầy mê hoặc của Truyện Genji. Triển lãm lấy Miyabi - sự thanh lịch của cung đình Nhật Bản cổ điển, tức cái ưu nhã của văn hoá quý tộc Heian làm điểm tựa. Theo đó, triển lãm tập trung vào tác giả Murasaki, giới thiệu lịch sử văn hoá của Truyện Genji, đồng thời khám phá nguồn gốc của mị lực mà tác phẩm sở hữu.

Để có thể tổ chức triển lãm, một lượng lớn hiện vật thuộc hàng bảo vật quốc gia của Nhật Bản đã được huy động; bên cạnh đó là cả các hiện vật thuộc bộ sưu tập tư nhân của những người quan tâm tới triển lãm, tới văn di sản nước nhà. Ngoài ra, để cung cấp tới người xem nền tảng văn hoá từ thế kỉ XIII một cách trực quan và dễ hiểu, triển lãm còn dày công phục dựng mô hình triến trúc, phục trang, sinh hoạt của người xưa. Có thể nói, cội nguồn văn chương, văn hoá Nhật Bản mang tên Truyện Genji được nhìn nhận một cách sâu sắc và công phu. Họ biết rõ mình muốn làm gì, tổ chức ra sao, ứng xử thế nào với cội nguồn di sản dân tộc. Tất cả hứa hẹn mang tới một triển lãm quy mô về tác phẩm, sâu lắng về nội dung, và lan toả về phương thức thực hành.

Một thực hành di sản tại Nhật Bản
Ảnh minh họa. Nguồn Mlyabi.

Một thực hành tường tận về di sản đã qua

Bước vào triển lãm, người xem lần lượt bước qua bốn phần để hiểu về thế giới Miyabi của giới quý tộc xưa. Trước hết là Chương 1: Tác giả vĩ đại, phu nhân Murasaki Shikibu cung cấp cho người xem hiểu biết sơ bộ về thân thế của nữ sĩ sáng tác nên Truyện Genji. Theo đó, bà là người sống trong thời kỳ hưng thịnh nhất của vương triều Heian, là con gái của nhà Trung Quốc học Fujiwara no Tametoki. Ngay từ nhỏ, Murasaki đã tiếp xúc với không chỉ thơ văn Nhật Bản mà còn cả văn chương kinh điển của Trung Quốc. Với vốn liếng chữ nghĩa hơn cả nhiều nam giới lúc bấy giờ, Murasaki đã viết nên tiểu thuyết trường thiên Truyện Genji.

Tác phẩm (cùng tên tuổi của bà) nức tiếng đến mức đã lan tới tai Fujiwara no Michinaga - người nắm quyền lực to lớn trong triều đại của Thiên hoàng Ichijo. Sau đó, ông đã cho vời Murasaki tới để làm nữ quan cho con gái mình. Lại nói, trong cơ cấu vương triều Heian, có tầng lớp gọi là nữ quan đảm nhận chức vụ giáo dưỡng con gái giới quý tộc theo hình thức trò chuyện văn chương, bồi dưỡng khả năng cảm thụ thẩm mĩ. Đó cũng là một trong những nền tảng quan trọng cho sự phát triển của nền văn học Heian giàu tính Nhã. Trong khi trông coi con gái của Michinaga, Murasaki đã tạo ra một bản sao của Truyện Genji và đem trình lên Thiên hoàng Ichijo. Không lâu sau đó, Truyện Genji dành được sự chú ý của giới quý tộc và trở nên nổi tiếng, âm vang của nó còn tận tới sau này. Ngoài giới thiệu về tác giả, trong phòng triển lãm còn phục dựng cả quần áo và cảnh sinh hoạt thường ngày của các nữ quan thời Heian.

Sang tới Chương 2: Đọc và tái hiện Truyện Genji qua các thời đại, người xem lần lượt được chiêm ngưỡng các trích đoạn tranh minh hoạ của câu chuyện trải dài qua các thế kỉ. Ngay từ thời Heian, việc vẽ minh hoạ cho tác phẩm đã rất được chú trọng, dẫu cho đó chỉ là các trích đoạn. Nhưng do binh biến thời cuộc, các tài liệu về Truyện Genji cũng thất lạc cùng sự lụi tàn của vương triều Heian. Sang tới thời Kamakura, Fujiwara no Sadaie và hai cha con Minamoto no Mitsuyuki và Minamoto no Chikayuki đã cố gắng biên soạn các biến thể của câu chuyện thành phiên bản chuẩn nhất có thể. Sadaie tạo nên phiên bản Aobyoshi-bon, còn Mitsuyuki và Chikayuki tạo nên phiên bản Kawachi-bon. Ngoài ra, Truyện Genji còn trở thành nguồn cảm hứng cho các sáng tác Waka, sân khấu Noh, phê bình, tóm tắt… nhìn chung là xuất hiện khắp mọi nơi trên văn đàn nghệ thuật Nhật Bản lúc bấy giờ. Người xem sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng những hiện vật thuộc hàng Bảo vật quốc gia này.

Tăng thêm tính trực quan thị giác, trong Chương 3: Genji-e - Mường tượng về Truyện Genji, người xem có dịp xem các tác phẩm hội hoạ diễn truyện những cảnh đáng nhớ xuyên suốt 54 chương của tác phẩm. Sang tới thời Edo với công nghệ in ấn phát triển, giờ đây, Truyện Genji được dịp khoác lên mình một hình thức mới qua các bản tranh khắc gỗ (Ukiyo-e). Hình thức trên cũng đánh dấu bước chuyển quan trọng là từ văn hoá quý tộc sang văn hoá thị dân trong cơ tầng văn hoá Nhật Bản. Số lượng tranh về Truyện Genji trở nên bùng nổ khi mỗi hoạ sĩ theo trường phái khác nhau lại tạo nên một phiên bản Truyện Genji khác nhau. Giờ đây, người dân không chỉ có thể tiếp cận Truyện Genji bằng con chữ mà còn có thể thưởng thức tác phẩm bằng thị giác. Và, toàn bộ trào lưu vẽ tranh về Truyện Genji được gọi là “Genji-e”. Tại đây, người xem cũng được biết thêm rằng văn hoá vẽ tranh minh hoạ, hay nói cách khác là “đọc truyện bằng tranh” của người Nhật - thứ được xem là nền tảng cho manga sau này - đã có từ thế kỉ XIII.

Sang tới Chương 4: Sự lan toả của Truyện Genji, vai trò của tác phẩm được nhắc lại và nhấn mạnh. Có thể xem tác phẩm là một bộ từ điển về đời sống văn hoá thời Heian, nơi cái Nhã (Miyabi) được đặt lên hàng đầu. Lối sống ưu nhã thời Heian được miêu tả chi tiết từ trang phục, đồ trang trí, dinh thự, cho tới các nghi lễ, sự kiện thường niên; thậm chí là các trò tiêu khiển như thư pháp, âm nhạc, takimono, nghệ thuật thưởng hương… Vô số tác phẩm nghệ thuật, văn học và kịch nghệ đã được truyền cảm hứng từ thế giới giàu hình ảnh này. Trong nghi lễ ngửi hương truyền thống, có các trò chơi kết hợp mùi hương được gọi là “Genji-kō” và “Uji-kō”. Trong sân khấu Noh, các vở kịch dựa trên những nhân vật như Yugao và phu nhân Rokujo đã ra đời. Nói theo Kawabata Yasunari, toàn bộ nền nghệ thuật Nhật Bản đều bắt nguồn từ Truyện Genji. Và, Truyện Genji vẫn tiếp tục truyền cảm hứng cho đến tận ngày nay, tạo nên nhiều tiểu thuyết, manga và phim ảnh cải biên.

Một thực hành di sản tại Nhật Bản
Truyện Genji

Triển lãm không chỉ để “trưng”

Có thể nói, Thế giới Miyabi là một triển lãm công phu, rành mạch về ý đồ, đa dạng về hiện vật. Nhưng hơn cả, triển lãm còn khơi gợi rất nhiều tò mò cho người xem, nhất là những ai quan tâm tới văn hoá, văn học Nhật Bản. Điều này được thể hiện qua không gian bán các sản phẩm ăn theo triển lãm.

Có hai điểm bán ấn phẩm ăn theo của triển lãm. Một điểm được đặt ngay khu vực lối ra khi người xem vừa thăm thú xong triển lãm. Điểm còn lại chính là khu vực bán đồ lưu niệm của bảo tàng. Về những món đồ được bày bán, loại ấn phẩm thứ nhất là bản sao hình ảnh của các tác phẩm mà người xem vừa chiêm ngưỡng, đa dạng từ khăn, postcard, sổ ghi, cho tới bút, kẹp sách… Bên cạnh loại ấn phẩm “thường thường” đó là những ấn phẩm cấp cao như sách tranh, sách nghiên cứu, khảo cứu về Truyện Genji, về các trường hợp cải biên Genji, có cuốn chỉ in 60 bản; hay tuyển tập Waka cổ điển, sách biên dịch cổ văn sang tiếng Nhật hiện đại… Nhìn chung, các ấn phẩm mua để làm quà cũng có, mà để nghiền ngẫm cũng nhiều.

Đó cũng là một điểm thường thấy ở các triển lãm tại các bảo tàng lớn trên thế giới. Khi mà, ngoài việc đến thăm thú, mở rộng tầm mắt ngay trong quá trình tham quan, người xem còn có thể “vỡ hoang” tri thức bằng những ấn phẩm mang về. Bởi lẽ, xét cho cùng, việc xem triển lãm chỉ là thoáng chốc, còn ký ức và việc mong muốn nghĩ tiếp về kí ức đó mới là điều còn mãi.

Bản tin Văn nghệ ngày 9/12/2024

Bản tin Văn nghệ ngày 9/12/2024

Baovannghe.vn - Hà Nội Concert: Hoà nhạc Mùa đông do Đài PT-TH Hà Nội tổ chức tại Nhà Hát Lớn vào tối 13/12 với sự tham gia của Dàn giao hưởng trẻ Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ: Thi đua, khen thưởng truyền cảm hứng cho toàn xã hội

Thủ tướng Chính phủ: Thi đua, khen thưởng truyền cảm hứng cho toàn xã hội

Baovannghe.vn - Sáng 9/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương nhiệm kỳ 2021-2026
Xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới

Xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới

Baovannghe.vn - Ban Nội chính TƯ, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật ra mắt sách “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đề xuất áp dụng thuế khí thải có giảm thiểu được ô nhiễm không khí?

Đề xuất áp dụng thuế khí thải có giảm thiểu được ô nhiễm không khí?

Baovannghe.vn - Xe máy được chỉ ra là phương tiện xả khí thải lớn nhất gây ô nhiễm môi trường như NO2, CO, SO2, NMVOC, CH4, nhất là bụi mịn PM2.5.
Biết viết và không biết viết

Biết viết và không biết viết

Baovannghe.vn - Tôi thường dè dặt khi đưa ra các dự đoán về công nghệ, nhưng tôi khá tự tin về dự đoán này: trong vài thập kỉ tới, sẽ không có nhiều người có thể viết.