Sự kiện & Bình luận

Từ đường ranh giới đến “chuyến tàu ma”

Hồ Anh Thái
Đời sống 11:01 | 24/04/2025
Chỉ trong bảy tuần, một vị luật sư Anh chưa từng đặt chân đến Ấn Độ đã vẽ lại ranh giới cho một tiểu lục địa hàng triệu người — và làm bùng nổ cuộc di cư lớn nhất lịch sử hiện đại.
aa

Ai nặn lại hình dáng Ấn Độ?

Cho đến năm 1947, lãnh thổ Ấn Độ thống nhất vẫn còn bao gồm cả ba đất nước mà ngày nay mang ba cái tên Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh. Vậy ai là người đã nhào nặn lại hình dáng Ấn Độ, chỉ sổ thẳng mấy đường trên giấy, mà gây ra một sự chia tách sai về lịch sử và địa lý, sai cả về vùng văn hóa như thế?

Câu trả lời đã quá rõ ràng: thực dân Anh, thế lực đã thống trị Ấn Độ ba thế kỷ rưỡi, kể từ năm 1600.

Trả lời rõ hơn một tí nữa: người chịu trách nhiệm chính cho việc tạo ra địa giới ấy là vị phó vương cuối cùng của Anh ở Ấn Độ: huân tước Louis Mounbatten.

Nhưng để che chắn và xóa mờ trách nhiệm, bao giờ người ta cũng bắt ra được một con tốt đen, một con dê tế thần, kẻ sẽ phải đứng ra chịu mọi búa rìu của dư luận. Trong vụ định hình lại biên giới một đất nước gây ra cuộc đại di cư như vậy, kẻ bị ghi danh vào lịch sử lại là một ông luật sư, một thượng nghị sĩ người Anh. Tên ông ta là Cyril Radcliffe.

Khi ấy Cyril Radcliffe là tổng giám đốc trong Bộ Thông tin Vương quốc Anh, chức vụ tương đương với thứ trưởng bây giờ. Ông ta được giao nhiệm vụ đứng đầu Ủy ban biên giới Ấn Độ, nhưng người đời ghi danh nó là Ủy ban Radcliffe như một lời đàm tiếu.

Từ đường ranh giới đến “chuyến tàu ma”
Pandit Jawaharlal Nehru (trái), Sir Cyril Radcliffe (giữa) và Muhammad Ali Jinnah (phải) trong một cuộc họp năm 1947 để thảo luận về đường phân chia lãnh thổ. Ảnh tư liệu AP.

Radcliffe chưa bao giờ đi quá xa ở châu Âu, thậm chí nơi xa nhất còn chưa tới miền đông nước Pháp. Vậy mà chính phủ Anh hạ lệnh cho ông lên đường, xách cặp sang Ấn Độ. Cũng không sang thẳng thủ phủ New Delhi, đang là mùa hè cháy bỏng lên tới 45-47 độ C. Ông được đưa thẳng đến thành phố Shimla, thủ đô mùa hè của Ấn Độ, nơi quanh năm mát hơn Sa Pa, Đà Lạt, mùa đông tuyết còn phủ trắng núi rừng.

Ngồi giữa cái máy điều hòa tự nhiên ấy mà làm việc đi. Vẽ lại ranh giới đi, dễ dàng thôi mà. Vẽ hình một tiểu lục địa có rất nhiều dân tộc, nhiều vùng địa lý, nhiều tôn giáo, nhiều đẳng cấp.. thì với người Anh cũng là một việc dễ như ăn bánh.

Rất dễ. Cho nên Radcliffe được giao làm công việc ấy chỉ trong bảy tuần.

Ủy ban Radcliffe lôi ra một tấm bản đồ mà thông tin có lẽ chưa được cập nhật có đến nghìn năm rồi. Cho đến lúc ấy, thực dân Anh chỉ cần tấm bản đồ thương mại của công ty Đông Ấn, kẻ thực sự cai trị Ấn Độ hơn ba trăm năm. Còn thì bản đồ văn hóa, chủng tộc, tôn giáo… người Anh không cần biết.

Ngồi trước tấm bản đồ mà mình không hiểu gì, Radcliffe đã làm công việc của một chuyên gia giải phẫu thẩm mỹ. Cắt gọt thẳng tay. Vùng đông bắc và tây bắc có nhiều người Hồi giáo, ông ta khoanh lại hai vòng tròn, đấy là hai phần lãnh thổ Pakistan. Phần còn lại là Ấn Độ, lãnh thổ dành cho người Hindu và các tôn giáo khác như đạo Sikh, đạo Phật, đạo Jain…

Sau gần hai tháng, ông hoàn thành nhiệm vụ, xách cặp trở về Anh. Được nhận một tấm huy chương công trạng và thù lao 3.000 bảng Anh, một khoản tiền khá hậu hĩ thời bấy giờ.

Đâu dễ vẽ lại một thể thống nhất

Giở lại một chút bối cảnh lịch sử Ấn Độ lúc đó.

Chiến tranh thế giới II kết thúc thì cũng là lúc Anh không thể giữ được Ấn Độ nữa. Nhưng phong trào đấu tranh giành độc lập ở Ấn Độ khi ấy có hai đảng lớn đều không chịu nhượng bộ nhau. Đảng Quốc Đại thế tục không chịu đối thoại với Liên đoàn của người Hồi giáo. Để trả đũa, Liên đoàn Hồi giáo đòi thành lập nhà nước Pakistan độc lập, tách khỏi Ấn Độ.

Tháng 7-1945, Công đảng (đảng Lao Động) thắng cử ở Anh, tình hình thuận lợi đối với việc tìm kiếm một giải pháp cho vấn đề Ấn Độ.

Những cuộc bầu cử ở Ấn Độ cho thấy một điều rõ ràng: đất nước đã bị chia rẽ trên cơ sở tôn giáo. Liên đoàn Hồi giáo do Mohammad Ali Jinnah lãnh đạo, phát ngôn cho đa số người Hồi giáo, còn đảng Quốc Đại do Jawaharlal Nehru lãnh đạo, đại diện cho người Hindu.

Mahatma Gandhi vẫn giữ nguyên vai trò cha già dân tộc đối với phía Quốc Đại, nhưng ảnh hưởng chính trị của ông không còn như trước.

Giữa lúc ấy, Jinnah công khai tuyên bố quan điểm của Liên đoàn Hồi giáo: “Ấn Độ hoặc là sẽ phải chia cắt, hoặc sẽ bị hủy diệt”. Điều này trái với nguyện vọng xây dựng một nước Ấn Độ vĩ đại độc lập của đảng Quốc Đại và là trở ngại lớn nhất đối với việc trao trả độc lập cho Ấn Độ. Khả năng có một cuộc tắm máu và xung đột cộng đồng ngày càng tăng. Đầu năm 1946, một phái đoàn Anh thất bại trong việc hòa giải giữa hai phe và Ấn Độ đã ở bên bờ nội chiến.

Tháng 8-1946, Liên đoàn Hồi giáo tuyên bố một “ngày hành động trực tiếp” dẫn đến cuộc chém giết người Hindu ở Calcutta. Ngay sau đó là những cuộc trả thù của người Hindu với người Hồi giáo. Thất bại trong việc hòa giải, tháng 2-1947, chính quyền Anh đi đến một quyết định quan trọng. Huân tước Louis Mountbatten được đưa sang thay thế viên phó vương đương nhiệm và dự định Ấn Độ sẽ được độc lập từ tháng 6-1948.

Từ đường ranh giới đến “chuyến tàu ma”
Bữa tiệc nơi thần Vishnu quyết định sẽ hóa thân thành các con trai của vua Dasharatha, trích từ Chương 14–15 của Bala Kanda trong sử thi Ramayana.

Trước đó, vùng Punjab và Bengal đã ở trong tình trạng hỗn loạn. Viên phó vương mới trên tinh thần còn nước còn tát, cố gắng thuyết phục các nhóm xung đột rằng một nước Ấn Độ thống nhất chính là mục tiêu đúng đắn nhất. Nhưng cả hai bên, đặc biệt là Jinnah đứng đầu Liên đoàn Hồi giáo, vẫn không chịu nhượng bộ. Người ta đành phải đi đến một quyết định miễn cưỡng là chia cắt đất nước.

Chỉ có Mahatma Gandhi vẫn kiên quyết chống lại việc chia cắt. Quan điểm của ông là thà có nội chiến còn hơn là đương đầu với sự quấy rối của một nước láng giềng.

Chia một đất nước thành nhiều vùng là công việc quá khó khăn, không dễ dàng như chính phủ Anh hoặc ủy ban Radcliffe đã tưởng. Mặc dù một số vùng hoàn toàn chỉ có người Hindu hoặc người Hồi giáo, nhưng ở những vùng khác, dân cư lại chung sống xen lẫn nhau, có cả những nơi người Hồi giáo như sống trong một ốc đảo bị cộng đồng Hindu vây bọc xung quanh. Ngay cả khi cuộc di dân đã kết thúc, Ấn Độ vẫn là nước có cộng đồng lớn người Hồi giáo, đứng hàng thứ ba trên thế giới, sau Indonesia và Pakistan. Thậm chí hiện nay số người Hồi giáo ở Ấn Độ là 200 triệu, vẫn nhiều hơn cộng đồng Hồi giáo của Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, hoặc bất kỳ một nước Arab nào. Điều này chứng minh sự bất lực hoàn toàn trong việc phân chia khu vực riêng cho người Hồi giáo và người Hindu.

Punjab và Bengal là những vùng khó chia nhất. Ở vùng Bengal, Calcutta là thành phố có đa số dân Hindu, có bến cảng và những nhà máy đay, bị cắt rời khỏi đông Bengal, một nơi đa số là người Hồi giáo với ngành chính là trồng đay, nhưng lại không có nhà máy và bến cảng.

Cuộc đại di cư và những “chuyến tàu ma”

Ở vùng Punjab tình hình còn tồi tệ hơn, bởi sự đối kháng giữa các cộng đồng đang ở mức độ cực kỳ gay gắt. Đây là một trong những vùng đất màu mỡ và trù phú nhất, 55% dân số là người Hồi giáo, 30% Hindu, nhưng cũng có một số lượng lớn người theo đạo Sikh có vũ trang. Với việc tuyên bố đường giới tuyến, chỉ ít ngày sau khi độc lập 15-8-1947, hàng loạt vụ việc khủng khiếp đã xảy ra. Biên giới được vạch hầu như chính giữa hai thành phố lớn của vùng Punjab: Lahore và Amritsar. Trước ngày độc lập, dân số Lahore là 1,2 triệu, gồm khoảng 500.000 người Hindu và 100.000 người Sikh. Khi cuộc chuyển dân đã chấm dứt, ở Lahore tổng cộng chỉ còn 1.000 người Hindu và Sikh.

Hàng tháng trời, cuộc di dân lớn bậc nhất trong lịch sử nhân loại đã diễn ra giữa miền đông và miền tây bang Punjab. Những chuyến tàu chở đầy người Hồi giáo chạy về miền tây bị người Hindu và Sikh chặn lại, ra sức chém giết. Nhiều chuyến tàu về đến ga mới biết toàn bộ hành khách đã bị giết chết, cụm từ “chuyến tàu ma” trở nên khét tiếng. Những chuyến tàu chở người Sikh và Hindu về miền đông cũng chịu chung số phận. Lực lượng quân đội duy trì trật tự tỏ ra không có tác dụng, thậm chí còn tham gia vào những cuộc bắn giết. Đến khi những vụ lộn xộn ở Punjab chấm dứt, đã có khoảng 14 triệu dân chạy về hai phía, một số tài liệu ước tính từ 500.000 đến 2 triệu người bị tàn sát. Riêng vùng Bengal, có khoảng 1 triệu người chạy sang tây Bengal, hầu hết là người Hindu, bởi vì rất ít người Hồi giáo chạy từ tây Bengal sang đông Pakistan.

Từ đường ranh giới đến “chuyến tàu ma”
Cảnh quan ở Sonamarg, Jammu & Kashmir. Ảnh: Yasser Mir.

Chưa hết, việc vẽ bản đồ một cách vô tình còn để lại vấn đề tranh chấp vùng Kashmir đến tận ngày nay.

Trên đất Ấn Độ lúc đó vẫn còn một số nhà nước vương quyền. Đưa những vùng này nhập vào Ấn Độ hoặc Pakistan là một công việc đau đầu. Một trong số đó là vùng Kashmir, đa số là dân Hồi giáo, nhưng Maharaja (đại lãnh chúa) của vùng này lại là người Hindu. Đến tháng 10-1947 tức là hai tháng sau ngày độc lập, đại lãnh chúa vẫn chưa biết nên chọn Ấn Độ hay Pakistan. Quân đội của những người Pathan đói rách từ Pakistan đã vượt biên giới tiến về thủ phủ Srinagar, có ý đồ xâm chiếm Kashmir mà vẫn không khiêu khích Ấn Độ và Pakistan. Người Pathan vào Kashmir để cướp bóc, nhưng hành động cướp bóc làm chậm cuộc hành quân của họ, khiến cho Ấn Độ có đủ thời gian đưa quân đến thủ phủ Srinagar, ngăn chặn kịp thời việc chiếm đóng thành phố này.

Cuối cùng vị đại lãnh chúa thiếu quyết đoán đã lựa chọn Ấn Độ. Một cuộc chiến tranh ngắn ngủi giữa Ấn Độ và Pakistan nổ ra. Liên Hợp Quốc phải nhảy vào. Kể từ đó Kashmir trở thành nguyên nhân chính của sự xung đột Ấn Độ - Pakistan. Đa số áp đảo là người Hồi giáo và gắn liền với Pakistan về mặt địa lý, phần lớn dân Kashmir có xu hướng ủng hộ yêu sách đòi trả Kashmir cho Pakistan. Nhưng Ấn Độ nhiều năm vẫn lảng tránh một cuộc trưng cầu ý dân. Cho đến nay, cả Ấn Độ lẫn Pakistan vẫn không chấp nhận đường biên giới chính thức ở khu vực này.

Một danh phận không bình yên

Người gây ra vụ việc là Cyril Radcliffe đã chạy một mạch về London rồi thấy cuộc tàn sát khủng khiếp quá, ông vội trả lại số tiền thù lao 3.000 bảng cùng các loại bằng khen, huy chương. Trong hồ sơ lý lịch sau này, ông cũng lờ đi việc mình từng đứng đầu ủy ban phân chia lại lãnh thổ Ấn Độ.

Radcliffe lặng lẽ trở lại với công việc luật sư rồi có mười hai năm là hiệu trưởng đầu tiên của Đại học Warwick.

Nhưng sau khi phân chia Ấn Độ trên giấy tờ năm 1947, Radcliffe còn sống thêm ba mươi năm nữa để chứng kiến ba cuộc chiến tranh giữa hai đất nước từng là một nhà – chiến tranh Ấn Độ và Pakistan. Còn xung đột nhỏ trên đường biên giới là chuyện thường xuyên.

Vẽ đường biên một cách máy móc, về sau ông cũng phải chứng kiến việc Ấn Độ bị kẹp chặt giữa hai vùng lãnh thổ Pakistan. Đến mức không chịu nổi, năm 1971, Ấn Độ phải đưa quân vào giải phóng vùng đông Pakistan, thành lập ra nước Cộng hòa nhân dân Bangladesh. Người dân Bangladesh mãi mãi oán Radcliffe đã đẩy họ vào tình cảnh một nước nghèo đói truyền đời, khi mà sản phẩm nông nghiệp của họ bị ế, mà các nhà máy chế biến và bến cảng lúc đó lại ở bên phía Ấn Độ.

Radcliffe có thanh minh gì không? Ông thường lảng tránh nhắc đến “công trạng” này. Ở thế không tránh được, ông có lần phải chính thức phát biểu, đại ý là thời gian làm việc quá ngắn, thời gian nào thì hiệu quả ấy, và nếu có vài ba năm thì ông đã có thể làm tốt hơn.

Vậy Radcliffe có oán trách ai không? Một bộ phim Ấn Độ đã đưa ra câu nhận xét chua cay của bà vợ Radcliffe về Louis Mountbatten, vị phó vương Ấn Độ, người đúng ra phải bị phán xử về việc làm lại bản đồ khi ấy. Trong lời lẽ của bà, phó vương là một kẻ hiểm độc, đổi trắng thay đen: “Bạn cứ việc bảo ông ta nuốt vào bụng một chiếc đinh, ông ta sẽ ị ra một con ốc vít cho mà xem”.

Hồi kết cho việc Radcliffe phải làm một con tốt thí là năm 1966, nhà thơ người Mỹ gốc Anh W. H. Auden cho công bố bài thơ Partition (Phân chia) chế giễu việc Radcliffe vẽ lại hình hài một lãnh thổ “dù mắt mình chưa từng thấy nơi đó bao giờ”. Bài thơ này càng thêm lý do để Radcliffe giữ cho những năm tháng cuối đời của ông thật lặng lẽ.

Cho dù khá dài, bài thơ ấy cũng coi như lời ghi trên bia mộ của ông.

Ra mắt vở kịch rối “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” phiên bản mới

Ra mắt vở kịch rối “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” phiên bản mới

Baovannghe.vn - Mới đây, Nhà hát Múa rối Thăng Long đã đưa vào khai sàn vở diễn rối cạn Hồn Trương Ba, da hàng thịt phiên bản 2025 với sự kết hợp rối người, con rối và rối bóng.
Kỷ niệm 71 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Kỷ niệm 71 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Baovannghe.vn - Kỷ niệm 71 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2025) - chiến thắng lịch sử đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược tỉnh Điện Biên tổ chức Lễ dâng hương và thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ A1
GV đánh giá SGK Cánh Diều có nhiều điểm mới sáng tạo, tài nguyên học phong phú

GV đánh giá SGK Cánh Diều có nhiều điểm mới sáng tạo, tài nguyên học phong phú

Baovannghe.vn - SGK Cánh Diều vừa giữ bản sắc văn học dân tộc, vừa mở rộng tầm nhìn văn hóa, giúp học sinh tiếp cận giá trị truyền thống và phong cách ngôn ngữ đa dạng.
Chiêm bao - Thơ Nguyễn Hữu Quý

Chiêm bao - Thơ Nguyễn Hữu Quý

Baovannghe.vn- Chiêm bao em đã lấy chồng/ Tôi đi xuống bến thành sông lẻ bờ
Sân chơi cho các nhà làm phim "nhí" chính thức được khởi động

Sân chơi cho các nhà làm phim "nhí" chính thức được khởi động

Baovannghe.vn - Qua ống kính trẻ thơ, sân chơi làm phim miễn phí dành cho học sinh toàn quốc vừa chính thức được khởi động.