Ngày 27 tháng 4 năm 2025, tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan (The Met), bức chân dung Madame X – từng một thời bị coi là "tai tiếng nhất Paris" – đã trở lại trong triển lãm lớn Sargent và Paris. Hơn 140 năm sau vụ scandal khiến xã hội thượng lưu Pháp rúng động, vẻ đẹp lạnh lùng cùng ánh mắt kiêu kỳ của Madame Gautreau vẫn khiến người xem không thể rời mắt.
John Singer Sargent, sinh năm 1856, một họa sĩ trẻ tuổi người Mỹ, đã chuyển đến Paris từ năm 18 tuổi với khát vọng ghi danh tại Salon – sân khấu nghệ thuật danh giá nhất nước Pháp. Vào năm 1882, trong những buổi tiệc đêm hào nhoáng, ông gặp Virginie Amélie Avegno Gautreau, người đẹp gốc Creole nổi tiếng với làn da như tượng, mái tóc hạt dẻ uốn cao, và gu thời trang táo bạo. Người ta đồn rằng cô thay trang phục tám lần mỗi ngày, xuất hiện ở những nơi sang trọng nhất, luôn là tâm điểm của mọi ánh nhìn.
Madame X và vụ bê bối Paris năm 1884: Madame X là bức chân dung nổi tiếng của John Singer Sargent, vẽ Virginie Amélie Avegno Gautreau – một phụ nữ Mỹ gốc Creole nổi tiếng ở Paris. Ra mắt tại Salon năm 1884, bức tranh với chi tiết dây váy tuột đã gây nên một vụ bê bối lớn trong xã hội thượng lưu Pháp, làm tổn hại danh tiếng của Gautreau và buộc Sargent phải rời Paris sang London. Ngày nay, Madame X được xem là kiệt tác táo bạo, phá vỡ chuẩn mực nghệ thuật chân dung và phản ánh những định kiến về nữ giới trong xã hội thế kỷ XIX. |
Amélie Gautreau được xem là "người đẹp chuyên nghiệp" của Paris — đại khái gần giống như những KOL, người đẹp có sức ảnh hưởng thời nay. Cô xuất hiện lộng lẫy trong những chiếc váy hở cổ quyến rũ, mái tóc nhuộm bóng mượt, đôi tai điểm phấn nhấn nhá, như một kiệt tác sống giữa đời thực. Các tờ báo, từ Pháp đến Hoa Kỳ, thi nhau đưa tin về địa chỉ cô mua sắm, những nơi cô làm tóc, và bí quyết giữ làn da trắng nhợt nhuốm ánh tím của mình — một làn da mà Amélie kỳ công tô vẽ bằng mỹ phẩm thời ấy.
Cô thường xuyên xuất hiện trong các buổi tiệc tối, sánh vai với những quý ông không phải là chồng mình, trở thành chủ đề không dứt cho những lời xì xào của xã hội thượng lưu. Giữa Paris hoa lệ, thứ duy nhất còn thiếu để Amélie củng cố hình tượng người phụ nữ nổi tiếng nhất nước Pháp chính là một bức chân dung thực sự để đời.
John Singer Sargent, ngôi sao trẻ đang lên của giới hội họa, đã đến Paris năm 1874 và nhanh chóng thu hút sự chú ý với những bức chân dung gợi cảm đầy sức sống. Năm 1881, ông đã vẽ bác sĩ Samuel Jean de Pozzi — một trong những người tình được đồn đại của Amélie — trong chiếc áo choàng lụa đỏ thẫm.
Đối với Sargent, Gautreau là hình mẫu hoàn hảo để tạo nên kiệt tác. Nhưng để thuyết phục được người phụ nữ ngạo nghễ này nhận lời ngồi mẫu, ông phải kiên trì theo đuổi. Cuối cùng, Gautreau đồng ý, không hẳn vì lòng mộ điệu, mà bởi chính cô cũng khao khát khắc ghi hình ảnh mình trong giới thượng lưu Paris.
Đến năm 1882, Sargent và Amélie bắt đầu lên kế hoạch cho dự án đầy tham vọng. Họ lật giở tủ quần áo để chọn chiếc váy hoàn hảo: Chiếc váy đen ôm sát với đường viền khoét sâu được chọn kỹ lưỡng, mái tóc uốn cao, làn da phủ phấn hoa oải hương — tất cả được chuẩn bị cho một bức chân dung không giống bất kỳ khuôn mẫu nào. Để tăng sức mạnh biểu tượng, Gautreau đội thêm một vầng trăng kim cương, biểu trưng cho nữ thần Diana – nữ thần săn bắn kiêu hãnh. Nhưng chi tiết làm nên cú sốc lại là sợi dây váy bên vai phải – một sự tuột xuống khéo léo, vừa đủ để khiến toàn bộ Paris nghẹt thở.
![]() |
“Madame X” — bức chân dung mang tính biểu tượng năm 1884 của John Singer Sargent. Ảnh: Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan. |
Khi Madame X ra mắt tại Salon năm 1884, nó không được đón nhận như Sargent kỳ vọng. Trái lại, bức tranh lập tức gây phẫn nộ. Các nhà phê bình lên án nó là "thô tục", "khiếm nhã", "xúc phạm", dù Salon khi đó đầy những bức khỏa thân nửa kín nửa hở dưới danh nghĩa thần thoại. Người Paris không thể chấp nhận hình ảnh một người phụ nữ họ biết rõ — một người thật bằng da bằng thịt — lại được vẽ với vẻ đẹp táo bạo và lạnh lùng đến như vậy.
Tối hôm ấy, giữa cơn giận dữ và tuyệt vọng, mẹ của Amélie lao thẳng vào xưởng vẽ của Sargent. Bà yêu cầu ông lập tức rút bức chân dung khỏi Salon, dọa rằng nếu không, cô con gái bị làm nhục của bà sẽ "chết vì tuyệt vọng". Sargent bình tĩnh bảo vệ tác phẩm của mình, khẳng định ông chỉ đơn giản vẽ Amélie "chính xác như cô ấy đang mặc". Nhưng khi triển lãm kết thúc, giữa vô vàn những ánh mắt dè bỉu và một bức tranh chưa có người mua, Sargent âm thầm mang nó trở về xưởng, lặng lẽ sơn lại chiếc dây váy, kéo thẳng nó lên bờ vai — như một cố gắng muộn màng để cứu lấy danh dự nhân vật trong tranh. Bức chân dung từ đó vẫn giữ nguyên hình dạng ấy cho tới hôm nay.
Sau vụ bê bối, Sargent gần như không còn nhận được đơn đặt hàng mới. "Phụ nữ sợ anh ấy, vì họ e ngại sẽ bị ông vẽ thành những hình bóng lập dị," người bạn thân Vernon Lee từng viết. Trước áp lực ấy, Sargent rời Paris, tới London lập nghiệp. Chính tại Anh, và sau này là ở Mỹ, ông mới từ từ xây dựng lại danh tiếng, trở thành một trong những họa sĩ chân dung vĩ đại nhất của thế kỷ.
![]() |
Các họa sĩ biếm họa đã chế giễu bức tranh này trong nhiều tháng sau khi nó ra mắt. Ảnh: Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan. |
Về phần mình, Amélie Gautreau hồi phục tinh thần nhanh hơn người ta tưởng. Chỉ vài tuần sau, bà đã trở lại các salon Paris, dường như tiếp nhận cuộc tranh cãi như một phần không thể tách rời với hình ảnh của mình. Bà tiếp tục làm mẫu cho nhiều nghệ sĩ khác, và cuối cùng — như một định mệnh — bị chính niềm kiêu hãnh về nhan sắc của mình bào mòn.
![]() |
Phản ứng dành cho bức tranh này không mấy tích cực, nên Sargent gặp khó khăn trong việc nhận được đơn đặt hàng sau đó. Ảnh: Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan. |
Theo cuốn sách “Strapless: John Singer Sargent and the Fall of Madame X” của Deborah David, Amélie, một phụ nữ ngoài 50 tuổi, đã cho tháo bỏ toàn bộ gương trong nhà sau khi nghe một người phụ nữ nói rằng “vẻ đẹp hình thể của bà đã hoàn toàn biến mất”. Bà không còn ra khỏi nhà nữa và qua đời vào năm 1915 ở tuổi 56.
![]() |
Bức tranh bị dán nhãn là “khiếm nhã”. Ảnh: Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan. |
Sau đó Sargent bán bức chân dung của mình cho The Met và yêu cầu bảo tàng đổi tên bức tranh thành “Madame X”.Nhiều năm sau, ông hồi tưởng lại, gọi Madame X là "điều tuyệt vời nhất tôi từng làm", nhưng cũng là bài học cay đắng nhất.
Ngày nay, Madame X được ca ngợi là bức chân dung táo bạo nhất của thời kỳ Belle Époque (thời kỳ tươi đẹp). Không chỉ là một cơn bão scandal, bức tranh đã làm lung lay những định kiến cố hữu về nữ tính và vẻ đẹp trong nghệ thuật phương Tây. Madame Gautreau – người đẹp chuyên nghiệp – qua cái nhìn của Sargent đã trở thành biểu tượng của quyền lực và kiêu hãnh: nàng Diana hiện đại, kẻ đi săn ánh nhìn của xã hội, chứ không còn là con mồi.
Triển lãm Sargent và Paris tại The Met lần này cũng cho thấy những phác thảo vất vả, những lần Sargent bế tắc trước "vẻ đẹp không thể vẽ được" của Gautreau. Trên khung nền ban đầu còn lưu lại dấu vết những lần thay đổi, những lớp sơn che phủ, như chính câu chuyện đầy rạn vỡ phía sau bức tranh.
Một sợi dây váy, một ánh mắt quay đi – và một thời đại bừng tỉnh trước sự thật rằng cái đẹp không phải lúc nào cũng nằm trong khuôn khổ mà xã hội mong đợi.