Diễn đàn lý luận

Đổi mới cấu trúc hình tượng trường ca

Lý luận phê bình
08:07 | 08/05/2020
Trước năm 1975, thể loại trường ca trong vắt chất sử thi truyền thống; sau năm 1975, chất sử thi vơi nhạt đi chút ít để thay vào chất đời tư và đến hôm nay, vang cùng âm hưởng anh hùng ca là âm hưởng của bi ca tạo nên một hợp âm bi tráng khá đặc sắc.
aa

Trước năm 1975, thể loại trường ca trong vắt chất sử thi truyền thống; sau năm 1975, chất sử thi vơi nhạt đi chút ít để thay vào chất đời tư và đến hôm nay, vang cùng âm hưởng anh hùng ca là âm hưởng của bi ca tạo nên một hợp âm bi tráng khá đặc sắc.

Hình tượng bộ đội-nhân vật trung tâm của trường ca nếu trước đây được miêu tả còn đơn giản thì nay được cải tạo, đổi mới cấu trúc bên trong để tạo ra sự phức tạp và đa chiều hơn nhiều. Một hình ảnh chiến sĩ hành quân được miêu tả theo nguyên tắc tả thực trong Ngày đang mở sáng của Trần Anh Thái: “Chân trời/ Vực thẳm/ Ba lô sập mắt/ Gió lặng hành quân”. Những ai từng là bộ đội thời đánh Mỹ sẽ gặp lại kỷ niệm qua “ba lô sập mắt”, bộ đội đi hàng dọc qua đèo cao vực thẳm, mồ hôi túa ra, nhìn về phía trước chỉ thấy ba lô người đi trước sập vào mắt mình. Có những chi tiết ám ảnh: “Hành quân/ Mắt người hấp hối/ Cơm sắn, canh rừng/ Sống chết dửng dưng”. Phải là một người trong cuộc từng trải nghiệm và từng chứng kiến những “mắt người hấp hối” vì đói khát, vì phải chiến đấu triền miên, có khi cả tuần không được chợp mắt đến nỗi mi mắt bị căng cứng, mới có cách dùng từ “đắt” như thế.

Nguyễn Anh Nông trong Trường ca Trường Sơn tái hiện bước hành quân khó nhọc qua câu thơ hai chữ nhiều thanh trắc với âm vực cao: “Gió thốc/ Nắng xém/ Tóc cứng/ Miệng khát/ Họng rát/ Mắt chói/ Bụng đói…”. Và cái chết, có cách nói đến gai người, táo bạo nhưng có cơ sở: “Nếu nấm mộ nối hàng thay cây cột số/ Đường Trường Sơn sẽ dài gấp bao lần” (Mở bàn tay gặp núi - Nguyễn Đức Mậu)...

Trường ca hôm nay có xu hướng khái quát chân lý lịch sử thông qua số phận cá nhân con người, cụ thể là hình tượng người lính. Chân dung tinh thần của một thế hệ cầm súng được thể hiện bằng cái nhìn đa chiều, đầy đặn, sâu sắc hơn. Những điều thầm kín, những tâm tư, tình cảm cá nhân được bộc lộ hết sức chân thực, đời thường: “Mẹ ơi con người ta nhỏ bé lắm/ ba tháng trên Trường Sơn mới được húp bát canh rau muống đã đời...” (Metro - Thanh Thảo). Đó là những gian khổ trong chiến tranh, những hy sinh mất mát mà hàng ngày, hàng giờ họ phải đối mặt... Đó là nỗi nhớ da diết, cháy bỏng của người chiến sĩ hướng về người thân nơi quê nhà. Với họ “thử thách lớn nhất chưa phải là đói khát” mà là “gương mặt người thân trong nỗi nhớ cồn cào”. Đó là những nỗi khát khao trần tục của chiến sĩ trẻ... Ý nghĩa phổ quát của vấn đề rộng rãi hơn nhiều những chuyện bản năng về tình yêu, về cái ăn, miếng uống... ngoài nói về sự cống hiến, hy sinh, lớn lao hơn là lên án chiến tranh đã cướp đi những nhu cầu thiết yếu, cơ bản nhất của con người.

Hình tượng lại được đặt vào thời hiện tại để bạn đọc chứng kiến những bi kịch mà người lính phải đối diện. Anh trở về nhưng không được đoàn tụ, vì “Vợ mình đã hóa vợ chàng đẩu đâu/ Hai chồng một vợ gặp nhau”. Điều ấy không lạ trong chiến tranh. Bản lĩnh, tâm hồn, lòng vị tha của người lính đã tạo nên một cái kết nhân văn: “Riêng anh xin nhận nỗi đau ba người…”. Anh nhận nỗi đau chung để vợ hạnh phúc với chồng mới (Nhật ký dòng sông - Nguyễn Trọng Bính). Còn một bi kịch đắng xót nhức nhối khác: “Người lính đi qua vùng bom hóa học/ Khói chiến tranh đen/ thấm vào máu anh hồng/ Con anh/ đứa chết tuổi lên ba/ đứa mang thương tật/ Màu da con anh màu khói bom trải dọc/ cánh rừng…” (Mở bàn tay gặp núi - Nguyễn Đức Mậu). Bi kịch ấy cứ như bật lên tiếng thét: Hãy cảnh giác với chiến tranh. Hãy cùng nhau ngăn chặn những kẻ xâm lược để con người được là người bình thường!

Có một mô-típ hình tượng “người trở về” trong văn học sau năm 1975, nếu hệ thống, phân tích lý giải sẽ cho những ý nghĩa có giá trị. Như cái “ngơ ngác” của anh lính này nói lên rất nhiều: “Người lính trở về đối mặt/ Quê nghèo còn lắm gian nan/ Người lính trở về đối mặt/ Với ngay chính cả lòng mình/ Ngác ngơ chân trời góc biển/ Ngác ngơ giữa chốn quê hương” (Ru xanh áo lính - Tô Nhuần). Không phải quê hương chối từ mà sự chưa thể hòa nhập với đời thường như là sự tất nhiên. Một ý nghĩa tố cáo khác bật ra: Chiến tranh làm xa lạ hóa con người.

Như vậy, đã có một sự đa dạng hóa trong cấu trúc hình tượng người lính. Âm hưởng bi ca hòa vào âm hưởng tráng ca tạo ra một giọng bi tráng vừa thống thiết trữ tình vừa hào hùng sử thi, lắng gợi mà ngân vang nâng hình tượng lên một vị thế mới.

Bên cạnh hình tượng người lính, hình tượng người mẹ hiện lên với tần số cao. Điều ấy cũng nói được phần nào giá trị tư tưởng, tinh thần nhân văn, lòng biết ơn… nhưng cái chính là ở tình cảm, tâm trạng, thái độ chân thành, ở cách diễn đạt cảm động của người viết. Nguyễn Hữu Quý trong Sinh ở cuối dòng sông có những câu thơ hay về mẹ: “Cát đi mãi chẳng thành đường/ Tôi đi theo lối mẹ thường hát ru” đến Vạn lý Trường Sơn cách diễn đạt giản dị hơn, hình tượng hiện lên gần gũi mà thiêng liêng: “Hạnh phúc là được giang rộng tay chân ngủ trên chiếc giường có giát tre cha chuốt óng thời gian và ăn bát gạo chiêm mẹ nấu cuối chiều bằng lửa bếp quê mùa”. Một Ngôi nhà của mẹ (tên tập trường ca của Hoài Quang Phương), một hình ảnh “Bóng mẹ đổ dài theo đàn con ra trận” (Ru xanh áo lính)… đều gợi lên ở người đọc những ấn tượng về sự kỳ vĩ mà hết sức thân thương về người mẹ. Ở trên đời, còn ai lớn lao hơn mẹ, vì: “Chỉ mẹ mới cho ta hạnh phúc, chỉ mẹ mới có bầu trời cho chúng ta bay bổng, chỉ mẹ mới là dòng sông cho ta tắm mát cuộc đời, chỉ mẹ mới là nơi bình yên tin cậy, bão dông nào đều lòng mẹ chở che” (Người làm ra cổ tích - Trần Nhương). Nếu người mẹ của Trần Nhương là người mẹ cụ thể thì người mẹ trong Đò trăng của Y Phương là người mẹ chung, người mẹ Việt Nam: “Trên thế gian này đầy người/ Có ai đau khổ như mẹ tôi không/ Trước mặt là Biển Đông/ Sóng trào lên nước mắt…”.

Không nên chỉ đo đếm sự mất mát khủng khiếp của chiến tranh bằng số lượng bom đạn, số làng mạc, thành phố bị hủy diệt, số người chết…, trường ca hôm nay mở thêm một lối nhìn khác: Nỗi đau trong lòng người, nhất là người phụ nữ. Chiến tranh ập đến thì chịu hy sinh nhiều nhất là những người mẹ. Bao nỗi đau mất mát trên đời dồn tụ vào bóng mẹ gầy mòn: “Mẹ thấp thỏm giữa đời non trẻ/ Con thơ ngây khăn trắng chịu tang/ Nhà con một lẻ loi giữa xóm/ Tiếng cuốc kêu vắt kiệt đêm hè/ Và cứ thế mẹ con gánh chịu/ Trên vai gầy cả bóng dáng cha/ Mẹ te tái qua chiều đông lặng lẽ…” (Ru xanh áo lính). Nguyễn Đức Mậu dựng lại một hình tượng người mẹ bằng ngôn ngữ thơ của nỗi đau: “Ta đi dọc dòng sông/ Gặp người mẹ già hỏi thăm mộ con trai/ Cõi dương tìm cõi âm... Tóc bạc đầy trời, nước mắt hóa ngày mưa/ Cõi âm nằm dưới cỏ xanh/ Dưới đất sâu chìm lấp/ Hay dưới dòng sông sóng quặn bờ/ Mẹ là cây lau già xác khô gió táp/ Nghe tiếng cuốc khàn đêm đom đóm lập lờ…” (Mở bàn tay gặp núi). Một kết cấu đối lập: Người mẹ già đi tìm đứa con đã chết. Con nằm ở đâu, không biết. Mẹ cứ đi, nỗi đau như gửi cả vào trời, trời cảm động mà hóa mưa rơi?! Mưa rơi hay nước mắt người mẹ... Thơ hay là thứ thơ làm cho người ta không còn thấy câu chữ, chỉ thấy lòng người, tình người.

Cũng nói về nỗi đau của người mẹ, Nguyễn Thái Sơn trong Chiến tranh chín khúc tưởng niệm lại có một cách diễn đạt khác: “Những người mẹ, người cha/ Có con ra trận/ Có con tử trận/ Chết mòn/ Chết dở/ bao lần/ Trước khi chết thật…”. Câu thơ ngắn, nhịp đi không đều, như những tiếng nấc nghẹn diễn tả nỗi đau quặn thắt, cào xé. Điệp từ chết nhấn tới ba lần nói về một sự thực: Con ra trận hoặc con chết là lòng mẹ cha cũng “ra trận” hoặc “chết” theo. Vì nhớ, vì thương, vì buồn, vì đau… Cao hơn sự diễn tả, ý nghĩa phổ quát của hình tượng bật toát ra: Hỡi nhân loại, con người là quý giá nhất!

Nguồn QĐND


Bộ Nội vụ thống nhất trình Thủ tướng đề xuất nghỉ Tết Ất Tỵ 9 ngày, Quốc khánh 2025, 4 ngày

Bộ Nội vụ thống nhất trình Thủ tướng đề xuất nghỉ Tết Ất Tỵ 9 ngày, Quốc khánh 2025, 4 ngày

Baovannghe.vn - Bộ Nội vụ vừa có văn bản gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội góp ý về phương án nghỉ Tết Ất Tỵ, nghỉ lễ Quốc khánh và một số ngày nghỉ lễ, Tết khác trong năm 2025
Dấu mốc trên hành trình tiểu thuyết

Dấu mốc trên hành trình tiểu thuyết

Baovanghe.vn - Tấn kịch ở Hạ Lỗi là tiểu thuyết thứ 6 trên hành trình tiểu thuyết của Nguyễn Nhuận Hồng Phương. Thiên truyện bắt đầu bằng cuộc hồi hương nhọc nhằn và bất đắc dĩ của thông phán Trịnh Huệ và cậu con trai Trịnh Hạ mới 7 tuổi đầu của ông.
Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ đêm 19/9 - 20/9, mưa lớn xảy ra tại khu vực từ Thanh Hóa - Quảng Trị
Báo Văn nghệ nhận Tặng thưởng của Ban Bí thư về hoạt động tuyên truyền lý luận, phê bình VHNT năm 2023

Báo Văn nghệ nhận Tặng thưởng của Ban Bí thư về hoạt động tuyên truyền lý luận, phê bình VHNT năm 2023

Baovannghe.vn - Tối ngày 19.9.2024 Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức lễ trao Tặng thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình VHNT năm 2023, tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội)
Khói làng. Truyện ngắn của Hoàng Ngọc Điệp

Khói làng. Truyện ngắn của Hoàng Ngọc Điệp

Baovannghe.vn- Về tới đầu làng. Tôi ngơ ngác như lạc vào vùng đất lạ. Nhà cửa san sát, tườ bao khiến không gian bị chia cắt thành những ô vuông.