Ngay từ những giây đầu tiên, "Đổi tư thế" đã thu hút sự chú ý với loạt câu từ gây sốc. Đoạn hook mở đầu với những lời lẽ đầy gợi dục như: "Này người tình ơi sao em phải làm thế / Nào giờ về nhà anh đi anh chỉ cần em nằm trên ghế / Gọi dạ bảo vâng anh vụt vào bottom em đổi tư thế". Tiếp đó, cả Bình Gold và Andree tiếp tục sử dụng những câu rap ẩn ý và nhạy cảm về tình dục, khiến không ít người nghe cảm thấy khó chịu.
Phần MV cũng bị đánh giá là không phù hợp, khi các hình ảnh mang tính chất "bỏng mắt" và thiếu tinh tế được phát tán trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok, YouTube mà không có bất kỳ cảnh báo hay giới hạn độ tuổi nào. Điều này khiến MV nhận nhiều chỉ trích về việc sản phẩm có thể dễ dàng tiếp cận khán giả trẻ mà không có biện pháp kiểm soát phù hợp.
Sau khi phát hành, MV "Đổi tư thế" nhanh chóng thu hút hàng ngàn lượt bình luận trên YouTube và mạng xã hội. Một số khán giả phấn khích trước sự trở lại của Bình Gold và Andree với dòng nhạc trap mang đậm chất flexing (khoe mẽ). Tuy nhiên, đa số phản hồi từ công chúng lại bày tỏ sự thất vọng, cho rằng Bình Gold đang lặp lại "vết xe đổ" của mình khi tiếp tục cho ra đời một sản phẩm âm nhạc dung tục, thiếu giá trị nghệ thuật.
Trong khi đó, Andree cũng nổi tiếng với dòng nhạc ăn chơi. Khi là khách mời biểu diễn trong chung kết Rap Việt mùa đầu tiên, anh cũng từng bị chỉ trích vì bài rap có ca từ không phù hợp để chiếu trên truyền hình. Nhiều người hâm mộ trước đây của Andree tỏ ra thất vọng khi anh chọn quay trở lại với một sản phẩm có nội dung gợi dục, thay vì tiếp tục theo đuổi những ca khúc có thông điệp tích cực hơn.
Bình Gold và Andree với dòng nhạc trap mang đậm chất flexing (khoe mẽ). Ảnh từ clip. |
Bình Gold không phải là cái tên xa lạ với những sản phẩm gây tranh cãi. Trong quá khứ, anh từng bị chỉ trích mạnh mẽ và phải tự gỡ bỏ loạt MV như "Bốc bát họ", "Ông bà già tao lo hết", "Bật chế độ bay lên" vì nội dung nhảm nhí, cổ xúy lối sống ăn chơi và tệ nạn. Đỉnh điểm, Bình Gold còn bị chỉ đích danh trên sóng VTV vì những ca khúc thiếu chuẩn mực đạo đức, ảnh hưởng tiêu cực đến giới trẻ.
Sau khi bị lên án dữ dội, nam rapper đã có thời gian tạm lắng tiếng, và lần trở lại gần nhất của anh là với ca khúc "Trăng hoa mây mưa", một sản phẩm được cho là "sạch" hơn, với nội dung được cho là tích cực hơn. Tuy nhiên, với "Đổi tư thế", có vẻ như Bình Gold lại quay về lối mòn cũ, khi tiếp tục cho ra mắt một sản phẩm với nội dung tục tĩu và phản cảm, gây nhiều tranh cãi trong cộng đồng mạng.
Không chỉ riêng "Đổi tư thế", những năm gần đây, Rap Việt liên tục gặp phải những tranh cãi liên quan đến nội dung thiếu chuẩn mực. Càng ngày, các rapper càng có xu hướng lạm dụng những lời lẽ tục tĩu, gợi dục trong các sản phẩm của mình, và điều này đang gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực.
Việc các sản phẩm nhạc Rap có nội dung nhạy cảm xuất hiện ngày càng nhiều đặt ra câu hỏi lớn về trách nhiệm của các rapper cũng như nền tảng mạng xã hội trong việc quản lý và kiểm soát nội dung. Khi rap đã bước ra ánh sáng, trở thành dòng nhạc đại chúng, việc để những sản phẩm này lan tỏa không kiểm soát sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực lớn, đặc biệt là đối với giới trẻ.
Gần đây, MV "Faver" của Coldzy và tlinh cũng bị chỉ trích dữ dội vì nội dung gợi dục, phải gỡ bỏ khi đạt khoảng gần một triệu lượt xem.
Trước đó, B Ray cũng gặp phải trường hợp tương tự khi MV "Để ai cần" bị chỉ trích vì xúc phạm phụ nữ. Những cuộc battle rap (rap chiến) do MC ILL tổ chức cũng bị công chúng lên án vì nội dung tục tĩu nhưng không hề có bất kỳ cảnh báo nào về độ tuổi người xem trên YouTube.
MV "Mời anh vào team em" của Chipu gán mác 16+. |
Luật hiện hành không quy định việc phân loại độ tuổi cho ca khúc, MV. Một số nghệ sĩ từng tự gắn mác sản phẩm như Chi Pu (Mời anh vào team em, 16+), Hương Giang (Em không hối tiếc, 18+), Tóc Tiên (Big girls don't cry, 16+), Binz (Bigcitiboi, 18+)...
Trên thế giới, một số ca sĩ từng ra mắt ca khúc hai phiên bản. Với bài Santa Tell Me, Ariana Grande chú thích bản có ca từ 18+ là "dirty version".
Trong bối cảnh hiện nay, nhiều khán giả cho rằng việc kiểm duyệt và cảnh báo nội dung là vô cùng cần thiết đối với các sản phẩm nhạc Rap có nội dung nhạy cảm. Các cơ quan chức năng, các nền tảng mạng xã hội như YouTube, TikTok cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn về việc gắn nhãn độ tuổi, cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em, nhằm hạn chế những tác động tiêu cực.
Ngoài ra, chính các nghệ sĩ cũng cần có ý thức trách nhiệm trong việc sáng tác và phát hành sản phẩm âm nhạc. Nhạc rap, với tính phóng khoáng, có thể là nơi thể hiện tự do ngôn ngữ, nhưng cũng không thể là lý do để cổ súy cho những giá trị tiêu cực.
Trường hợp của Bình Gold và "Đổi tư thế" chỉ là một ví dụ trong chuỗi những sản phẩm nhạc Việt gây tranh cãi gần đây. Nếu không có biện pháp mạnh tay từ cơ quan quản lý và sự tự giác từ chính các nghệ sĩ, những sản phẩm âm nhạc thiếu chuẩn mực như vậy có thể tiếp tục gây ảnh hưởng xấu đến giới trẻ và làm xấu đi hình ảnh của Rap Việt trong mắt công chúng.