Trong báo cáo số 158/BC-CTK vừa được công bố bởi Cục Thống kê (Bộ Tài chính), bức tranh kinh tế - xã hội năm tháng đầu năm 2025 hiện lên với nhiều gam màu sáng, trong đó ngành du lịch – dịch vụ tiếp tục đóng vai trò động lực quan trọng cho đà phục hồi và tăng trưởng. Đặc biệt, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 9,2 triệu lượt, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm trước, là minh chứng rõ nét cho sức hút ngày càng gia tăng của điểm đến Việt Nam.
![]() |
Lượng khách quốc tế từ các thị trường trọng điểm đến TPHCM đã bắt đầu phục hồi rõ rệt. Ảnh: bazaarvietnam. |
Theo báo cáo, trong 5 tháng đầu năm 2025, nhu cầu tiêu dùng, du lịch của người dân tăng trong các kỳ nghỉ lễ, Tết, cùng với số lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng cao là các nhân tố đóng góp tích cực cho tăng trưởng của ngành thương mại, dịch vụ từ đầu năm đến nay. Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 15,2% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 24,7%.
Theo thống kê, trong tháng 5/2025, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 1,53 triệu lượt người, dù giảm nhẹ so với tháng trước nhưng vẫn tăng 10,5% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng, khách quốc tế đến bằng đường hàng không chiếm tỷ trọng áp đảo – 85,2%, tương đương 7,84 triệu lượt; khách đường bộ đạt 1,18 triệu lượt (12,9%) và đường biển đạt hơn 175.000 lượt (1,9%).
Bên cạnh lượng khách tăng, doanh thu từ các hoạt động dịch vụ du lịch – lưu trú cũng có sự khởi sắc mạnh mẽ. Tổng doanh thu du lịch lữ hành trong 5 tháng đầu năm ước đạt 38,4 nghìn tỷ đồng, tăng 24,7% so với cùng kỳ. Nhiều địa phương có mức tăng trưởng vượt bậc: TP.HCM tăng 30,4%, Đồng Nai 29,1%, Lào Cai 24,4%, Hà Nội 22%, và Đà Nẵng 19,9%.
Số liệu nổi bật ngành du lịch 5 tháng đầu năm 2025 Khách quốc tế đến Việt Nam: 9,2 triệu lượt (↑ 21,3%) Doanh thu du lịch lữ hành: 38.400 tỷ đồng (↑ 24,7%) TP.HCM dẫn đầu cả nước với: Khách quốc tế: 3,85 triệu lượt (↑ 44%) Doanh thu: 117.937 tỷ đồng (↑ 27,3%) |
Một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên sức bật này là chính sách thị thực thuận lợi, được triển khai đồng bộ với các chiến dịch quảng bá, xúc tiến du lịch quốc tế. Không chỉ dừng lại ở đó, các sự kiện văn hóa lớn trong nước cũng góp phần thu hút dòng khách đáng kể. Tiêu biểu là Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 diễn ra tại TP.HCM từ ngày 6 – 8/5/2025, hay chuỗi hoạt động văn hóa kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức đồng loạt tại nhiều địa phương.
Ở lĩnh vực thể thao, những thành tựu đáng tự hào của các đội tuyển quốc gia cũng góp phần quảng bá hình ảnh đất nước. Đội tuyển điền kinh Việt Nam giành 4 HCV tại Giải điền kinh Hồng Kông mở rộng; đội tuyển Canoeing giành tổng cộng 6 huy chương tại Giải vô địch Canoe châu Á 2025 – cho thấy tinh thần thể thao Việt Nam đang tỏa sáng trong khu vực.
Tại TP.HCM – đầu tàu du lịch quốc gia, sự phục hồi từ các thị trường trọng điểm như Mỹ, Hàn Quốc, Ấn Độ đã giúp thành phố duy trì đà tăng trưởng ổn định. Trong 6 tháng đầu năm 2025, lượng khách quốc tế đến TP.HCM đạt hơn 3,85 triệu lượt, tăng 44% so với cùng kỳ, đóng góp vào tổng doanh thu du lịch 6 tháng ước đạt gần 118.000 tỷ đồng – tăng 27,3% và đạt 45,4% kế hoạch năm.
Không dừng lại ở việc đón khách, TP.HCM đang triển khai nhiều chương trình chiến lược dài hạn nhằm phát triển du lịch bền vững: tổ chức Hội nghị triển khai Đề án phát triển du lịch đến năm 2030, đề xuất các chính sách hỗ trợ khách MICE, đào tạo hướng dẫn viên tiếng hiếm, phát triển sản phẩm đặc trưng... Ngành du lịch thành phố cũng tích cực ứng dụng chuyển đổi số, từ xây dựng hệ sinh thái dữ liệu mở đến áp dụng công nghệ thực tế ảo, AI trong bản đồ số quảng bá điểm đến.
Mối liên kết vùng cũng được chú trọng, với TP.HCM giữ vai trò trung tâm kết nối, hỗ trợ các địa phương trong phát triển du lịch bền vững. Qua đó, không chỉ khẳng định vị thế trung tâm du lịch hàng đầu của TP.HCM, mà còn cho thấy một chiến lược đồng bộ – hiện đại – sáng tạo trong việc tái định vị du lịch Việt Nam trên bản đồ quốc tế hậu đại dịch.