Văn hóa nghệ thuật

Đưa nghệ thuật đến gần hơn với đời sống

Mỹ thuật
10:25 | 03/04/2024
Chu Art có hơn 30 thành viên, hầu hết là các giáo viên dạy mĩ thuật trong các trường học được họa sĩ Hà Huy Hiệp mời vào câu lạc bộ. Họ có chung niềm đam mê hội họa, nhưng lại chưa thể sống hết mình với hội họa bởi ngoài dạy học, các thành viên trong câu lạc bộ phải làm nhiều nghề khác để trang trải cuộc sống. Đến với câu lạc bộ Chu Art, họ được sống với đam mê, có thể được vẽ và đưa đứa con tinh thần của mình đến với công chúng, được trưng bày chuyên nghiệp trong một triển lãm trên chính quê hương của mình
aa

Chu Art có hơn 30 thành viên, hầu hết là các giáo viên dạy mĩ thuật trong các trường học được họa sĩ Hà Huy Hiệp mời vào câu lạc bộ. Họ có chung niềm đam mê hội họa, nhưng lại chưa thể sống hết mình với hội họa bởi ngoài dạy học, các thành viên trong câu lạc bộ phải làm nhiều nghề khác để trang trải cuộc sống. Đến với câu lạc bộ Chu Art, họ được sống với đam mê, có thể được vẽ và đưa đứa con tinh thần của mình đến với công chúng, được trưng bày chuyên nghiệp trong một triển lãm trên chính quê hương của mình.

Nghệ thuật của sự kết nối

Trong những ngày đầu xuân Giáp Thìn 2024, Chu Art đã tổ chức triển lãm Hội Chu, trưng bày 80 tác phẩm hội họa của 30 họa sĩ trong nhóm tại nhà riêng họa sĩ Hà Huy Hiệp ở thôn Quất Động, xã Tốt Động, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội. Họa sĩ Hà Huy Hiệp chia sẻ, các họa sĩ trong nhóm đều có thực lực riêng, các tác phẩm đều được thể hiện trên đa dạng chất liệu như: sơn dầu, sơn mài, acrylic, lụa…, ngoài ra còn có một số tác phẩm điêu khắc. Ông hi vọng triển lãm có sức lan tỏa, giúp công chúng yêu hội họa có thể hiểu rõ hơn về các trường phái nghệ thuật, và nhận được nhiều hơn nữa sự giúp đỡ về mặt truyền thông. Các họa sĩ cũng sẽ cố gắng không ngừng để duy trì đam mê, nhằm xây dựng thêm các triển lãm tranh chuyên nghiệp hơn trong tương lai.

Ở những thành phố lớn, các sự kiện nghệ thuật thường xuyên được tổ chức, thu hút sự quan tâm của công chúng. Tuy nhiên, không phải công chúng yêu nghệ thuật nào cũng có thể tham dự sự kiện nghệ thuật đó. Còn ở những miền quê xa trung tâm các thành phố lớn, hay các vùng ngoại ô giáp ranh Hà Nội như huyện Chương Mỹ của Chu Art, các sự kiện nghệ thuật luôn được coi là “của hiếm”. Thế mà Chu Art không chỉ tổ chức triển lãm mĩ thuật hai năm một lần, mà còn thường xuyên mở workshop tại địa điểm trưng bày tranh cho học sinh, sinh viên và những người dân có đam mê với hội họa để trải nghiệm. Các thành viên trong câu lạc bộ ngoài việc rất nhiệt tình với những hoạt động này còn cung cấp họa cụ và dạy vẽ miễn phí. Họa sĩ Hà Huy Hiệp cũng cho biết: Mỗi năm câu lạc bộ sẽ xây dựng một chương trình hoạt động nghệ thuật khác nhau cho cộng đồng. Có năm tổ chức hội vẽ mùa hè cho các em thiếu nhi. Có năm mời họa sĩ về kí họa chân dung. Lại có năm cả câu lạc bộ sẽ đi du lịch và cùng nhau vẽ phong cảnh. Những điều ấy không chỉ đã góp phần không nhỏ trong hành trình đưa nghệ thuật đến với công chúng, mà còn tạo nên những giá trị sống tốt đẹp trong cộng đồng. Và cũng từ những cuộc triển lãm nhỏ của Chu Art, những tài năng trẻ chưa có cơ hội tiếp xúc với nghệ thuật chuyên nghiệp sẽ dần được phát lộ.

Một số tác phẩm tại triển lãm “Hội Chu”.

Đánh thức Chân - Thiện - Mĩ

Họa sĩ Hà Huy Hiệp cho biết: Những ngày đầu câu lạc bộ mở triển lãm, có rất nhiều người dân tham dự như để thỏa sự tò mò, lại cũng có nhiều người thấy kì quặc. Dần dà, khi các hoạt động ngoại khóa của trường học đổ về mảnh đất nhỏ nhà ông nhiều hơn, người ta mới bắt đầu ghé tai nhau về một triển lãm nghệ thuật trong làng. Nhiều người gặp trực tiếp họa sĩ để xin vào ngắm tranh, cũng nhiều người bày tỏ sự hào hứng và ủng hộ những hoạt động này của ông trên quê hương của mình.

Ông Trần Hoàng, một người dân tới xem triển lãm, cho biết lâu nay ông chỉ biết tới mĩ thuật qua báo chí, truyền hình, nhưng nhờ có họa sĩ Hiệp, mà một người cả đời gắn bó với kinh doanh ở quê nhà như ông mới được tận mắt nhìn thấy những bức tranh, được chạm tay và ngắm nghía những tác phẩm tượng, điêu khắc đẹp như vậy: “Là một người yêu cái đẹp, tôi biết các tác phẩm nghệ thuật có tính hình tượng càng cao thì sẽ càng rời xa công chúng. Nhưng ở Hội Chu, các bức tranh không những được chú thích, mà còn rất đẹp, đẹp theo kiểu gần gũi, dễ xem, phù hợp với thị hiếu người dân. Cá nhân tôi cũng vậy, lần này tới với Hội Chu, tôi đặc biệt thấy thích những bức tranh chủ đề tĩnh vật và sơn thủy hữu tình. Cảm giác bình yên trước những tác phẩm nghệ thuật này khiến tôi tạm quên đi những bon chen, vất vả đời thường.”

Bản thân họa sĩ Hà Huy Hiệp cũng có hai bức tranh trưng bày tại triển lãm. Những tác phẩm của ông đều mang tính hình tượng cao và không dễ hiểu, nhưng lại có sự đa dạng trong màu sắc, ý tưởng và nhất là hướng người xem đến những giá trị Chân - Thiện - Mĩ. Ông cho biết, điều làm ông tâm đắc nhất chính là việc đưa tác phẩm hội họa của mình đến gần hơn với công chúng. Bởi, một họa sĩ không chỉ là ôm khư khư lấy ý tưởng sáng tác, cảm xúc và tác phẩm của mình, mà cần phải đưa tác phẩm ấy đến với công chúng yêu hội họa. Thành công của họa sĩ, chính là cảm nhận được bức tranh của họ qua năm tháng đã có một vị trí xứng đáng trong lòng công chúng: “Tôi có nhiều người bạn, cũng xem tranh của họ nhiều năm nay, điều làm tôi vui nhất khi mở câu lạc bộ Chu Art là thấy họ giao lưu, học hỏi lẫn nhau nhiều về kĩ thuật, ý tưởng và mối quan tâm của hội họa hiện nay là gì. Giao lưu như vậy, mà vẫn không đánh mất bản sắc của mình. Những người giỏi rồi thì mặc định những gì họ vẽ đều đáng xem, nhưng có nhiều thành viên các năm trước vẽ rất qua loa, hoặc yếu kém về kĩ thuật, năm nay lại lột xác, và tôi như thấy họ trưởng thành rất nhiều. Ngoài việc nhận được sự công nhận của người tới xem tranh, tôi còn thấy việc đưa các họa sĩ đi lên mới là niềm vui lớn nhất khi làm tất cả những điều này.”

Hào sảng và hiền lành, họa sĩ Hà Huy Hiệp với sự yêu mến của người dân, những công chúng yêu nghệ thuật, đam mê khám phá nghệ thuật ở quê hương… đang cố gắng cho đi nhiều hơn là nhận lại.

Được biết, họa sĩ Hà Huy Hiệp và nhóm Chu Art có ý định tổ chức nhiều triển lãm hơn nữa trong tương lai. Hiện tại, điều mà họa sĩ mong muốn nhất là được chính quyền tạo điều kiện để ông có thể tuyên truyền và tổ chức triển lãm câu lạc bộ Chu Art nhiều hơn. Chính bản thân ông cũng luôn tâm niệm cố gắng, lấy tiềm lực của bản thân để đem nghệ thuật đến gần hơn với người dân quê nhà. Và tôi nghĩ, mô hình nghệ thuật Chu Art cần được nhân rộng, bởi không chỉ họa sĩ Hiệp mà những thành viên trong nhóm đã và đang là những sứ giả gieo duyên nghệ thuật tới cộng đồng.

Minh Trí

Nguồn Văn nghệ số 13/2023


Mời quý vị đón đọc báo Văn nghệ số 50/2024

Mời quý vị đón đọc báo Văn nghệ số 50/2024

Baovannghe.vn - Báo Văn nghệ số 50/2024 ra ngày 14/12/2024 có các nội dung sau đây:
Thơ Lê Vĩnh Thái và những cuộc đi hoang

Thơ Lê Vĩnh Thái và những cuộc đi hoang

Baovannghe.vn - Lê Vĩnh Thái luôn mang tâm thế là một thầy giáo nghèo vùng ngoại ô của Huế. Sự vất vả, lam lũ, khung cảnh nông thôn chính vì thế luôn là không gian nghệ thuật nổi bật trong thơ anh.
Ngôn ngữ mỹ thuật trong tranh Trương Đình Hào

Ngôn ngữ mỹ thuật trong tranh Trương Đình Hào

Baovannghe.vn - Trong tranh của Trương Đình Hào, ta thường bắt gặp nón quai thao, một cặp nam nữ đang hát quan họ, các con vật và vật dụng thường ngày… Thoạt nhìn, rất dễ để xem tranh Hào dưới góc nhìn văn hoá, di sản: các tác phẩm ghi lại các hoạt động bình dị hằng ngày của đời sống nông thôn ở miền Bắc Việt Nam giai đoạn trước Đổi mới.
Trông đám đông hỏi lấy một người: Phỏng vấn một cái cây ở sân 51 Trần Hưng Đạo

Trông đám đông hỏi lấy một người: Phỏng vấn một cái cây ở sân 51 Trần Hưng Đạo

Trong đáBaovannghe.vn - 51 Trần Hưng Đạo - Hà Nội là trụ sở của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Tòa nhà bình dị này mang một ý nghĩa rất lớn.
Ở trong tôi - Thơ Kim Chuông

Ở trong tôi - Thơ Kim Chuông

Baovannghe.vn- Tôi gặp mùa thu trên mặt sông đầy/ nhịp cầu giống chiếc đòn gánh lớn