Sáng tác

Ghế ngồi cứng. Truyện ngắn của Vân Hạ

Vân Hạ
Truyện
11:00 | 27/10/2024
Baovannghe.vn- Bên ghế đối diện mới chỉ có một hành khách, một phụ nữ khoảng ngoài 40. Chị ta chiếm luôn phần ghế trống để nằm, hai chân bắt chéo gác lên mặt chiếc bàn ăn nhỏ.
aa
Con tầu khẽ rùng mình chầm chậm rời ga. Bắt đầu là cây cột điện như lay động rồi từ từ trôi đi. Tầu bây giờ chuyển bánh êm quá, bà nghĩ và nhớ những cú giật của tầu chợ ngày xưa, vừa loay hoay lựa thế ngồi vì vướng thùng hàng của một trong hai người lên trước choán gần hết chỗ để chân dưới gầm bàn ăn.

Bên ghế đối diện mới chỉ có một hành khách, một phụ nữ khoảng ngoài 40. Chị ta chiếm luôn phần ghế trống để nằm, hai chân bắt chéo gác lên mặt chiếc bàn ăn nhỏ. Nhìn chị ta nằm bà ước giá mình cũng gặp may được một mình một ghế như vậy để ngả lưng chốc lát. Nhưng số ghế cạnh bà đã có người ngồi, lại là một người đàn ông. Thôi thì phúc ai nấy hưởng. Bà nghĩ và ngả hẳn đầu vào trong góc, chỗ thành tầu tiếp giáp với lưng ghế gỗ, duỗi chân ra bên ngoài thùng hàng. Ba ngày qua bà đã cùng con gái long rong suốt ngày ngoài đường, thu xếp những việc cuối cùng và nhân tiện thăm thú một số nơi, gặp đâu ăn đấy. Ngày nào cũng cơm hàng nước quán. Đêm về nhà nghỉ gần như không ngủ. Mẹ con sắp xa nhau, bao nhiêu thứ chộn rộn. Lúc này bà mới ngấm mệt và buồn ngủ rã rời.

Chợt có tiếng khọt khẹt phát ra từ chiếc loa gắn trong toa và một giọng nữ phát thanh viên vang lên nhỏ nhưng rành rọt. “Kính thưa quý khách. Con tầu đang đưa chúng ta rời xa Sài Gòn...”. Bài phát thanh dài năm phút nhưng khi nó kết thúc bà chỉ còn nhớ mỗi câu mở đầu. Kính thưa quý khách. Con tầu đang đưa chúng ta rời xa Sài Gòn. Bên ngoài trời chiều bất chợt sầm xuống như sắp mưa. Đường phố, cửa hiệu, hàng cây… lần lượt trôi qua, trôi qua mãi. Thỉnh thoảng lại một dòng người xe bị chặn cứng lại trước rào chắn. “Kính thưa quý khách. Con tầu đang đưa chúng ta rời xa Sài Gòn”. Con gái bà đang rời xa Sài Gòn. Bà cũng đang rời xa Sài Gòn. Con tầu đang đưa chúng ta rời xa Sài Gòn. Khoan đã. Rời xa hay rời ga? Bà như sực tỉnh. Đây là bài giới thiệu về lịch sử ga Sài Gòn xưa, vậy câu này phải là “rời ga” mới đúng. Nếu rời xa thì phải “rời xa thành phố Hồ Chí Minh” chứ. Phát hiện này làm bà như bị vuột mất nơi an ủi cuối cùng khi bị buộc phải chấp nhận câu “rời ga” vô cảm.

Giờ này trên máy bay chắc cũng đã ngủ. Mới lúc trưa nó còn ngồi bên mẹ trong phòng đợi nhà ga, cứ “bắt” mẹ đổi vé đi chuyến sau còn vé giường mềm.

“Mẹ thích đi toa ngồi cứng được mở cửa sổ, không bị đóng hộp kín mít như toa giường nằm”.

“Ngồi toa ghế cứng còn rẻ được nửa tiền, càng ít hưởng thụ càng đỡ hao tổn phúc phần chứ gì, con biết thừa”.

Ghế ngồi cứng. Truyện ngắn của Vân Hạ
Minh họa Đào Quốc Huy.

Bà cười cho qua, thoáng buồn thấy nó không thật hiểu mẹ. Bà muốn rời thành phố ngay sau khi biết chắc máy bay của nó đã cất cánh, đây mới là lý do chính. Bà sợ nếu còn ngồi lại một mình nhìn đâu bà cũng sẽ thấy nó. Đường phố, hàng quán, cả nhà ga này nó đã ra đón bà và cùng bà trong mấy ngày qua.

“Khi nào con ổn định có việc làm mẹ sẽ không phải so sẻn nữa”, nó nói.

Bà lại cười gật đầu. Tuy cả nó và bà đều biết sống được ở xứ người không dễ dàng, giống như khi mình phải ở nhờ nhà người khác. Với tính khí của nó khó khăn đầu tiên sẽ là sự kỳ thị và cả miệt thị. “Nhớ chưa con, gặp người không quen hay ở chỗ công cộng đừng có dại nhận mình người Việt. Nhớ chưa”.

“Con nhớ mà. Nhưng con nghĩ lại rồi. Mặc-kê-nồ. Ai hỏi con, con cũng sẽ nói con là người Việt. Con sẽ quan sát phản ứng của họ để sau đó nhìn vào cảm giác của mình, à của con. Hê hê. Đúng ý mẹ chưa”.

Bà lườm lườm nhìn nó. Nói thì dễ lắm. Một lần, hai lần còn mạnh miệng được, chỉ sợ đến lúc…

“Chỉ sợ đến lúc mẹ sang chơi lại thấy con gái mẹ được người ta ngưỡng mộ quá. Ka ka”.

Bà cười theo.

Sang chơi! Nếu nó có con bà còn có lý do sang với nó để chăm con chăm cháu. Nhưng vợ chồng nó lại định không sinh con.

“Tụi con đều lớn tuổi rồi. Ổng năm mươi, con cũng đã ba bảy là ba tám”.

“Nhưng đàn bà phải có đứa con…”

“Đó là mẹ nghĩ. Thời của mẹ hình như ai cũng nghĩ vậy, ai cũng cố sắm một chiếc ghế thật chắc để mang vác trên vai rồi kêu nặng nhọc. Ghế là để ngồi mẹ ạ.” - Nó nháy mắt khi nhắc cho bà nhớ câu chuyện ngụ ngôn về người vác ghế của Ai Cập.

Bà không tin nó không muốn có con. Chả đàn bà nào không muốn con. Có thật nó yêu chồng nó đến mức đó không hay mục đích nó chỉ cần đến được cái xứ mì ống của chúng nó, cái xứ nổi tiếng mafia. Nhưng theo lời nó nói đó lại là một nơi cho người ta cảm giác được bảo vệ. Đó là một vùng quê đẹp như trong truyện cổ. Những người hàng xóm to lớn lúc nào cũng vui vẻ khi mang cho nhau trái cây vườn nhà. Họ làm việc “ghê lắm” và ăn cũng nhiều “ghê đời”, nhất là mùa Noel. Cả tháng trời họ tụ tập cùng nhau chỉ để ăn, uống rượu, nhảy múa đón năm mới, vui chơi xả láng sau một năm làm cật lực trên ruộng đồng. Con thích như vậy. Con thích cuộc sống ở đấy.

“Đẹp, thì có ở đâu hơn Việt Nam mình. Mày chỉ được cái vọng ngoại. Mà chúng mày nói với nhau bằng Anh ngữ không đứa nào được nói tiếng mẹ đẻ, lúc cãi nhau lại chả điên lên”.

“Sao mẹ cứ nghĩ đến cãi nhau…”

Tiếng trẻ sơ sinh khóc ré lên làm bà bừng tỉnh, mới biết mình vừa chập chờn lơ mơ được một giấc. Trời đã tối. Tầu đang dừng giữa đoạn đường vắng. “Tránh tầu rồi”, ai cũng hiểu như vậy. Bà khẽ nhấc đôi chân tê dại vì phải ngồi vặn nghiêng người quá lâu, ngượng ngập nhìn người đàn ông bên cạnh. Không biết trong lúc ngả đầu ra sau ngủ quên bà có há miệng hay có hình ảnh khó coi nào không. Nhưng người đàn ông đã ý nhị quay đi tránh cái nhìn của bà.

Đứa trẻ lại khóc. Nghe tiếng khóc bà đoán nó chưa được ba tháng tuổi. Bà đứng lên nhìn về phía giữa toa thấy mẹ đứa bé đang đứng ẵm nó trên tay. À có mẹ thì không phải nó đói, cũng không phải nó gắt ngủ. Trẻ gắt ngủ chỉ làm tình làm tội người giữ, thường là bà hay chị khi vắng mẹ. Còn đã có mẹ chỉ cần cho ngậm vú là yên ngay. Nhưng sao đứa trẻ không chịu bú. Mẹ nó càng cố ấp miệng nó vào bầu vú nó càng ưỡn lên giẫy ra từ chối quyết liệt.

Xung quanh có người kêu tắt bớt quạt, người đưa chai dầu, người lấy giúp cháo sữa gì đó trong chiếc bình giữ nhiệt mẹ nó mang theo trong chiếc giỏ nhựa đựng đồ. Đó là tất cả những gì người ta có thể giúp nhưng đứa trẻ vẫn khóc ngằn ngặt, rồi nó khóc lặng đi từng cơn đến sốt ruột. Tưởng như bao nhiêu sức lực trong thân hình nhỏ bé của nó đều dồn vào tiếng khóc. Mẹ đứa trẻ nhìn mặt còn non nớt như một “con bé” mới lớn, cũng chỉ biết ẵm con trên tay đứng tại chỗ rung rung khổ sở.

Đúng lúc đó bên ngoài ào tới những tiếng rao mía đây, bắp nóng đây, trứng luộc đây kéo sự chú ý của hành khách. “Hay thật, cứ tầu dừng là có người bán. Mà quanh đây chả thấy nhà cửa làng xóm gì, không biết họ ở đâu ra?”. Tiếp theo người ta hỏi nhau trứng nóng không, bắp ngon không. Đứa trẻ vẫn khóc nhưng người ta biết làm gì được?

May quá đoàn tầu chờ tránh đã tới, sầm sập lao qua, loáng cái đã mất hút. Con tầu vui mừng hú còi chuyển bánh. Đứa trẻ khóc nhỏ dần rồi nín im. Bà thở phào. Có thể do tầu dừng lâu, trong toa đông người làm nó bị ngộp. Cũng có thể không khí vùng này có loại khí thải gì đó mà chỉ cơ thể sơ sinh mong manh của nó cảm nhận được.

Trong toa trở lại im lặng, gà gật hoặc say sưa. Người không ngủ thì nhìn vô định ra màn đêm ngoài cửa sổ hoặc lim dim. Đầu dãy ghế bên kia, một ông bố trẻ ngồi ngả đầu ra sau lưng ghế ngủ gà gật, đầu anh ta lăn qua lăn lại theo nhịp tầu lắc lư. Trong tay anh ta ôm đứa con gái nhỏ khoảng hai tuổi. Đứa bé ngả đầu vào ngực bố, một tay nó luồn trong cổ áo bố rờ ti. Bà nhìn kỹ hơn, đúng đứa bé đang rờ ti bố thật. “Tội hơ”, nếu con gái bà ở đây nó sẽ nói như vậy.

Hành khách từ các ga xép lên đã nêm gần kín toa từ lúc nào. Người ta trải chiếu, nilon, thùng giấy xuống sàn tầu nằm say sưa. Người này nằm quay đầu vào trong duỗi chân ra, người kia nằm thò đầu ra giấu chân vào gầm ghế. Đầu cạnh chân, chân bên đầu ngổn ngang. Nếu được hỏi, hẳn ai cũng có lý lẽ bảo vệ cho lựa chọn nằm quay vào hay quay ra của mình. Lý do nào nghe cũng có lý cả.

Từ đầu kia có hai người đang dò dẫm vượt Trường Sơn hướng đến phòng vệ sinh ở cuối toa. Và một người khác đang từ phòng vệ sinh ngược về chỗ ngồi. Cả ba đều chăm chú cúi nhìn bãi chiến trường la liệt các chiến binh đang nằm mơ để tìm chỗ đặt chân, hai tay họ dang ra nắm chặt mép ghế hai bên cố đứng vững vì tầu chạy nhanh lắc mạnh. Đôi dép dưới chân người kia vừa bước ra từ phòng vệ sinh ướt nhớp nháp. Bà rùng mình bỏ lại chai nước vào túi, quyết nhịn khát không uống.

“Toa ngồi cứng mới đúng là cuộc đời”, hốt nhiên bà nhớ lại giọng đàn ông sau lưng, khi cô bán vé nói chuyến này chỉ còn ghế ngồi cứng thôi. Và bà đáp “vậy cho tôi một vé ngồi cứng”. Vẫn giọng đàn ông đó nói: “Cũng may tầu lửa còn có toa ngồi cứng mà đi. Nói dại lỡ mai kia nhà tầu bỏ toa ngồi cứng phải đi xe khách đường dài mới khốn nạn, lỡ nó lại tự dưng bốc cháy giữa đường thì chỉ có tiêu”.

Bà loay hoay đổi thế ngồi, khoanh hai chân lên ghế, gục đầu trên hai cánh tay đặt trên mép bàn ăn, sát cạnh đôi chân người phụ nữ nằm ghế đối diện đang thượng lên. Người đàn ông ngồi cạnh bà rõ ràng không có ý định nằm xuống sàn để ngủ. Bà cũng vậy. Cả hai ngồi chịu trận.

Khi mắt nhắm lại thì tai mở ra. Bà nghe tiếng con tầu xé gió lao ù ù. Tiếng khớp nối thanh ray lốp cốp hối hả như tiếng vó ngựa đường xa đều đều trong một bộ phim bà xem từ hồi nhỏ.

*

Lần thứ hai bà bị đánh thức vì những tiếng rao. Tầu đang dừng trong ga. Ngoài trời đang mưa. Toa ngồi cứng ở tận cuối đoàn tầu ánh đèn nhà ga không rọi tới được, chỉ có ánh đèn của những người đàn bà mặc áo mưa đẩy xe thanh long dưới ánh đèn đường là không quên toa nào. Họ đứng dưới các ô cửa sổ lắp lưới sắt đập tay vào thành tầu. “Dậy mua thanh long làm quà đi bác ơi. Thanh long năm mươi ngàn sáu ký đây”. Rẻ quá. Sáu ký thanh long ở đây chỉ bằng một ly sinh tố ở Sài Gòn. Bà mua một bị sáu ký lô, xách ghì trĩu tay khi nhấc qua cửa sổ.

Người phụ nữ nằm ghế đối diện lúc này mới nhỏm dậy hỏi bâng quơ: “Đến ga nào rồi. Ô mưa à”. Chị ta thò đầu ra ngoài kêu thanh long, trả giá sáu ký bốn mươi ngàn bán không. Bán luôn.

Bà bị bất ngờ mất một giây, không nghĩ thanh long còn rẻ hơn nữa. Người phụ nữ đắc thắng xách bị thanh long để lên trên chiếc thùng giấy. Chị ta sửa lại chiếc gối làm bằng một chiếc áo cuộn tròn và lại nằm xuống.

Có khách mới lên. Một người đàn ông khoảng trên dưới sáu mươi đi cùng nhân viên phụ trách toa đến ngó nghiêng tìm số ghế trên đầu người đàn ông ngồi cạnh bà. “Sao họ không tìm ghế bên kia”, bà nghĩ và nhìn người phụ nữ vẫn thản nhiên nằm. Nhưng thật bất ngờ, người đàn ông ngồi cùng ghế với bà đã đứng bật dậy trả chỗ.

Nhân viên phụ trách toa trả lại tấm vé cho người mới đến, bực bội:

- Số ghế đây không ngồi đi ngồi lung tung. Lộn xộn.

- Thì gặp thằng em nó rủ về toa giường nằm của nó làm vài lon, anh em nói chuyện. Tưởng có vé thì ngồi đâu cũng được.

Giọng nói này… Đúng giọng của người đã nói câu “toa ngồi cứng mới đúng là cuộc đời” sau lưng bà lúc mua vé. Ông ta nhìn phớt qua bà thản nhiên như đã biết rồi. Như vậy ông ta phải lên từ ga gốc Sài Gòn như bà và đúng là… với hai tay không thật! Bà chưa từng thấy ai đi tầu xe với hai tay không như người đàn ông này. Hành lý duy nhất của ông ta là chiếc khăn mặt trắng cầm bên tay trái.

Nhìn sang ghế đối diện bà thấy người đàn ông kia đang ngồi ghé bên cạnh người phụ nữ. Người phụ nữ vẫn nằm nhưng rõ ràng chưa ngủ. Chị ta co chân lấy chỗ cho anh ta ngồi xong thượng cả hai chân lên đùi anh ta. Vậy ra họ quen biết nhau? Họ là vợ chồng? Vậy ra… Giờ thì bà đã hiểu. Lẽ ra bà mới đúng là người gặp may được một mình một ghế suốt chặng vừa qua, nhưng người đàn ông kia đã sang ngồi chiếm mất để nhường chỗ cho vợ anh ta nằm. Một ông chồng cưng vợ - trước đó có lẽ bà đã nghĩ vậy. Nhưng kể từ lúc biết mình nghe nhầm “rời ga” thành “rời xa”, bà tự nhắc mình đừng vội tin cảm tính. Biết đâu thấy vậy mà không phải vậy. Vợ chồng, nhưng còn liên quan đến tài sản, xuất thân hay vị trí xã hội, đâu phải chỉ có tình yêu.

Người đàn ông thấy bà nhìn thì có vẻ nhột. Anh ta đứng lên bỏ đi ra phía cửa toa. “Anh ta cũng biết ngượng”, bà thoáng nghĩ nhưng lại lập tức nhắc mình “chưa chắc”. Chắc gì anh ta đã bỏ đi vì cái nhìn của bà. Mà đúng thật. Hóa ra anh ta bỏ đi xuống ga mua đồ ăn! Anh ta xách lên hai hộp xôi gà, để lên bàn, đập đập bàn chân vợ gọi dậy ăn nhưng chị vợ vẫn lười biếng nằm dài quay mặt vào lưng ghế.

Tầu chạy. Bà nhắm mắt, lại dựa lưng vào thành tàu. Nếu con gái bà có ở đây? Bà tưởng tượng sự giận dữ, những lời hỗn hào nó xả vào mặt người đàn ông đáng tuổi cha chú nó kia. Nó sẽ gọi anh ta là lão già mắc dịch, thằng cha lưu manh, cái mặt vô hậu… hay bất cứ cách gọi hỗn hào thiếu kiểm soát nào chợt đến trong đầu nó. Tất nhiên vợ anh ta lên tiếng, sẽ càng chết hơn. Nó dám một mình chống lại mafia, chấp cả hai vợ chồng chị ta lắm. Nó sẽ làm cả toa tầu đổ tới xem như xem một trò vui.

Nếu bà sợ hãi van xin “thôi đi, thôi đi con, có đáng gì đâu, có ai chiếm chỗ của mẹ đâu nào”. Nó sẽ nạt lại con sợ gì lão già mắc dịch (lão già mắm vố, cái mặt vô hậu, thằng cha lưu manh điếm đàng kia), sao lão dám lấn lướt chèn ép mẹ. Đáng lẽ mẹ mới là người được nằm chứ không phải con mụ phù thủy xấu như ma le kia. “Ôi trời. Thôi đi. Mẹ nói con thôi đi. Rồi bây giờ con làm gì? Con muốn sao?”. Nghe câu hỏi của bà nó sẽ bất thần ngơ ngác ngồi phịch xuống, chảy nước mắt. Đúng vậy, bây giờ nói (hay làm hung làm dữ) để được gì, hay chỉ cho bõ tức thôi?

Bà giật mình mở choàng mắt, cảm thấy bất an. Nếu cứ giữ tâm tính ấy nó sẽ ra sao ở xứ người. Mới mấy năm vào kiếm sống trong thành phố nó đã thay đổi tâm tính đến mức bà không tin đấy là con mình. Hay đó mới đúng thật là nó mà bà không biết? Hốt nhiên bà nhớ câu “Tao đẻ ra mày sao tao không biết mày”, “Tôi đẻ ra nó mà, sao tôi không biết nó” bà hàng xóm hay nói.

Trời sáng dần. Đã có nhiều người đứng chờ nhau trước cửa phòng vệ sinh. Các chiến binh nằm dưới sàn bắt đầu sống dậy lục tục thu dọn chiếu tấm. Cảnh nhàu nhĩ quăng quật ban đêm biến dần. Ban ngày toa tầu mang bộ mặt của một thời đại văn minh khác hẳn.

Chiếc xe đẩy đầu tiên của một nhân viên đã bắt đầu đẩy dọc lối đi bán đồ ăn sáng, cà phê. Người đàn ông ngồi cạnh bà lấy trong túi áo ngực ra một xấp tiền gập đôi, rút ra một tờ mua đúng ba lon bia. Uống bia suông vào sáng sớm mà không ăn gì? Bà nghĩ nhưng không nói. “Mặc người ta, mẹ đừng có nhìn”. Câu này nó đã liên tục nhắc bà trong mấy ngày ở Sài Gòn. Ừ thì mặc người ta, đó là tự do của họ. Nhưng người đàn ông này rõ ràng không biết lo cho sức khỏe.

“Kính thưa quý khách. Con tầu sắp vào ga…”

Tiếng loa bị chìm lẫn vào tiếng rao của đội quân bán nho, bán táo đông đảo. Hai vợ chồng ghế đối diện lại mua nho “về làm rượu”. Mặc dù hành lý không còn chỗ để họ vẫn mua nho lên treo trên móc. “Chiếc khăn trắng” ngồi cạnh bà cầm lon bia uống suông từng hớp, không quan tâm. Chiếc khăn lúc này bị ông ta ngồi lên dẹp lép sau lưng.

*

Bà về tới nhà lúc gần trưa. “Giờ này nó vẫn còn đang bay”, bà nghĩ trong lúc mở khóa cửa. Bước vào nhà, việc bà muốn nhất bây giờ là ngủ một giấc, mọi việc tính sau nếu còn tỉnh dậy. Nhưng không được. Mấy bà hàng xóm chắc sẽ sang bây giờ vì họ đã nghe bà mở cổng. Họ sang cũng chỉ để hỏi nó bay rồi à. Sướng vậy. Trong câu “sướng vậy” có pha chút ganh tỵ. Bà hàng xóm này hay có câu “tao đẻ ra mày sao tao không biết mày” mỗi khi bà ta giáo huấn thằng con. Bà hàng xóm thứ hai sẽ rủ rỉ như lúc thấy bà sửa soạn đi thành phố. “Thôi vậy là mừng rồi. Mừng cho nó mừng cho bà. Cứ đi được là mừng”.

Phải rửa thanh long chôm chôm để sẵn trên bàn cùng dao dĩa để hàng xóm qua có quà vừa ăn vừa nói chuyện với nhau trong lúc chờ chủ nhà đi tắm. Nhưng bàn ghế bụi bặm bừa bộn quá. Bà quơ đám áo gối trên ghế, lau bụi. Bỗng xây xẩm, bà ngã ngồi xuống chiếc ghế dài. Cảm giác chiếc ghế cứ dập dình trôi trôi như bà vẫn đang trên tầu. Trước khi xuống ga bà còn nhìn thấy ông bố trẻ và đứa con nhỏ ở dãy ghế bên kia đã thức dậy, cả hai bố con đều mở mắt nhưng vẫn ngồi nguyên tư thế lúc đêm. Đứa trẻ sơ sinh cũng đã ngủ yên trong lòng mẹ nó lúc bà đi qua, mẹ nó ngồi ôm con nghẹo đầu nhắm mắt, bơ phờ. Bà nhớ ra suốt thời gian trên tầu bà chưa nói một lời nào với ba người đồng hành ngồi cùng khoang ghế cứng.

VN23/2019

---------

Bài viết cùng chuyên mục:

Bụi mịn. Truyện ngắn dự thi của Hà Thanh Tú Đọc truyện: Thương. Truyện ngắn dự thi của Mai Linh Mời quý vị đón đọc báo Văn nghệ số 43/2024 Đọc truyện: Thuyền rồng. Truyện ngắn dự thi của Tống Ngọc Hân Một tiếng ve rừng. Truyện ngắn dự thi của Khánh Liên
Bản tin Văn nghệ: Trao giải cuộc thi viết “Hà Nội trong tôi”

Bản tin Văn nghệ: Trao giải cuộc thi viết “Hà Nội trong tôi”

Baovannghe.vn - Liên hiệp Các tổ chức Hữu nghị thành phố Hà Nội trao giải Cuộc thi viết “Hà Nội trong tôi”, tổ chức liên hoan " Âm vang thành phố vì hòa bình"
Sàn thương mại điện tử xuyên biên giới Temu và câu chuyện bảo vệ hàng nội địa

Sàn thương mại điện tử xuyên biên giới Temu và câu chuyện bảo vệ hàng nội địa

Baovannghe.vn - Sàn thương mại điện tử Temu, Taobao và 1688 hoạt động tại Việt Nam với sự đa dạng mặt hàng, giá rẻ. Đã và đang đe dọa sản xuất trong nước.
Chính thức xây dựng Nhà hát Kịch Việt Nam cơ sở 2

Chính thức xây dựng Nhà hát Kịch Việt Nam cơ sở 2

Baovannghe.vn - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTT&DL) vừa ban hành quyết định số 3117/QĐ-BVHTTDL về việc xây dựng cơ sở thứ 2 cho Nhà hát Kịch Việt Nam.
Tự do của con cá nhỏ

Tự do của con cá nhỏ

Baovannghe.vn- Dino Buzzati (1906-1972) là nhà văn lớn của Italia, xứng đáng được coi là một trong những trụ cột của nền văn học đất nước hình chiếc ủng ở nửa cuối của thế kỷ XX. Xin được giới thiệu với bạn đọc Văn nghệ truyện ngắn dưới đây của ông.
Giọt long lanh. Tạp bút của Hoàng Vinh

Giọt long lanh. Tạp bút của Hoàng Vinh

Baovannghe.vn - Bàn tay em mềm mại, bé nhỏ. Không biết khi đó trông tôi thế nào, chỉ thấy em quay nghiêng người, cố xòa mái tóc che nụ cười tinh nghịch.