Sáng tác

Một tiếng ve rừng. Truyện ngắn dự thi của Khánh Liên

Khánh Liên
Truyện
15:00 | 24/10/2024
Baovannghe.vn- Chiều mùa hè, cái sự thôi thúc đi khiến ông gọi một chiếc xe ôm. Con trai ông vẫn hay cằn nhằn ông bởi cái tính xuề xòa này. Con ông hay nói, ba đi đâu cứ nói một tiếng, con sắp xếp chở ba đi
aa

Cứ tới mùa hè, ông Sáu lại cảm thấy buồn. Nỗi buồn nhè nhẹ, da diết, hư hư, thực thực. Ông chỉ muốn xách ba lô lên và đi. Nhưng cái chân ở tuổi gần đất xa trời không phải là cái chân của thời thanh niên trai tráng. Ngày xưa, làm giao liên dẫn đoàn băng rừng lội suối, một tháng trời đi rừng vẫn phăng phăng không sao cả. Giờ chỉ một cơn mưa mùa là đôi chân tê lại, đau nhức, nhấc không lên. Giữa lúc chồn chân lại nhớ rừng, nhớ cây, nhớ suối, nhớ tiếng cười đồng đội. Giờ nhiều người đã khuất, người còn lại cũng như ông, một đống bệnh tuổi già, sống cùng một đống thuốc và máy đo huyết áp.

Một tiếng ve rừng. Truyện ngắn dự thi của Khánh Liên
Minh hoạ Lê Thiết Cương

Cuối tuần đứa con trai làm chủ tịch phường lại về nhà ăn cơm. Câu chuyện trăn trở mấy hôm của con trai làm ông không thể không quan tâm. Dự án cải tạo bờ kè lâu nay ách tắc vì chuyện di dời một số nhà không giấy tờ ở đó. Một năm trời giải quyết cũng tạm ổn thỏa rồi nhưng có một bà già nhất quyết không đi. Cưỡng chế một người già là chuyện không hay nhưng dự án có lợi cho người dân không thể không cưỡng chế. Vì thế con trai ông cứ nấn ná mãi.

Chiều mùa hè, cái sự thôi thúc đi khiến ông gọi một chiếc xe ôm. Con trai ông vẫn hay cằn nhằn ông bởi cái tính xuề xòa này. Con ông hay nói, ba đi đâu cứ nói một tiếng, con sắp xếp chở ba đi. Không đi được con cho tài xế chở đi, đừng đi xe ngoài. Nhưng ông nghĩ, thằng con làm chủ tịch phường, trăm công nghìn việc. Bắt xe ngoài cho nhanh. Hơn nữa ông thích trò chuyện với mấy chú xe ôm ngoài ngõ. Cũng là người quen trong xóm cả. Chuyện trò chuyện này chuyện kia để biết tình hình thế giới. Chứ ở nhà nghe tin tức cũng không sống động bằng tin tức của mấy anh xe ôm.

Ông nói địa chỉ, một địa chỉ mơ màng, không nhà không số. Ngôi nhà duy nhất còn người ở trên bờ kè. Chú xe ôm bảo, cứ lên xe đi ông, đời con chưa bao giờ tìm địa chỉ nào mà không ra. Đúng là như vậy thật. Chạy thẳng ngút ngàn, rẽ trái, rẽ phải, rẽ đâu cả chục lần là ra bờ kè lộng gió nồng nặc mùi xú uế. Sao người ta có thể sống ở nơi hôi thối như vầy, mà sống cả mấy chục năm, từ đời này qua đời khác? Dự án cải tạo bờ kè của con trai ông đúng là đem tới một tương lai mới cho khu vực này. Nhưng cái bà già đó không đi cũng phải. Bờ kè hôi thối nhưng ngay trong thành phố. Rẽ phải, rẽ trái tùm lum vậy chớ xíu là ra đường, hòa nhập với thế giới nhộn nhịp. Còn đi thì đi đâu? Nhà bà không giấy tờ, đền bù bao nhiêu đâu mà đi nơi khác? Chẳng lẽ lên rừng? Mà chưa chắc có rừng để lên.

Ông muốn tìm hiểu hoàn cảnh bà già tội nghiệp. Có chút lương hưu, ông muốn hỗ trợ bà, vừa giúp người, vừa giúp con trai hoàn thành công việc.

Ngôi nhà gỗ chênh vênh trên bờ kè, vách ván vá chùm vá đụp làm ông xót xa. Bà già đi vắng. Ông hỏi người dân đang dọn đồ đạc di dời gần đó về bà, mới biết ban ngày bà đi lượm ve chai, tối mới về nhà ngủ. Nhưng không phải tối nào bà cũng về. Có lần bà đi đâu cả tháng. Cuộc sống của bà già cũng khá bí ẩn. Người ta chỉ biết bà lượm ve chai, không chồng con, hiền lành và kín tiếng. Còn tâm sự về đời mình, bà chưa kể với ai.

Trong cái nắng oi nồng của mùa hè, nước từ lòng sông sục lên mùi hôi nồng nặc. Vài con cá bơi trong dòng nước đầy bùn rác, mở to con mắt nhìn ông, rồi hốt hoảng lặn xuống. Ông Sáu định đi về nhưng ngạc nhiên thấy cửa nhà bà già không khóa. Bà không có tiền mua ổ khóa hay nghĩ nhà chẳng có thứ gì đáng giá ăn trộm không thèm vào? Ông len lén đẩy cánh cửa, bước vào nhà.

Nhà trống trơn, không có gì ngoài một cái giường tre. Nhưng trên vách treo đầy ảnh. Ông tới xem ảnh, sửng sốt khi nhìn thấy tấm ảnh các cô gái đội mũ tai bèo chụp trong rừng. Ót ông lạnh. Một linh cảm của giác quan thứ sáu, ông cảm thấy bà già này chính là Út Nhỏ- người nữ giao liên, đồng đội của ông, người bị lên bờ xuống ruộng bởi những tình cảnh éo le, người sau giải phóng tự dưng biến mất. Và nữa, người từng yêu ông hết lòng, người ông yêu nhưng không dám công khai yêu. Người chịu thiệt thòi bởi số phận.

Lí do ông tin chắc đó là Út Nhỏ vì trong một tấm ảnh khác, nàng của tuổi mười tám mộng mơ đang nhìn ông mỉm cười trên vách. Ông xem hết các bức ảnh trên tường, ngồi cho tới chiều tối. Bà Út không về. Ông đành ra về.

Suốt một tuần lễ, ông giấu con trai, một mình đi xe ôm tới nhà bà Út Nhỏ. Nhưng giống như phim Hàn Quốc mà giới trẻ coi bây giờ, khi ông tìm bà thì bà biến mất. Một tuần lễ, chỉ có ông mở cánh cửa ọp ẹp, ngồi một mình trên giường tre, ra bờ kè đứng nghe mùi gió thối. Có người còn tưởng ông là dân ở đó, ráng ở những ngày cuối cùng trong ngôi nhà kỉ niệm trước khi tạm biệt hẳn nơi này.

Út Nhỏ? Bà ở đâu? Tôi đang đứng ở nhà bà đây. Sao bà lại ở một ngôi nhà như thế này suốt mấy chục năm mà tôi không biết? Tôi chỉ ước gặp bà để xin bà tha thứ. Mong trời đất cho bà biết rằng tôi đang mong mỏi đợi bà ở đây.

*

Út Nhỏ thích ve, vào rừng với cô chú cách mạng mà vẫn còn tiểu tư sản. Thích nghe tiếng ve, thích hoa rừng, thích sông, thích suối. Vào rừng để đấu tranh chứ đâu phải để vui chơi, hưởng thụ. Cái tật lãng mạn của Út Nhỏ bị phê bình hoài mà hổng chừa.

Gọi là Út Nhỏ vì ở nhà cổ là út và người bé như viên kẹo. Mới tròn mười tám đã năn nỉ ông chú trong đoàn giao liên cho theo vào rừng. Lí lịch thì thẩm tra rồi nhưng cái tính cách nhiều người lo ngại. Tiểu thư vậy không biết có theo cách mạng nổi không? Theo được mấy bữa?

Một ngày hè rào rạt tiếng ve, chú Tư trưởng đoàn giao liên bỗng kêu anh tới lán của chú.

“Sáu à, tao sắp vào thành rồi, hoạt động kín. Mày ở lại giữ chức của tao nghe. Tao bàn với cấp trên rồi, tao nói, chỉ có thằng Sáu là phù hợp giữ chức này. Nhanh nhẹn, chịu khó, trung thực, lại có sức khỏe. Tao chỉ băn khoăn con Út Nhỏ, nó vừa vào rừng thì tao lại đi, mà đi dài. Mày ở lại hướng dẫn, chăm sóc nó dùm tao nghe.”

“Con không dám đâu chú. Bao nhiêu người giỏi, con dở ẹc làm sao giữ được chức của chú. Lỡ làm không tốt, người này nói ra nói vô mệt lắm chú ơi. Còn Út Nhỏ nữa, chăm sóc thì được chứ hướng dẫn, dạy dỗ làm sao con dám, cổ học cao hơn con.”

“Thằng này, sao mày khờ vậy không biết? Thì hai đứa mày học qua học lại. Út Nhỏ dạy mày văn hóa, mày dạy nó cách sống, chiến đấu trong rừng. Không có chiến tranh là nó đi học làm cô giáo dạy văn đó mày. Nhưng nhà có đến hai ông chú làm cách mạng gộc, nó sống không có yên, nó đi học cứ bị mời lên mời xuống hoài. Ba má nó mất sớm, nó ở với tao. Giờ tao vô rừng, nó ở ngoài không học được cũng vô theo, chứ nó sợ sâu, sợ thằn lằn làm cách mạng gì nổi.”

Út Nhỏ sợ thằn lằn, sợ sâu nhưng lại là một nữ giao liên quả cảm. Dẫn đoàn đi qua lòng địch, có khi một, có khi hai giao liên. Đi hai mình hay một mình Út Nhỏ đều dẫn đoàn trót lọt. Hình như cái gien quả cảm của ông chú cũng truyền lại cho người cháu nhỏ. Có lần đứng giữa đồng không mông quạnh, có vết đường đi về ba hướng, cả đoàn không biết nên đi về hướng nào để tránh địch? Tôi đang vắt óc phán đoán thì Út Nhỏ đi phăng phăng về phía trước khiến tôi hoảng hồn. Nhưng tình thế đi cũng chết mà không đi cũng chết. Đứng giữa đồng không mông quạnh, không đi sớm, coi chừng là mồi cho địch. Một chết hai sống thôi thì cứ đi theo Út Nhỏ, đi nhưng nín thở, tim đập thình thịch. Tới chỗ của ta, Út Nhỏ chào tạm biệt đoàn. Nhìn người lính cuối cùng khuất sau đám dừa nước, tôi mới mở lời hỏi Út Nhỏ, sao lại dẫn đi đường đó? Út Nhỏ tròn mắt nhìn tôi: “Bộ không thấy hả? Vết giày đi về phía hai đường kia to hơn. Bàn chân người Mĩ to hơn bàn chân người Việt. Có thế mà cũng không biết.” Tôi chỉ biết há hốc ngạc nhiên. Trên đường về, nhìn vết giày ở ngã ba còn in dấu thấp thoáng trong đám cỏ, tôi mới nhận ra là Út Nhỏ đúng. Tôi không biết mình đang dạy Út Nhỏ hay nhỏ đang dạy cho tôi.

Có gien cách mạng gia truyền của ông chú, Út Nhỏ làm gì cũng gọn gàng, hợp lí, lập công không ít. Nhưng để cất nhắc Út Nhỏ có cả một núi vấn đề. Tính tiểu thư, tắm lâu, thích tắm nước nóng (dù trong rừng hạn chế khói), hay phát ngôn bộc phát, cái tôi mạnh, kiêu kì… đêm nào họp tôi nghe như thuộc lòng những nhận xét của người khác nói về Út Nhỏ. Nhưng quả núi nặng nhất là chú Tư - chú ruột của Út Nhỏ - người trưởng giao liên sếp tôi giờ mất hút giữa Sài thành. Bao nhiêu tin tức không hay thực thực hư hư vọng về khiến chú Tư không còn là người chính nghĩa. Một con người biến mất đâu có mặt để thanh minh. Út Nhỏ bị liệt vào thành phần có người thân “không trong sáng”.

Út Nhỏ khóc hết nước mắt, buồn mười, tôi cũng buồn tám, chín. Chẳng là tôi cũng muốn cho cấp trên biết chuyện tình của chúng tôi và xin phép tác hợp. Nhưng chú Chín, người lãnh đạo cao nhất trong cứ, đã kêu tôi lên, bảo đại ý, cấp trên đang xét lại động cơ cách mạng của Út Nhỏ. Vào rừng vì muốn theo cách mạng hay vì ý đồ khác? Dính vào Út Nhỏ là không nên. Tôi đang là hạt giống lãnh đạo, nhiều thành tích, còn có thể tiến lên, giúp được nhiều cho cách mạng. Không thể vì tình riêng mà quên việc lớn. Nếu tôi muốn, tôi có thể quen Bích - con gái của chú Chín, đang hoạt động ở thành. Sắp tới, tổ chức cũng rút tôi về thành, hoạt động chung với Bích. Hết mùa ve này chú Chín sẽ rút tôi đi.

Mọi người nói tôi là người số đỏ. Con đường cách mạng của tôi theo một đường thẳng, không hoài nghi, không xét lại. Ba tôi đang hoạt động ở miền Bắc, tôi học trong Nam, con nhà cách mạng lộ liễu nên học cũng chữ được chữ mất, học đủ thầy trong rừng nhiều hơn là học trong lớp đàng hoàng ở trường ngoài. Nhưng lí lịch đỏ và bằng sự nỗ lực, chiến đấu vì tình yêu đất nước, tôi cứ thế lập thành tích và đi lên.

Nếu người cách mạng có thể công nhận là mình yêu thì trái tim tôi rung động trước Út Nhỏ. Dáng người ấy, gương mặt ấy, nụ cười ấy thật sự hớp hồn tôi. Những lần hai đứa cùng nhau dẫn đoàn, những lần tôi nhìn Út Nhỏ quả cảm không kém mình, thậm chí nhanh trí hơn mình. Những đêm sinh hoạt trong căn cứ, nhìn sự kiêu kì, tiểu thư, thanh tao của Út, tôi càng rung động. Chỉ muốn người con gái nhỏ nhắn này là của mình và được ôm ấp cơ thể ấm nóng ấy. Một mình dẫn đoàn bộ đội chạy dưới bom rơi đạn nổ, kiếm một bóng hình để nhớ trước lúc phó mặc cho Trời, tôi cũng nghĩ về Út Nhỏ. Nụ hôn trong rừng, bàn tay bên suối, ngực đầy dưới trăng, tiếng cười khúc khích trong rừng ve khi hai đứa cố tình đi lạc. Tất cả là một khối chân tình.

Nhưng người cách mạng đâu thể đặt tình riêng trên việc lớn? Phải yêu trong thầm lặng và bị hiểu lầm, bị nghi hoặc khiến Út Nhỏ gần như trầm cảm. Sự trầm cảm ấy càng tăng khi Bích vào rừng thăm ba (là chú Chín), đồng thời cũng “xem mắt” tôi, dưới sự sắp xếp của chú Chín.

Đạn bom của địch tuy nguy hiểm sống chết nhưng lại dễ chịu hơn là những lời ong tiếng ve từ đồng chí của mình. Giữa hoàn cảnh này, dù không nói ra nhưng ai cũng biết tôi được chú Chín chọn làm con rể. Gia đình chú Chín và gia đình tôi môn đăng hộ đối, tôi và Bích hai hạt giống đỏ có tiền đồ. Út Nhỏ trở thành nạn nhân của muôn lời ong tiếng ve.

Những ngày Bích ở rừng, chú Chín phân công tôi đưa đón, chăm sóc Bích. Một đoàn bộ đội miền Bắc vào, lẽ ra tôi phải dẫn đi, nhưng Út Nhỏ lại làm nhiệm vụ đó. Chuyện chẳng có gì nếu người chỉ huy đoàn không phải lòng Út Nhỏ. Anh bạo dạn viết thư gởi lại, lá thư bị lộ, Út Nhỏ lại bị phê bình, kiểm điểm lên bờ xuống ruộng vì tội… được yêu. Một tháng trời bị phạt không được tham gia dẫn đoàn, chỉ ở rừng làm hậu cần, cơm nước, dọn dẹp, Út Nhỏ càng bị trầm cảm.

Như trong lá thư anh chỉ huy gởi, anh đã tìm cách trở lại thăm Út Nhỏ khiến ai cũng kinh ngạc. Quãng đường dài nhưng giờ thăm chớp nhoáng, anh chỉ nói được với Út: “Hãy chờ anh.” Đêm đó tôi và Út dẫn anh đi, nhập cùng đoàn quân mới vào từ miền Bắc. Đang trong giai đoạn nóng bỏng, hết đoàn quân này tới đoàn quân khác hành quân vào miền Nam khiến giao liên chúng tôi chân đi tới tê dại. Út Nhỏ đi trước, anh chỉ huy đi sau, tôi khóa ở cuối đoàn. Tôi không nhớ hết từng người trong đoàn quân ấy vì đi gấp, khi hành quân cũng chẳng ai có sức hỏi tên hay quê quán của nhau. Tôi chỉ nhớ số người. Ba mươi người, cộng cả tôi và Út Nhỏ.

Một linh cảm không hay thoáng qua như một làn gió vô tình thổi qua làm lạnh ót. Út Nhỏ bảo, hay mình nghỉ ở đây đi, không đi nữa, có gì sớm mai đi. Mắc võng nghỉ một đêm trong rừng thưa chắc cũng không sao. Tự dưng có cái gì đó khiến Út Nhỏ không muốn đi. Đâu thể không đi chỉ vì “tự dưng có cái gì đó”? Cái gì đó là cái gì? Cấp trên chỉ đạo đi gấp trong đêm. Tôi thì ghen tuông vì nghĩ Út Nhỏ muốn có thêm một đêm tâm sự với người tình. Tôi quyết định đi luôn trong đêm.

Cả đoàn đi trong im lặng. Sự im lặng có lúc làm chúng tôi an tâm, có lúc gợi lên một sự chết chóc. Người lính cuối cùng lội qua sông. Tôi vừa lội xuống thì một trời súng nổ. Tất cả chúng tôi đều ở trong bẫy của địch. Không phải trời tối làm chúng tôi lạc đường mà vì tình cờ bọn địch cũng vừa đi ngang qua đây, thấy nước lớn, chúng không lội, định chờ sáng mai. Nếu chúng tôi nghỉ một đêm trong rừng thì sáng sớm bắt đầu đi, chúng tôi không gặp chúng vì đường đi của hai bên khác nhau. Đằng này chúng tình cờ nghỉ lại một điểm mà chúng tôi lại đi tới cái điểm đó.

Trong chiến tranh có những chuyện tình cờ như vậy, lúc gặp may, lúc chết người. Ta không giải thích được và chỉ có thể dùng hai từ “số phận”. Mặc dù đã chống trả anh dũng, nhưng cả đoàn đã hi sinh gần hết. Tôi nằm lẫn trong xác chết trôi về cuối dòng. Trong bóng tối và đốm sáng, hình ảnh tôi thấy là những đồng đội mình ngã xuống. Anh lính chỉ huy ôm chặt Út Nhỏ, bơi theo dòng nước. Địch xả đạn xuống găm đầy lưng anh. Anh vẫn đè thân mình lên Út Nhỏ như hứng đạn cho người mình thương.

Tôi và Út Nhỏ là hai người thoát chết. Thoát được đạn của địch nhưng không thể thoát được sự kỉ luật của cấp trên. Tôi níu tay Út Nhỏ chạy về khu rừng cũ. Không sao cả, còn được sống là may rồi. Giờ trở về thôi. Trên xử sao thì chịu vậy. Nhưng Út Nhỏ lại giằng khỏi tay tôi. Đêm đó, ánh mắt Út Nhỏ nhìn tôi như một kẻ xa lạ, không còn đồng đội, không phải người tình. Là tôi, lỗi tại tôi, tôi biết. Chính quyết định đi gấp trong đêm của tôi làm mọi người đi tới cái chết. Chính cơn ghen làm tôi không còn suy xét các dấu vết nguy hiểm và sự an toàn. Nhưng phía trước là địch, xung quanh bao vây cũng là địch, chỉ có đường lui chứ không có đường tiến. Út Nhỏ vẫn bỏ lại tôi, chạy về phía trước. Tôi nghe tiếng nước róc trong đêm, tiếng súng nổ rồi tất cả chìm vào im ắng.

Đường về rừng hôm đó tôi về như một bóng ma.

Sau này tôi mới biết được hồ sơ chú Chín báo cáo cấp trên cho sự việc đêm đó. Tất cả chúng tôi là nạn nhân, còn Út Nhỏ là thủ phạm. Út Nhỏ đã bán đứng chúng tôi, dắt mọi người vào bẫy của địch, rồi bỏ chạy. Tôi biết đó là những dòng bút máu. Phải có một thủ phạm chịu trách nhiệm cho tất cả tội này mà không ai thích hợp hơn là Út Nhỏ - một người vắng mặt. Hơn nữa chú Chín cũng phải bảo vệ tôi, con của đồng đội chú, con rể tương lai của chú. Tôi sắp vào thành hoạt động rồi. Tôi và Bích cấp trên cũng đồng ý tác hợp rồi. Út Nhỏ phải gánh tội cho tôi.

Không ai tìm ra Út Nhỏ như không ai tìm ra chú Tư. Hai người biến mất trong chiến tranh một cách khó hiểu. Không tìm ra chỉ có thể là đã chết.

Sau giải phóng, mặc dù đã yên bề gia thất với Bích, tôi vẫn âm thầm đi tìm Út Nhỏ. Có một chức vụ quan trọng, tôi dễ dàng tìm người nhưng lại như tìm bóng chim tăm cá. Hoàn toàn không một tin tức.

Một lần đưa Bích vào bệnh viện sanh thằng con đầu lòng, một người lướt qua bệnh viện nhìn tôi khiến tôi cảm giác mình như quen cái nhìn đó. Chú Tư - cái nhìn đó chỉ có thể là chú. Tôi để má tôi đẩy xe cho Bích, chạy thục mạng theo người có cái nhìn đầy ám ảnh. Chạy ra cổng bệnh viện, người đó đứng bên kia đường, tôi đứng bên này đường. Giữa chúng tôi là dòng xe tấp nập.

“Phải chú không chú Tư?” Tôi hét lên giữa tiếng còi xe inh ỏi. Người đàn ông có dáng dấp như chú Tư sắc bén nhìn tôi rồi nhếch mép cười bước đi. Những chiếc xe xuôi ngược khiến tôi qua được đường cũng không còn nhìn thấy người tôi muốn.

Đó có phải là chú Tư không? Chú Tư còn sống? Út Nhỏ có còn sống? Nếu còn sống, Út Nhỏ đang ở đâu?

Chính vì những câu hỏi này mà tôi không thể sống hạnh phúc với Bích. Cuộc sống của tôi với Bích dù danh vọng, quyền lực, bạc tiền đầy đủ nhưng chúng tôi không trò chuyện với nhau. Bích ghét tôi cay đắng dù sinh con trai cho tôi. Còn tôi không muốn gần nàng. Nhắm mắt lại là tôi thấy Út Nhỏ. Trong giấc mơ hằng đêm cũng kêu tên Út Nhỏ. Những thực dụng của tôi và Bích trong đời thực quá trần tục so với Út Nhỏ thanh cao. Tôi ăn năn bằng cách giữ bóng hình nàng thơ Út Nhỏ trong tâm trí mình.

*

Bà già Út Nhỏ ngồi trong căn nhà cấp bốn, nhìn ra mảnh vườn rộn rã tiếng ve. Lại một mùa hè. Tiếng ve trưa bình yên khiến bà cảm thấy an lòng ở giây phút hiện tại. Căn nhà không giấy tờ của bà ở bờ kè đã được nhà nước giải quyết đền bù thỏa đáng. Giấy tờ tùy thân và giấy tờ có công với cách mạng của bà cũng được phường giải quyết, khôi phục. Mấy chục năm sống không giấy tờ, mang tiếng oan là kẻ phản bội, giờ bà đường đường chính chính được ghi nhận công lao. Bà không biết quý nhân nào đã khôi phục tên tuổi và danh dự cho bà.

Đêm đó bà quay lại chỗ địch là để mong chôn được xác người yêu. Nhưng rồi bà bị bắt. Chúng bịt mắt, dẫn bà đi trong đêm. Khi bà ra tù thì đất nước đã thống nhất. Không giấy tờ, không người thân, không một ai quen biết. Bà đi tìm chú Tư thì chú đã ở những ngày cuối cùng của căn bệnh ung thư. Chú cũng như bà, bị hiểu lầm là kẻ phản bội nên phải sống cuộc đời đầy oan ức. Bà chăm sóc chú trong ngôi nhà của chú ở bờ kè cho tới lúc chú mất. Và bà cứ sống một mình từ đó tới giờ.

Nhiều lần bà cũng lên phường xin lại giấy tờ tùy thân và giấy tờ từng hoạt động cách mạng. Nhưng không người quen, không người làm chứng, không có minh chứng nào, chả ai dám làm cho bà. Bà phải sống không giấy tờ, đi lượm ve chai, chỉ an ủi duy nhất là có một chỗ chui ra chui vào.

Giờ mọi thứ giống như là một giấc mơ. Ai là người biết bà mà làm chứng, xin lại giấy tờ cho bà? Bà ngồi nghe tiếng ve trưa mong mỏi được một lần gặp người đó. Bà muốn được gặp người ân của bà để nói lời cảm ơn.

Bọn ve bỗng dưng kêu lên da diết. Nhưng không phải báo điềm xấu mà báo niềm vui. Tim bà thắt lại một nhịp. Bà cảm thấy có ai đó đang đi đến với bà bằng những bước chân hân hoan. Bà cứ ngồi bên thềm với tiếng ve trưa và chờ đợi.

*

Mãi rồi tôi cũng đến được với bà đây, Út Nhỏ. Tôi không những bù đắp được cho bà mà còn mang đến cho bà một niềm vui lớn lao hơn. Tôi đã tìm ra nơi nằm của đoàn quân miền Bắc hi sinh năm nào. Ở đó có người mà bà đợi mong. Tôi sẽ dẫn bà đến thăm người ta. Tôi cũng đang cố gắng khôi phục lại danh dự cho chú Tư. Tôi đang tìm những người từng hoạt động cùng chú. Sự thật sẽ luôn là sự thật. Những người cống hiến, hi sinh vì đất nước cuối cùng rồi sẽ được đền đáp.

*

Một tiếng ve trưa rơi xuống bên thềm. Bà Út Nhỏ bước ra thềm, nheo mắt nhìn tán cây loang nắng. Trong bà có một niềm hân hoan không thể nào giải đáp được. Bà như cảm thấy những gì thân thương xưa cũ ùa về, qua ngần ấy thời gian và năm tháng.

Bà Út Nhỏ khe khẽ mỉm cười, trong khóe mắt là những giọt nước mắt.

----------

Bài viết cùng chuyên mục:

Đọc truyện: Nửa chừng một nốt la. Truyện ngắn dự thi của Đoàn Duy Long Thương. Truyện ngắn dự thi của Mai Linh Đọc truyện: Người chăn sóng biển. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Hiệp Của trả cho người. Truyện ngắn dự thi của Hồ Thị Linh Xuân Bụi mịn. Truyện ngắn dự thi của Hà Thanh Tú
Đại biểu Quốc hội: xác định nhu cầu thực về nhà ở thương mại

Đại biểu Quốc hội: xác định nhu cầu thực về nhà ở thương mại

Baovannghe.vn - Sáng 21.11, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất (dự thảo).
Cờ bay trong nỗi nhớ.  Truyện ngắn của Khuất Quang Thụy

Cờ bay trong nỗi nhớ. Truyện ngắn của Khuất Quang Thụy

Baovannghe.vn - Có nằm mơ tôi cũng không mơ được câu chuyện lạ lùng này: Tôi bỗng trở thành thông gia với một người mà tôi đã từng có đôi chút thành kiến.
Lựa chọn khả dĩ. Truyện ngắn của Đào Văn Hợp

Lựa chọn khả dĩ. Truyện ngắn của Đào Văn Hợp

Baovannghe.vn - Y hài lòng với phương châm sống và cuộc sống hiện tại. Mẹ y thấy thế thì lo lắm. Kinh nghiệm dạy mẹ như vậy
Lúc ấy - Thơ Nguyễn Đăng Khương

Lúc ấy - Thơ Nguyễn Đăng Khương

Baovannghe.vn- Chấm vệ tinh xâm thực mây/ bầu trời dõi theo mắt người
Đọc truyện: Giao lộ nhân sinh. Truyện ngắn của Nguyễn Minh Chung

Đọc truyện: Giao lộ nhân sinh. Truyện ngắn của Nguyễn Minh Chung

Baovannghe.vn- Giọng đọc: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương