Sáng tác

Bụi mịn. Truyện ngắn dự thi của Hà Thanh Tú

Hà Thanh Tú
Truyện
06:00 | 22/10/2024
Baovannghe.vn- Bóng tối đặc quánh ngoài sân nhỏ. Con đường chính chạy qua nhà mươi thước cách đó không còn người đi lại. Đêm đang vào sâu. Bác sĩ Hoàng vừa ngồi vào bàn ăn.
aa

1

Sự mệt mỏi đọng trên nét mặt, hai con mắt. Lâu rồi, cuộc sống của bác sĩ bị chi phối, muốn thay đổi - khó lòng, bởi anh là bác sĩ duy nhất trong cái thôn gần một ngàn dân, nằm ven quốc lộ mới thành lập này. Đa phần trong thôn là dân chài chuyển chỗ ở vì nơi ở cũ thành nơi xây dựng một nhà máy. Không theo nghề cũ được, họ làm nông, mà ruộng đồng cách nơi ở nửa giờ đi bộ nên tất cả qua quýt bữa trưa ở chỗ làm, chiều về. Mọi hoạt động cần thiết của đời sống con người: thức ăn, thuốc thang, khám bệnh… đều diễn ra sẩm chiều, nhá nhem tối trong sự tất bật vội vàng. Phòng mạch Hoàng không khỏi hướng hoạt động theo sinh hoạt dân là vậy.

Bụi mịn. Truyện ngắn dự thi của Hà Thanh Tú
Minh hoạ Lê Trí Dũng

Đúng lúc bác sĩ Hoàng cầm lấy đũa, điện thoại anh sáng đèn - một cuộc gọi tới. Một cuộc gọi tới vào thời điểm cần nghỉ ngơi, quả đáng ghét! Hoàng trong tâm trạng ấy dù rất lâu rồi bác sĩ này được người dân ca tụng hết lòng với người bệnh. Hoàng nhìn lướt qua số máy. Một số lạ. Nửa giờ trước đó, Hoàng khám và cho thuốc ông lão bảy mươi. Có thể nào ông ấy quên cách uống thuốc và nhờ con cháu hỏi lại? Hình ảnh ông lão ốm yếu, đôi mắt mờ đục hiện lên cùng với ý nghĩ. Hoàng cũng thoáng nghĩ tới Sang. Sang trạc tuổi Hoàng, bốn mươi hơn, cùng chuyên tu bác sĩ mấy năm trước. Người ấy đang là giám đốc bệnh viện huyện. Tuần trước, Sang than bệnh viện thiếu người, đề nghị Hoàng về làm cùng. Hoàng hứa trả lời sau một tuần. Chiều nay đúng hẹn, Sang gọi hai lần. Hoàng không tiện trả lời vì đang cấp cứu một cháu nhỏ bị rắn độc cắn… Hồi học cùng nhau, Hoàng biết Sang ưa đùa nghịch bạn bè. Vui vẻ và có chút tếu táo. Có thể nào Sang nghĩ Hoàng từ chối bắt máy nên dùng số lạ gọi tới và chỉ chờ Hoàng bắt máy sẽ chọc: “Chào ông bạn thân quý, còn trốn được nữa không hì hì..?” Nhưng rồi Hoàng lại nghĩ: Biết đâu không phải Sang, người gọi cấp cứu thì sao? Trách nhiệm của một thầy thuốc buộc Hoàng cầm máy, bấm OK.

Giọng một phụ nữ vang lên liền đó: “Bác sĩ Hoàng phải không ạ?” “Tôi đây, chị.” Một thoáng yên lặng. Có tiếng đồ vật rơi từ chỗ người gọi. Giọng người phụ nữ có phần lo âu tiếp theo đó: “Chồng tui ho hai ngày nay. Nặng nhất là ngày nay. Thở rất khó. Mỗi lần thở, phải ráng sức, mặt mày tím đỏ, có đờm lẫn máu trong nước bọt. Bác sĩ làm ơn…” Hoàng đoán xem người gọi mình là ai, ở đâu, đoạn nào trong thôn? Mấy năm chữa bịnh cho người trong thôn, Hoàng gần như thuộc giọng nói, gương mặt của nhiều chị đứng tuổi. Các chị ấy ưa gọi Hoàng bằng chú, bằng em, hoặc gọi tên, ít khi gọi “bác sĩ”. Không thể đưa ra câu trả lời được, Hoàng giục: “Chị đưa người nhà đến chỗ tôi liền đi.” Lại những giây phút yên lặng. Sau đó, chị ta nói không làm sao đưa chồng đi được bởi thời điểm này xe nhà máy đều đi công tác hết. “Bác sĩ làm ơn…” Người phụ nữ rấm rứt khóc. Hoàng xác định, người gọi chắc chắn ở nhà máy điện vì phạm vi hai mươi cây số từ thôn ra, có mỗi nhà máy ấy. Hoàng hỏi lại: “Chị ở nhà máy điện à?” “Dạ.”

Hai mươi cây số đường rừng. Nhà lưa thưa. Lại đi đêm quả là đáng ngại. Nếu xảy ra chuyện xe trục trặc thì thế nào? Chưa kể, giải thích thế nào để Thúy đồng tình? Con người ai không quý mạng sống, vậy hãy nêu lí do để từ chối.

Từ chối nghĩa là chồng chị ta chịu đựng cơn đau, những cơn ho kéo dài cho tới sáng mai, thậm chí lâu hơn. Phổi tổn thương nặng hơn. Hoàng hình dung, lưng người đàn ông gập cong đòn gánh khi lên cơn ho. Lúc đó, anh ta cần bác sĩ, cần sự giúp đỡ nhất… Trong đời, mọi sự giúp đỡ khi cần thiết đều đáng trân trọng. Mẹ Hoàng kể: Hồi sinh Hoàng, bà đau bụng nhiều giờ. Ở nông thôn, đưa sản phụ tới nhà thương cách mươi cây số, xứng chuyện đội đá leo núi. Bởi vậy, trong cơn đau xé trời, mẹ Hoàng nghĩ tới chuyện bất trắc cho mình, cho con. Tiếng kêu thét của bà đến tai hàng xóm và họ quyết định gọi mấy người nữa đặt bà lên võng, thay nhau khiêng tới nhà thương. Hoàng có mặt trên cõi đời nhờ sự may mắn, giúp đỡ đó. Mẹ Hoàng nói với con đó là món nợ đồng lần. Món nợ nhiều người mắc trong đời. Người trước trả cho người sau, người sau trả cho người sau nữa, những gì mình được ân hưởng bởi người khác. “Sau này giúp được ai con nên giúp, trả lại những gì được hưởng.” Nhiều năm qua, Hoàng nhớ lời mẹ, giúp không ít người. Trong trường hợp này, từ chối mặc nhiên người bệnh chịu đau, chưa kể hiểm nguy tính mạng. Hoàng lại hỏi người phụ nữ: “Chồng chị giờ sao rồi?” “Ảnh lại ói ra máu…” Đến lúc quyết định rồi. Hoàng nói mấy lời trấn an vợ, bảo Thúy ăn cơm trước rồi xách túi thuốc ra xe.

2

Người phụ nữ thấp bé, nhỏ con đón Hoàng ở khúc cua, cách nhà máy điện một trăm thước. Đêm mùa hè, đầy sao, ít gió, nhưng người phụ nữ vẫn đội mũ rộng trùm đầu, gương mặt chị ta nhỏ đi vì thế, trong ánh đèn vàng từ hai trụ đèn ven đường chiếu xuống. Sau câu chào hỏi ngắn, chị đi trước dẫn đường. Một con đường trải đá bên hông bờ tường xây cao của nhà máy. Đêm thoang thoảng mùi cây cỏ dại, giá như lúc khác, Hoàng sẽ hít thật sâu vào mũi, thầm đoán mùi hương gì đang lan tỏa quanh mình, nhưng lúc này không dành cho điều ưa thích đó. Điều duy nhất anh chú ý là con đường mới được mở sau này. Bây giờ đã là không gian khác, một thế giới khác, tính từ khi nơi này không còn là bãi đất ven biển, làng đánh cá ven biển, rừng dừa xanh, nhiều cây bụi ven đường. Nhiều sự đổi thay diễn ra. Hồi đó càng vào sâu càng dày cát, cho tới khi gặp rừng dừa trĩu trái, tạo thành bức viền xanh thiên nhiên dọc theo bãi biển vành trăng khuyết. Hoàng biết nơi này trong chuyến đi miền Trung cách đây nhiều năm. Xe bị sự cố, lái xe cho biết phải mất nhiều giờ sửa chữa. Người ta lục đục xuống xe, tản ra hai bên đường, tránh nắng. Một người phát hiện lối đi ra bãi cát, rừng dừa, nơi những mái nhà tranh san sát kề nhau. Cát, màu xanh cây trái, những mái nhà, nói với mọi người về nơi chốn an lành, thanh sạch, an cư. Họ gặp những người dân chài vá lưới, làm những công việc khó kể tên trên những con thuyền nhỏ đậu sát mép nước. Người dân kể về cái vòng cung biển: bốn mùa ở đây biển rất xanh. Kể cả mùa bấc, khi các nơi biển động, sóng to biển vẫn êm. Người làng chài ra khơi mỗi khi chiều xuống, trở về lúc mặt trời lên. Neo thuyền trên bãi ngang và những chiếc thuyền mệt mỏi, mơ ngủ trong nắng vàng tươi cho tới bốn giờ chiều trở đi, mới rộn ràng hoạt động trở lại. Cá đánh được nhiều nhưng không có chợ. Dân bán cá cho xe qua đường, cho mấy đầu mối chạy chợ đường xa. Bởi vậy, muốn đổi đời hoài không được. “Ở đây chỉ cá là nhiều. Mọi cái đều thiếu. Lo nhứt mỗi khi bị bệnh. Trạm y tế mỗi cô y tá, ai khai bệnh gì cũng được cấp Xuyên tâm liên trị bá chứng. Nghĩ tới chuyện lên bệnh viện huyện, tỉnh, ai cũng lo vì tốn tiền bằng cả chục đêm đi biển. Ai cũng cố gắng đừng bệnh, nhưng bệnh có tha ai đâu, nhất là mấy đứa nhỏ.” Tiếp tục lên xe đi về miền Trung, Hoàng không thôi ấn tượng về cái làng chài mình vừa ghé qua, thấy cảm tình với người dân ở đó.

Mấy năm sau, tốt nghiệp hệ y sĩ dân lập, phải tự đi tìm việc thay vì được nhận công tác như cán bộ đi học, Hoàng nghĩ tới việc về cái thôn ven biển từng biết tới, khi đó nó vừa được sáp nhập với vài thôn khác ven lộ, thành xã Núi Biển.

Ý nghĩ về chuyện cũ không làm Hoàng chậm bước. Họ dừng lại trước căn biệt thự đơn lập, cách hàng rào nhà máy một khoảng. Hoàng nhận ra biệt thự được xây trên phần đất nhiều năm trước là nhà dân. Sảnh biệt thự sâu, cửa chính lắp kính dày, rèm che trong. Phòng khách liền cửa vào, thảm lót sàn màu huyết dụ sang trọng. Cuối phòng khách, một lối dẫn tới dãy phòng ngủ phía sau. Người phụ nữ vặn nắm cửa căn phòng cuối, gật nhẹ đầu, thay lời mời. Căn phòng khá rộng. Góc phòng trái tính từ cửa vào, một chiếc bàn trang điểm kiểu dáng, gương to, sáng. Vài bước cách bàn, chiếc giường nệm dày, drap trắng tinh tươm. Đèn chùm trần nhà thả ánh sáng dìu dịu, mát mẻ.

Nửa kia của chiếc giường, gần sát tường, người đàn ông tóc bạc trắng đỉnh đầu, nằm nghiêng, áo ngắn lộ lưng và một phần bụng núc thịt, nhiều mỡ thừa, thở nặng nhọc.

Người phụ nữ bỏ mũ trùm đầu. Chị ta ngoài năm mươi, mặt gầy, gò má nhô cao, mắt quầng thâm, da xanh. Hoàng đặt túi thuốc sát giường người đàn ông nằm. Thời gian không cho phép chậm trễ. Hoàng chồm người qua nửa giường, nắm vai người nằm kéo nhẹ để ông ta ngửa ra. Đúng lúc ấy, Hoàng sững sờ nhận ra gương mặt tròn, cái mũi to, đôi môi dày phàm phu của ông ta!

3

Căn phòng cuối dãy nhà ngang, nơi người ta chỉ Hoàng tới trình hồ sơ hôm đi xin việc. Người nhận hồ sơ, ngồi sau chiếc bàn gỗ, trước mặt có tấm bảng nhỏ ghi: “Phó chủ tịch.” Ông Phó đầu hơi cúi, má bự thịt, đang dán mắt vào tờ giấy trước mặt. Hoàng gõ cửa và ông này ngẩng lên. Hoàng ngạc nhiên với chiếc mũi lân đỏ ửng trên gương mặt ông ta, làm ông hơi dị tướng. Sau phút bất ngờ, ông Phó mỉm cười. (Sau này ông kể với Hoàng: Buổi chiều chẳng mấy khi ai tới xã nên tiếng là làm việc nhưng ông chỉ muốn tếch đi đâu đó để tránh buồn ngủ.) Hoàng đưa tập hồ sơ, ông Phó cầm xem qua vài trang rồi đặt xuống bàn. Ông gãi cằm bằng bốn ngón tay cong lại cho đến lúc thấy việc ấy đã đủ, thản nhiên: “Trạm y tế vừa có y sĩ là người địa phương. Vả lại quyết định nhận người là của Trung tâm y tế huyện. Địa phương chỉ đề nghị.” Rồi gương mặt mũi đỏ ấy nhìn Hoàng dò xét, như thể muốn biết người đối diện buồn rầu hay đau khổ. Không buồn, hắn ta chẳng màng việc làm lắm. Thanh niên bây giờ dạng ấy nhiều. Cha mẹ bảo đi xin việc, bèn đi cho phải đạo. Còn hắn tỏ ra đau khổ, chắc mất rất nhiều công sức đi xin việc trước đây? Chỉ bọn thanh niên cần việc làm, mất mát nhiều, mới tỏ ra nhăn nhó khi bị từ chối. Bởi vậy, đọc thấy nét thoáng buồn trên mặt Hoàng, ông Phó vừa mỉm cười vừa muốn tỏ một chút tình với chàng trai: “Biên chế của trạm không nhiều. Chẳng mấy khi người ta trả lương cho hai y sĩ cùng một trạm xá xã, đâu em.” Hoàng giãi bày: “Em cần một chỗ làm nghề, học hỏi kinh nghiệm thay vì lông bông. Em thấy ở đây thích hợp, nhất là thôn chài. Chữa bệnh cho người trong thôn, cũng tốt.” Hoàng có nước da trắng, mặt thật thà. Những lời nhẹ nhàng của Hoàng, rõ ràng làm ông Phó thấy nên tử tế với hắn, ít ra một lần. “Đây là xã biên giới biển, người ta quản lí chặt lắm. Ai nơi khác tới phải trình báo dù chỉ ở lại một đêm. Để tạm trú, phải có lí do chính đáng, thuyết phục.” Hoàng mềm mỏng, nói sẽ tuân thủ mọi quy định khi được phép tạm trú, làm nghề. Ở bên ngoài, buổi chiều trôi đi chầm chậm, tiếng xe cộ chạy ngang qua con đường cách đó mấy chục mét, gây nên những tiếng ầm ì bất thường rồi trở lại lặng yên. Trời hơi gió, tiếng gió rít qua khung cửa sổ phòng làm việc hơi hé mở, làm cho căn phòng trở nên buồn thiu. Cả hai người tự dưng thấy cần nói thêm điều gì đó, một người muốn tỏ ra có tấm lòng, còn người kia là sự tìm kiếm cơ hội khác. Ông Phó đưa mấy ngón tay to tròn như chuối ngự gõ nhẹ mặt bàn, như thể đắn đo. Ông lại lật từng trang hồ sơ. Đọc chậm. Bất chợt, ông hỏi Hoàng hồi đi học có học kĩ bệnh hen suyễn. Hoàng gật đầu. Ông Phó nhìn Hoàng. Ông đang có chút tâm sự, muốn kể với chàng trai trẻ đôi điều. Số là, vợ ông bị hen suyễn nhiều năm nay. Không ít đêm ông vất vả đỡ bà ngồi lên khi cơn suyễn hành hạ. Bà ấy như cây khô. Hồi chưa có trạm xá, có đêm ông đặt bà lên xe máy chở tới bệnh viện huyện. Người ta nói bệnh hen suyễn phải nuốt sống thằn lằn, ông đã bắt bao con thằn lằn và bà trợn ngược mắt, nuốt. Bệnh vẫn không bớt. Bây giờ bà ấy sống chung với bệnh tật. Ông Phó thân mật: “Người nhà tui bị hen suyễn trở trời, rất khó thở. Nói dông nói dài không bằng nói thật. Nếu tui giúp, cậu nên về nhà tui. Tui có thằng con trai năm nay mười lăm tuổi. Đẹp trai, to cao, tụi nhỏ quanh đây không đứa nào sánh được. Nhà mới xây, tui dành cho nó một phòng để sau này nó cưới vợ. Nếu Hoàng thuê mở phòng mạch thì lấy căn phòng đó. Rộng rãi lắm. Giá rẻ thôi.” Ông Phó nhìn Hoàng chờ đợi. Qua cách nói, Hoàng hiểu, ông có thể can thiệp anh ở lại Núi Biển. Song Hoàng còn nỗi lo tiền bạc. Mở phòng khám khi chưa ai biết mình là liều lĩnh. Hoàng từ tốn: “Tất cả với em đều mới mẻ. Em muốn mọi người biết em rồi mới mở phòng mạch. Anh cho em ở thôn chài, khi cần vẫn thăm khám cho người nhà anh được. Sau này, chắc chắn sẽ nhờ nhà anh.” “Ý cậu sau này tới chỗ tui?” Môi ông Phó hé nở một nụ cười. Hoàng gật đầu.

Cái giấy bảo lãnh của ông Phó cho phép Hoàng tạm trú làng chài, hành nghề. Về đây, Hoàng nghe nhiều chuyện về ông. Trước đó, ông khai thác đá núi. Một đội khai thác đá dưới quyền ông, ngày ngày cho ra mấy xe to đá xây dựng, chở đi đâu không ai rõ. Huyện xuống kiểm tra, ông đích thân chiêu đãi họ ở nhà hàng cách đó vài trăm thước nằm bên kia ranh giới tỉnh bạn, lúc nào nhạc cũng xập xình, con gái ăn mặc hở hang ra vô cười cợt suốt ngày. Mỗi lần từ cái nơi nhạc xập xình đó ra, mấy ông đoàn kiểm tra bước xiên xẹo, mặt mày đỏ gay, ông Phó đi bên cạnh cười hơ hơ như thế tất cả là bè bạn tốt. Đá vẫn tiếp tục xuất đi. Khi xã Núi Biển thành lập, chính những người lâu nay ra vô nhà hàng xập xình cùng ông, giới thiệu ông tham gia Hội đồng nhân dân xã, được bầu giữ chức Phó chủ tịch. Ông Phó có thói quen ra bãi lúc những con thuyền đánh cá qua đêm vừa về. Ông hỏi thăm những người đánh cá, nay người này, mai người nọ. Thường là hai cái đầu chụm lại: “Giấy trên đưa về yêu cầu khám sức khoẻ thanh niên. Thằng nhỏ nhà chú nằm trong diện đó. Anh thương chú nên mới nói. Đừng nói với ai, chuyện anh kể với chú.” Kết chuyện, rời đi, ông Phó được người kia tặng cho vài con cá to, kèm lời đề nghị giúp đỡ. Cá ấy, người nhà ông bán cho xe qua đường hàng ngày.

Ở thôn chài, Hoàng được Thúy, cô con gái hai mươi tuổi, mặt như ngọc, vừa tốt nghiệp trung học phổ thông năm trước, nói với cha là trưởng thôn, cho Hoàng ở nhờ chái nhà. Cái chái trưởng thôn hay cất giữ đồ nghề đi biển. Từ đây, sáng sáng, Hoàng xách túi thuốc, thăm khám bịnh cho mấy ông bà già lớn tuổi. Nhiều người khen y sĩ Hoàng mát tay. “Ba và cô bác trong thôn muốn dựng cho anh, cái nhà lá trên đám đất trống để anh chữa bịnh.” Thuý chủ động nói. Hoàng mỉm cười, lắc đầu. Xem ra, cái chái nhà vẫn thích hợp. Ở đó, ngày ngày anh nghe tiếng Thúy, nghe cô hát mấy bài tình ca. Nhưng rồi nhân chuyến đi lấy thuốc mấy ngày, Hoàng trở về, một căn nhà mới đã dựng xong. Hoàng chuyển sang nhà mới theo yêu cầu của mọi người. Sáng ấy, Hoàng đứng trước nhà nhìn ra bãi. Cảm giác của Hoàng lúc này ngoài sự thư thái là sự cảm động. Người dân thôn chài yêu quý Hoàng. Hoàng thấy Thúy thật đáng yêu, trân trọng tấm lòng thương người của cha cô. “Phải cố gắng sống tốt.” Hoàng thầm nhủ và mỉm cười. Cái cười dứt, Hoàng nhận ra cái dáng thấp tròn của ông Phó, từ chỗ một chiếc thuyền đi về phía mình. Dáng đi lệch hẳn sang trái vì xách nặng. Đôi dép tổ ong đỏ ông mang trong chân đập vô mắt Hoàng như một cái gì nổi trội, khác thường. Hôm Hoàng xin việc, ông cũng mang dép đỏ. Màu đỏ làm nổi đình nổi đám hai bàn chân đen đủi, to bè của ông. Hoàng nghĩ, ông này chắc xỏ đại dép của vợ đây, vì ở xã đèo heo gió hút này chẳng ai mang giày, dép sang trọng, đắt tiền gì đâu. Nhưng bây giờ đôi dép đỏ đó cho Hoàng cảm nghĩ, ông Phó có phần ưa thích màu đỏ chót! Hoàng đọc đâu đó, nếu là đàn bà ưa thích màu đỏ chót, chói sáng, thường có tính kiêu kì, hơn thua. Đàn ông là sự ngạo mạn, có phần bạo liệt, hơi đàn bà trong tính cách. Đó còn là cái màu gợi dục. Bởi vậy, phòng the thường có rèm đỏ. Thấy cái màu đỏ một phát, súng muốn giương nòng ngay, muốn bắn tùng tùng… Đàn ông quá chuộng cái màu đỏ chói chang, xem trong tính tình ít nhiều bạo liệt, nhiều ham hố trong đời sống, nếu như không có sự biết kiềm chế. Hoàng cười thầm khi liên tưởng về tính tình con người đang đi tới mình. Liền đó, nhìn vào cái túi lưới nặng nề ông Phó xách, thấy màu xám xanh da cá thu, Hoàng liên tưởng đến nỗi khổ của người nghèo mang những thứ đánh được làm quà. Một nỗi buồn, gần như trách cứ, có chút xem thường xuất hiện trong Hoàng. Hoàng gật đầu chào. Thay vì chào lại, mắt ông Phó long lên, nghiêng ngó căn nhà, gay gắt: “Cậu làm hả?” Khi nghe Hoàng nói người trong thôn, cằm ông Phó bạnh ra, gằn giọng: “Ai cũng phải xin phép xã. Khi người ta làm nhà, cậu phải báo với tui. Cậu còn nhớ đã hứa gì không?” Ông Phó đi một vòng quanh nhà. Hai con người đối diện nhau khi cái vòng xem xét đã xong: “Không coi Nhà nước, phép tắc ra gì hết. Cậu nói với tôi chỉ ở tạm đây một thời gian mà?” Hoàng thấy cần mời ông vào nhà, giải thích thêm, nhưng ông Phó gạt đi, ném cái nhìn bực dọc, liên tục lắc đầu, hầm hừ: “Mấy người chờ xem!” Rồi ông quày quả trở ra con đường cũ. Vẫn cái túi lưới làm ông nghiêng hẳn sang một bên!

Đã nhiều lần, Hoàng muốn ông Phó hiểu mình. Thấy ông ở ngoài bãi, Hoàng đến chào, ông liền quay đi. Hoàng hiểu, nếu như lúc này, Hoàng tới trọ nhà ông, trả tiền thuê nhà hàng tháng, quan hệ sẽ cải thiện. Nhưng Thúy không muốn Hoàng đi. Trưa nào, Thúy cũng sang chỗ Hoàng, làm mọi chuyện lặt vặt giúp anh. Những đêm trăng, Hoàng rủ Thúy ra bãi, cô vui vẻ đi cùng. Họ đi im lặng trên bãi, hoặc là Thúy hát. Hoàng mỗi ngày một mến Thúy khi cô bảo: “Anh nên đi học lên bác sĩ, em lo cho.” Hoàng cốc nhẹ lên đầu cô, bảo: “Thôi đi, tiền đâu?”

Rồi một ngày, ông Phó ôm cặp da, dẫn đoàn người tới trước sân nhà trưởng thôn, tổ chức cuộc họp mà ông nói rất quan trọng. Ngồi sau chiếc bàn gỗ, ông Phó trịnh trọng: “Xã ta vừa có việc trọng đại, vinh dự. Sau nhiều năm nghiên cứu, cấp trên chọn Núi Biển, xây nhà máy điện công suất lớn, chạy than. Khi hoàn thành nhà máy cho sản lượng điện lớn, hoà vô lưới điện quốc gia. Nửa thôn chài ta, cụ thể tính từ nhà trưởng thôn ra tới mũi đá nằm trong diện thu hồi đất. Người bị thu hồi đất sẽ di dời tới nơi mới, có hỗ trợ vật chất. Tui muốn bà con phát biểu, nói hết khó khăn để sau đó đồng lòng cùng Nhà nước.” Trước giờ, thôn chài chưa ai mường tượng, nghe cái điều khủng khiếp đó. Khủng khiếp hơn cả khi đi trên biển gặp bão. Không làm biển nữa sống bằng gì? Bầu không khí nặng nề úp chụp lên ngần ấy con người. Hoàng ngồi cuối đám đông, nghe hết sự tình. Cảm nhận những gì trọng đại sắp xảy ra. “Lên tiếng đi mọi người.” Hoàng nhủ thầm. Đáp lại chỉ là những tiếng xầm xì to nhỏ. “Không ai ý kiến làm sao ghi biên bản?” Ông Phó ném cái nhìn khắp lượt, lắc đầu, nói to. Hoàng thấy cần phát biểu giúp dân. Thấy anh giơ tay, ông Phó mặt tròn ra, gật đầu. “Thưa Phó chủ tịch, xây nhà máy là cần thiết, nhưng vì nhà máy chạy than sẽ không tránh khỏi khói bụi, gây ô nhiễm môi trường. Có một loại bụi siêu nhỏ, mắt thường không trông thấy, khoa học gọi là bụi mịn. Bụi mịn bay lơ lửng trong không khí, mắt thường không trông thấy nhưng là tác nhân của nhiều loại bệnh đường phổi… Cấp trên, nếu xây nhà máy cần trồng cây bảo vệ môi trường, bảo vệ những người sống trong phạm vi xã Núi Biển vì ô nhiễm bụi lan rộng, hàng mấy chục cây số, nếu gặp gió.” Hoàng dõng dạc. Nghe tới đây, ông Phó bật dậy như phải lửa, lắp bắp, nước bọt văng xuống trang giấy mở sẵn của người ghi biên bản bên cạnh. “Tôi cắt ngang. Nói ô nhiễm môi trường là không đúng. Các nước làm nhà máy than ầm ầm kia, dân có phản đối ô nhiễm môi trường đâu? Đây là chuyện trọng đại. Vì Tổ quốc xã hội chủ nghĩa không thể không làm!” Mặt ông Phó chuyển màu chàm, tay nắm chặt micro tựa hồ bóp nát nó. Sau cùng, ông đập tay xuống bàn: “Chẳng có chuyện ô nhiễm gì cả. Bụi mịn, lần đầu tui nghe thấy mà nếu có, gió biển ở đây thổi bay chúng đi. Than đốt thành khói bay lên trời, có gió biển nữa, ô nhiễm cái gì? Xin nói thêm, anh Hoàng chưa là dân chính thức. Cuộc họp này dành cho người trong thôn!”

…Hoàng tiếp tục những ngày chữa bịnh cho người trong thôn. Những người dân nằm trong danh sách rời đi đề nghị Hoàng đo đất, tính toán giúp để có cơ sở yêu cầu bồi thường. Lần nào trên đường về, toán đo đạc cũng ngang qua trụ sở ủy ban xã. Đều thấy ông Phó đứng nhìn, môi trề ra, lắc đầu. Chiều hôm ấy nắng gắt, Hoàng ở chóp mũi đá, đo phần đất có mồ mả tổ tiên của dân lâu nay. Trên cao xuống, thôn chài hiện ra trong nắng, Hoàng không khỏi thở dài: ít lâu nữa cảnh sắc tươi xanh này mất đi khi những căn nhà xây với ống khói to mọc lên. Những con thuyền đi biển không còn chỗ neo đậu. Nguy cơ nghề chài lưới và làng chài không còn khi một phần bà con phải chuyển tới nơi ở mới. Hỡi những rặng dừa thân yêu, nơi tôi sống lâu nay, chắc gì còn xanh? Đúng lúc ấy, Hoàng bất ngờ khi thấy khói đen, cùng lúc vài người trong nhóm đo đất chạy tới, la to: “Có cháy. Cháy dưới làng nhìn kìa. Sao mà cháy hở trời. Về thôi. Chúng ta về thôi.” Một đám cháy vừa xảy ra, lửa khói mỗi lúc một bốc cao lên khỏi rặng dừa. Hoàng theo mọi người về đến nơi, thì ra, căn nhà bị cháy là nhà mọi người dựng cho anh. Lửa gặp lá, thêm gió, nổ lép bép, cho tới khi căn nhà đổ sụp một bên rồi thành tro bụi. Mọi thứ đều nằm trong lửa. Hoàng như người mất hồn đi quanh đám cháy, bước ra đám chuối xanh cách nhà mươi thước theo thói quen. Bên cạnh bụi chuối, một tờ báo cũ bị xé nhỏ như thể dùng làm mồi lửa, một đôi dép tổ ong đỏ lật ngửa kề đó. Đôi dép nói với Hoàng nhiều điều. Hẳn lúc vội vàng con người đó bỏ lại đôi dép. Hoàng thở dài. Con người đó muốn anh đi, Hoàng hiểu thế!

4

Con người đó nằm kia, mặt nhàu nhĩ, không còn đâu cái vẻ cao ngạo khi ông ta mời Hoàng lên ủy ban xã, thông báo: “Anh đã bất cẩn để cháy nhà. Chúng tôi rất buồn thông báo: Anh phải rời đi trong vòng hai ngày. Quá hạn đó, công an làm việc!”

Hoàng nhìn lại người phụ nữ. Hoàng chưa từng ghé nhà để biết mặt chị ta trước kia. Chị ta có biết chuyện căn nhà cháy? Họ ra phòng khách để tiện trao đổi. Bây giờ, Hoàng mới chú ý hơn đến căn phòng khách sang trọng. Một chiếc băng dài đặt sát tường dành cho khách. Ở tường đối diện, treo ảnh chân dung một thanh niên trẻ trong bộ áo vest. “Chồng chị ho từ thời điểm nào?” “Sau thời điểm con trai tôi mất cách đây hơn năm. Cháu mất vì lao phổi khi vô nhà máy.” Người phụ nữ nhìn xuống nền gạch, tiếp tục: “Chồng tôi và cháu vô nhà máy trước. Nhà máy đánh giá cao ảnh vì có công trong di dời dân, gây dựng ban đầu. Ảnh giữ kho xỉ than. Kho xỉ thường bốc lên lớp sương mù đục trong nhiều ngày. Tuần rồi, lớp sương xuất hiện dày, trùm lên kho xỉ vừa được chuyển vô trong núi cách đường lộ không xa vì ngoài này không còn chỗ chứa. Chồng tôi ở trong núi một tuần. Về tới nhà, ảnh khó thở, còn trước đó thì ho khúc khắc.” Những giọt nước mắt lăn trên má chủ nhà. Hoàng nhìn ảnh chân dung người thanh niên chết trẻ. Người đàn ông nằm trong phòng kia trả cái giá bằng đứa con... Lúc này, Hoàng có thể đối xử với con người đó theo cái cách anh muốn. Thật dễ. Vài viên thuốc thông thường không ngăn được tình trạng viêm phổi cấp, anh ta mắc phải. Kéo dài sẽ nguy kịch tính mạng. Thấy Hoàng im lặng, người phụ nữ càng thở dài, trông phút chốc gương mặt chị ta như quả cau khô choắt lại. Vẫn nước mắt lăn trên má gầy guộc, trước khi người đàn bà dùng mu bàn tay chùi đi. Đến lượt Hoàng thở dài. Lát sau, Hoàng bước về phía cửa chính. Anh nhìn bóng đêm, nhìn những quầng sáng của ngọn đèn bên kia hàng rào nhà máy. Lâu nay, nhà máy này vẫn chưa trồng nhiều cây xanh chắn gió. Tình trạng ô nhiễm môi trường tiếp tục gia tăng. Con người đang nằm kia là nạn nhân trong số nhiều nạn nhân tương lai. Vẫn tư thế quay lưng về người phụ nữ, Hoàng bấm máy. Hoàng gọi Sang. Hy vọng đêm nay bạn ấy trực bệnh viện. Giọng Sang vang lên tỉnh táo: “Gì đó ông thần?” Hoàng kể nhanh nội tình người bịnh, ngắn gọn: “Vì tình bạn, ông hỗ trợ cho chuyến xe cấp cứu, tới ngay nhà máy điện. Còn việc ông đề nghị, ít lâu nữa tui đáp ứng.” Trong lúc chờ xe, Hoàng tiêm cho người bịnh loại thuốc giúp ông ta dễ thở…

------------

Bài viết cùng chuyên mục:

Đêm sân khấu. Truyện ngắn dự thi của Trần Thị Hồng Anh Nửa chừng một nốt La. Truyện ngắn dự thi của Đoàn Duy Long Đọc truyện: Nửa chừng một nốt la. Truyện ngắn dự thi của Đoàn Duy Long Thương. Truyện ngắn dự thi của Mai Linh Đọc truyện: Người chăn sóng biển. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Hiệp
Bản tin Văn nghệ: Ra mắt vở kịch thơ "Nữ sĩ Hồ Xuân Hương"

Bản tin Văn nghệ: Ra mắt vở kịch thơ "Nữ sĩ Hồ Xuân Hương"

Baovannghe.vn - Nhà hát Thế Giới Trẻ (thuộc Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP HCM) sẽ công diễn vở "Nữ sĩ Hồ Xuân Hương" vào ngày 24/10 do NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đạo diễn.
"Cu li không bao giờ khóc" giành giải  FIPRESCI  - Liên hoan điện ảnh mới tại Canada

"Cu li không bao giờ khóc" giành giải FIPRESCI - Liên hoan điện ảnh mới tại Canada

Baovannghe.vn - Sau chiến thắng tại Liên hoan, Phim Cu li không bao giờ khóc cũng đã được ấn định lịch phát hành tại Việt Nam vào ngày 15/11 tới.
Bộ GD&ĐT: 5 đối tượng được đề xuất tuyển thẳng vào lớp 10 THPT

Bộ GD&ĐT: 5 đối tượng được đề xuất tuyển thẳng vào lớp 10 THPT

Baovannghe.vn - Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư ban hành Quy chế tuyển sinh, trong đó có quy định rõ về các đối tượng được tuyển thẳng, được hưởng ưu tiên cộng điểm trong tuyển sinh vào lớp 10
Quốc hội bước sang ngày làm việc thứ 2 Kỳ họp thứ Tám

Quốc hội bước sang ngày làm việc thứ 2 Kỳ họp thứ Tám

Baovannghe.vn- Ngày 22.10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Báo cáo , dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025, Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2025 – 2027.
Đổ vỡ và khủng hoảng, nhìn từ một gia đình tứ nữ

Đổ vỡ và khủng hoảng, nhìn từ một gia đình tứ nữ

Baovannghe.vn - Thành công nhất của Phạm Thị Bích Thủy trong Gia đình có bốn chị em gái là: viết như một can dự tích cực vào cuộc sống. Viết không phải là đi tìm câu trả lời, mà là liên tục tra vấn cái thế giới đầy những đổ vỡ và khủng hoảng này...