Giải thưởng Văn học nghệ thuật Thủ đô năm 2024 được lựa chọn từ 100 tác phẩm gửi đăng ký tham dự với đa phần các tác phẩm tham gia bám sát nội dung, chủ đề. Nhiều tác phẩm đã toát lên được hơi thở, nhịp sống đương đại, ca ngợi giá trị tinh hoa của vùng đất, con người và văn hóa Hà Nội với phong cách thể hiện tác phẩm mang cá tính.
Các tác giả nhận Giải thưởng VHNT Thủ đô năm 2024 |
Qua thời giam chấm, tuyển chọn, Hội đồng nghệ thuật đã chọn được 26 tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật xuất sắc để trao giải thưởng. Đây là những tác phẩm tiêu biểu, thể hiện sức lan tỏa và tính đa dạng trong sáng tạo, phản ánh chân thật, sâu sắc, toàn diện hiện thực Thủ đô trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển; góp phần khơi dậy, phát huy hào khí “Thăng Long nghìn năm văn hiến”, truyền thống “Thủ đô anh hùng”, phấn đấu vì một Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
Chúc mừng tác giả 26 tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật xuất sắc được trao giải, đồng chí Đào Xuân Dũng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết, trong bối cảnh đất nước, Thủ đô đang hội nhập sâu rộng và bước vào kỷ nguyên mới, giới văn học, nghệ thuật và văn nghệ sĩ Thủ đô cần tiếp tục đẩy mạnh sáng tạo, xây dựng nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, phản ánh chân thực, sinh động hiện thực đời sống và công cuộc đổi mới của Thủ đô, góp phần bảo về nên tảng tư tưởng của Đảng; phổ biến, quảng bá rộng rãi các tác phẩm xuất sắc đến đông đảo công chúng, góp phần bồi đắp tâm hồn, xây dựng nhân cách, lối sống văn minh, thanh lịch của con người Hà Nội; gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa Thăng Long - Hà Nội, kết hợp hài hòa giữa giá trị truyền thống và hiện đại.
Dưới đây là danh sách các tác phẩm đạt giải thưởng
Lĩnh vực văn học có tác phẩm “Thơ và trường ca” (Nguyễn Việt Chiến), “Hà Nội - Văn chương trên chặng đường mới” (Bùi Việt Mỹ), “Miền ký ức” (Cao Ngọc Thắng).
Lĩnh vực âm nhạc, có tác phẩm “Hà Nội mùa thu trong em” (Cấn Tùng Lâm), “Hàng Buồm phố cổ tôi yêu” (Cát Vận), “Nguyễn Đình Thi với âm nhạc” (Nguyễn Thị Minh Châu), “Yêu Hà Nội vào thu” (Hồng Hoa).
Lĩnh vực nhiếp ảnh, có tác phẩm “Qua miền di sản” (Phan Huy Thiệp), “Mua hoa trên phố cổ” (Vũ Quang Ngọc), “Tour trải nghiệm Ngọc Sơn - Đêm huyền bí” (Trần Thu Hà).
Lĩnh vực sân khấu có tác phẩm “Vòng tròn bội bạc” (Nhà hát Kịch Hà Nội), “Nắm xôi kỳ diệu” (Nhà hát Chèo Hà Nội), “Bàn về sáng tác kịch bản sân khấu” (Lê Quý Hiền), “Phận má đào” (Nhà hát Cải lương Hà Nội).
Lĩnh vực mỹ thuật có tác phẩm “Tiến về Thủ đô” (Vũ Đại Bình), “Nút giao phức hợp” (Ngô Thành Nhân), “Hà Nội thời mũ rơm” (Bùi Vi Hoài), “Lá chắn thép” (Đào Hoa Vinh).
Về văn nghệ dân gian, có tác phẩm “Các nhà khoa bảng Sơn Tây” (Bùi Xuân Đính, Đinh Khắc Thuân), “Làng cổ Triều Khúc” (Giang Nguyên Bồi).
Lĩnh vực điện ảnh có tác phẩm “Bác sĩ Trần Duy Hưng - Một phẩm cách Hà Nội” (Phạm Hằng Giang), “Ngàn năm sênh phách” (Việt Hương), “Sinh năm 1972” (Nguyễn Sĩ Chung, Bành Mai Phương).
Lĩnh vực múa có tác phẩm “Họa tình nhân gian” (Nguyễn Thị Thanh Hằng, Lữ Thị Kiều Lê, Phạm Thanh Tùng, Nguyễn Thị Hiền Trang), “Nghiên cứu múa dân gian nước ngoài” (Tạ Thị Kim Thịnh), “Thiếu niên anh hùng” (Trần Thảo Vân).