Sự kiện & Bình luận

Câu chuyện của chính mỗi chúng ta. Nhà văn Nguyễn Bình Phương

Nguyễn Bình Phương
Lăng kính văn nghệ
10:07 | 26/11/2024
Baovannghe.vn - Giải thưởng SEA Write, hay Giải thưởng Nhà văn Đông Nam Á, là giải thưởng được trao hàng năm kể từ năm 1979 cho các nhà thơ và nhà văn Đông Nam Á. Giải thưởng được trao cho các nhà văn từ mỗi quốc gia trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Buổi lễ được tổ chức tại Bangkok, với sự chủ trì của một thành viên hoàng gia Thái Lan. Nhà văn Nguyễn Bình Phương đã vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà văn Đông Nam Á (S.E.A Write Award) năm 2022 với tiểu thuyết "Một ví dụ xoàng".
aa

Câu chuyện của chính mỗi chúng ta

Bản thân tôi nghĩ, viết văn là kể một câu chuyện theo cách mà ta không hình dung trước được giới hạn. Vì không hình dung trước nên để kết thúc thì phải cần đến nghệ thuật của sự dũng cảm. Thường thì tôi không nhớ mình mở đầu tác phẩm ra sao, nhưng tôi lại nhớ rõ tâm trạng của mình khi kết thúc các bản thảo. Với cuốn sách này cũng vậy, tôi còn giữ cái cảm giác bải hoải khi gõ dấu chấm cuối cùng xuống dòng chữ cuối cùng. Khi ấy, một ý nghĩ vang lên: rút cuộc đã có nhiều người cùng kể lại câu chuyện về một người. Dĩ nhiên những lời kể ấy chỉ là các dị bản, nhưng chẳng sao. Bản thân mỗi chúng ta đã mang sẵn vô số dị bản mà ta không để ý, chỉ thảng hoặc nhận ra, trong thoáng chốc, rồi buông lãng đi. Với tôi, dị bản luôn đứng đầu trong hệ thống những giá trị đáng kể nhất của đời sống, bởi nó là hiện thân của sự sáng tạo, cũng có nghĩa hiện thân của sự không kết thúc.

Câu chuyện về người đàn ông bị xử tử năm nào, cùng những vụ xử tử khác nữa, quẩn quanh trong tôi từ rất lâu. Nó giống như đám mây tích sũng nước chờ dịp oà ra. Cho đến một ngày, các giác quan đồng thanh cất tiếng đòi phải viết, và tôi ngồi xuống. Những sự kiện trồi lên, rồi trong địa hình mấp mô các sự kiện ấy, nhân vật chậm rãi hiện dần ra. Hành trình phục dựng một nhân vật chính là hành trình của một người già đi giật lùi về thời thanh tân của mình. Càng lúc hình dáng lụ khụ, thụ động kia càng hoạt bát, sôi sục hơn.

Những gì được kể lại không phải chỉ để tưởng nhớ người đã chết, mà còn nhằm chỉ ra rằng tất cả chúng ta đang luôn trong tình trạng sửa soạn khai tử một ai đó, dưới hình thức nào đó, không loại trừ cả khía cạnh tinh thần với những ý nghĩ. Tôi nói chúng ta, bởi vì rõ ràng, con người sống trong môi trường tương sinh, một xao động cá nhân cũng tác động đến xung quanh. Do đó, bằng trực tiếp hay gián tiếp, mỗi người đều can dự vào, chỉ có điều người thụ động, kẻ chủ động, người vì trách nhiệm, kẻ vì bản năng thú tính, thậm chí có cả vì thái độ thờ ơ, vô cảm. Đành rằng, nhìn tổng thể, sự sống luôn vượt lên những tàn phá, nhưng hiện thực nghiệt ngã ở chỗ: con người huỷ hoại con người nhiều hơn là con người bị loài khác huỷ hoại. Dường như chúng ta tồn tại không phải để chống chọi lại với những loài khác, mà là để chống chọi với đồng loại mình, và với cả chính bản thân mình. Trong tôi luôn có tình trạng co kéo, giằng xé, một bên là ý nghĩ về tính tuân thủ nghiêm minh của luật pháp, cùng luật nhân quả, bên kia là xa xót đồng loại. Sự xa xót ấy, thời hôm nay, đôi khi tự nhận thấy nhuốm chút màu của tinh thần nhân văn rẩm rít. Nhưng rõ ràng kẻ phạm tội nào, nạn nhân nào rồi cũng vẫn là đồng loại của chúng ta, cũng là một quả trứng trong một bọc trứng. Chúng ta đau xót cho đồng loại là chuẩn bị đau xót cho chính mình. Có nghĩa chính chúng ta chịu trách nhiệm về số phận đồng loại mình chứ không phải một đấng bậc nào khác.

Làm nhà văn thì luôn khổ sở vì đồng loại. Tôi cứ băn khoăn liệu có nhà văn nào đủ mạnh mẽ để thoát khỏi nỗi khổ sở đó không? Liệu có ai bản lĩnh cao cường đến mức coi việc nhẩn nha, chu đáo xử tử một thành viên trong cộng đồng mình là chuyện xoàng không? Ngay cả khi vượt qua được những khổ sở ấy rồi, thì liệu lúc đó có còn là nhà văn đúng nghĩa nữa hay không? Con người xã hội của tôi chưa biết vì thế con người nhà văn trong tôi phải viết ra để chờ đợi những hồi âm. Trong quãng thời gian chờ đợi, đôi khi tôi mơ thấy tới lượt mình trở thành một ví dụ xoàng, sau đó tới người khác, rồi người khác nữa cũng tới lượt. Tóm lại chẳng ai thoát cả. Chẳng ai thoát nếu không có tiếng gầm phẫn nộ của nhân tính vang lên ở đâu đó. Thiếu tiếng gầm ấy, sự kết thúc đầy rẻ rúng mà chúng ta tạo ra cho nhau chỉ còn là vấn đề thời gian. Và tôi tò mò muốn biết thêm, khi ấy, khi tới lượt chính mình, liệu mỗi chúng ta còn đủ lạnh lùng chấp nhận ta cũng vẫn chỉ là một ví dụ xoàng như những đồng loại trước đấy không. Hay lúc đó ta sẽ phản đối bằng tiếng kêu muộn mằn rằng: không được phép huỷ hoại ta bừa bãi, bởi ta, trong tư cách trọn vẹn con người, là kẻ được tạo hoá gửi gắm những điều thiêng liêng nhất của sự sống trên thế gian này.

Ở mỗi câu chuyện mà văn học kể, bao giờ cũng ẩn tàng rất nhiều câu hỏi. Vì thế, truy tới ngọn nguồn thì văn học là câu hỏi, những câu hỏi day dứt. Còn trả lời hay không trả lời, trả lời ở mức độ nào, quyền ấy thuộc về từng độc giả.

Trước khi dừng lời, tôi xin đính chính rằng, những gì tôi vừa trần tình cũng chỉ là một dị bản giữa nhiều dị bản trong tôi. Đến bây giờ bản thân tôi cũng chưa xác quyết bản nguyên của sự sống là gì, bản nguyên của lòng nhân đạo là gì, cũng như bản chất của văn học là gì. Vì chưa rõ nên chắc chắn tôi sẽ phải tiếp tục đi tìm bằng những dị bản khác, thông qua các sáng tác tiếp theo.

Giải thưởng này là lời ghi nhận, khích lệ.

Xin cảm ơn vì đã trao cho tôi.

Câu chuyện của chính mỗi chúng ta
Nguyễn Bình Phương là nhà văn, nhà thơ nổi bật của văn học đương đại Việt Nam.

Nhà văn Nguyễn Bình Phương (sinh năm 1965, quê Thái Nguyên) được trao Giải thưởng nhà văn Đông Nam Á 2022 với tiểu thuyết “Một ví dụ xoàng” từng được Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021.

Nguyễn Bình Phương là nhà văn, nhà thơ nổi bật của văn học đương đại Việt Nam. Ông được biết đến qua những tác phẩm đầy tính thử nghiệm và chiều sâu tâm lý, kết hợp giữa hiện thực và huyền ảo. Các tiểu thuyết tiêu biểu của ông như Thoạt kỳ thủy, Ngồi, Người đi vắng, Mình và họ đã mang lại dấu ấn độc đáo trong nền văn học Việt. Tập thơ Buổi câu hờ hững của ông từng đoạt giải thưởng HNV Hà Nội.

Câu chuyện của chính mỗi chúng ta
Tác phẩm Một ví dụ xoàng đoạt giải thưởng Giải thưởng Nhà văn Đông Nam Á 2022 và Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam 2021.
Ngục chữ - Thơ Nguyễn Ngọc Hưng

Ngục chữ - Thơ Nguyễn Ngọc Hưng

Baovannghe.vn- Khuôn sáo cứng đơ giết mòn ngữ nghĩa/ Muốn tự do tông tột đến sứt sờn
Một thế giới khác - Truyện ngắn dự thi của Vũ Thị Huyền Trang

Một thế giới khác - Truyện ngắn dự thi của Vũ Thị Huyền Trang

Baovannghe.vn - Có hôm đang đi Nhã dừng xe ngồi lại trên ghế đá công viên nhìn dòng người qua lại. Nhã tuyệt nhiên không nghe thấy tiếng xe cộ ầm ĩ nữa. Nhã đã rơi tõm vào một thế giới khác. Thế giới của hồi tưởng và ký ức. Nó hoàn toàn khác với những ngày Nhã thấy mình sắp phát điên. Triệu chứng sợ ánh sáng và tiếng ồn lúc nhỏ lại trở về...
Về miền ánh sáng - Truyện ngắn của Phạm Đức Hùng

Về miền ánh sáng - Truyện ngắn của Phạm Đức Hùng

Baovannghe.vn - Một buổi chiều Hậu ngồi tết tóc cho bé Duyên ở sân chùa thì cô bảo bé hát. Bé Duyên đứng lên, cất tiếng hát trong trẻo, cao vút khiến Hậu hết sức bất ngờ. Sự vô tư lự của bé khi giơ hai cẳng tay không có bàn tay lên cao đu đưa người theo nhịp điệu bài hát đã tiếp thêm nghị lực sống và khát vọng sống cho Hậu. Tự dưng cô khao khát có con, khao khát sống...
Xã hội hóa xuất bản sách giáo khoa: Thành tựu của đổi mới toàn diện giáo dục

Xã hội hóa xuất bản sách giáo khoa: Thành tựu của đổi mới toàn diện giáo dục

Baovannghe.vn - Kết quả bước đầu trong thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa đã khẳng định đây là chủ trương đúng đắn, phù hợp với xu thế, là cơ sở để đạt được mục tiêu của đổi mới giáo dục.
Một thực hành di sản tại Nhật Bản

Một thực hành di sản tại Nhật Bản

Baovannghe.vn - Khi tới Bảo tàng Tokugawa từ ngày 22/10/2024 đến ngày 04/11/2024, khán giả có dịp chiêm ngưỡng bộ sưu tập của gia tộc Tokugawa về “Truyện Genji” cùng thế giới Miyabi (Nhã) đại diện cho văn hóa quý tộc Nhật Bản xưa.