GS Đào Duy Anh (1904-1988) là tấm gương lao động khoa học không biết mệt mỏi, vượt qua mọi hoàn cảnh, với niềm đam mê và khát vọng cống hiến lớn lao. Di sản mà ông để lại rất đồ sộ, trên nhiều lĩnh vực, mà ở lĩnh vực nào cũng mang dấu ấn sâu đậm, có tầm ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài.
Ở lĩnh vực từ điển, với hai cuốn từ điển Hán - Việt và Pháp - Việt xuất bản trong thập niên 1930, không chỉ là các sách công cụ tra cứu rất cần thiết thời điểm bấy giờ mà trong đó, ở những trường hợp cụ thể, ông đưa ra những giải thích khoa học và tiến bộ theo quan điểm mác-xít. Với ảnh hưởng và tác dụng to lớn, các công trình này góp phần đặt cơ sở cho nền từ điển học Việt Nam và đưa Đào Duy Anh trở thành nhà từ điển học tiên phong.
Trong lĩnh vực văn hóa nói chung, văn học nói riêng, với hàng loạt công trình xuất bản trước và sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, GS Đào Duy Anh vừa có những đóng góp mang tính khai mở, vừa có cả những khảo cứu chuyên sâu. Tác phẩm Việt Nam văn hóa sử cương được coi là một trong hai công trình khoa học mang tính nền tảng của văn hóa học hiện đại Việt Nam (cùng với Văn minh An Nam của Nguyễn Văn Huyên).
Năm 1964, GS Đào Duy Anh hoàn thành công trình Đất nước Việt Nam qua các đời. Đây là một khảo cứu cực kỳ công phu, một cống hiến lớn của ông về địa lý học lịch sử. Bằng việc tham khảo nhiều nguồn tài liệu, nhất là tài liệu nước ngoài, học hỏi và kế thừa thành tựu, kinh nghiệm trong và ngoài nước, tác phẩm này được đánh giá vừa có tính tổng kết, vừa chuẩn bị và vạch hướng cho tương lai phát triển của địa lý học lịch sử Việt Nam, xứng đáng là công trình tiêu biểu đưa ông trở thành “nhà địa lý học lịch sử tiêu biểu nhất và nổi bật nhất ở thế kỷ 20”.
Trong lĩnh vực sử học, GS Đào Duy Anh không chỉ là thế hệ xây nền đắp móng của Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), mà rộng hơn, là của cả nền sử học Việt Nam hiện đại. Các bộ giáo trình ông viết trong 3 năm công tác ở Khoa Lịch sử (1956-1958), thuộc thời kỳ lịch sử cổ trung đại Việt Nam, đã trực tiếp góp phần đào tạo thế hệ các nhà sử học đầu tiên của nền sử học Việt Nam mới, cũng là tài liệu tham khảo có giá trị mãi về sau này, ngay cả khi các bộ giáo trình Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam (3 tập) do các học trò - cộng sự xuất sắc của ông biên soạn được xuất bản.
Các học trò đến chúc thọ GS Đào Duy Anh (ngồi giữa) tuổi 80. Ảnh tư liệu |
Đảm nhiệm vị trí Chủ nhiệm bộ môn Cổ sử Việt Nam, GS Đào Duy Anh đã tập trung nỗ lực cao độ để chỉ trong một thời gian ngắn biên soạn, bổ sung các bộ giáo trình về lịch sử Việt Nam thời kỳ cổ trung đại. Các cộng sự trẻ tuổi bấy giờ như Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn đã được sự hướng dẫn, dìu dắt của GS Đào Duy Anh. Các lớp sinh viên đầu tiên được GS Đào Duy Anh trực tiếp giảng dạy, hướng dẫn, nhiều người trong số đó sau này trở thành những nhà nghiên cứu, nhà quản lý xuất sắc. Đặc biệt, GS Đào Duy Anh đã có đóng góp quan trọng trong việc xây dựng cơ sở tư liệu của Khoa bằng việc mua các thư tịch Trung Quốc, sao chép các bộ sử và tài liệu Hán Nôm của Việt Nam, các tài liệu bằng chữ phương Tây (Anh, Pháp), tiến hành dịch thuật các tài liệu quan trọng với sự cộng tác của các nhà Hán học cao tuổi, thông thạo cả chữ Hán và chữ Pháp. Phòng Tư liệu của Khoa Lịch sử với hàng vạn đầu tài liệu quý hiện nay được xây dựng có phần đóng góp quan trọng của GS Đào Duy Anh.
Khi công tác ở Viện Sử học, GS Đào Duy Anh đã hiệu đính và chú giải nhiều bộ sử lớn. Các bản dịch và hiệu đính các bộ thư tịch quan trọng, tiêu biểu của Việt Nam như: Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam thực lục, Lịch triều hiến chương loại chí, Đại Nam nhất thống chí... Những bộ thư tịch đã cung cấp tư liệu cơ bản cho việc nghiên cứu lịch sử Việt Nam thời kỳ cổ trung đại, được tái bản nhiều lần. Đóng góp vào công việc quan trọng và có ý nghĩa to lớn này là các nhà Hán học uyên thâm, trong đó có GS Đào Duy Anh.
Di sản GS Đào Duy Anh để lại khẳng định công lao to lớn của ông trong việc xây dựng nền khoa học xã hội và nhân văn nước nhà, với những đóng góp lớn trong nhiều lĩnh vực của sử học và văn hóa học mà gần như ở lĩnh vực nào ông cũng là người đóng vai trò khai phá, đặt nền móng. Nhà sử học Phan Huy Lê viết về GS Đào Duy Anh: “Bao trùm lên tất cả, ông là một nhà sử học lớn, một nhà văn hóa lớn với những công trình nghiên cứu mang tính khai phá đặt nền tảng cho sự hình thành nền sử học và nền văn hóa học hiện đại Việt Nam”. Nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thúy đã có một nhận xét tinh tế: “Những viên đá tảng mà Đào Duy Anh ném xuống biển học không chìm mất tăm, mà đã tạo ra những cột mốc, đôi khi là những cột mốc đầu tiên, chỉ đường cho những người sau ra khơi”.
Theo PGS.TS Vũ Văn Quân - Báo Quân đội nhân dân