Nhiều giáo viên bày tỏ quan ngại trước đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) biên soạn thêm 1 bộ sách giáo khoa (SGK).
"Một chương trình, nhiều SGK" là chủ trương đúng đắn
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã đi qua ba năm học. Điểm mới nổi bật của cuộc cải các giáo dục lần này là chủ trương "một chương trình, nhiều sách giáo khoa". Những ngày qua, câu chuyện có nên có thêm 1 bộ SGK do Bộ GDĐT biên soạn đã nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội.
Cô Tăng Thị Hiền – giáo viên Trường THPT Can Lộc (Hà Tĩnh) đánh giá, chủ trương “một chương trình, nhiều SGK” là đúng đắn. Nó phù hợp với sự phát triển của xã hội và theo kịp các nước tiên tiến, phát triển.
“Tuỳ thuộc vào đặc trưng của trường học, năng lực từng trường, mặt bằng chung của học sinh mà giáo viên có thể lựa chọn bộ sách phù hợp.
Khi có nhiều bộ sách, nguồn học liệu rộng mở, giáo viên có thể tham khảo, ứng dụng để làm phong phú thêm bài giảng. Chưa kể, với chủ trương này, SGK chỉ là nguồn học liệu, không phải là pháp lệnh, giáo viên chúng tôi có thể thoải mái sáng tạo, chủ động trong việc thiết kế bài giảng, truyền đạt kiến thức đến học sinh. Học sinh cũng chấm dứt được tình trạng học vẹt, học tủ, đọc chép văn mẫu” – cô Hiền nói.
Năm học 2023 - 2024, SGK mới lớp 4,8,11 sẽ được sử dụng trong các nhà trường. Ảnh: Vân Trang |
Giáo viên lo ngại
Là người trực tiếp giảng dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cô Trần Thị Thành - giáo viên Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) bày tỏ lo ngại trước đề xuất Bộ GDĐT biên soạn thêm 1 Bộ SGK.
Cô Trần Thị Thành, giáo viên Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội). Ảnh: Vân Trang |
Theo cô Thành, hiện nay, có 3 bộ SGK đã được Bộ GDĐT phê duyệt, đưa vào lựa chọn, sử dụng tại các trường học. Như vậy, phải khẳng định, những bộ SGK đó đã được thẩm định, đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn trước khi đưa vào vận hành.
Việc Bộ GDĐT biên soạn 1 thêm 1 bộ SGK, theo cô Thành, nghe qua có vẻ hợp lí, bởi Bộ GDĐT được xem là người "cầm cân, nảy mực" nhưng thực tế lại có thể kéo theo nhiều hệ luỵ.
"Tôi đảm bảo, nếu Bộ GDĐT biên soạn thêm 1 bộ SGK, giáo viên sẽ không chọn các bộ còn lại. Bởi tâm lí chung của giáo viên đều cho rằng sách của Bộ thì hẳn phải đúng, phải chuẩn hơn. Như vậy, vô hình chung chúng ta trở về thời kì độc quyền SGK như trước kia. Như vậy tiêu chí “một chương trình, nhiều SGK” sẽ không đạt được" - cô Thành phân tích.
Theo dõi, quan sát sự tiến bộ của học trò trong 3 năm triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cô Thành nhận thấy, điểm thuận lợi nhất là việc có 1 chương trình tổng thể - kim chỉ nam để giáo viên dựa vào đó thực hành việc giảng dạy của mình.
"Nhìn về quá khứ, trước đây, khi chỉ có duy nhất 1 bộ SGK, giáo viên cho rằng đó là pháp lệnh. Việc học, việc thi cử chỉ xoay quanh đó, sự sáng tạo bị triệt tiêu. Nếu tình trạng ấy diễn ra, tính chất mở của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 không thể thực hiện được. Đây là điều cần xem xét lại" - cô Thành bày tỏ.
Tường Vân
Nguồn https://laodong.vn/