Chuyên đề

Hình ảnh nữ chiến sĩ mũ nồi xanh lần đầu được đưa vào sách giáo khoa

Văn học nhà trường
10:51 | 06/04/2024
Bài thơ “Cô gái mũ nồi xanh” của nhà thơ Hoài Khánh với hình ảnh nữ chiến sĩ thuộc lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, lần đầu được đưa vào sách giáo khoa.
aa

Bài thơ “Cô gái mũ nồi xanh” của nhà thơ Hoài Khánh với hình ảnh nữ chiến sĩ thuộc lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, lần đầu được đưa vào sách giáo khoa.

Bài thơ “Cô gái mũ nồi xanh” của nhà thơ Hoài Khánh nằm trong sách giáo khoa tiếng Việt lớp 5, tập 2, thuộc bộ sách “Cánh diều”, đặt trong chủ điểm “Sánh vai bè bạn”.

Được biết, đây là lần đầu tiên hình ảnh chiến sĩ thuộc lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, hay còn được gọi là “lực lượng mũ nồi xanh”, được đưa vào sách giáo khoa.

Bài thơ được sáng tác nhằm mục đích giáo dục các em học sinh về tình đoàn kết, hữu nghị giữa các dân tộc trên thế giới. Khi mới nhận được yêu cầu sáng tác bài thơ này, tác giả nhận định, đây là một đề tài khó.

“Đề tài của bài thơ khá lớn, không chỉ dành cho người lớn mà còn dành cho thiếu nhi nên tôi phải viết sao cho phù hợp với thiếu nhi và người lớn khi đọc cũng cảm thấy thích”, nhà thơ Hoài Khánh cho hay.

Do chưa từng tiếp xúc với chiến sĩ thuộc lực lượng mũ nồi xanh nên trước khi sáng tác, ông phải dành nhiều thời gian nghiên cứu tư liệu và tìm hiểu về lực lượng này. Trong quá trình tìm hiểu, ông nhận thấy, giữa đội ngũ làm nhiệm vụ quốc tế phần lớn là nam giới vẫn có sự góp mặt của một số nữ chiến sĩ tham gia nhiệm vụ.

“Những người phụ nữ phải tạm gác những tình cảm cá nhân, phải xa con, xa gia đình để tới nước ngoài xa xôi thực hiện nghĩa vụ. Hình ảnh ấy khiến tôi rất trân trọng”, nhà thơ Hoài Khánh chia sẻ.

Những người chiến sĩ mũ nồi xanh khi thực hiện nhiệm vụ tại các nước Châu Phi thường tham gia hoạt động chăm sóc y tế, làm phiên dịch, hỗ trợ người dân xây dựng nhà cửa,… Tuy nhiên, nhà thơ nhận thấy, khi viết về người phụ nữ và viết cho trẻ em, không thể chỉ gắn hình ảnh của họ với việc cầm súng để bảo vệ hòa bình.

“Tôi viết về những người phụ nữ mũ nồi xanh trong khung cảnh hài hòa, đang cùng người dân xây dựng cuộc sống mới. Cụ thể hơn nữa, tôi đặt họ trong bối cảnh gắn kết với trẻ em bản địa”, nhà thơ cho hay.

Nữ chiến sĩ trong “Cô gái mũ nồi xanh” hiện lên như một cô giáo, một người mẹ thứ hai của các em nhiều hơn là một người chiến sĩ. Họ dạy người dân trồng rau, dạy các em múa hát những bài hát dân ca của Việt Nam, qua đó đưa nền văn hóa Việt Nam đến gần hơn với thiếu nhi từ một châu lục khác trên thế giới.

Nhà thơ Hoài Khánh cho hay, khi tứ thơ đến, ông hoàn thành bài thơ trong vòng 3 ngày. Tuy nhiên, sau khi sáng tác xong, tác phẩm trước khi được đưa vào sách giáo khoa vẫn phải trải qua nhiều vòng xét duyệt với nhiều tiêu chí khắt khe, được cân nhắc bởi nhiều chuyên gia.

Ngoài bài thơ “Cô gái mũ nồi xanh”, nhà thơ Hoài Khánh cũng có nhiều tác phẩm khác được đưa vào làm ngữ liệu trong sách giáo khoa.

Trong đó, bài thơ “Bên ô cửa đá” (Sách tiếng Việt lớp 3, tập 2, bộ sách “Cánh diều”) sáng tác về thiếu nhi dân tộc miền núi; bài thơ “Chú hải quân” (Sách tiếng Việt lớp 3, tập 2, bộ sách “Cánh diều”) ngợi ca chiến sĩ hải quân trong thời bình và bài thơ “Mỗi lần cầm sách giáo khoa” (Sách tiếng Việt lớp 4, tập 1, bộ sách “Cánh Diều”). truyền cảm hứng về văn hóa đọc và nâng cao ý thức giữ gìn trang sách tới các em học sinh.

Đinh Phương Nhung


Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Baovannghe.vn - Chiến dịch thần tốc như một cơn lốc không ngày không đêm, đơn vị vừa đánh vừa hành quân gần như xuyên dọc theo Quốc lộ 13 hướng về Sài Gòn mỗi ngày một gần thêm.
Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Baovannghe.vn - Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc ngày 22/11 với phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Baovannghe.vn - Mây đen tan. Nắng nhẹ. Hương sen còn sót hòa cùng hương bùn đánh dạt mùi khói xe, đưa nụ cười của hai người đàn ông lấp đầy mi mắt đang nhìn về phía mặt trời.
Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Baovannghe.vn - Bài thơ Thề non nước không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thủy chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.
Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Baovannghe.vn - Nhà văn Nguyễn Chí Trung trưởng thành từ thiếu sinh quân. Đi lính từ bé và làm cán bộ đại đội từ trẻ - ngày nền nông nghiệp của ta xứng danh với cái tên “nghèo nàn và lạc hậu” thì ông hòa nhập vào lớp thanh niên “vượt lên hàng đầu, vượt là vượt như tên bay”...