Văn hóa nghệ thuật

Họa sĩ Ngô Xuân Khôi: Trắc trở con đường đến với hội họa

Nguyễn Chi
Mỹ thuật
06:00 | 11/07/2024
Họa sĩ Ngô Xuân Khôi có gần 30 năm làm nghề, với sản phẩm bìa sách và minh họa.Tên tuổi ông được biết đến nhiều hơn với tác phẩm “Sao la” linh vật SEA Games 31
aa

Trắc trở con đường đến với hội họa

Là con cả trong gia đình công chức nhỏ có 6 anh chị em, họa sĩ Ngô Xuân Khôi đã bộc lộ niềm đam mê và năng khiếu hội họa từ rất sớm, nhưng con đường đến với hội họa chuyên nghiệp của ông lắm gian truân, trắc trở. Lên cấp 3, ông đã định hướng theo đuổi ngành mỹ thuật nhưng hoàn cảnh khó khăn, gia đình mong muốn tương lai con cái theo một hướng khác.

Đang học phổ thông, năm 1979, chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra. Gác lại ước mơ, bỏ lại bút nghiên, Ngô Xuân Khôi hăng hái tình nguyện lên đường nhập ngũ theo Lệnh tổng động viên như bao thanh niên cùng thế hệ đang sục sôi ý chí sẵn sàng chiến đấu, hy sinh thân mình vì vận mệnh của đất nước. Có thể nói, họa sĩ Ngô Xuân Khôi thuộc thế hệ nghệ sĩ - chiến sĩ. Trong thời gian tại ngũ, dù chưa được học hành, đào tạo về mỹ thuật, việc vẽ hoàn toàn là bản năng nhưng nhờ năng khiếu, ông được giao nhiệm vụ kẻ vẽ khẩu hiệu, cắt chữ dán băng-rôn, phóng tranh cổ động. Lúc đầu là ở đại đội, tiểu đoàn, sau đó làm công tác tuyên huấn của trung đoàn. Khi đó, ông được vẫy vùng trong môi trường mà mình yêu thích.

Ra quân năm 1982, mặc dù chưa tốt nghiệp phổ thông, ông vẫn nuôi ý định thi đại học, làm họa sĩ. Dù đã có quyết định làm nhân viên kiểm lâm, nhưng năm ấy, ông vẫn thử sức và thi đỗ Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội với số điểm cao, đủ để đi học nước ngoài nhưng không thể đi do chưa qua kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Năm sau, tự tin hơn với khả năng của mình, ông dành thời gian theo học lớp 12 để hoàn thành chương trình phổ thông. Năm ấy, trường đại học nơi ông quyết tâm thi vào chỉ ưu tiên tuyển sinh 6 tỉnh biên giới phía Bắc, ông tiếp tục phải ở lại nhà một năm nữa. Trong thời gian đó, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông đi làm đủ thứ để mưu sinh, từ bốc vác, thợ nề, thợ mộc... cho đến khi ra Hà Nội ôn thi. Trước kia thi vào là văn, sử, vẽ - những môn lợi thế nhưng đến lúc ông ôn thi, lại chuyển thành thi văn, toán, vẽ. Vốn không có lợi thế về toán, lại bỏ bẵng một thời gian, dẫu vậy, năm 1985, ông trọn ước nguyện khi thi đỗ ngành Hội họa hoành tráng của Đại học Mỹ thuật công nghiệp với số điểm cao.

Sau khi tốt nghiệp đại học, họa sĩ Ngô Xuân Khôi có thời gian ngắn làm cho một công ty nước ngoài. Ở môi trường này, ông tự thấy không phù hợp, khó thích nghi. Trước khi làm ở Nhà xuất bản Phụ nữ, ông có gần mười năm công tác tại Nhà xuất bản Ngoại văn (nay là Nhà xuất bản Thế giới).

Trong thời gian làm việc ở Nhà xuất bản Ngoại văn, ông có cơ duyên quen biết nhiều nhà văn, nhà thơ, nhờ những minh họa đẹp, ấn tượng và năng khiếu văn chương, ông được giới thiệu cộng tác minh họa với Báo Văn nghệ. Từ cái nôi Văn nghệ, Ngô Xuân Khôi trở thành cộng tác viên minh họa, vẽ bìa sách của nhiều báo, nhiều nhà sách, nhà xuất bản và các văn sĩ. Ngoài công việc chính là làm Họa sĩ trưởng của Nhà xuất bản Phụ nữ cho đến khi nghỉ hưu năm 2022, ông còn cộng tác thường xuyên với nhiều tờ báo như Văn nghệ, Văn nghệ quân đội, Văn nghệ công an, Thời báo Văn học nghệ thuật, nhiều ấn phẩm báo chí văn nghệ địa phương... Nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng mong muốn được họa sĩ Ngô Xuân Khôi minh họa cho tác phẩm của mình.

Họa sĩ Ngô Xuân Khôi: Trắc trở con đường đến với hội họa
Minh họa báo Văn nghệ năm 2022

Vẽ từ trải nghiệm, phông nền văn hóa

Với Ngô Xuân Khôi, người họa sĩ không chỉ thuần túy là luyện tay nghề để vẽ giỏi mà phải có phông nền văn hóa, tức là phải dung nạp rất nhiều thứ, kể cả những thứ tưởng chừng như không liên quan đến mỹ thuật bằng nhiều kênh khác nhau nếu muốn hành nghề một cách thấu đáo và có trách nhiệm. Bởi, các tác phẩm văn học có sự đa dạng về thể loại, cốt truyện, mọi ngành nghề, kiến thức trong xã hội, văn hóa, đa dạng về cấu tứ... cần có phông nền văn hóa rộng để cảm thụ và truyền tải được đúng nội dung, thông điệp của tác phẩm và phong cách của tác giả.

Bởi vậy, ngoài trải nghiệm, kiến thức, vốn sống của một người lính đi qua hai thế kỷ và lợi thế làm việc ở nhà xuất bản, cộng tác với nhiều cơ quan báo chí, tiếp xúc với nhiều sách báo, Ngô Xuân Khôi không ngừng học hỏi thêm để làm dày thêm vốn sống. Sau khi nghỉ hưu, họa sĩ có thời gian tham gia thỉnh giảng tại Đại học Mỹ thuật công nghiệp và mở lớp dạy vẽ. Với ông, giảng dạy vừa là một phần mơ ước từ thuở nhỏ, vừa là động lực và cơ hội để ông tiếp tục học hỏi, trau dồi nâng cao, bồi đắp thêm những kiến thức mới.

Họa sĩ Ngô Xuân Khôi: Trắc trở con đường đến với hội họa
Minh họa báo Văn nghệ năm 2023

Khẳng định mình - Đa dạng mình

Sự trắc trở của con đường đến với nghệ thuật cùng vốn sống, vốn trải nghiệm, vốn văn hóa tạo nên một Ngô Xuân Khôi nghiêm cẩn trong công việc và thăng hoa trong sáng tạo, đưa tên tuổi Ngô Xuân Khôi lên vị trí những họa sĩ minh họa hàng đầu hiện nay ở nước ta.

29 năm theo con đường hội họa chuyên nghiệp, trung bình mỗi năm thực hiện 100 bìa sách, còn minh họa thì theo họa sĩ Ngô Xuân Khôi, đó là con số “không đếm xuể”. Ngoài ra, ông còn vẽ tranh. Với ông, thiết kế, minh họa vô tình trở thành nghề, là làm theo đơn đặt hàng, còn vẽ tranh là đam mê để thỏa mãn mình, khám phá và khẳng định mình. Tuy nhiên, minh họa là công việc cứ “đến hẹn lại lên” đã xé lẻ và chiếm nhiều thời gian cũng như mạch cảm xúc của ông.

Về bìa sách, họa sĩ Ba Tỉnh nhận định, “Ngô Xuân Khôi thiết kế những bìa sách đẹp và cô đọng - ước lệ mà lôi cuốn. Là một trong những yếu tố quan trọng để bạn đọc lựa chọn cuốn sách giữa hàng trăm cuốn sách khác”. Vẽ chân dung, ra đặc điểm và thần thái nhân vật là một thế mạnh khác của họa sĩ Ngô Xuân Khôi. Thời sinh viên, mỗi dịp hè là ông về các vùng quê vẽ truyền thần để kiếm thêm thu nhập. Một bạn học cũ của ông cho biết: “Ở mảng tranh chân dung, Ngô Xuân Khôi bắt chân dung rất chuẩn, khó tìm thấy gương mặt nào mà thầy vẽ không ra, chỉ cần vài nét thôi... Khôi nổi tiếng về cái đó, bạn học đều khẳng định, không dễ tìm được người vẽ như Khôi, nhưng Khôi thiên về minh họa”.

Họa sĩ Ngô Xuân Khôi: Trắc trở con đường đến với hội họa
Minh họa báo Văn nghệ năm 2024

Với minh họa, khi nhận bản thảo, họa sĩ Ngô Xuân Khôi “đọc không bỏ sót một chữ nào” để thẩm thấu các tầng ý nghĩa của tác phẩm văn chương, khái quát cốt truyện, tìm chi tiết, đặc trưng tính cách, dung mạo của nhân vật. Lựa chọn bút pháp, họa cụ sao cho hợp tạng, tương đồng với tác giả văn chương. Họa sĩ Ngô Xuân Khôi quan niệm, vẽ minh họa là “đồng cảm với văn chương và làm sáng rõ lên ý tưởng, nội dung của câu chuyện”. Ngoài tài năng hội họa, năng khiếu, sự đam mê văn chương cùng năng lực cảm thụ văn học có lẽ là chìa khóa để ông dễ dàng thẩm thấu, hiểu được cốt truyện, thông điệp của văn chương, đồng cảm với tác giả. Theo họa sĩ Ngô Xuân Khôi, điều tối kỵ của minh họa với ông là việc áp đặt cá tính, phong cách của mình cho tác phẩm và việc vẽ theo sự “quen tay” nhưng nhầm lẫn đó là phong cách.

Thể hiện tinh thần của tác phẩm văn chương nhưng minh họa cũng cần song hành phong cách của họa sĩ. Ngô Xuân Khôi luôn chú trọng việc thay đổi, đa dạng trong sự nhất quán phong cách, bởi vốn dĩ ở chính mỗi tác phẩm, không có tác phẩm nào là giống tác phẩm nào. Sự đa dạng là chính tờ báo, tập sách mình minh họa và cũng là đa dạng chính mình.

Có dấu ấn cá nhân trong sự đa dạng, điều đó mới mẻ và gây bất ngờ cho độc giả. Có thể mới mẻ chưa chắc đã được độc giả cảm nhận. Nhưng mới mẻ với chính mình, đấy cũng đã là thành công của người họa sĩ, đặc biệt với người vẽ nhiều minh họa như ông.

Vẽ vừa đa dạng trong phương thức thể hiện để hấp dẫn nhưng vẫn tròn đầy phong cách để nhận diện được một phong cách hội họa riêng. Minh họa của Ngô Xuân Khôi dù chỉ bằng những nét ký họa đơn sơ đen trắng nhưng vẫn mang cảm xúc, truyền tải được cái hồn của tác phẩm, bố cục chặt chẽ mời gọi, cuốn hút độc giả. “Đẹp, duyên!” là cụm từ rất thường thấy khi các văn nghệ sĩ và độc giả nhận xét về minh họa Ngô Xuân Khôi.

Nguồn báo Công an nhân dân

Tên bài viết do Vannghe online đặt

Tổ chức Festival mỹ thuật trẻ lần thứ 7 năm 2024 Cuộc thi và Triển lãm Tranh Đồ họa các nước ASEAN 2024: Tăng cường giao lưu và hội nhập Mỹ thuật Khẳng định giá trị của Mỹ thuật, Nhiếp ảnh Khai mạc triển lãm mỹ thuật "Cảm xúc tháng 6" TP Hồ Chí Minh triển khai thực hiện Đề án Công nghiệp văn hóa đến năm 2030
Chuyện bất ngờ. Truyện ngắn của Đỗ Trọng Phụng

Chuyện bất ngờ. Truyện ngắn của Đỗ Trọng Phụng

Baovannghe.vn - Thích xem voi đẻ không? - Ama Tâm (1) đột nhiên hỏi, khiến tôi ngơ ngác.
Erik là khách mời đặc biệt của nhóm nhạc huyền thoại Michael Learns To Rock

Erik là khách mời đặc biệt của nhóm nhạc huyền thoại Michael Learns To Rock

Baovannghe.vn - Sự góp mặt của nam ca sĩ Erik hứa hẹn sẽ góp phần mang đến một đêm nhạc đầy ấn tượng trong lòng người hâm mộ Việt Nam.
Bản tin Văn nghệ: Kỷ niệm 15 năm Dân ca Quan họ Bắc Ninh là di sản văn hóa phi vật thể

Bản tin Văn nghệ: Kỷ niệm 15 năm Dân ca Quan họ Bắc Ninh là di sản văn hóa phi vật thể

Baovannghe.vn - Từ 11-30/11, hoạt động kỷ niệm 15 năm Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại được tổ chức.
Đọc truyện: Của trả cho người. Truyện ngắn của Hồ Thị Linh Xuân

Đọc truyện: Của trả cho người. Truyện ngắn của Hồ Thị Linh Xuân

Baovannghe.vn - Giọng đọc: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Giải vô địch Taekwondo Cảnh sát châu Á mở rộng 2024

Giải vô địch Taekwondo Cảnh sát châu Á mở rộng 2024

Baovannghe.vn - Giải vô địch Taekwondo Cảnh sát châu Á mở rộng 2024 sẽ được tổ chức từ ngày 6 đến ngày 9/12 tại Hạ Long, Quảng Ninh, Việt Nam.