Theo đó, để bảo đảm việc triển khai phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy được đồng bộ, kịp thời ngay sau khi Trung ương, Quốc hội thông qua, Ban Chỉ đạo của Chính phủ đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các địa phương làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, kịp thời giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các đối tượng khác, bảo đảm thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.
Các Bộ, ngành, địa phương hoàn thành việc xây dựng tiêu chí, quy chế đánh giá và thực hiện rà soát, sàng lọc công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý, bảo đảm giảm tối thiểu 20% công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước để giảm biên chế theo phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Bộ, ngành, phù hợp với lộ trình thực hiện chính sách quy định tại Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 của Chính phủ.
Đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ thực hiện phương án hợp nhất, sáp nhập, tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan mình trước ngày 5/2/2025 để lấy ý kiến thành viên Chính phủ.
Khẩn trương tổng hợp, tiếp thu, hoàn thiện các ý kiến thành viên Chính phủ, trình Chính phủ ban hành trước ngày 10/2/2025, bảo đảm có hiệu lực ngay sau khi Quốc hội thông qua cơ cấu tổ chức của Chính phủ.
Đồng thời, hoàn thành việc xây dựng Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của các tổ chức, đơn vị bên trong, làm cơ sở bố trí công chức, viên chức và sắp xếp các chức danh lãnh đạo, quản lý theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ.
Thống nhất phương án bàn giao tài sản, tài chính, ngân sách Nhà nước trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Thống nhất phương án chuyển tiếp quản lý các chương trình, nhiệm vụ, dự án đầu tư công trong quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Cùng với đó, chủ động đề nghị Bộ Công an để đăng ký con dấu của cơ quan, tổ chức, đơn vị có sự thay đổi về tên gọi theo phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy đã báo cáo Bộ Chính trị và Ban Chỉ đạo Trung ương, bảo đảm sau khi Trung ương và Quốc hội thông qua thì có thể đi vào hoạt động ngay theo đúng quy định của pháp luật.
Đối với 6 cơ quan, gồm: Văn phòng Chính phủ, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Ban Chỉ đạo để nghị khẩn trương tiếp thu, giải trình ý kiến thành viên Chính phủ để hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan mình, trình Chính phủ ban hành trước ngày 3/2/2025.
Đối với Bộ Công an, trên cơ sở kết luận của Bộ Chính trị, đề nghị Bộ hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức, đồng thời chủ động hướng dẫn công an cấp tỉnh triển khai Đề án sắp xếp công an cấp huyện và hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của công an cấp tỉnh theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương.
Đối với Thanh tra Chính phủ, đề nghị hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức theo chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương.
Chính phủ đã ban hành văn bản số 35/CV-BCĐTKNQ18 về việc hoàn thiện phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy. Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Ban Chỉ đạo giao Bộ Nội vụ trình Chính phủ Nghị quyết giải thể Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sau khi chuyển giao chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự về Bộ Tài chính; chuyển giao quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu đối với 18 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước hiện đang giao Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp quản lý về Bộ Tài chính và chuyển giao quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu đối với Tổng công ty Viễn thông MobiFone về Bộ Công an.
Bộ Nội vụ cũng trình Thủ tướng Chính phủ quyết định giải thể Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia sau khi chuyển chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự về Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ.
Giao Văn phòng Chính phủ chủ động lấy ý kiến thành viên Chính phủ trên cơ sở hồ sơ trình dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Bộ, ngành. Đồng thời, khẩn trương tổng hợp ý kiến thành viên Chính phủ để các Bộ, ngành tiếp thu, giải trình, hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành theo quy định.
Bộ Công thương được giao phối hợp với các địa phương thực hiện chuyển giao chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước và nhân sự thực hiện nhiệm vụ quản lý thị trường về các địa phương.
Đối với các địa phương, Ban Chỉ đạo đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan, đơn vị của địa phương hoàn thiện Đề án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương và định hướng, gợi ý của Ban Chỉ đạo của Chính phủ.
Chuẩn bị kỹ lưỡng phương án nhân sự, chế độ chính sách, trụ sở, tài chính, tài sản, trang thiết bị, con dấu và các điều kiện bảo đảm khác để trình cấp có thẩm quyền ban hành ngay sau khi Trung ương, Quốc hội thông qua.
Theo đó, bảo đảm ngay sau khi bế mạc Kỳ họp Quốc hội, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố các Quyết định về tổ chức bộ máy cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện để hoạt động ngay, không có khoảng trống pháp lý, liên tục, hiệu lực, hiệu quả.
Các địa phương khẩn trương hoàn thành việc sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, bảo đảm hoạt động đồng bộ với việc hoàn thành sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ (công bố các Quyết định liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy trong khoảng thời gian từ ngày 18/2 đến ngày 20/2/2025).