Văn hóa nghệ thuật

Hoàng Trúc - Họa sĩ của làng quê

Mỹ thuật
12:54 | 23/12/2021
Nhân dịp họa sĩ Hoàng Trúc vừa hoàn thiện Bảo tàng tranh cá nhân, PV đã có cuộc trao đổi với ông về ý tưởng và động lực giúp ông hoàn thành một công trình mà với không ít người là niềm ước mơ khó có thể thực hiện.
aa

Sinh ra ở vùng đất trung du trong một gia đình hiếu học tại Tuân Chính, Vĩnh tường, Vĩnh Phúc, là em trai nhà thơ Hoàng Tá. 14 tuổi đã đam mê hội họa, được danh họa Lưu Công Nhân nhận làm học trò, sau này được Họa sỹ, Tiến sỹ Mỹ học Thế Hùng dìu dắt và định hướng sáng tác. Hoàng Trúc đã có một gia tài đáng nể: 1.100 bức chân dung những người nổi tiếng. Giải nhất triển lãm mỹ thuật Vĩnh Phúc năm 2005, giải ba khu vực III Tây bắc, Việt Bắc năm 2005, giải tặng thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 1999, giải ba văn học nghệ thuật Vĩnh Phúc năm 2.000 -2005, triển lãm mỹ thuật toàn quốc các năm 2000, 2005, 2010, Triển lãm quốc tế ASEAN 1999. Nhân dịp họa sĩ Hoàng Trúc vừa hoàn thiện Bảo tàng tranh cá nhân, PV đã có cuộc trao đổi với ông về ý tưởng và động lực giúp ông hoàn thành một công trình mà với không ít người là niềm ước mơ khó có thể thực hiện.

PV: Xin chúc mừng Họa sỹ Hoàng trúc vừa khánh thành Bảo tàng tranh Hoàng Trúc tại Thành phố Vĩnh Yên. Câu hỏi đầu tiên, cơ duyên nào đưa ông đến với Hội họa?

HS Hoàng Trúc:Tôi mê vẽ từ năm 14 tuổi, hết phổ thông thi vào trường Cao đẳng mỹ thuật của Tỉnh. Tôi nuôi ước mơ trở thành họa sỹ và gửi cả niềm tin của một đứa trẻ chăn trâu, mò cua bắt ốc vào tranh.

PV: Nhiều người xem tranh của ông thấy phảng phất bóng dáng của họa sĩ gạo cội Lưu Công Nhân, ông có thể nói rõ hơn về cảm nhận này được không?

HS Hoàng Trúc: Tôi được như ngày hôm nay là may mắn được 2 thầy nổi tiếng dậy bảo. Danh họa Lưu Công Nhân và Họa sỹ, Tiến sỹ Mỹ học Thế Hùng. Thầy Thế Hùng tôi gặp dễ dàng làm sao thì thầy Lưu Công Nhân khó khăn khổ sở bấy nhiêu. Thầy Lưu Công Nhân khó tính, nghiêm khắc và hiệu quả. Thầy Thế Hùng là nhà sư phạm tuyệt vời. Thầy dạy như không dậy, trò truyện nhẹ nhàng, giảng cho tôi lịch sử mỹ thuật thế giới từ những bức tranh ở hang Antamira, Phôngđờgôm đến những kiệt tác của các thiên tài thế kỷ XVI thời Phục Hưng: Leona đờ Vanhxi, Raphaen, Bốttiseli và các trường phái siêu thực, Ấn tượng trừu tượng của Kandinxky, Pôn lốc, Pôn klii.

Họa sĩ Hoàng Trúc vẽ tranh từ khi còn là cậu bé 14 tuổi.

PV: Tại sao ông nói gặp được Danh họa Lưu Công nhân cực kỳ khổ sở?

HS Hoàng Trúc ( cười): Tìm thầy giỏi học đạo trần ai lắm nhà báo ơi. Chuyện thế này. Tháng 1 năm 1990 tôi được biết Họa sỹ Lưu Công Nhân về làm nhà sáng tác ở cây số 2 đường đi Tam Đảo. Tôi lân la đến, ông niềm nở pha trà tiếp tôi, nhưng khi tôi ngỏ lời xin học thì ông thẳng thừng mời tôi về và nói: “ Tôi về Vĩnh Yên để sáng tác chứ không phải để dạy vẽ”. Sau lần bị từ chối, ba tháng ròng rã, chủ nhật nào tôi cũng đến nhưng chỉ dám vào nhà bên cạnh ngó sang xem ông vẽ. Ông biết nhưng quyết không nhận dạy tôi.

May sao, ngày 11 tháng 3 âm lịch năm ấy, Tôi nhờ bác Văn Cao xin Thầy Lưu Công Nhân dậy tôi, Bác viết thư cho Thầy Lưu. Mừng khôn xiết, tôi mang lá thư đến gặp họa sỹ Lưu Công Nhân. Xem thư xong, ông mắng tôi, bảo tôi giả mạo và mời tôi ra khỏi nhà. May nhờ ông Lê Ngọc Quán, Bí thư thị ủy xác nhận thầy Lưu mới nhận tôi là học trò. Thế là tôi được theo thầy 5 năm. Thầy coi tôi như con, cháu trai đầu lòng, vợ chồng tôi nhờ thầy đặt tên: Hoàng Lưu Công (Nhớ Vĩnh Yên, nhớ Lưu Công Nhân).

PV: Cổng làng, cây rơm, cái cày, con trâu là hình ảnh xuyên suốt trong tranh Hoàng Trúc, có đơn điệu quá không bởi những hình ảnh này giờ không còn bắt gặp nhiều trong cuộc sống?

HS Hoàng Trúc: Vâng đúng, tôi sinh ra và lớn lên từ bờ tre mái rạ, quê hương là cả một miền ký ức của tôi. Cách mạng công nghiệp đang dần biến thành phế tích nên tôi hối hả đưa vào tranh, lưu giữ bằng tranh, tôi đang viết sử bằng màu sắc để lại cho đời sau con cháu…

PV: Ngoài làng quê, bảo tàng còn có rất nhiều tranh chân dung, ông có thêm niềm đam mê này từ khi nào?

HS Hoàng Trúc: Tôi trân trọng tài năng, trí tuệ. Vì thế tôi vẽ toàn chân dung các Văn nghệ sỹ và các nhà khoa học nổi tiếng. Tôi ở đáy giếng nên muốn vươn tầm nhìn ra biển cả…

Bức tranh nông thôn được tái hiện trong tranh Hoàng Trúc , ấm áp và sinh động

PV: Đã bao giờ ông nghĩ rằng mình sẽ nổi tiếng và giầu có bằng tranh chưa?

HS Hoàng Trúc: Tôi vẽ cật lực như một anh nông phu. Tôi chỉ có một đam mê là vẽ. Tranh nuôi được tôi. Bằng lòng là hạnh phúc. Tôi thực sự hạnh phúc và mãn nguyện trong bảo tàng tôi vừa xây, đây là ngôi đền nghệ thuật của tôi.

Độc hành trên con đường đi tìm chính mình, Hoàng Trúc đã phát quang cho mình một lối đi riêng sau bao năm tìm tòi sáng tạo. Đó là sự kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa một tinh thần phương Đông với đề tài làng quê của nền văn minh lúa nước làng nghề với bút pháp biểu đạt phương Tây của hai trường phái hội họa hiện đại: Lập thể ( Cubism) và Ấn Tượng ( Impresssionniste)

Đề tài của Hoàng Trúc không to tát, ồn ào mà dung dị: Mái rạ, bờ tre, cổng gạch, con trâu, cái cày, đống rơm, những thiếu nữ chít khăn mỏ quạ, áo tơi và chú mục đồng… tất cả được tổ chức hợp lý, chặt chẽ trong một bố cục hài hòa giữa hình và khối, giữa nóng và lạnh, sáng và tối.

Triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 2010, Hoàng Trúc là khuôn mặt duy nhất đại diện cho tỉnh Vĩnh Phúc có tranh tham dự triển lãm. Tranh anh có hơi hướng của bậc thầy - cố danh họa Lưu Công Nhân.

Gần hai chục năm qua, anh chung thủy với đề tài xuyên suốt, một vệt bút nhất quán với ý đồ tạo nên một diện mạo riêng, một phong cách riêng. Nhà văn Trung Quốc lỗ Tấn đã từng nói: “ Làm gì có đường, người ta đi mãi thành đường”. Vâng, con đường nào cũng chông gai, nhất là con đường Nghệ thuật. Mác đã nói rồi: “trên con đường đi đến thành công không có bước chân của những kẻ lười biếng”.

Hoàng Trúc là như vậy, cần mẫn, khiêm nhường để hôm nay có cả một bảo tàng đồ sộ 4 tầng treo kín tranh. Đấy là ước mơ của các họa sỹ Tỉnh Vĩnh phúc và cả ở Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác. Cứ có thời gian là anh vẽ, vẽ say sưa, vẽ triền miên để tái tạo không gian ba chiều lên mặt phẳng hai chiều. Tự giam mình trong phòng vẽ thênh thang trên tầng thượng như một ốc đảo bình yên, tự hành xác mình trong đọa đày sung sướng. Anh cười dễ thương: “ Tôi chót nghiện vẽ nhà báo ạ”.

Khoan hãy nói đến tài năng vì đó là phạm trù có nội hàm quá to tát mà hãy nói đến lao động nghệ thuật, ý chí, đam mê, thái độ sống và lối hành xử với nghệ thuật của họa sĩ Hoàng Trúc, để thấy “ cái duyên” nghệ thuật đã ấn định một Hoàng Trúc của làng quê, khiêm nhường nhưng đầy sức thuyết phục trong mái nhà chung - hội họa Việt Nam

Một lần nữa xin chúc mừng ông với công trình tâm huyết Bảo tàng Tranh Hoàng Trúc.

Doanh Nguyễn ( thực hiện)


Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ đêm 19/9 - 20/9, mưa lớn xảy ra tại khu vực từ Thanh Hóa - Quảng Trị
Báo Văn nghệ nhận Tặng thưởng của Ban Bí thư về hoạt động tuyên truyền lý luận, phê bình VHNT năm 2023

Báo Văn nghệ nhận Tặng thưởng của Ban Bí thư về hoạt động tuyên truyền lý luận, phê bình VHNT năm 2023

Baovannghe.vn - Tối ngày 19.9.2024 Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức lễ trao Tặng thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình VHNT năm 2023, tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội)
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.