1.
Trong chương trình giáo dục phổ thông của một số nước trên thế giới - nhất là các nước tiếp cận chương trình giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển năng lực, hoạt động trải nghiệm hay “học qua trải nghiệm” rất được quan tâm, nhằm giáo dục khả năng tự chủ giải quyết vấn đề và sáng tạo, giáo dục phẩm chất và kỹ năng sống...
Theo đó, từ cấp tiểu học đã chú trọng giáo dục các kỹ năng cá biệt - trong đó có phát triển kỹ năng sáng tạo cho trẻ, nhằm phát triển khả năng học tập độc lập, tư duy phê phán và học từ kinh nghiệm của chính mình (Cộng hoà Liên bang Đức); từ cấp học phổ thông rất chú trọng việc nuôi dưỡng cho trẻ năng lực ứng phó với sự thay đổi của xã hội, hình thành một cơ sở vững mạnh để khuyến khích trẻ linh hoạt và sáng tạo trong các tình huống khác nhau (Nhật Bản); Chương trình giáo dục gợi mở nhiều tình huống, bối cảnh đa dạng, phong phú nhằm khích lệ học sinh phát triển khả năng ứng dụng tri thức, kỹ năng đã học trong chương trình để sáng tạo và tư duy, giải quyết vấn đề theo nhiều cách thức khác nhau đáp ứng nhu cầu của thực tiễn - đã tạo cho học sinh những cơ hội sáng tạo, đổi mới, dám nghĩ, dám làm (Vương quốc Anh).
Hoạt động trải nghiệm của học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) |
Dựa trên lý thuyết hoạt động, lý thuyết về nhân cách, lý thuyết học tập trải nghiệm, lý luận giáo dục hiện đại và các ưu điểm của chương trình hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động giáo dục hướng nghiệp hiện hành, kinh nghiệm quốc tế và bản sắc văn hóa các vùng miền, văn hóa truyền thống Việt Nam, các giá trị văn hóa chung của thời đại, Chương trình giáo dục phổ thông (Ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo) quy định: Hoạt động trải nghiệm (cấp tiểu học) và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp (cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông) là hoạt động giáo dục bắt buộc được thực hiện từ lớp 1 đến lớp 12, nhằm tạo cơ hội cho học sinh tiếp cận thực tế, thể nghiệm các cảm xúc tích cực, khai thác những kinh nghiệm đã có và huy động tổng hợp kiến thức, kỹ năng của các môn học để thực hiện những nhiệm vụ được giao hoặc giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống nhà trường, gia đình, xã hội phù hợp với lứa tuổi; thông qua đó, chuyển hóa những kinh nghiệm đã trải qua thành tri thức mới, hiểu biết mới, kỹ năng mới góp phần phát huy tiềm năng sáng tạo và khả năng thích ứng với cuộc sống, môi trường và nghề nghiệp tương lai.
2.
Nhìn về hoạt động này trước khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển toàn diện về năng lực và phẩm chất của người học, thạc sĩ Nguyễn Kim Anh - giáo viên Trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa - Hà Nội) cho rằng: “Vài chục năm qua, khi chúng ta chưa chính thức bàn về dạy học để phát triển năng lực, hầu hết các nhà trường đều đã tổ chức cho học sinh các hoạt động tham quan dã ngoại, tham gia bảo vệ môi trường, tham gia lao động công ích, đi đến các bảo tàng…, song đó đã phải là trải nghiệm học tập, trải nghiệm sáng tạo chưa? Xin thưa: Chưa. Đó chỉ là trải nghiệm đời sống nói chung. Sự “nghiệm” chủ yếu là tùy cảm nhận và mang tính chiêm nghiệm cá nhân chứ không theo một nội dung, khung thang nào cả, nên khó có thể đánh giá được. Thực chất đó là trải chứ chưa nghiệm theo yêu cầu giáo dục. Ấy là nếm trải mà chưa chiêm nghiệm có mục đích. Trải nghiệm trong giáo dục có mục tiêu cao hơn - đó là nhằm tăng cường kiến thức và rèn luyện kỹ năng. Với môn ngữ văn (vừa rèn luyện ngôn ngữ vừa cảm thụ văn chương) thì lại càng cần từ nhìn nhận thực tế cuộc sống, vận dụng sáng tạo kiến thức để nói hay, viết tốt và sống ý nghĩa hơn. Trải nghiệm với mục tiêu phát triển năng lực làm cho hoạt động trải nghiệm thành đường đi có đích. Khi học ngữ văn, năng lực của học sinh được hình thành và củng cố. Song các năng lực đó hòa quyện và tích hợp vào nhau nên việc cố “điểm danh, kiểm mặt”, cố tìm tên gọi thì dễ thành ra dán nhãn tùy tiện, cho nội dung trải nghiệm thực tế. Ví dụ đưa ra câu trả lời rằng nếu đưa học sinh đi thực tế thì thúc đẩy được những kỹ năng gì, các kỹ năng ấy sẽ hợp thành năng lực gì? Hay sau trải nghiệm, báo cáo và thuyết trình thì sẽ luyện được những kỹ năng nào, rồi quy về tên năng lực là... Bởi vì các năng kỹ năng đan lồng và khó tách bạch đơn lẻ”.
Thực tế những năm gần đây, hoạt động trải nghiệm đã được triển khai ở nhiều cơ sở giáo dục với những qui mô và mức độ khác nhau. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Hướng dẫn phát triển chương trình giáo dục nhà trường phổ thông làm căn cứ quan trọng cho các cơ sở giáo dục chủ động kế hoạch giáo dục nhà trường, trong đó có điều kiện tăng cường các nội dung hoạt động giáo dục gắn với thực tiễn. Theo đó, hoạt động trải nghiệm nói chung và trải nghiệm môn ngữ văn nói riêng thời gian qua tại nhiều cơ sở giáo dục phổ thông đã có nhiều khởi sắc đa dạng về hình thức cũng như phương pháp thực hiện.
Ví dụ 1: Hoạt động trải nghiệm của thầy và trò trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa - Hà Nội) qua các mô hình hoạt động.
Bảo tàng không tĩnh: Giáo viên đưa học sinh đến bảo tàng với mục tiêu rõ ràng là hãy làm sao khiến cho bảo tàng luôn sống động và ấn tượng trong tâm trí của học trò. Giáo viên lịch sử đưa học sinh đến Bảo tàng lịch sử, giáo viên sinh học đưa học sinh đến Bảo tàng Thiên nhiên, thì tổ ngữ văn đưa hơn 300 học sinh khối 10 đến Bảo tàng dân tộc Việt Nam. Trước khi đi học sinh được tách thành các nhóm và giao việc theo các không gian trưng bày để khi đến bảo tàng, bên cạnh việc học sinh cùng nhau được trải rộng khắp, còn chia nhóm khắc sâu nghiệm qua nhiệm vụ cụ thể (quan sát ghi chép, quay video, chụp ảnh tại khu vực trưng bày, quan sát khu vực dựng cảnh các nếp nhà và phong tục của các dân tộc ở ngoài trời, tham quan và ghi nhận sâu ở toà nhà trưng bày Đông Nam Á. Sau đó, trở về trường, từng nhóm báo cáo và thể hiện sản phẩm chuyên sâu về khu vực được giao.
Trải nghiệm yêu thương: Tổ ngữ văn đã đưa học sinh tham dự ngày thơ nhiều năm ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Trở về, các trò cùng tham gia nộp bài thi sáng tác thơ, bình thơ hay. Các bài thơ tiêu biểu đã được chọn đọc trong chuyên đề “Liên hoan thơ” của học sinh các khối lớp. Đúng là “Đi xa rồi lại về gần”, hiệu quả lần này góp phần khẳng định trải nghiệm không có nghĩa cứ phải đến những nơi thật xa, thấy những việc thật lạ mà có những trải nghiệm ở chính Hà Nội, tại trường lớp của mình. Học sinh nói lên được lên tiếng lòng của mình giúp thầy thêm hiểu trò, bè bạn thêm hiểu nhau và phụ huynh cũng thêm hiểu con mình hơn. Trong chuyên đề môn ngữ văn, các thầy cô chú trọng dạy làm người bằng trải nghiệm yêu thương, học sinh đã thực sự có cơ hội chia sẻ về tình cảm của mình.
Hành trình tri ân: Thực hiện tích hợp liên môn ngữ văn - lịch sử - địa lý - giáo dục công dân - giáo dục quốc phòng an ninh, nhà trường và phụ huynh đã đồng hành cùng 300 học sinh khối 12 về miền Trung thân thương, bên nhau trong tình thầy trò, bạn bè trong sáng và ấm áp, tri ân tại Nghĩa trang Ngã ba Đồng Lộc, Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang Đường Chín, Thành cổ Quảng Trị, Cầu Hiền Lương – sông Bến Hải và Mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp… Một trải nghiệm xa nhà 3 ngày 2 đêm giúp mỗi học trò Hà Nội có cơ hội phát triển năng lực tự lập để trưởng thành hơn, được hiểu về những điều thiêng liêng để bớt sự hời hợt thường có ở giới trẻ thời bình. Hơn 1000 cây số đi và về, học sinh đã thấu hiểu đó là hành trình của lòng biết ơn sâu nặng, hành trình về với những con người làm nên lịch sử. Có thể nói qua trải nghiệm, trong hành trình cuộc đời mỗi học sinh đã có ánh sáng ân nghĩa được thắp lên!
Ví dụ 2: Với quan niệm “dù hình thức tổ chức hoạt động, thời gian, kế hoạch của trải nghiệm trong giờ học và ngoài giờ học có khác nhau nhưng đều hướng đến mục đích bổ sung, mở rộng kiến thức môn ngữ văn, vận dụng kiến thức vào thực tiễn để tạo ra những “sản phẩm” mang hơi thở đời sống, sống động và chân thực; hình thành, phát triển những phẩm chất, kỹ năng cần thiết của con người hiện đại, dần hướng đến những phẩm chất, kỹ năng của công dân toàn cầu; hình thành và bồi dưỡng, nuôi dưỡng tâm hồn, phẩm chất, tình cảm của học sinh với bạn bè, thầy cô, trường lớp, cộng đồng, với thiên nhiên, với quê hương đất nước; hình thành và phát triển những kỹ năng sống và năng lực chung cần thiết của con người hiện đại (kỹ năng giao tiếp – nhất là giao tiếp bằng ngoại ngữ, giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo, làm việc nhóm) - thạc sĩ Đoàn Thị Hải Lý - giáo viên Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (Tp. Hồ Chí Minh) chia sẻ: Với tiết học trải nghiệm ngoài trường học, giáo viên phải lựa chọn những bài học cụ thể của môn ngữ văn để lên kế hoạch thực hiện. Giáo viên sẽ đưa học sinh lớp mình giảng dạy đến những địa chỉ văn hóa, công trình kiến trúc, thư viện lớn… gần trường. Tại địa điểm trải nghiệm, học sinh được chia thành nhiều nhóm nhỏ học tập dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Tùy theo yêu cầu của bài học, các em có thể quan sát, chụp ảnh, phỏng vấn người nước ngoài bằng tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp (theo ngoại ngữ các em được học, được biết); có thể làm việc nhóm để hoàn thành một bài thuyết minh sống động về một địa chỉ văn hóa (như Đường sách, cụm công trình kiến trúc xưa) gồm cả ngôn ngữ, hình ảnh, âm thanh; tìm kiếm những thông tin bài học (Tìm hiểu một số tác phẩm viết về Sài Gòn, tại Đường sách, Thư viện) hoặc thêm trải nghiệm để hiểu hơn về thành phố mình đang sống và học tập, thêm những hiểu biết về thực tế đời sống… Sản phẩm của học sinh sau mỗi tiết học trải nghiệm có thể cụ thể là một bài cảm nhận, một clip hình ảnh, một bài thuyết minh về một địa chỉ văn hóa của thành phố, những kinh nghiệm phỏng vấn và trả lời phỏng vấn.
Ở tiết học trải nghiệm và sáng tạo (trong vai nghệ nhân làng gốm, vẽ trên gốm thô, tạo sản phẩm thô): Học sinh có dịp tìm hiểu quy trình sản xuất gốm, tận mắt quan sát những sản phẩm gốm (từ nguyên liệu đất – sản phẩm thô – sáng tạo của nghệ nhân - sản phẩm gốm). Các em được chạm tay vào những chiếc ly, những chiếc chén, những bình hoa. Nhìn, xem và thấy sản phẩm gốm sứ từ bàn tay của những người thợ, của những “nghệ nhân” sáng tạo, tỉ mỉ từng nét vẽ, các em biết trân trọng công sức lao động của con người, yêu quý và tự hào về những sản phẩm truyền thống của dân tộc...
Như vậy - Với tiết học trải nghiệm, học sinh được thay đổi cảm xúc và không gian học tập, được áp dụng kiến thức đã học vào thực tiễn cuộc sống, được giao lưu học hỏi từ bạn bè, thầy cô, những tương tác trong quá trình trải nghiệm. Học sinh được rèn luyện kỹ năng xử lý tình huống (những tình huống ngoài dự kiến ban đầu trước khi trải nghiệm)… Với giáo viên hướng dẫn cũng thêm những trải nghiệm mới, nhất là trong xử lý tình huống, thêm điều kiện gắn bó cùng học sinh, có điều kiện phát hiện năng lực học sinh…
3.
Trong nhà trường, nếu như mục đích chính của các môn học là hình thành và phát triển hệ thống tri thức khoa học, năng lực nhận thức và hành động của học sinh; thì hoạt động trải nghiệm giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất, tư duy, ý chí, tình cảm, giá trị, kỹ năng sống và những năng lực vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn. Chính vì vậy, có ý kiến cho rằng: hoạt động trải nghiệm là một trong những giải pháp để giáo viên thoát được tình trạng “dạy chay” và học sinh không phải “thuộc vẹt”!
Tuy nhiên, có một “hiệu ứng cộng hưởng” là khi hướng dẫn học sinh trải nghiệm, cũng chính là cơ hội để giáo viên “kết nối” được kiến thức với đời sống. Khi hướng dẫn học trò trải nghiệm cũng là khi thầy, cô giáo tự “cập nhật” cho giáo án của chính mình.
Nguồn Văn nghệ số 10/2020