Bố tôi dùng đá kè hai bên bờ suối để khỏi lở vườn. Để dẫn nước suối vào ao, bố đắp một con đập nhỏ. Nước dâng lên ở đấy rồi chảy vào ao lớn, rồi chảy sang ao nhỏ. Tất cả mọi thứ đều liên hoàn, vừa vặn, yên bình, kể cả mùa lũ về.
Tôi thích con suối ấy vô cùng. Nó thực ra bị bỏ quên trong vườn. Vườn trồng đầy cam, quýt, chanh, ổi, chuối… Ai cũng nhớ đến cây, chăm cây, làm cỏ bón phân, chẳng ai nhớ đến nó
|
Con suối nhỏ, sâu quá đầu người lớn. Ở một vài đoạn nó phình ra, ăn vào lòng núi. Tôi hay tắm ở con đập. Tắm trộm, chứ mẹ tôi cấm. Mẹ tôi bảo trong nước suối có rất nhiều con tục tặc. Tuyệt đối không được uống, cũng không được tắm. Nó mà chui vào mắt, mũi, tai thì nó sẽ sống ở đó. Hút máu để sống. Tới lúc to như con đỉa trâu thì phải đi bệnh viện để bác sĩ mổ toang hoang gắp ra. Tôi cũng sợ, nhưng vẫn trốn mẹ, tắm suối vào những buổi trưa hè.
Trời nắng, ve kêu điếc cả tai, trời cao xanh biếc trên đầu. Tôi gần như nấp kín dưới những bụi thài lài dài ngoằng lòa xòa hai bên bờ suối. Tôi có thể dầm mình, đập chân bì bõm trong vũng nước mát lạnh, trong vắt dâng lên chỗ cái đập nhỏ.
Tắm suối và câu cá trèo đồi, đấy là hai việc thú vị nhất mà tôi luôn làm một mình. Suối rất nhiều cá. Ở những hốc đá nhỏ, lấp xấp mặt nước, bên dưới những xùm xòa của thài lài và dương xỉ, luôn có một vài con trèo đồi nằm im thin thít. Trèo đồi giống cá quả, giống hệt, nhưng bé hơn. Con to nhất cũng chỉ bằng chuôi dao. Gọi là trèo đồi là bởi vì nếu đặt nó nằm trên mặt đất, chỉ nhoáng cái là nó đã bò đi mất, trốn vào một bụi cỏ nào đó, chờ thời cơ tìm đường quay lại suối. Nó bò theo kiểu lắc lắc quẫy quẫy trên cạn. Chỉ lắc với quẫy thôi mà nó cũng di chuyển được. Trèo đồi có thể sống rất lâu mà chả cần nước.
Câu trèo đồi không khó. Bắt một con cào cào, móc vào đầu lưỡi câu. Thả con cào cào xuống mặt nước, chỉ trên mặt nước mà thôi. Rung rung cái cần câu sao cho trông con cào cào y hệt như đang còn sống và nhảy nhót trên mặt nước. Không có trèo đồi thì thôi, có thì đảm bảo không một con nào không bị lừa. Trèo đồi nhanh lắm. Thoắt cái đã lao ra, đớp lấy con cào cào chết mà như sống. Giật cần lên là được một con. Câu được trèo đồi rồi phải kiếm một cọng cỏ xâu qua mang, treo lên cành cây.
Tôi có thể bỏ cả buổi trưa để câu trèo đồi. Cứ tha thẩn dọc bờ suối, chọn những nơi có bóng râm và có hang đá nghi trèo đồi nấp dưới đó, thong thả gạt cỏ kiếm một chỗ ngồi thật êm, thật mát. Có trưa câu được cả chục con. Chiều về rán giòn, rim với nước mắm. Cái loại nước mắm gì đấy đen thui, khét lẹt, khói bốc tới đâu khét mù tới đó, nhưng rim đến xém xém thì chuyển sang thơm tới nỗi nước miếng có thể túa ra. Cũng có trưa chẳng được con nào. Bọn trèo đồi thỉnh thoảng rủ nhau đi chơi đâu hết. Có lẽ là ra tận cuối dòng, chỗ gần gặp con sông. Không được cũng chẳng sao. Vì câu mới là việc chính, được cá hay không là việc phụ. Ngồi ở đó, trên bờ suối, nghe nước róc rách chảy, nghe gió lào xào lay những tán lá, chim chào mào loạch xoạch chuyền cành ngay trên đầu, và lẩn thẩn nghĩ đủ mọi thứ.
Đôi khi tôi đi ngược con suối vào trong chân núi. Vườn nhà chỗ con suối chảy qua được ngăn bằng hàng rào cây vầu. Chỉ cần cúi người, lách qua lỗ hổng là có thể chui ra ngoài. Ở bên ngoài ấy, suối nông rộng hơn rất nhiều. Nước chảy lấp lánh trên những viên đá cuội màu đỏ và vàng. Kì lạ là ở đấy, tất cả mọi viên cuội đều có màu. Bố tôi gọi đấy là đá mềm. Nó mềm tới nỗi dùng móng tay để cấu cũng ra được một mẩu. Đá đấy chẳng dùng được vào việc gì, dù là kè bờ suối hay mài dao. Nhưng chúng tuyệt đẹp. Tất thảy đều tròn trĩnh, nhẵn nhụi với những đường vân hoàn hảo. Dòng nước chảy qua ngày ngày tháng tháng năm năm, tưởng như có thể bào mòn tới mức chúng mỏng vẹt đi hết. Và quả thực có những viên cuội mỏng vẹt thật, nhưng chỉ một cơn mưa lớn ào đến là sáng hôm sau lòng suối lại đầy những viên cuội tròn. Nước đã cuốn chúng trôi về đấy từ trong lòng núi.
Ngoài đấy, bên bờ đoạn suối màu sắc rực rỡ, có một bụi bạch yến. Ngày xưa, một gia đình người Tày đã làm nhà ở ngay bên bờ đoạn suối ấy. Họ ở năm bảy năm, sinh hai đứa con, rồi lại dọn đi. Và bụi bạch yến này, không phải nó tự mọc. Nó đã được người vợ rất đẹp trồng xuống. Tôi không nhớ lắm, nhưng hình như đứa bé trai nhà ấy tên là Bình. Và cả làng gọi đấy là nhà Bình. Bố Bình, mẹ Bình.
Bụi bạch yến thỉnh thoảng ra hoa. Đúng là nó nở hoa. Những bông hoa nở thành chùm. Những cái cánh trắng như không thể trắng hơn, chồi lên từ bụi cây đầy bùn. Và nó thơm như thể không cho loài hoa nào được toả hương nữa. Nó cứ thơm một mình như thế trong khi người trồng nó đã bỏ đi. Ngôi nhà sàn khi xưa ríu rít tiếng trẻ con, tiếng lợn ụt ịt mỗi buổi chiều tà, tiếng gà cục tác… Tất cả đã biến mất, còn lại đúng cái nền nhà cũ. Trên đó, chỏng chơ một cái máng lợn bằng gỗ sứt mẻ.
Tôi không biết bằng cách nào đó mà bọn cá trèo đồi đã được sinh ra. Trong khe núi, nơi bắt nguồn con suối này không bao giờ có trèo đồi mà chỉ có cua đá bò lổm ngổm. Trèo đồi không chịu được lạnh. Mà trong khe núi thì ngay cả mùa hè cũng rất lạnh. Nó cũng không sống được ngoài sông Lô. Chỉ có đúng một đoạn suối chảy qua vườn nhà tôi là có trèo đồi. Vậy thì, chúng được sinh ra từ đâu?
Cái đoạn suối không dài mấy mà rất thanh bình ấy còn là nơi qua lại, trú ngụ, tá túc của rất nhiều loài chứ không chỉ trèo đồi. Có vài con rắn nước, vài con bìm bịp, và hai con cò. Ban ngày bìm bịp ngủ và cò thì bay đi. Xẩm tối bìm bịp lò dò ra khỏi tổ còn cò thì bay về. Trong ánh chiều nhập nhoạng, rừng từ xanh lá chuyển sang xanh lam, rồi thẫm hơn nữa, tiếng bìm bịp cất lên, cánh cò trắng mềm mại liệng xuống. Con suối nhỏ bỗng chốc trở thành một ngôi nhà.
Gió lay phay thổi từ trong khe núi ra. Và những ngọn khói bắt đầu vẩn vơ bay lên từ các căn bếp trong làng...