Ông Trần Hữu Thế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên chia sẻ về những nỗ lực đưa hơn 18 ngàn người từ TP.HCM về lại Phú Yên trong đợt dịch vừa qua.
Tham dự chương trình khai mạc, về phía Hội Nhà văn TP.HCM có gần 30 nhà văn nhà thơ (trong đó có 6/10 ủy viên Ban chấp hành). Phía Phú Yên có ông Trần Hữu Thế, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên; ông Nguyễn Thành Quang, nguyên Bí Thư tỉnh Phú Yên; GS –TS, nhà văn Trình Quang Phú, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phương Đông, Chủ tịch Hội đồng hương Phú Yên; nhà thơ Bùi Văn Thành, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên; nhà văn Huỳnh Thạch Thảo, Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Phú Yên cùng nhiều văn nghệ sĩ Phú Yên; Anh hùng Thuyền trưởng Tàu không số Hồ Đắc Thạnh; Thạc sĩ Huỳnh Thị Kim Hương, TGĐ Công ty Cổ phần xây dựng Du lịch Sao Việt, chủ nhân Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Đồi Thơm...
Nhà văn Bích Ngân phát biểu tại lễ khai mạc
Nhà văn Trầm Hương - PCT HNV TP.HCM giới thiệu về đoàn nhà văn.
Theo nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, Hội nhà văn TP.HCM cũng như nhiều Hội văn học nghệ thuật khác của cả nước, việc mở trại sáng tác văn học là việc làm bình thường trong nhiều hoạt động thường niên của một hội nghề nghiệp, nhằm gặp gỡ, trò chuyện tâm tình, cảm thông, xóa dần sự cách biệt, nhích lại gần nhau và nhất là bàn bạc tranh luận về nghề, gợi mở ý tưởng, kích thích sự sáng tạo và nỗ lực để cùng gặp gỡ nhau nơi những trang viết hướng tới giá trị Chân - Thiện - Mỹ.
Nhà văn, GS-TS Trình Quang Phú hy vọng vùng đất Phú Yên
sẽ là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho các nhà văn nhà thơ
Nhà thơ Bùi Văn Thành, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên đọc thơ tại chương trình.
Nhà văn Huỳnh Thạch Thảo (bên trái).
Tuy nhiên, đại dịch lần thứ 4 bùng phát cùng với những đau thương mất mát quá đỗi nặng nề, việc Hội nhà văn TP.HCM mở trại viết năm nay đã không còn bình thường. “Không bình thường, là những chấn thương từ đại dịch nơi mỗi người vẫn còn hằn những vết cắt đớn đau (riêng Hội nhà văn TP.HCM đã mất đi 3 nhà văn vì nhiễm Covid-19, hơn 20 hội viên nhiễm Covid-19 đã và đang chống chọi trước sức tàn phá của virus Corona. Và đa số các nhà văn có mặt ở đây, đều trải qua cái cảm giác được sống sót sau gần 5 tháng chống chọi và vượt qua dịch bệnh”, nhà văn Bích Ngân chia sẻ.
Cũng theo nhà văn Bích Ngân, từ cái cảm giác không bình thường đó, Ban thường vụ, Ban chấp hành Hội nhà văn TP.HCM quyết tâm đưa đoàn đến Phú Yên mở trại ngay sau khi đại dịch vừa giãn ra, thành phố khép lại phương thức tránh dịch “ai ở đâu, ở yên đó”, với những lý do cũng hết sức đặc biệt, đó chính là sự quan tâm hỗ trợ một phần kinh phí của Công ty cổ phần xây dựng du lịch Sao Việt để đoàn nhà văn có điều kiện được lưu lại khu nghĩ dưỡng sinh thái làm việc.
Bên cạnh đó, một lý do lớn lao hơn khiến đoàn quyết định lựa chọn Phú Yên làm điểm đến mở trại sáng tác lần này - nơi không chỉ được biết đến là vùng đất “hoa vàng cỏ xanh” mà còn là một vùng đất nghĩa tình. Cụ thể, trong đỉnh dịch kinh hoàng vừa qua tại TP.HCM, lãnh đạo tỉnh Phú Yên đã cùng các ban ngành, các hội đoàn, các doanh nghiệp làm nên một kỳ tích - là đưa hơn 18 ngàn người từ tâm dịch về lại Phú Yên, quê hương mình.
“Sự kiện đón người về quê hương Phú Yên mau chóng tràn ngập trên các phương tiện truyền thông và trở thành một biểu tượng đẹp, một biểu tượng của TÌNH NGƯỜI, của TRÁCH NHIỆM, của lòng NGHĨA NHÂN”, nhà văn Bích Ngân nhấn mạnh.
Tại buổi khai mạc, ông Trần Hữu Thế, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên, chân tình chia sẻ: “Chúng tôi đã chưa tạo được điều kiện cho người dân có công ăn việc làm tại địa phương khiến họ phải xa xứ để mưu sinh. Khi dịch bệnh bùng phát dữ dội tại thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương…đe dọa tính mệnh, nguyện vọng của người lao động dân Phú Yên là được trở về quê hương, đó là nguyện vọng chính đáng. Dù đây là việc làm chưa có tiền lệ, chưa có kinh nghiệm, nhưng chúng tôi đã huy động cả một hệ thống chính trị vào cuộc với sự hiệp lực của người dân, đặc biệt là sự hỗ trợ tích cực từ các cấp chính quyền của thành phố Hồ Chí Minh…”
Phát biểu tại lễ khai mạc, nhà văn, GS-TS Trình Quang Phú, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phương Đông, bày tỏ: “Chúng tôi hy vọng nơi đất Phú trời Yên này sẽ là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho các nhà văn nhà thơ. Chúng tôi cũng hy vọng rằng Trại sáng tác văn học năm sẽ góp phần tạo thêm sinh khí với Phú Yên trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch”.
Chương trình khai mạc diễn ra trong không khí nhỏ gọn, thân tình và ấm cúng. Đan xen giữa các tiết mục văn nghệ, đọc thơ của các hội viên Hội Nhà văn TP.HCM là tiết mục văn nghệ, đọc thơ của một số văn nghệ sĩ chủ nhà.
Nhà thơ, nhà báo Trần Thế Tuyển đọc bài thơ mới viết về Phú Yên
Con gái nhà văn Võ Thu Hương là bé Phạm Nguyên Thảo gây thích thú khi biểu diễn hai ca khúc nhạc Nga.
Các văn nghệ sĩ của TP.HCM và Phú Yên cùng chụp hình lưu niệm
Trước đó, trưa ngày 5/11, khi đoàn nhà văn thành phố Hồ Chí Minh vừa đặt chân tới Phú Yên, ông Phạm Đại Dương, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên đã gởi quà tặng và chúc đoàn có chuyến sáng tác tại Phú Yên hiệu quả; vào ngày 6/11, đoàn đã về thăm căn cứ cách mạng và dâng hương Bác Hồ tại Đền thờ Bác Hồ ở Cao nguyên Vân Hòa, thăm và trồng cây ở công trình Trúc Lâm Thiền Viện.
Bí thư Tỉnh ủy Phạm Đại Dương gởi quà tặng đoàn nhà văn Tp,HCM khi đoàn vừa đặt chân đến Phú Yên
Đoàn trồng cây tại công trình xây dựng Trúc Lâm Thiền viện tại Phú Yên
Các văn nghệ sĩ của TP.HCM và Phú Yên cùng chụp hình lưu niệm trước Đền thờ Bác Hồ (Đền thờ được thành lập sau khi nhân dân Phú Yên được tin Bác mất, 1969).
Yên Lan
Nguồn vanchuongthanhphohochiminh.vn